IV/- TIÊU CHUẨN LẬP PHÁP


Giờ xin sang qua điểm thứ hai là quan niệm về Tam giáo và Ngũ chi trong ý thức hệ Cao Đài. Khuynh hướng tổng hợp nếu chỉ thể hiện trong sự liên kết giữa ba mối Đạo lớn là Nho, Thích, Đạo thì chỉ có giá trị ở Đông Phương mà thôi. Đó là sự lưạ chọn một hình thức nói lên ý nghĩa đồng nguyên tôn giáo dễ hiểu nhất đối với quần chúng Đông phương và sẽ trở nên khó hiểu đối với người Âu, Mỹ vì tư tưởng các Đạo giáo nầy có phần xa lạ trong đời sống thường nhựt của họ. Khi bàn đến danh sách các vì Giáo chủ được nhắc tới nhiều nhứt trong các kỳ phổ độ, tôi đã nghĩ rằng cần có nhiều chấm bỏ lửng đàng sau bảng liệt kê ấy, những dấu chấm ấy là điều muốn nói trong tư tưởng, còn các tên đã kể ra là cái hữu hạn của ngôn ngữ trong khả năng diễn tả. Mặc dù nêu lên danh hiệu Tam giáo tức là ba hình thức tôn giáo đồng nguyên thì sự liệt kê danh tánh ba vị Giáo chủ là đủ, nhưng ở đàng trước danh hiệu đó lại có chữ Đại trong tiếng Đại Đạo nên cần hiểu ngôn từ Tam giáo qui nguyên như là một cách diễn tả tư tưởng vạn giáo qui nguyên. Nói cách khác khi nhìn vào Thánh Tượng của chư vị Lão Tử, Thích Ca, Khổng Tử xếp ngang hàng nhau trên bàn thờ, biểu tượng ấy muốn nói rằng tất cả các hình thức tôn giáo trên hoàn cầu đều có giá trị tương đương với nhau là độ rỗi chúng sanh bằng một sách lược phổ truyền nào đó thích hợp với từng trường hợp. Những người quen nhìn sự việc trên đời với con mắt nhị nguyên luôn luôn so sánh, tìm bới những điều dị biệt để xếp loại, phân nhóm chia cách người với người sẽ lấy làm thắc mắc tại sao Đạo Cao Đài lại ngang nhiên nhìn nhận rằng tất cả mọi hình thức độ rỗi nhơn sanh của các vì Giáo chủ hay những người làm cùng công việc ấy mà không xưng danh Giáo chủ đều có giá trị tương đương với nhau. Chúng ta há chẳng biết rằng có những tôn giáo có thế lực mạnh hơn các tôn giáo khác có nhiều tín đồ hơn các tôn giáo khác hay sao? Và do đó tại thế gian con người không ngần ngại phê phán rằng tôn giáo nầy quan trọng hơn tôn giáo nọ hay sao? Chúng ta há chẳng biết rằng có rất nhiều người đi vào trong tôn giáo và sống một cách thực tình rằng chỉ có họ là chánh đạo còn những gì khác họ đều là mê tín dị đoan hay sao? Nếu chúng ta trở lại lời dạy:
" Các con là Thầy, Thầy là các con "
" Các con là chư Phật, chư Phật là các con".
Thì sự so sánh hơn thua kia chẳng còn ý nghĩa gì hết vì chẳng có sự cách biệt nào nữa giữa ta và Jésus Christ hay Mohamed, giữa ta và Thích Ca, Khổng Tử hay Lão Tử. Tất cả những con người ấy chỉ là sự thay hình đổi dạng của một nguồn sống mênh mông chảy dài trên dòng thời gian mà mỗi người đều có phận sự phải hoàn thành là thể hiện sự sống ấy một cách đầy đủ nhất trong những môi trường mà mình đang có mặt. Tính cách trường cửu tìm thấy trong ý nghĩa tất cả các giáo thuyết đều có nguồn gốc từ Thượng Đế, đều có cùng sứ mạng như nhau là phổ độ trong ba kỳ xuất hiện từ trước đến giờ. Tính cách đoản kỳ trói buộc vào trong giai đoạn và hoàn cảnh là sách lược phổ truyền của tất cả giáo thuyết biến thiên theo thời gian và không gian. Một lần nữa khuynh hướng bao gồm, dung hợp trong ý thức hệ Cao Đài lại mở ra theo chiều dọc trên biểu tượng thờ phượng khi chúng ta quan sát từ Thiên Nhãn trở đi thấy một sự sắp bày như sau:
1/- Thiên nhãn.
2/- Ảnh Đức Phật Thích Ca.
