MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN PHỦ THANH NGỌC

1. Giới thiệu xã Thanh Ngọc:
Thanh Ngọc là một xã miền núi thuộc huyện Thanh Chương, nằm về phía Tây Thành phố Vinh, cách thành phố Vinh 46 km theo Quốc lộ 46. Phía Tây xã Thanh Ngọc giáp thị trấn Thanh Chương (thị trấn Dùng) và xã Thanh Đồng, phía Tây Nam giáp xã Đồng Văn, phía Bắc giáp xã Thanh Phong và huyện Đô Lương, phía Nam giáp sông Lam, phía Đông giáp xã Ngọc Sơn.
2. Giới thiệu về vị trí địa lý xây dựng Phủ Thanh Ngọc
- Rú Nguộc (trong sử liệu và các tài liệu trước đây còn gọi là rú Ngọc - núi Ngọc hoặc núi Ngọc Linh - do cách đọc của người dân Thanh Chương nên đọc chệnh thành rú Nguộc như hiện nay) mang hình dáng một con voi nằm cạnh bờ sông, quay đầu về phương Bắc.
Ở khe rú Nguộc có một dòng nước suối chảy vào bàu Rạng, là long mạch của xã Thanh Ngọc, được coi như là nơi sản sinh ra thủy để làm giàu cho linh khí và từ đó nhân kiệt của xã sinh ra đời đời kiếp kiếp. Nước suối đổ vào bàu Rạng, còn có nghĩa đem của cải ban tặng cho xã Thanh Ngọc.
- Bàu Rạng, tượng trưng cho của cải của nhân dân trong xã, thường xuyên nước tràn đầy, tạo cho linh khí tụ, hứng lấy khí phương Bắc, hợp với thủy chảy ra từ khe rú Nguộc, rồi tràn đầy và chảy vào sông Lam.
- Chính giữa bàu Rạng, linh khí đã tụ lại thành mô đất nổi cao lên. Dòng nước bao bọc xung quanh để dưỡng linh khí, là nơi trời đất giao hòa. Nước ôm lấy khí, để cho người dân Thanh Ngọc phát triển đi lên “địa linh sinh nhân kiệt”. Nếu nước bàu Rạng đầy, người dân Thanh Ngọc no ấm, phát đạt, nước bàu Rạng cạn, đất Thanh Ngọc sẽ dần khô cằn. Đây chính là địa linh của xã Thanh Ngọc.
- Giếng thần:
Chuyện kể rằng, vào một đêm rằm tháng Ba, có một vị bô lão trong chòm Ngọc Đình nằm mơ, thấy một viên ngọc sáng lấp lánh trên sườn núi. Sáng sớm hôm sau, ông cùng với một số thanh niên trong làng lên núi xem xét, khi phát quang bụi rậm thì hiện ra một giếng nước, uống thử thấy nước ngọt, mát và thấy người khoan khoái, dễ chịu. Ông về Phủ Thanh Ngọc làm lễ tạ thần linh đã ban cho nguồn nước quý và xin được khơi sâu, mở rộng, dùng đá, gạch kè bờ thành giếng. Từ đó có tên là Giếng thần.
3. Giới thiệu về Phủ Thanh Ngọc:
Trước đây rất lâu, Phủ được xây dựng tại xã Thanh Ngọc để thờ Ngọc Hoàng thượng đế, có Tả quan Nam tào, hữu quan Bắc Đẩu, lục Bộ thượng thư, các quan văn võ. Phủ là nơi những người dân trong xã Thanh Ngọc và các vùng phụ cận khi đi đâu, làm việc gì quan trọng đều đến thắp hương xin thần linh phù hộ. Tất cả mọi việc như cầu mưa, cầu tài, cầu lộc, cầu tự... đều linh ứng. Không chỉ có người dân trong vùng mà còn có du khách thập phương đến cầu việc gì đều ứng nghiệm. Chầu về Phủ còn có 4 đền Quan Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ và Đền Ghềnh, đền Nhà chèo.
