Để giải thích về ý nghĩa ‘’lễ Quán Đảnh’’, chúng ta hãy đọc lời bình luận ngắn gọn của Đức Đạt Lai Lạt Ma sau đây:
“Để khởi đầu, bổn tánh của chúng ta – còn gọi là “Phật tánh”, hay là tathagatagarbha là chân tánh của tâm thức của chúng ta – luôn luôn hiện diện một cách tự nhiên và cố hữu trong chúng ta. Cái tâm thức của chúng ta đã vận hành từ thời vô thỉ, thì cái bổn tánh vi tế nhất của tâm thức ấy cũng đã có từ thời vô thỉ. Nhờ cái nền tảng của dòng tương tục của tâm vi tế này mà chúng ta có khả năng đạt đến Giác Ngộ. Tiềm năng này được gọi là chủng tử giác ngộ, là Phật tánh, là tánh giác căn bản, từ ngữ Phạn gọi là tathagatagarbha. Chúng ta ai cũng có Phật tánh này, mỗi người chúng ta đều có cả. Khi ta đảnh lễ hình ảnh của Đức Phật, chúng ta cung kính một vị đã tự mình đạt đến Phật quả. Đức Phật đã đạt Giác Ngộ vì chân tánh của Ngài là vị Phật đã sẵn có. Chúng ta cũng có cái chân tánh này và cũng y như là đức Phật đã đạt giác ngộ trong quá khứ, chúng ta cũng có thể trở thành Phật trong tương lai.
Ngày nào đó, khi chúng ta đạt Giác Ngộ, dòng tâm tương tục vi tế của tâm thức sẽ giác ngộ vào trong trạng thái nhất thiết trí, Phạn ngữ gọi là pháp thân (dharmakaya). Bản tánh của tâm thức ở trong trạng thái này gọi là tự tánh thân (svabhavikakaya). Sự kiện tâm thức đó hoàn toàn thanh tịnh tự bổn tánh chính là một trong những đặc điểm của tự tánh thân svabhavikakaya, tâm này thanh tịnh hoàn toàn và tự nhiên. Một sự kiện khác, các si mê phiền não bất chợt đều hoàn toàn tiêu trừ và không còn che mờ chân tánh của tâm thức, cũng là một đặc điểm khác của tự tánh thân (svabhavikakaya): đã thanh tịnh hóa tất cả mọi si mê chướng ngại bất chợt.
Chắc chắn là tiềm năng này đã có sẵn trong mọi chúng ta, cho phép chúng ta đạt giác ngộ vào trong Phật tánh và đạt đến nhất thiết trí. Tiến trình thọ lễ quán đảnh, hay là thọ lễ wang, giúp ta khai thác tiềm năng này, có thể nói như thế, và làm cho tiềm năng này có thể hoạt động trọn vẹn hơn trong ta. Khi thọ lễ quán đảnh, chính cái bổn tánh của tâm thức chúng ta, là Phật tánh, cho phép lễ quán đảnh làm cho trở thành chín mùi. Nhờ thọ lễ quán đảnh để ban truyền quyền năng, chúng ta được điểm đạo nhập vào trong tinh tuý của chư Phật trong Ngũ Bộ Phật … ‘’
Trong Mật tông có một cách tu đặc biệt đó là Tâm truyền Tâm giữa thầy và trò. Tâm (chưa giác ngộ) của người đệ tử được Tâm giác ngộ của Thầy gột rửa. Lễ “Quán đảnh” là lần gặp gỡ đầu tiên giữa Tâm thầy và Tâm của trò. Đó cũng chính là một phần của chữ “Mật” trong phép tu này (Không dùng lời nói và chữ viết).
(Tham khảo: Với một số phép tu của Đạo Giáo, điểm đạo với mục đích đả thông các điểm khóa trên kinh mạch để kết nối Người-Tiên thì việc tu tập mới tiến triển nhanh được)
Tóm lại nhân Tu có sẵn trong mỗi người nhưng thường bị “khóa”. Để mở khóa này cần có một người thầy khai mở và đó là mục đích của lễ “Quán Đảnh” hay “Điểm Đạo”
Do vậy việc chọn Thầy điểm đạo cho mình là rất quan trọng. Nếu Thầy là người chưa đạt “Giác Ngộ” thì kết quả của lễ “Quán đảnh” chỉ hoàn toàn mang ý nghĩa tâm lý mà thôi.
Mật tông Tây tạng có điểm giống Thiền tông đó là đời đời Ấn chứng truyền tâm Ấn.
Mật tông Tây tạng truyền thừa rất nghiêm mật không phải bất cứ ai cũng có thể truyền pháp quán đảnh mà chi có những vị đã được Giác Ngộ thì mới được truyền pháp quán đảnh.
Thêm một thông tin nữa đáng lưu ý: Một số lĩnh vực huyền bí như Thầy Pháp (Thầy cúng, trừ tà) sử dụng kết hợp rất nhiều kiến thức của Mật Tông để nhanh chóng đạt được “thần thông” nhưng họ không bao giờ đạt được “giác ngộ” thực sự như Phật pháp Mật tông.

Còn về câu hỏi của bạn tại sao không thấy nói lễ Quán đảnh trong kinh sách thì do vì bạn đọc các kinh sách du nhập qua đường Ấn Độ -> Trung Quốc -> Việt nam. Còn Mật tông phát triển mạnh theo đường Ấn Độ -> Tây tạng -> Mông Cổ -> Nêpan. Và bạn nên nhớ kinh sách chỉ là sản phẩm của những người sau viết lại lời dạy của Đức Phật, Thiền và Mật tông thiên về thực hành không chú trọng lắm vào kinh sách. Kinh sách chỉ là hướng dẫn cách thực hành mà thôi.