VI/- KẾT LUẬN
Tổng hợp là điều trong nội tâm, hòa huỡn là cách biểu hiện bên ngoài, chúng ta đừng nhầm lẫn nội tâm với biểu hiện. Biểu hiện nào cũng thiếu sót trong khi nội tâm lại chứa đầy không thế nào diễn tả hết được. Biết được khuyết điểm ấy của hiện tượng giới nên Thần học Cao Đài vừa duy lý lại vừa duy linh, sách lược phổ độ của Tam kỳ vừa dựa trên phân tích và luận lý lại vừa dựa trên sự truyền cảm tinh thần, nói tóm tắt là truyền thần. Đặc tính nầy trong Thần học làm sáng tỏ hơn tính chất dung hợp và thái độ hòa huỡn của học thuyết Cao Đài khiến cho những ai thường phê phán qua những nhận xét về sự biểu hiện khiếm khuyết của thái độ, của hành động nơi người tín đồ phải đặt lại vấn đề triết lý của học thuyết Tam kỳ. Qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ chi không phải là sự kết nạp ô hợp, trong đó những điểm dị biệt được nối liền nhau bằng những cái móc thô kệch gò bó, không phải là một sự kết nạp trong đó có những dị biệt là những điều căn bản đáng được bàn cãi và phải được đưa lên hàng đầu của vấn đề. Dị biệt là những biểu hiện bên ngoài với thời gian và không gian của sự đồng nhất bên trong. Nói rõ hơn chủ trương qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ chi làm cho Đạo Cao Đài trở thành một tôn giáo chớ không phải một hiệp hội của nhiều tôn giáo. Trong tôn giáo ấy người theo sẽ thấy rằng chữ Nhơn đạo không còn là cái gì cách biệt với Thiên Đạo. Thiên đạo là sự trãi dài trên trường cửu, nhơn đạo là sự dự phần vào cái vô tận ấy. Đại Đạo là nội dung mà Ngũ chi là cách biểu hiện trong vòng sắc giới nên Đại Đạo hay Ngũ chi vẫn là một tuy rằng học thuyết ấy có đặt thành hai danh từ như vậy.
Kiểm duyệt Kinh Sách
Ngày 22 tháng 02 Giáp Dần. - ( DL. 15-03-1974 )
Bookmarks