Kiểu đất HUYNH ĐỆ ĐỒNG KHOA
Anne Nguyễn


" Đông Kim có mả cao sang,
Đồng khoa huynh đệ vẻ vang một nhà.
Tiếc cho tay Hổ vòng qua,
Dâm bôn gây nạn, trăm hoa điên cuồng " !


Những bà con ở vùng Thường Tín, Vân Đình, Phú Xuyên, Thanh Trì (tỉnh Hà Đông ) hẳn không mấy ai không biết họ Cừ, một dòng họ liên tiếp có người làm quan to, đã được bốn đời.

Điểm đặc biệt được mọi người lưu ý hơn hết là trong số những người làm quan to họ Cừ, đời nào cũng có hai anh em thuộc hai chi trên dưới cùng đậu cao, cùng làm lớn ngang nhau, nếu anh đổ tiến sĩ, thì em cũng phải đậu phó bảng hay Thám Hoa, anh giữ chức Thượng Thư, thì em cũng ngồi trên ghế

Tổng Đốc, Tuần Phủ ?

Đến đây, chúng tôi tưởng cần nói thêm : hiện thời con cháu trong họ này, hiện có mặt khá nhiều ở miền Nam, và vẫn còn hưởng thụ sự kết phát như ông cha thuở trước, nên muốn tránh những điều hiểu lầm đáng tiếc, chúng tôi tưởng nên đổi lại danh tánh các nhân vật se được đề cập trong thiên sưu tầm biên khảo này, mặc dầu đây là những tài liệu xác thật trăm phần trăm mà bất cứ ai ở Hà Đông, cũng còn nhớ rõ.

" Đông Kim có mả cao sang,
Đồng khoa huynh đệ vẻ vang một nhà.
Tiếc cho tay Hổ vòng qua,
Dâm bôn gây nạn, trăm hoa điên cuồng " !

NẠN "NẶC NÔ" VỚI LỐI ĐÒI NỢ QUÁI GỞ !

Làng K.H. phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông nằm vào giữa khoảng con đường hàng tỉnh nối liền bờ đê sông Hồng Hà với quốc lộ số 1, vốn là một làng không lấy gì làm trù phú cho lắm, với môt số dân định chừng trên bốn trăm người có thẻ thuế thân (từ 18 trở lên).

Dân làng hầu hết đều sống về nông nghiệp. Một thiểu số không đáng kể, làm nghề buôn báb trâu bò, gà heo. Trong làng từ trước không có một công nghệ chi, nên dân chúng chỉ gồm toàn là những gia đình trung tiểu nông mà phần lớn phải vất vả đi cày thuê, cấy mướn, mới kiếm được đủ cơm ăn, áo mặc hàng ngày.

Họ Cừ chiếm tới hai phần ba nhân số trong làng, được chia ra làm nhiều chi khác nhau : Chi Giáp, chi Ất, chi Bính, chi Đinh.

Chi Giáp của họ Cừ gồm toàn những Hương Lý, Kỳ hào, nghĩa là những người có máu mặt hơn hết tất cả ở trong làng.

Hai chi Bính, Đinh cũng bình thường. Duy có chi Ất là nghèo khổ : người trong chi này quanh năm, suốt tháng chỉ biết gồng thuê, gánh mướn, chân lấm, tay bùn, vất vả, gian nan lắm, mới trả xong được món nợ hình hài cơm áo !

Hàng ngày vì phải vật lộn gay go, cùng sanh kế, nên người trong chi Ất của họ Cừ cam chịu phận đàn em, lép vế, không dám tranh dành ngôi thứ, chức vị chi với những bà con đồng tông trong chi Giáp !

Vã lại, tiền bạc đâu để lo liệu khi mà một góc chiếu ngồi ở chốn đình trung, có thể được trị giá bằng cả một sản nghiệp đại phú gia : nhà ngói, cây mít, ruộng cấy, trâu cày, thóc lúa đầy kho, bạc vàng chật tủ ?

Biết rõ phận mình, những người trong chi Ất họ Cừ chỉ biết cặm cụi làm ăn, chăm lo bổn phận cùng đinh, để khõi mang lụy vào thân, vì nếu không may phạm vào lệ làng, thì với kiếp nghèo hèn, thấp cổ bé miệng, họ còn biết kêu oan vào đâu cho được ?

