kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Báu vật của Vua Hàm Nghi

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #4

    Mặc định

    Ngôi làng gìn giữ bảo vật… bằng chuyền tay

    TP - Lịch sử làng kể lại rằng cuối thế kỷ 19 vua Hàm Nghi đã từng lưu lạc đến đây và hiện tại làng đang gìn giữ những bảo vật quý giá cùng nhiều truyền thuyết ly kỳ về vị vua yêu nước này. Hơn thế, nó còn được bảo vệ bằng cách khá đặc biệt: Chuyền tay nhau. Đó là làng Phú Hòa, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.


    Ngôi nhà gìn giữ bảo vật
    Thánh mẫu làng báo mộng cho Vua

    Xưa nay, sử sách rất ít nhắc đến việc vua Hàm Nghi từng đến Hà Tĩnh, lại càng ít bàn về tích Thánh mẫu làng báo mộng giúp Vua thoát khỏi cuộc vây bắt của giặc Pháp.Thế nhưng với người dân “miền sơn cước ngàn ngạt nước phù sa” này, thì đó là cả trang sử dài.

    Theo những cố lão của làng kể lại, thì vào năm 1885, Vua Hàm Nghi và cận thần đã đến ngôi làng này. Nhận thấy đây là vùng “địa linh nhân kiệt”, Vua đã quyết định xây thành kháng Pháp. Nhà Vua cử Tôn Thất Thuyết ra hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân đấu tranh.

    Cũng chính tại làng này, Vua đã có cuộc gặp gỡ nhà sĩ phu yêu nước Phan Đình Phùng. Hiện, đó là thành Sơn Phòng.Từ lâu trong làng thờ một vị Thánh mẫu, tương truyền đó là vị thần trời phái xuống giúp dân. Đền Thánh mẫu nằm cách thành Sơn Phòng chừng 800m và rất linh thiêng.

    Một đêm Vua nằm mộng thấy vị Thánh mẫu hiện lên và nói rằng: “Đất là của Vua, Vua ở đâu cũng được. Nhưng ta báo tin rằng, bọn bạch quỷ (chỉ giặc Pháp) sắp theo chân đến đây, nếu Vua ở lại thì sẽ sát dân, hãy mau định liệu”.

    Tỉnh mộng, Vua vội vã triệu họp quần thần làm lễ xuống đền tạ ơn. Nhằm ghi nhớ công ơn Thánh mẫu, Vua bèn phong tặng cho bà chức “Thượng thượng thượng đẳng tối linh tôn thần” (một chức sắc lớn của thần linh).

    Không những vậy, Vua còn dâng nhiều bảo vật để nhân dân thờ cúng bao gồm: Hai con voi vàng, 1 con voi đồng, 1 con nghê, 2 thanh bảo kiếm cùng với 8 bộ áo mũ triều thần.

    Ngay sau đó, theo lời báo mộng Vua cùng quần thần rút vào vùng rừng núi Quảng Bình tiếp tục chống Pháp. Làng lại như xưa và các bảo vật vua để lại được dân làng thay nhau bảo vệ.


    Di ảnh Vua Hàm Nghi cùng nhiều bảo vật giá trị
    Gìn giữ bảo vật theo... lệ làng

    Trải qua bao thời kỳ lịch sử, bao thế hệ đã đi qua, dân làng Phú Hòa vẫn bảo vệ nguyên vẹn các bảo vật quý giá. Và cách bảo vệ cũng hết sức đặc biệt: Đó là chuyền tay!

    Làng bầu ra người đứng đầu gọi là cố đạo, người trực tiếp bảo vệ cổ vật. Cố đạo trước hết phải là người làng, có tuổi, liêm khiết, cẩn thận, con cháu thảo hiền. Đặc biệt cả hai ông bà đều đang sống.

    Người giữ chức cố đạo không chỉ nhận được sự tín nhiệm từ phía dân làng mà phải được sự đồng ý từ các vị thần linh của làng. Làng bầu ra 3 người xứng đáng nhất sau đó tổ chức lễ Hạ Nguyên (xin keo). Mỗi năm tổ chức bầu Cố đạo một lần vào mồng 7 tháng Giêng, gọi là lễ Rước sắc.

    Nếu không tìm được Cố đạo mới thì Cố đạo cũ tiếp tục công việc và gọi là Nguyên lưu.Trường hợp tìm được Cố đạo mới thì Cố đạo cũ có trách nhiệm kèm cặp, hướng dẫn, cố vấn trong vòng 6 tháng. Đó là luật lệ do các cụ cao tuổi của làng ban ra, cứ như vậy không biết làng đã có bao nhiêu Cố đạo.

    Ai được bầu làm Cố đạo được xem là người đứng đầu làng, rất được người làng tôn trọng. “Làm Cố đạo trách nhiệm lớn lắm, không chỉ giữ gìn sự an toàn cho các bảo vật mà còn lo cho đời sống tinh thần của làng” - Cố đạo đương nhiệm Trần Văn Nhung tâm sự.