3/- Ảnh Đức Lý Thái Bạch.
4/- Ảnh Đức Chúa Jesus Christ.
5/- Ảnh Đức Khương Thái Công.
6/- Bảy Ngai dành cho bảy vị chức sắc lớn nhứt bên Cửu Trùng Đài trong Hội Thánh Cao Đài.
Tách rời Thiên Nhãn ra ngoài như một biểu tượng của cái lý duy nhứt hay là lẽ tuyệt đối không so sánh vào đâu được chúng ta thấy còn lại năm biểu tượng: Phật,Tiên, Thánh,Thần, Nhơn xếp hàng nối đuôi nhau đi về lý duy nhứt tượng trưng bằng Thiên Nhãn. Nơi đây chúng ta thấy những sách lược hành động xuất hiện trên khắp hoàn cầu rải rác theo khắp dòng thời gian mà mỗi ảnh hay bài vị trên bàn thờ tượng trưng cho một khuynh hướng. Năm lãnh vực hoạt động gọi là Ngũ chi Đại Đạo kể từ dưới lên trên là:
1/- Nhơn Đạo.
2/- Thần Đạo.
3/- Thánh Đạo.
4/- Tiên Đạo.
5/- Phật Đạo.
Chữ Đạo trong Ngũ chi nầy nghĩa lý thiên về con đường, cách hành động hơn là hình thức phô diễn của một tôn giáo. Vì vậy ở Đông phương chữ nhơn đạo đồng nghĩa với đường lối giải quyết các vấn đề nhơn sinh của Khổng Tử, Mạnh Tử...Ở phương Tây là lối giải quyết của Socrate, Esope, Platon....Biểu tượng của Nhơn Đạo là bảy cái ngai đặt ở phía dưới chót bàn thờ theo chiều dọc từ trên Thiên Nhãn nhìn xuống, trong khi ảnh tượng của Đức Khổng Phu Tử lại xếp ở hàng ngang tượng trưng cho một tôn giáo. Chiều ngang tượng trưng cho những hình thức tổ chức tôn giáo có giá trị tương đồng trong sứ mạng, kéo dài ra đến vô tận trong ý nghĩa và giới hạn trong số ba tôn giáo lớn ở Đông phương trong cách sắp bày để nói lên ý nghĩa đó. Như vậy chúng ta có thể tưởng tượng rằng bên cạnh ảnh tượng của các vì Giáo chủ: Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử còn có những vì Giáo chủ khác nữa cũng sắp ngang hàng như vậy và mỗi vị nầy sẽ phải nhìn thẳng vào thế gian mà giải quyết tất cả những vấn đề sau đây cùng một lúc:
1/- Đời sống cá nhân và gia đình trong xã hội,
2/- Đời sống Quốc gia trong cộng đồng Quốc tế.
3/- Sự thánh thiện hóa loài người.
4/- Con người và những hoạt động trong cõi hư linh.
5/- Sự giác ngộ toàn thể chúng sanh.
Không ít thì nhiều những giáo thuyết đều phải đương đầu với những vấn đề nêu trên và có một giải pháp rõ rệt. Có thể một giải pháp chỉ tập trung nhân lực vào một địa hạt nào đó thôi, và bởi sự liên hệ mật thiết giữa các địa hạt, bằng cách tập trung ấy nó đã giải quyết toàn bộ vấn đề gồm năm lãnh vực. Chẳng hạn giải pháp của Khổng Tử đặt trên căn bản lòng nhơn và khi con người phát triển đến tột đỉnh lòng nhơn thì người đã đạt đến mức có nghĩa, lễ, trí, tín, sẽ biết người biết ta, biết quỉ Thần, biết Trời đất. Hành động cho phù hợp với lòng nhơn tức là hành động theo Thiên lý, là đã giải quyết các vấn đề thuộc năm lãnh vực vừa nêu trên. Sự tu thân cho trở thành một người hiền là chuyện của đời sống cá nhân, nhưng cá nhân là một phần tử trong cộng đồng quốc gia cá nhân cũng là một phần tử trong xã hội bị chính trị chi phối nên sự tu thân nhìn dưới góc cạnh khác lại là một cách giải quyết vấn đề cải thiện đời sống cộng đồng quốc gia. Cá nhân cũng là một phần tử trong xã hội loài người nên nhìn dưới một góc cạnh khác nữa, sự tu thân của cá nhân cũng là một cách giải quyết vấn đề thánh thiện hóa loài người. Cá nhân cũng mang nơi mình một Thiên mệnh nên tu thân cũng là cách giải quyết vấn đề đời sống con người trong mối tương quan giữa thế giới hữu hình và vô hình. Với cái nhìn bao la hơn nữa chúng ta sẽ thấy rằng cá nhân con người là một sanh linh như biết bao sanh linh khác giống đang ở lẫn lộn cùng mình cho nên chuyện tu thân cũng là cách giải quyết vấn đề thức tỉnh toàn cả vạn linh. Lòng nhân không chỉ giới hạn trong mối tương quan giữa ngưới và người, nó còn mở rộng đến các loài sanh vật khác. Chúng ta há chẳng từng nghe lời kết án những kẻ bạc đãi, hành hạ thú vật là hạng người vô nhân hay sao?

