Nhà văn Nam Cao có năm người con. Chị Trần Thị Hồng là con cả. Sau chị còn bốn em, ba trai, một gái. Cô em gái chị qua đời khi chưa đầy hai tuổi. Nay còn lại bốn chị em.

Chị Hồng cất tiếng khóc chào đời ngày 20/9/1938 trong một gian buồng nhỏ của cụ nội ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, phủ Nam Sang, tỉnh Hà Nam. Sự ra đời của chị khiến cả nhà tràn ngập niềm vui, vì nhà văn Nam Cao lấy vợ đã năm năm mới sinh được một đứa con.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, bởi cuộc sống gia đình gieo neo, lam lũ. Mọi người trong gia đình phải lao động quần quật từ sáng sớm đến tận đêm khuya mới kiếm đủ miếng ăn. Bây giờ lại thêm một đứa bé, nghĩa là người mẹ của nó sẽ phải ngồi ôm con, cuộc sống càng trở nên khó khăn.

Nhưng cái điều làm mọi người phiền muộn nhất là con bé Hồng sinh ra không được như ý. Nó sài đẹn, nay ốm mai đau, hết đau bụng lại sưng phổi. Đặc biệt là cái chứng nôn mửa thì chưa từng thấy một đứa trẻ nào bị nặng đến thế. Nhà văn Nam Cao đã mô tả lại hiện tượng ấy trong một bức thư gửi bạn:

"…Đứa con lớn của tôi đau bụng, thổ từ đêm, nằm trên cái võng nhuộm nâu căng từ đầu nhà nọ đến đầu nhà kia… Dưới nó là một vũng bùn to tướng: nước nó thổ ra đã pha trộn với nền nhà lầm lên…".

Trong truyện ngắn "Trăng sáng", nhà văn Nam Cao cũng mô tả con gái nhân vật Điền từ nguyên mẫu cô con gái "dặt dẹo" của mình.

Sự ốm đau sài đẹn của Hồng cũng là căn nguyên của những bức xúc, xô xát của bố mẹ Hồng, xảy ra luôn luôn. Hiện tượng này đã được nhà văn Nam Cao đưa vào truyện ngắn "Nước mắt".

Hồng chẳng những hay ốm đau mà còn nhút nhát, chậm chạp và mau nước mắt nữa.

Trong truyện ngắn "Bài học quét nhà" Nam Cao gọi thẳng tên nhân vật như tên con gái ngoài đời:

"… Thật ra thì Hồng có ngủ đâu. Nó nghe thấy tất. Tự nhiên nước mắt nó ri rỉ chảy ra đầy má. Nó không dám chùi sợ thầy nó biết…".

"… Y len lén theo dõi trong một góc vườn, đứa con gái thơ thẩn giữa những cây chuối, cây xoan, cây bưởi… Nó có vẻ buồn bã hơn. Ba bốn lượt nước mắt nó rỏ xuống…".

"…Hồng phải mắng luôn luôn. Động một tí gì u cũng mắng. Nói một mình, mắng! Vấp ngã, mắng! Đi chậm, mắng! Bữa ăn không có thức ăn, ngả ngớn không ăn được, mắng… Như thế kể cũng còn đáng tội. Nhưng lại còn có những cái không phải tội Hồng. Như nhà bẩn, nhà lắm ruồi vào, con chó bới vườn trầu hay thằng Thiên ngã, thằng Thiên khóc… Hồng làm sao cho không thế được? Ấy vậy mà u cũng cứ Hồng mà mắng. Nhưng Hồng không dám khóc. Hồng chỉ cố tránh thầy, u, lẩn lút ra vườn chơi một mình…".

Khi đã lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, một đêm nhớ vợ con, nhà văn Nam Cao còn ghi vào nhật ký "Ở rừng" những lời bùi ngùi về cô con gái:

"… Khao khát được ôm chặt lấy thằng Thiên gầy còm. Ngoạm cái chân múp míp của thằng Thành đang chúi đầu vào vú mẹ. Vuốt ve mái tóc mềm của con Hồng. Nghĩ đến những lúc ở nhà mình mắng mỏ con Hồng, thương nó quá!".

- Còn nhỏ đã vậy, lớn lên cũng chẳng hơn gì - Chị Hồng kể - Nhiều người thường nhận xét tôi rất giống cha. Tiếc là không giống được những ưu điểm, những nét tài hoa của cha, mà toàn giống những nhược điểm thôi. Tôi đã chậm chạp lại có bề ngoài lành lạnh, giao tiếp kém nên chẳng mấy người muốn gần. Ấy là giống "Cái mặt không chơi được" (tên một truyện ngắn của Nam Cao - NV) của cha…

Nhưng mà nói đi thì cũng phải nói lại - Chị Hồng tiếp tục mạch chuyện - So với những đứa trẻ cùng làng thì tôi vẫn là kẻ hạnh phúc. Ngày đó cứ mỗi sáng chủ nhật, mẹ lại cho diện bộ quần áo trắng để đi lễ nhà thờ. Trong thánh đường tôi nhận được những ánh mắt ngưỡng mộ của những con chiên cùng lứa. Và nhất là việc tôi được đi học.