    Cố Nhung năm nay đã 80 tuổi và làm Cố đạo được 2 năm sau một lần Nguyên lưu, vẫn còn minh mẫn và chu đáo, cẩn thận. Cố đã từng là Thanh niên cứu quốc và được Nhà nước phong tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba.


    Cố đạo đương nhiệm Trần Văn Nhung
    Giá trị của các cổ vật là rất lớn, gồm: Hai con voi bằng vàng, 1 con nặng 27 đồng cân và một con nặng 17 đồng cân (mỗi đồng cân tương đương với 1 chỉ vàng).

    Kèm theo là con voi đồng và 2 thanh bảo kiếm cùng nhiều thứ giá trị khác. Để gìn giữ các bảo vật cho đến ngày hôm nay, làng đã trải qua bao nhiêu biến động thăng trầm và chỉ có cái tâm trong sáng của dân làng mới bảo vệ được.

    Lịch sử làng sẽ không bao giờ quên Cố đạo Phan Đình Giơn, người được xem là có thời gian gìn giữ bảo vật lâu nhất: 11 năm 6 tháng. Đó là vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Cố được dân làng tín nhiệm giao giữ chức Cố đạo.

    Nhà quá nghèo, nhiều lúc phải ăn trái mít xanh để sống qua ngày, nhưng Cố vẫn bảo vệ an toàn bảo vật dù nhiều kẻ hám lợi rủ rê đem bán. Trong suốt thời gian dài gìn giữ, Cố luôn hoàn thành dù không được đồng lương nào.

    Dân làng thương người cho củ khoai, củ sắn.Và rồi những cố Thể, cố Trự..., những người đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của làng về tấm lòng sắt son trong việc gìn giữ bảo vật.

    Làng không có lệ nào quy định trả công cho người gìn giữ bảo vật, mọi người đều vì cái tâm mà chung sức bảo vệ cho đến ngày hôm nay. Người Cố đạo dù nghèo đến mấy cũng quyết tâm bảo vệ bằng được bởi đó là vinh dự lớn lao.

    Cũng theo lệ làng, hàng năm các cụ cao tuổi tổ chức kiểm tra bảo vật nhằm gìn giữ một cách tốt nhất. Vào các ngày lễ tết, nhân dân khắp nơi đổ về thắp hương tưởng nhớ đến công ơn Thánh mẫu và tinh thần yêu nước của Vua Hàm Nghi. Ai cũng biết ơn và khâm phục công lao của toàn thể dân làng.

    Lệ làng và phép Vua cùng gìn giữ

    Việc bảo tồn bảo vật của các Cố đạo và nhân dân làng Phú Hòa lan truyền đi khắp nơi. Chính quyền xã chung tay bảo vệ cùng dân làng. Dù điều kiện kinh tế khó khăn, không có vốn ngân sách, thế nhưng một Ban quản lý di tích được thành lập.

    Dân làng đã tự nguyện đóng góp công sức và vật chất để bảo tồn. Mặt khác, chính quyền xã và làng Phú Hòa nhận được sự đóng góp từ các tấm lòng hảo tâm của nhân dân khắp nơi. Có những trường hợp như anh Nguyễn Thanh Bình –người con của làng hiện làm ăn ở TP HCM, đã ủng hộ làng tới 345 triệu đồng để góp phần gìn giữ bảo vật.

    Nhận thấy giá trị to lớn của các bảo vật, chính quyền xã đã làm hồ sơ chuyển lên cấp trên. Tháng 12/2001, thành Sơn Phòng, Miếu Trầm Lâm và Đền Cộng Đồng được công nhận là Quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia.

    Ông Lê Khắc Tính - Trưởng ban quản lý di tích, cho biết: “Đây là niềm tự hào của toàn thể dân làng. Công lao to lớn của họ đã được ghi nhận”. Từ đây các bảo vật được bảo vệ trong lòng dân và bảo đảm hết sức an toàn.

    Các Cố đạo trực tiếp bảo vệ tại nhà, bên cạnh đó có sự giúp đỡ của chính quyền. Hiện các ban ngành Trung ương đã về kiểm tra và đang nghiên cứu nhằm tìm ra các hóa chất để bảo vệ các bảo vật một cách tốt nhất.

    Trải qua hai cuộc kháng chiến cùng thời kỳ đất nước khó khăn, thế nhưng làng Phú Hòa vẫn gìn giữ bảo vật cho đến ngày hôm nay. Đó không chỉ đơn thuần là truyền thống của một ngôi làng, mà còn là cái duyên của làng đối với vị Vua yêu nước Hàm Nghi.Và làng Phú Hòa đáng được ghi nhận công lao trong việc bảo tồn các giá trị lịch sử.

    Hoàng Anh
    K27 – Báo chí, ĐHKH Huế
    Last edited by Bin571; 13-11-2007 at 11:06 AM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •