I/- GIỚI THIỆU DANH HIỆU ÐẠO CAO ĐÀI


Đạo Cao Đài là một tôn giáo mới thành hình tại nước Việt Nam trong vòng tiền bán thế kỷ 20. Đây là một trong những tôn giáo lớn đang hoạt động tích cực tại Việt Nam và có một hậu thuẫn nhân dân đáng kể gồm gần ba triệu tín đồ trên tổng số 17 triệu rưỡi dân. Tôn giáo nầy có một hệ thống tổ chức hành chánh khá chặt chẽ, trung ương đặt tại Tỉnh Tây Ninh xưng danh là Tòa Thánh Tây Ninh. Các cấp hành chánh địa phương là Trấn Đạo (vùng gồm nhiều Tỉnh), Châu Đạo (Tỉnh), Tộc Đạo(Quận), Hương Đạo(xã). Đo ùlà ở Quốc nội còn ở Hải ngoại thì có một Hội Thánh ngoại giáo (Mission étrangère) trung ương đặt tại Phnom-Penh (Cambodge) và các chức sắc, chức việc đại diện ở rải rác khắp các quốc gia, Nhựt, Pháp, Mỹ, Congo.
Tôn giáo nầy xưng danh hiệu là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hoặc Đạo Cao Đài và người ta quen gọi danh thứ hai nhiều hơn vì ngắn và gọn.

Muốn hiểu rõ tại sao có hai danh hiệu cùng một lúc, chúng ta cần trở lại những ngày đầu tiên trong lịch sử lập giáo. Đạo Cao Đài vốn phát xuất từ một hiện tượng có tính cách thần quyền. Những môn đồ đầu tiên trong tôn giáo nầy là những người hiếu kỳ thuộc khuynh hướng thần bí, muốn khám phá bức màn bí mật che phủ thế giới vô hình từ ngàn xưa hầu có thể giúp họ giải quyết những vấn đề nan giải tại thế gian, chẳng hạn vận mạng tương lai của chính cá nhân và dân tộc họ.

Họ thực hiện những cuộc thông công bằng phép xây bàn và cơ bút với các chơn linh trong cõi vô hình.

Họ đã thành công trong việc khám phá ra những năng lực siêu nhiên và những thực thể linh diệu đang sống động bên cạnh cuộc đời trần tục của chúng ta.

Giai đoạn đầu tiên khởi sự từ năm 1919 với quan phủ Ngô Văn Chiêu, về sau được suy tôn như một vì Giáo Chủ trong một chi phái Cao Đài.

Giai đoạn thứ hai từ năm 1925 trở đi với một nhóm nhân sĩ gồm các ông Phạm Công Tắc, Cao quỳnh Cư, Cao Hoài Sang là những nhân vật đóng vai chính yếu và một số người nữa.

Trong giai đoạn đầu, vị Giáo Chủ vô hình của Đạo Cao Đài thường xưng danh là Cao Đài Tiên Ông hoặc Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáng cơ dạy cho các môn đệ phương pháp tu thân luyện kỷ. Tổ chức tôn giáo chưa thành hình tướng rõ rệt còn trong tình trạng phôi thai chỉ đơn thuần là khuynh hướng tu Tiên.

Trong giai đoạn thứ hai từ năm 1925 trở đi cũng Đức Cao Đài Tiên Ông nầy nhưng qua sự thông công của nhóm các Ông Phạm Công Tắc, Cao quỳnh Cư, Cao Hoài Sang lại xưng danh là Ngọc Hoàng Thượng Đế hoặc Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và tôn giáo có danh gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hệ thống tổ chức chặt chẽ và qui mô hơn trước.

Vì tính cách lịch sử trong hai giai đoạn phát triển kế tiếp nhau, người ta vẫn quen dùng song song hai danh xưng" Đạo Cao Đài" và" Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ". Tuy nhiên bất kỳ một đoàn thể xã hội nào khi quyết định chọn một danh xưng hẳn phải có một lý do thúc đẩy hoặc muốn nói lên một ý nghĩa chi đó.

Danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được dùng đến trong giai đoạn thứ hai đánh dấu sự trưởng thành của một tôn giáo khởi sự truyền bá sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Chính từ đây tôn giáo Cao Đài mới đóng vai trò quan trọng trong những sinh hoạt của cộng đồng quốc gia và vì thế chúng ta sẽ để nhiều thì giờ tìm hiểu ý nghĩa của danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Riêng về danh xưng Cao Đài với những người Pháp tò mò về việc cơ bút được giải thích :

Cao Đài là DIEU ( Thượng Đế ) hoặc Cao Đài là LE TRES HAUT (Đấng cao cả ) hoặc DIEU TONT PUISSANT ( Thượng Đế toàn năng ).
(TNHT Thánh giáo ngày 8-6-1926 và 1-10-1926)