Ông Xã Thuật trưởng chi Ất dòng họ Cừ, vốn là một nông dân chất phác, nhưng nghèo khổ, túng thiếu quá, nhất là sau khi lấy vợ, sanh hạ được hai đứa con trai, cái gia đình bé nhỏ này, lại càng lâm vào cảnh thiếu trước, hụt sau, phải vay công lãnh nợ, sống lần hồi, bằng cách giặt gấu, vá vai cho qua ngày, đoạn tháng !

Nhưng chỉ tới vụ mùa năm ấy, thấy ông Xã không chịu trả nợ, mấy nhà phú hộ chủ nợ, liền hối thúc và thuê "nặc nô" đến xách nhiểu, rất cơ cực, tàn ác, bằng đủ mọi phương pháp thâm hiểm, trắng trợn đến cùng độ.

Trong thời phong kiến, bất cứ ở địa phương nào, nhất là ở những tỉnh thành, phủ huyện lỵ, thường có một bọn du thủ du thực, gồm cả nam lẫn nữ, trạc tuổi từ mười tám, đến năm mươi, không cứ phải to lớn, khỏe mạnh, mà chỉ cần lỳ lợm, chây lưỡi, thô bĩ, tàn bạo, nếu biết thêm chút ít quyền cước, võ nghệ, thì càng tốt, để làm nghề " đòi nợ mướn " cho những người giàu có, chuyên môn cho vay lãi " một vốn bốn lời " !

ÁC BÁ CƯỜNG HÀO SAU LŨY TRE XANH

Những nhà phú hộ, tiền nhiều, bạc lắm, lại có máu tham lam chảy trong huyết quản, không bao giờ chịu để cho mớ vàng bạc nằm yên, không sinh sôi nẩy nỡ, ở trong các rương, tráp, năm bảy lần then khóa kỹ càng, mà luôn luôn tìm cách sanh lợi, làm cho tiền bạc sanh đẻ mỗi ngày một nhiều hơn, bằng cách mua rẻ bán đắt những ruông vườn, nhà đất, mua thóc non, từ lúc cây lúa mới bén rễ trong ruông mạ, chờ đến khi lúa trổ bông, chín vàng, vừa được gặt về, phơi cho khô ráo xong xuôi đâu vào đấy, là chủ nợ cho gia nhân đến gánh về... trừ nợ !

Theo thời giá thuở bấy giờ, nếu mỗi phương thóc bán được năm quan tiền, thì với lối mua lúa non, lấy thóc gạo của các nhà phú hộ, họ chỉ phài trả mỗi phương chừng trên dưới một quan tiền !

Người nông dân nghèo túng, quanh năm sống theo lối giặt gấu vá vai, từ việc to đến việc nhỏ, từ giỗ tết, ma chay, cưới xin đến áo quần, thuốc men, đồ ăn, thức uống, nhất nhất cái gì cũng phải trông vào hạt lúa ngày mùa !

Vì vậy, trong thời gian tháng ba, ngày tám, bà con nông dân, dù không muốn cũng phải bất đắc dĩ phải đi vay non, vay già thóc ăn và tiền xài của những nhà phú hộ !

Thóc vay thì tính theo giá rẻ mạt gấp ba gấp bốn giá thị trường, nếu các nông dân muốn trả nợ số thóc vay khi trước bằng tiền.

Còn nếu trả bằng lúa gặt được, thì cứ mỗi phương lúa cho vay lúc tháng ba ngày tám, con nợ phải trả gấp ba, hay gấp bốn lần tùy theo sự điều đình " nhất vi tam " hay " nhất vi tứ " giữa đôi bên đương sự.

Còn tiền mặt, thì thôi, các chủ nợ tha hồ "cạo da" bọn người nghèo khó đến tận tủy, xương, phế phủ, khiến cho nhiều người bị mất cửa, mất nhà, ruộng vườn bị tịch thâu, vợ con phải lìa bỏ quê hương, dấn bước đau thương " tha phương cầu thực ", sau khi số nợ vay trước cứ sinh sôi nẩy nở, mẹ đẻ con, con đẻ cháu, để sau mỗi kỳ hạn, không thể thanh tóan trọn vẹn được cả vốn lẫn lời, con nợ lại bắt buộc phải ký giấy nhận vay số tiền mới, mà chủ nợ đã cẩn thận công chung cả tiền lời với tiền vốn vào với nhau thành một món nợ to hơn số tiền họ đã cho bà con vay lúc đầu gấp bội !