Sau này, vào thời Lê – Trịnh, khi Thái phó Tấn quận công Nguyễn Cảnh Mô qua đời, ông được nhân dân xã Thanh Ngọc đưa vào thờ tại Phủ. (Do xã Thanh Ngọc là thái ấp của Thái phó Tấn quận công).
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phủ Thanh Ngọc được xây dựng bề thế, có thượng điện, trung điện và hạ điện; có tả vu, hữu vu, có cổng Tam quan. Nhân dân trong vùng đến dâng hương khói rất đông đúc.
Vào những năm 1960, khi quy hoạch các chùa, đình, đền trên địa bàn các xã Đồng Văn, Thanh Tài, Thanh Ngọc, chính quyền địa phương đã di chuyển các chùa của các xã trên về dựng lại tại khu vực đất trong phạm vi mô đất đã xây dựng Phủ. Từ đó Phủ lại càng linh thiêng gấp bội phần.
Phủ Thanh Ngọc có thờ nhiều vị thần của vùng Đại Đồng cũ hợp lại, trong đó có thờ một vị là Nguyễn Cảnh Mô, người có công trong việc phù vua, giúp nước.
Đến những năm 1970, do chiến tranh và không được tu bổ nên các ngôi nhà và tượng thờ đều bị hư hỏng. Đến nay chỉ còn lại thửa đất bằng phẳng (gọi là nền Phủ cũ), có 6 hòn đá tảng hình tròn (phần còn lại của chân cột), có 2 thanh gỗ bị mục nát, có 3 bát hương.
Mặc dù vậy, người dân xã Thanh Ngọc và các vùng phụ cận vẫn đến dâng hương khói lên đấng thần linh phù trì, bảo hộ, đặc biệt là những khi có việc quan trọng như cầu sự nghiệp (cầu công thành danh toại), cầu tài, cầu lộc và cầu tự.
4. Giới thiệu về các nhân vật được thờ tại Phủ Thanh Ngọc
- Cung thờ Phật: Thờ Tam thế Phật và Quan Thế Âm Bồ tát...
- Ngọc Hoàng thượng đế: là Vị thánh tối cao trên trời, vô cùng nhân từ, là Vua Ngọc, bậc Thiên tôn vĩ đại, Huyền diệu lớn lao làm chủ trên cao.
- Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Mô
Nguyễn Cảnh Hoan làm chức Binh bộ Thượng thư, tước Thái phó Tấn Quốc công. Do có công với nước nên được đổi tên thành Trịnh Mô (còn gọi là Nguyễn Cảnh Mô). Nguyễn Cảnh Hoan từng nổi danh trong các cuộc chiến tranh thời nhà Mạc (1527 - 1592). Đời vua Lê Cung Hoàng (1523 - 1528) niên hiệu Thống Nguyên, cùng với bố là Nguyễn Cảnh Huy, ngài đã dấy nghĩa và đặt tổng sở chỉ huy ở trại Triều Mỗ. Năm Chính Trị thứ 13 (1568), Hoàng đế Anh Tôn giao cho Trịnh Tùng quyền tổng chỉ huy quân đội, lúc đó các tướng của Trịnh Tùng là Nguyễn Cảnh Hoan, Hoàng Đình Ái (Vinh Quận Công), và Phan Công Tích (Lại quận công), cả ba đều là người An - Tĩnh. Nguyễn Cảnh Hoan đã đuổi đuợc quân Mạc ra khỏi An - Tĩnh. Ông bị giết trong cuộc giao chiến với nhà Mạc tại Thanh Hoá. Ông đuợc truy phong chức Thái phó (người ở trong vương phủ để dạy thái tử) và chức Tấn quốc công. Các làng Ngọc Sơn (bây giờ là xã Thanh Ngọc và xã Ngọc Sơn), Nông Sơn và Hồ Sơn đều là thái ấp của ông. Nhân dân xã Thanh Ngọc đã đưa ông vào thờ tại Phủ Thanh Ngọc.
- Ngoài ra còn thờ các vị thánh, các vị thần linh, các vị anh hùng dân tộc có công với đất nước.