SƠ ĐỒ AN VỊ THÁNH TƯỢNG
Thiên nhãn, Tam giáo, Tam trấn, Ngũ chi

Trong Pháp Chánh Truyền chú giải đoạn nói về quyền hành của Nữ Đầu Sư Đức Chí Tôn có giảng về cách an vị Ngũ Chi như sau
" Tòa Thánh day mặt ngay hướng Tây tức là chánh cung Đoài, ấy là cung Đạo còn bên tay trái Thầy là cung Càn, bên tay mặt Thầy là cung Khôn đáng lẽ Thầy phải để Bảy Cái Ngai của phái nam bên tay trái Thầy, tức bên cung càn mới phải, song chúng nó vì thế Nhơn Đạo cho đủ Ngũ Chi cho nên Thầy buộc phải để vào Cung Đạo là cung Đoài cho đủ số."
Tóm lại, hoạt động của một cá nhân con người có ảnh hưởng đến tập thể vạn linh, và đời sống của vạn linh chi phối đời sống cá nhân, mà đời sống vạn linh là một phần của đời sống chí linh hay nói cách khác cái sống của vạn linh là cách thể hiện cái sống của chí linh trong vòng sắc giới, cho nên Khổng Giáo khởi đầu giải pháp của mình bằng sự tu thân như là dùng cái chìa khóa mở toan vòng dây xích gồm nhiều mắc nối với nhau.

Có thể bằng cách tập trung hoạt động vào một trong năm lãnh vực vừa nêu trên, các vì Giáo chủ đã thật sự giải quyết toàn bộ vấn đề nhân sinh do tính cách ảnh hưởng dây chuyền giữa các hoạt động của đời sống vạn linh. Đường lối hoạt động của các vì Giáo chủ vì vậy được xây dựng trên cái trường cửu là cuộc sống của con người bất diệt, nhưng lại biến thiên với thời gian và không gian. Vậy thì Thần, Thánh, Tiên. Phật là cái danh hiệu của người đã thành công theo đường lối tu hành do các vì Giáo chủ bày ra. Nói khác đi, bởi hành động như vậy nên mới có tên như thế. Chẳng hạn người vẫn xưng tụng Đức Khổng là Thánh trong danh hiệu Khổng Thánh Tiên Sư thì Đức Khổng lại dạy về Nhơn đạo là cái lối làm người phải ra sao, phải hành động như thế nào khi làm vua, làm quan, làm dân cùng với những đức tính tốt: Nhơn, nghĩa,lễ, trí, tín, công,dung, ngôn, hạnh....kẻ chấp nhận theo học thuyết của Đức Khổng và thành công trong cuộc sống theo lời dạy nầy có nghĩa là kẻ đã tròn câu nhơn đạo. Ngũ chi phục nhứt là năm lối giải quyết của tất cả các vì Giáo chủ xưa nay đều hội ngộ với nhau trong giáo thuyết của kỳ ba phổ độ là giáo thuyết Cao Đài. Tất cả giải pháp ấy đều nhằm hướng dẫn con người sống cho phù hợp với cái sống của Trời đất đang diễn biến không ngừng. Sự trở về nguồn hay hợp cùng đại ngã hay là đắc nhứt, được cứu rỗi hay là được trở về cùng Chúa, đạt đến Chơn Như cũng chỉ là những danh từ diễn tả khác nhau ý nghĩa đặt mình vào trong cái sống của Tạo Hóa. Nhận định như vậy mới tránh khỏi sự nhầm lẫn rằng học thuyết Cao Đài có tính cách độc tôn không thừa nhận các giáo thuyết khác. Tóm lại, xin phân biệt khác nhau về ý nghĩa giữaTam giáo và Ngũ chi như sau:
- Nhơn đạo: là lối sống theo thuyết của Khổng Tử, Socrate, Platon, Esope....
- Thần đạo: là lối sống theo Khương Thái Công, những nhân vật mô tả trong Hy lạp Phong thần, Ai Cập Phong thần.