Cứ đà ấy tiến mãi, nên chỉ trong vài ba năm, một món nợ chừng năm bảy chục quan, chắng mấy chốc đã nhảy vọt lên tới mấy trăm quan, để " khi giải kết đến điều ", con nợ đành chỉ còn biết gán nhà, gán ruộng, bán đất, bán vườn cho chủ nợ, rồi bồng bế, giắt dìu vọ con đi nơi khác sinh sống cho đoạn tháng qua ngày.

Trước khi nhận lãnh kết quả đau thương, bi đát ấy, bà con mắc nợ còn phải chịu bao nỗi cực hình của bọn " nặc nô " do các nhà phú hộ mướn đến hành hạ, làm tình làm tội bà con mắc nợ, để hy vọng có thể đòi được đồng nào hay đồng ấy, vì có bao giờ họ chịu mất nợ đâu, khi các con nợ đã chịu ký giấy vay tiền, với sự đảm bảo của mấy bức văn tự ruộng vườn, mà chủ nợ đã nắm chắc trong tay từ lúc trao tiền cho con nợ !

Theo thông lệ thuở bấy giò, bọn nặc nô tuy không được lãnh tiền công, nhưng lại được chia một phần nhỏ, số tiền đòi được, nên vì vậy, lũ chó săn mới chẳng chút nương tay, cố dùng đủ mọi biện pháp trắng trợn, bạo ngược để bắt con nợ phải " lòi tiền " ra cho chúng !


NHƯNG ĐỜI NÀO CŨNG CÓ NGƯỜI ĐIÊN VÀ DÂM LOẠN

Chính kẻ viết thiên sưu tầm này, đã được chứng kiến một cảnh thương tâm do lũ nặc nô gây ra cho một người hàng xóm, bị thiếu nợ ba trăm quan tiền, cả vốn lẫn lời của Ông Lý Chín ở làng Giang Tảo (Tuy làng này ở huyện Thanh Trì, nhưng lại chỉ cách xa làng K.H. của họ Cừ có hơn 2 cây số )

Thảm cảnh từ trên năm mươi năm nay, dù bánh xe thơi gian, đã cuốn theo với bao nhiêu biến chuyễn thăng trầm, mỗi lúc nhớ tới, vẫn hiện ra trước mắt tôi với đầy đủ chi tiết đau thương như mới xãy ra chừng vài ba tháng vậy !

Hôm ấy, vào một buổi trưa hè oi bức, nhà bác Trương bỗng có một người đàn ông lạ mặt, từ ngoài ngõ từ từ đi vào, chẳng thèm chào hỏi ai, cứ tiến thẳng đến bộ ghế ngựa gổ, lại co chân ngồi xếp vòng tròn, kéo chiếc điếu lại gần, rít một hơi thuốc lào, đoạn ngửa cổ lên mái nhà, thở khói rất khoan khoái thản nhiên như chính hắn là chủ nhà vậy.

Bác Trương trai đi cày mướn vắng.
Bác Trương gái bận cho gà ăn ở phía vườn sau.

Thằng Cu Tý lên tám tuổi, đang lấy đất nện phác chơi ở giữa sân, thấy khách lạ vào nhà, định ra hỏi, nhưng thoáng nhận thấy vẻ lầm lỳ, nhất là cặp mắt đỏ ngầu, lúc nào cũng gườm gườm như muốn ăn tươi nuốt sống nó nên bất giác nó đâm ra sợ hãi, đứng ngây mặt nhìn sửng khách lạ, không dám hỏi han chi hết.

Nó đang lấm lét, nhìn mấy vết sẹo sâu hoắm trên ngực người đàn ông, mà chiếc áo cánh nâu năm thân, mở phanh cả hàng nút phía trước như trễ hẳn qua sau lưng làm nổi bật hẳn màu da đen sạm của hắn có lởm chởm một chòm lông phất phơ nằm ngay dưới ngực, thì một giọng ồ ồ... bỗng cất lên gay gắt, khiến nó giật mình ngơ ngác :

- Thằng kia ! Bố Mẹ mày đâu ? Muốn sống gọi ra đây ông bảo...

