Pháp tu của bất cứ tôn giáo nào đại loại cũng chia ra làm hai giai đoạn: tiêu cực và tích cực.
Trước tiên người tu phải lánh trần tìm nơi tĩnh mịch, hoang vắng hầu tham thiền suy tưởng đến những nguyên lý hữu hình cũng như siêu hình của vũ trụ và cuộc nhân sinh để tìm ra lẽ đạo của trời đất. Họ thường hay hãm mình, ép xác, tu sửa bản thân và thực hiện nhiều phương cách tu tập cầu kỳ, khó khăn. Có khi như có vẽ đày đọa xác thân, hoặc một cách nào đó mà người thế trông như có vẽ điên khùng để mong tìm cứu cánh của sự giác ngộ. Đó là giai đoạn xuất thế mà người tu phải trải qua trong giai đoạn học đạo và tu đạo và thường có tâm trạng tiêu cực, phủ nhận các thực thể của đời sống hiện tại; đó là lúc mà có thiền sư đã nói: “Sông không còn phải là sông, núi không còn là núi.”
Trong cái thái độ thái quá phủ nhận và vượt khỏi hiện thực để mong cầu trạng thái niết-bàn, thiên đàng, giải thoát… Tu sĩ đã lần hồi thấy được, hiểu được Đạo không phải ở trong sự phủ nhận thế giới này và kiếp nhân sinh, không phải ở trong sự tu đày đọa thể xác để tìm ra giá trị tinh thần, không phải ở trong cái thiện để phủ nhận cái bất thiện, không phải là hoa sen thơm ở ngoài cái đầm bùn. Trong sự phân biệt nhị nguyên của lý luận nông cạn lúc ban đầu, họ đã thấy được ánh sáng rõ ràng của đời sống sẽ tiếp diễn ở bên kia cõi tử, họ đã liễu ngộ được sự an lạc trong những cơn xuất thần, trong những giờ đại định, họ đã từng ghé chân đến thiên đàng, niết-bàn trong những cơn định sâu; Họ đã chính mắt thấy được lẽ huyền diệu của Đạo bằng trực giác; họ đã trực diện với đời sống tâm linh một cách thiết thực và rõ ràng… Cái mà con người gọi họ là kẽ đắc đạo và đạt đạo và mệnh danh họ bằng nhiều danh từ khác nhau: Thánh, A-la-hán, Phật v.v…
Trong sự liễu đạt các thực chứng đó, họ đã an tâm và không còn lo sợ cái chết là chấm dứt cuộc hành trình của họ. Họ không còn quá nhiều lo lắng để đắm mình trong sự ngốc ngếch lo âu của đời sống quay cuồng, động loạn của kiếp nhân sinh ngắn ngủi. Họ an tịnh bước vào giữa dòng đời, sinh sống, truyền đạt những gì họ đã giác ngộ, chấp nhận những biến thiên của kiếp sống, sống như mọi người mà không bị vọng động, lo âu, sợ hãi, ngu muội như con người. Họ cũng buồn, vui, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt nhưng khoáng đạt và giải thoát vì họ đã qua khỏi cảnh sống chết này từ lúc họ thực chứng được cái mà các tôn giáo hằng gọi là niết-bàn. Họ đã trở về với thế gian sau thời gian lánh tục. Họ đã lại nhập thế để làm ích lợi cho thế gian. Đó chính là cái ý nghĩa mà ta gọi là “xuống núi” hay cái trạng thái mà thiền sư đã gọi “núi vẫn là núi, và sông vẫn là sông”, đạt đạo nhưng không chối bỏ đời mà làm ích lợi cho đời, không làm theo tư dục mà làm theo thiên ý. Đó cũng còn gọi là giai đoạn tích cực hay Đại thừa của người hành đạo thể hiện các chơn lý của nhà Phật: “Phiền não là gốc của Bồ-đề”, “Sanh tử tức là Niết-bàn” và “Phật pháp bất ly thế gian pháp” một cách trọn vẹn nhất.
Bookmarks