Hồi ấy ở quê tôi mà con gái được đi học tới cấp hai là rất hiếm. Người thầy đầu tiên dạy tôi là thầy Trần Đức Phấn - người mà cha tôi đã lấy làm mẫu để xây dựng nhân vật San trong tiểu thuyết "Sống mòn". Thầy Phấn yêu quý tôi như con ruột. Nhưng thầy nuông chiều tôi hơi quá. Chính điều ấy đã làm tôi học hành chểnh mảng. Tôi học thầy một năm mà chữ vào đầu chẳng được là bao.

Cha tôi thấy vậy, người dành ra một tháng kèm tôi ở nhà. Người bắt tôi học thật nghiêm túc, xây dựng nền nếp học hành cho tôi xong, mới tiếp tục cho đến trường. Lần đến trường này tôi được học cô giáo Phượng - người mà cha tôi xây dựng thành nhân vật Oanh trong "Sống mòn". Nhưng tôi mới học cô Phượng được vài tháng thì nạn đói năm 1945 xảy ra. Tiếp đến loạn lạc. Tôi đành phải bỏ học. Mãi đến năm 1953, sau khi cha tôi mất hai năm, tôi đã mười lăm tuổi, mới được mẹ cho đi học tiếp
- Chị bắt đầu cầm bút từ khi nào? - Tôi hỏi.

- Từ ngày tôi đang học phổ thông - Chị Hồng đáp - Một lần trong giờ ra chơi, thầy chủ nhiệm lớp biết tôi là con gái nhà văn Nam Cao, thầy đã gọi tôi lại, bảo: "Thầy rất yêu mến văn chương của cha em. Thầy mong em hãy rèn luyện để xứng đáng với cha mình…". Kể từ đấy thầy đặc biệt quan tâm đến tôi. Kết thúc năm học, thầy trò chia tay, thầy viết tặng tôi một bài thơ. Bây giờ tôi hãy còn nhớ một số câu:

… Hồng ơi thôi nhé, đừng buồn

Hết rồi chớp bể, mưa nguồn, chiến tranh…

Sau đó tôi được các thầy cô khác tiếp tục cổ vũ. Thế là tôi bắt đầu làm thơ. Ngày giỗ cha, tôi làm bài thơ về cha. Đọc truyện của cha thấy cảm xúc dâng trào, tôi lại làm thơ. Nhưng tôi không tin vào khả năng thơ ca của mình nên không quyết tâm theo đuổi. Sau này đi theo con đường kỹ thuật, khi là công nhân, khi là giáo viên, hàm thụ xong đại học công nghiệp… đôi khi nghĩ lại, tôi cứ thấy tiêng tiếc. Giá như tôi học được cái sự bền gan, quả cảm của cha tôi để đi theo con đường của người…

- Cuối cùng thì chị vẫn cầm bút - Tôi nói - dù có muộn mằn…

- Một lần tôi gặp nhà thơ Lữ Huy Nguyên, nhân chuyến anh về dự Lễ kỷ niệm 45 ngày mất của cha tôi ở Nam Định vào năm 1996. Anh Nguyên bảo tôi: "Chị nên viết về những kỷ niệm của bác gái đối với bác trai". Tôi viết về mẹ ít dòng gửi anh Nguyên. Sau này tôi thấy bài đó được các nhà xuất bản Hội Nhà văn, Văn học, Giáo dục, Công an nhân dân in vào những tập sách có liên quan đến cha tôi.

Lần khác anh Bế Kiến Quốc về Nam Định chơi, gặp tôi, anh bảo tôi viết bài về cha tôi. Tôi lại viết. Bài ấy được báo Văn nghệ Trẻ đăng.

Đến dịp đi tìm mộ cha tôi, được nhiều người động viên, thế là tôi viết bài "Chúng tôi đi tìm mộ cha - nhà văn Nam Cao". Nhân một lần đoàn cán bộ Viện Văn học về thăm gia đình, chồng tôi đem bài viết ấy ra khoe với Giáo sư Phong Lê. Anh Phong Lê đọc xong bảo: "Chị viết được đấy. Cứ mạnh dạn viết những cái gì có thực về gia đình, người thân, nhân vật… của nhà văn Nam Cao đi…".

Tôi viết thêm một số bài, đọc lại thấy không thật ưng ý, liền đem cất đi. Chồng tôi thấy thế, anh lặng lẽ lấy ra, thuê đánh máy gửi cho các báo Văn nghệ, Tiền phong, Phụ nữ, Kiến thức gia đình, Thế giới mới… và thấy đều được đăng cả.

Năm 2006, những bài viết của chị Trần Thị Hồng đã được NXB Công an nhân dân tập hợp lại in thành tập, với nhan đề : "Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao". Tập sách vừa ra mắt đã được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu trong mục "Mỗi ngày một cuốn sách". Vậy là người con gái "xấu xí" của nhà văn đã làm được việc báo hiếu với cha


Lê Hoài Nam