- Thằng Cu Tý hoảng sợ, mặt mày tái mét, hấp tấp chạy ra vườn, miệng gọi mẹ om sòm.

Bác Trương gái đang cho gà ăn, thấy Cu Tý gọi giật giọng, vội ngừng tay, ngoảnh vào trong nhà hỏi lớn :

- Cái gì đấy, cu Tý ? Có ai hỏi hay sao, mà mày hốt hoảng như thế, hở Cu ?

Thằng Tý vừa thở, vừa đưa tay áo lên quệt mồ hôi trán, lắp bắp trả lời :

- Có...có... ông nào vào nhà, đang ngồi hút... hút thuốc trên phản đấy bu ạ ! Trông sợ sợ là...

Bác Trương gái ngạc nhiên, vội ngừng tay, ngẩng đầu lên nhìn con :

- Ai vào mà mày lại không biết mặt thế, hở Cu ?

Thấy nét mặt ngây ngô, ngơ ngác của thằng Tý, bác vứt mạnh chiếc rỗ đựng ngô cho gà ăn, xuống sân, đưa tay vuốt nhanh mấy sợi tóc loà xòa trên trán, rồi tất tả đi thẳng vào trong nhà.

Bác nhăn mặt, nhíu mày, lắc đầu luôn mấy cái, kèm theo những tiến thở dài thườn thượt, khi thấy khách chính là tên "nặc nô" khét tiếng của ông Lý Chín ở làng Giang Tảo, một hung thần từng làm điêu đứng, nhục nhả nhiều con nợ quanh mấy vùng Thanh Trì, Thượng Phúc, đến nổi thiên hạ không một ai cần biết rõ tên hắn là gì, mà chỉ căn cứ vào giáng điệu hung bạo, tính nết hiểm độc của hắn, mà mệnh danh là... " chú Hắc sát ", vì chẳng những da mặt hắn đen thui, mà lúc nào cũng mang nặng... " sát khí đằng đằng " !

Tuy ngán ngẩm đến cực độ, bác Trương vẫn phải niềm nở chào hỏi :

- Kìa chú Hắc đến chơi bao giờ thế ?

Đoạn thiếm ngoảnh mặt xuống bếp gọi to :

- Cu Tý đâu ? Xách cho u ấm nước trà tươi lên đây, con !

Và quay qua phía khách, bác cố tình nhấn mạnh :

- Rõ không may, chẳng mấy khi được một hôm chú đến chơi, thì bố cháu lại đi vắng...

Tên nặc nô vẫn lầm lì, ngồi ngã người tựa lưng vào vách, lim dim cặp mắt xếch hung ác, lơ đảng nhìn ra sân, chậm rải lên tiếng :

- Ai rỗi hơi, rỗi sức mà chơi với bời ?

Bác ấy đi vắng, thì đọi bác ấy về chớ sao, Bác ấy có bán sới cái làng này đâu mà sợ ?

Đột nhiên, hắn ngồi ngay ngắn, sửa lại điệu bộ nghiêm chỉnh, vắt chân chữ ngũ một cách rất ngang tàng rồi đằng hắng một tiếng to, cất giọng oang oang như lệnh vỡ, hỏi giật giọng :

- Thế nào bác Trương ? Món tiền của ông Lý, tính đến tháng này, cả vốn lẫn lời là năm mươi tư quan chẳn ! Bác trả đi, để tôi còn về kẻo muộn !

Nói xong, hắn trợn mắt tròn xoe, nhìn chủ nhà trừng trừng, như sẳn sàng muốn ăn tươi, nuốt sống người mắc nợ.

Bác Trương gái giật bắn mình, ngơ ngác, vừa đưa tay áo lên quệt mồ hôi trên mặt, vừa hấp tấp hỏi vội :

Ấy chết ! Sao lại nhiều thế hở chú ? Bố cháu chỉ vay ông Lý có mười lăm quan, hồi tháng ba, dù có tíng cả lãi, cũng chẳng tới năm mươi tư quan đâu chú ạ ! Có lẽ chú nhầm lẫn thế nào đấy ?

Hắc sát gầm lên giận dữ.

- Hừ ! Nhầm lẫn ! Bộ nhà Bác muốn giởn mặt, định vỡ nợ đấy có phải không?