- Thánh đạo: là lối sống theo Jesus Christ, Mohamed.
- Tiên đạo: là lối sống theo Lão Tử, Dương Châu, Mặc Định những nhân vật gọi là bàn môn, Thầy phù, bóng chàng, đồng cốt...
- Phật đạo: là lối sống theo Thích Ca Mâu Ni, Pythagore.
Đó không phải là năm tôn giáo mang danh hiệu "Tôn giáo Nhơn" " Tôn giáo Thần" " Tôn giáo Thánh" "Tôn giáo Tiên" " Tôn giáo Phật" giống như tôn giáo Cao Đài, tôn giáo Hòa Hảo, tôn giáo Bahai..v..v.. mà là năm lối giải quyết vấn đề nhân sinh của nhiều tôn giáo. Như vậy chữ Phật giáo trong Tam giáo ( Nho, Thích, Đạo) khác với Phật đạo trong Ngũ chi ( Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo ) cũng giống như chiếc thuyền Bát Nhã khác với ý nghĩa một Bát Nhã thuyền. "Thuyền Bát Nhã" là một chiếc thuyền bằng cây chạm trổ hình rồng dùng để chở quan tài người chết đi chôn, còn Bát Nhã thuyền lại chỉ mối Đạo dùng để cứu vớt chúng sanh ra khỏi bể khổ đưa họ về bỉ ngạn. Một đàng là cái hình tướng, một đàng là cái nội dung. Vậy thì nói Tam giáo qui nguyên là ý muốn tổng hợp tất cả hình thức tôn giáo làm thành một hình thức duy nhứt, Ngũ chi phục nhứt là muốn thống hợp tất cả nội dung các giáo thuyết làm thành một nội dung duy nhứt chớ chẳng chi rằng lạ.

Xin trích dẫn một đoạn Thánh giáo trong quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển của đạo Cao Đài :
" Vốn từ trước Thầy đã lập ra Ngũ chi Đại Đạo là Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy thành chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng Càn khôn dĩ tận thức thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt".
Xem thế, thì triết lý Cao Đài có một điểm nổi bật đặc sắc là tính chất thống hợp và thái độ hòa huỡn. Bởi sứ mạng làm nơi trung gian cho tư tưởng nhơn loại hiệp đồng nó phải mở rộng cửa đón nhận mọi luồng tư tưởng, nghiên cứu trên căn bản hữu thần nghĩa là có một Thượng Đế luôn luôn ở trong tâm trí làm hậu thuẫn để cho sách lược phổ truyền được thích ứng với từng thời đại. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc Chưởng quản cơ quan Hiệp Thiên Đài hay chơn thần của tôn giáo Cao Đài, cơ quan đầu não hữu hình phát sinh ra tư tưởng Cao Đài qua hình thức cơ bút, đã minh xác :
" Đạo Cao Đài là một tôn giáo do Lương tâm vi bổn, lấy cả triết lý toàn cầu đặng làm căn bản hầu làm trung gian cho các tư tưởng hiệp đồng đặng dìu dắt nhơn sanh hồi thiện."
Chúng ta lại hiểu rằng tư tưởng vốn vô cùng chìu theo thời thế đặng nâng đỡ trí thức nhơn sanh tạo thời cải thế, thì nay nhơn loại đã hiệp đồng, càn khôn dĩ tận thức nên triết lý ấy không cho phép nó tự đóng khung hình tư tưởng trên dòng thời gian, bởi tự bản chất nó không có sự cách biệt nào với kẻ khác như là một đơn vị đối đầu cùng những đơn vị. Từ chối thái độ cởi mở như vậy là chỉ có "sở" mà không có "dụng ". Có "sở" là vì đang nằm trong một học thuyết tự nó là "đại" lại không dùng tính chất ấy làm cho nó lớn ra cả về phẩm lẫn lượng nên gọi là thiếu "dụng ". Nói cách khác chẳng phải vì cứ có người nhập môn làm tín đồ, chấp nhận tín điều thì tức khắc có được một Đại Đạo, mà trái lại từ trong lãnh vực tư tưởng của người theo thể hiện ra cho đến bên ngoài cử chỉ, hành động, lời nói, nhứt nhứt chẳng còn dấu vết nào của sự phân cách, cũng không còn thấy mình lớn hơn, vắng bặt hết tất cả những thắc mắc phát sinh tự đối tính của thế giới nhị nguyên mới gọi là Đại Đạo. Đó là trạng thái tinh thần và phương cách hành động của những bậc chơn tu đắùc đạo dù trước kia họ đi theo hình thức nào cũng vậy.