Vừa nói, hắn vừa đứng phắt dậy, sắn cao tay áo, để lộ ra những hình gươm, giáo xâm bằng chàm trên lớp da đen xạm, mắt gườm gườm, đỏ ngầu, răng nghiến vào nhau ken két...

Bác Trương sợ hải cuống quýt phân trần :

- Chúng tôi đâu dám thế ! Những lúc qua cầu, ngã ngựa, túng thiếu, cơ hàn, được ông Lý thương tình, cho vay đã là quý hóa lắm rồi ! Trọn đời chúng tôi lo báo đáp ơn sâu còn chẳng xong, có lẽ nào lại dám nghĩ truyện vô ân bạc ngãi ! Nếu chúng tôi có lòng dạ xấu xa ấy, thì Trời Phật nào còn cho chúng tôi mở mày, mở mặt ra được với thiên hạ nữa !

Đoạn chép miệng , bác nói thêm :

- Có điều, vừa hôm qua đây, bố cháu có nói cho tôi biết : là tháng trước mới viết lại văn tự, đem lãi cộng vào với gốc, trước sau nợ đúng ba chục quan, hẹn đến vụ mùa này sẽ trả hết, nên thấy chú tính năm mươi tư quan, tôi mới sốt ruột đấy chứ...

Tên nặc nô sừng sộ quát to :

- Nói dễ nghe quá nhỉ ! Bây giờ còn không trả được nữa là đến mùa, vốn lãi chồng chất lên nhau, thì nhà bác định bán cả đình làng đi để trả nợ à ?

Rõ thật là lý sự cùn ! Vay mười lăm quan từ " đời kiếp nghiệp lai " nào đến bây giờ, ông Lý mới đòi có năm mươi tư quan tiền mà cũng còn kêu ca, trì triệt ? Dễ thường các người chỉ muốn ăn không, khỏi phải trả vốn, trả lời gì mới là tử tế có phải không ?

Bác Trương đon đả, rót đầy bát nước trà tươi, hai tay đặt trước mặt khách :

- Mời chú sơi tạm bát nước trà tươi mới nấu ! Còn nợ nần bao nhiêu, bố cháu về, tôi nói lại, rồi sẽ ra tính toán với ông Lý sau...

Hắc sát đấm mạnh tay xuống phản, làm nước trong bát bắn tung toé ra chung quanh, quắc mắt hỏi sẳng :

- Thế nghĩa là bây giờ chưa có tiền ?

Bác Trương rụt rè :

- Vâng, trăm sự nhờ chú thương tình, liệu lời về thưa lại với ông Lý giúp cho cho vợ chồng tôi trong cơn túng ngặt này ! Thế nào, đến vụ mùa, bố cháu cũng xin tươm tất.

Tên nặc nô, vung mạnh cánh tay trước mặt chủ nhà gắt gỏng :

- Bác nói đến chó cũng chẳng nghe lọt tai, chứ đừng nói là cái thằng giang hồ, tứ chiếng đã từng đi ăn cơm hớt của khắp bốn phương trời nữa !

Tùy bác đấy, muốn làm thế nào cho có tiền để tôi về thì làm !... Mỗi chốc mà khất được sao ? Dễ thường kiến càng, kiến lữa chúng nó xúm nhau vào, tha tôi từ ngoài làng Giang Tảo vào đến đây, có phải thế không, hử bác Trương ?

Đoạn cười sằng sặc, một cách cực kỳ đểu cáng, hắn vỗ ngực nói tiếp :

- Cái thằng này, chưa hề chịu thua ai bao giờ nhé ! Nhất sanh làm người, ông chỉ biết có tiền ! Có tiền, thì vạn sự êm đẹp hết, mà nếu chỉ nói mồm xuông thì rồi sẽ biết tay ông ! Đầu râu phải múa, mà bà chúa cũng phải cười kìa... Con có hiểu không ?

Dứt lời, y nằm lăn kềnh ra giữa phản, gác một chân lên mép bàn thờ, rồi duổi thẳng cánh tay, đập chan chát xuống mặt phản :

- Ông truyền đời báo danh cho vợ chồng nhà mày, khôn hồn thì bảo nhau lo liệu tiền nong, để ông đi về cho sớm, chứ lúc ông ngũ dậy mà vẫn không có, thì lúc ấy, liệu hồn cả lò nhà mày đấy, biết chưa ?

Nói xong, y thản nhiên quay mặt vào vách, ngáy vang như sấm.