BẢN TUYÊN DƯƠNG CÔNG NGHIỆP
Ðức THƯỢNG SANH
Chưởng Quản Hội Thánh HIỆP THIÊN ÐÀI

Của Ngài Hiến Pháp Hiệp Thiên Ðài đọc tại Ðền Thánh ngày 4/4/Tân Hợi


***

Kính thưa Hội Thánh Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện,
Kính chư Chức sắc, Chức việc và toàn Ðạo Nam, Nữ.


Ðức THƯỢNG SANH CAO HOÀI SANG, CHƯỞNG QUẢN HỘI THÁNH HIỆP THIÊN ÐÀI TÒA THÁNH TÂY NINH đã qui Thiên hồi 17 giờ ngày 26 tháng 3 Tân Hợi (21/4/1971), hưởng thọ 71 tuổi.

Tin buồn nầy làm chấn động cả các giới trong toàn quốc nói chung và toàn Ðạo Cao Ðài nói riêng.

Thánh thể của Ðức Ngài đang quàn tại Tòa Thánh Tây Ninh chờ đến ngày mùng 6 tháng 4 Tân Hợi, nhằm 30/4/1971(dl.) sẽ cung nghinh Liên Ðài kỵ Long Mã di chuyển theo lộ trình trong châu vi Tòa Thánh và sau khi đại diện các Hội Thánh đọc ai điếu xong, lễ cung nghinh Liên Ðài nhập Bửu Tháp sẽ cử hành y theo chương trình của Hội Thánh đã lập mà toàn Ðạo đều hiểu biết.

Nhơn cuộc lễ nầy tôi xin tuyên dương công nghiệp của Ðức Ngài về cả hai phương diện Ðạo lẫn Ðời.
Về mặt Ðời:
Ông CAO HOÀI SANG (tên họ của Ðức Ngài) sanh ngày 11 tháng 9 năm 1901 (dl.) tại Thái Bình (Tây Ninh) con của Ông Cao Hoài Ân, giúp việc Tòa án và Bà Hồ Thị Lự. Khi trưởng thành và thi đậu bằng Thành Chung trường Trung học Chasseloup-Laubat, Ông vào giúp việc Sở Thương Chánh Sài Gòn cho đến khi gặp Ðạo.

Nói đến Ông ai ai trong giới công chức và đồng bào tại Thủ Ðô đều hiểu rõ thanh danh của Ông là một nhà công chức đúng mực thanh liêm.

Là một chí sĩ thương dân yêu nước, Ông thường giao du cùng các bạn đồng chí khác như hai Ông Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc chẳng hạn. Cả ba Ông là nhạc sĩ lừng danh trong giới âm nhạc tại Thủ Ðô Sài Gòn, hai Ông Cư và Sang được coi như bậc Thầy trong giới nầy, sau khi Ông Cư đăng Tiên rồi, thì Ông Sang được coi như bậc HẬU TỔ. Ban Âm nhạc Ðạo Cao Ðài đã nhờ Ðức Ngài chấn chỉnh rành mạch thêm, nhứt là trong điệu Cổ nhạc vì Ðức Ngài là nhà điêu luyện rành nghề. Mất Ðức Ngài, giới Âm nhạc trong toàn quốc nói chung và trong Ðạo Cao Ðài nói riêng đã mất một Nhạc sư cự phách, đáng tiếc thay!
Về mặt Ðạo:
Ðến năm Ất Sửu (1925) là lúc phong trào Xây bàn hay sai ma cũng vậy, đang thạnh hành tại Thủ Ðô Sài gòn, Ông hiệp cùng hai Ông CAO QUỲNH CƯ và PHẠM CÔNG TẮC mỗi đêm đến chơi tại nhà Ông Cao Quỳnh Cư, tức CAO THƯỢNG PHẨM để thỏa mãn tánh hiếu kỳ của mình bằng cách xây bàn để tiếp xúc với những người khuất mặt ở thế giới bên kia (hồn linh).

Một hôm nọ vào lúc tháng 7-1925, Ông CAO QUỲNH CƯ đến nhà Ông CAO HOÀI SANG chơi lại gặp Ông PHẠM CÔNG TẮC cũng ở gần nhà Ông SANG, ba Ông mới hiệp nhau xây bàn chơi.

Bất ngờ cuộc chơi nầy hướng dẫn ba Ông đến chỗ lập được kỳ công trong việc khai sáng Ðạo Trời, tức là ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ mà chúng ta sùng bái đây.

Ðêm 24 tháng Chạp 1925 (dl.) nhơn dịp lễ Giáng Sinh, tại nhà Ông CAO QUỲNH CƯ có mặt cả ba Ông được Ðức CHÍ TÔN giáng với danh hiệu A Ă Â cho một bài thi như vầy:
"Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên".
Ðức CHÍ TÔN dạy thêm: "Ðêm nay phải vui mừng vì chính ngày nay, Ta xuống trần dạy Ðạo bên Thái Tây (Europe).

Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vầy.

Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta.

Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta.

Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa".


Sau đó ít lâu Ðức CHÍ TÔN cho bài thi sau nầy, lấy tên những người có mặt tại Ðàn Cơ, trong đó có tên Ông SANG (tức Ðức THƯỢNG SANH):
CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
HẬN ÐỨC TẮC CƯ thiên địa cảnh,
HƯỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh.
12 chữ lớn trong ba câu trên là tên của 12 môn đệ đầu tiên của Ðức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ.

Sở dĩ phải xen đoạn Ðạo sử nầy vào cuộc đời của Ðức THƯỢNG SANH là vì Ông còn đang giúp việc trong công sở nhà nước Pháp mà Ông vẫn nghe theo tiếng gọi Thiêng Liêng cứ mỗi đêm hiệp cùng các bạn Ðạo đi chấp cơ truyền bá Ðạo Trời ở khắp mọi nơi mặc dù nhà cầm quyền Pháp rất để ý đến Ðạo Cao Ðài lúc sơ khởi. Chúng ta nên nhớ rằng: Ðức THƯỢNG SANH là một tay chấp cơ truyền Ðạo cũng như Ðức HỘ PHÁP và Ðức THƯỢNG PHẨM luôn luôn cả ba Ông đồng tâm hiệp lực nhau để phổ độ chúng sanh trong toàn quốc.

Trong tờ khai Ðạo cùng Chánh quyền Pháp năm 1926, Ðức Ngài cũng ký tên với 28 người khác để thay mặt cho tất cả 247 người Ðạo Hữu có tên trong Tịch Ðạo, do ông cựu Thượng nghị viện LÊ VĂN TRUNG đứng đầu tờ khai Ðạo, Ông nầy sau đắc phong QUYỀN GIÁO TÔNG ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ. Ông nầy cũng do Ðức HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC, Ðức THƯỢNG PHẨM CAO QUỲNH CƯ và ÐỨC THƯỢNG SANH CAO HOÀI SANG dẫn độ.

Nhờ sự hướng dẫn đắc lực của Ông Thượng Nghị Viên nầy với sự cộng tác của ba vị kể trên mà cơ phổ độ phát triển quá mau lẹ, kỳ công nầy, một phần lớn là nhờ Ðức THƯỢNG SANH hy sinh đời công chức mình để đi phổ độ các nơi trong toàn quốc. Cơ phổ độ lục tỉnh phân ra như sau:

1) Ông CAO QUỲNH CƯ và PHẠM CÔNG TẮC phò loan phổ độ trong các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Ðốc, Hà Tiên, Rạch Giá.

2) Ông NGUYỄN TRUNG HẬU và TRƯƠNG HỮU ÐỨC phò loan phổ độ các tỉnh: Chợ Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre.

3) Ông CAO QUỲNH DIÊU và CAO HOÀI SANG phò loan phổ độ các tỉnh: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Gia Ðịnh, Biên Hòa, Bà Rịa, Sa Ðéc.

Ngoài công việc phò cơ phổ độ các tỉnh kể trên, Ðức THƯỢNG SANH còn tùy lúc rảnh ban đêm, lên Gò Kén, chùa Từ Lâm để hiệp cùng Ðức HỘ PHÁP và Ðức THƯỢNG PHẨM để chấp cơ phổ độ và đồng thời lo việc Khánh Thành Thánh Thất Từ Lâm Tự, sau nầy được dời về làng Long Thành, tức Tòa Thánh hiện giờ.

Ngày 26 tháng 10 năm Bính Dần Ông CAO HOÀI SANG, đắc phong THƯỢNG SANH một lượt với Ðức HỘ PHÁP PHẠM CÔNG TẮC và Ðức THƯỢNG PHẨM CAO QUỲNH CƯ. Ngày 12 tháng 1 năm Ðinh Mão (dl. 13/2/1927) sau khi lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài, Ðức CHÍ TÔN giáng dạy như vầy:

"Hiệp Thiên Ðài là nơi Thầy ngự, cầm quyền Thiêng liêng mối Ðạo, hễ Ðạo còn thì Hiệp Thiên Ðài vẫn còn.

Thầy đã nói Ngũ Chi Ðại Ðạo lại qui phàm vì khi trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà lập ra Phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh giáo cho tay Phàm nữa.

Lại nữa, Hiệp Thiên Ðài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam Thập Lục Thiên, Tam Thiên thế giái, Lục thập bát địa cầu, Thập điện Diêm cung mà cầu siêu cho cả nhơn loại

Thầy đã nói sở dụng Thiêng Liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa.

Hiệp Thiên Ðài dưới quyền HỘ PHÁP Chưởng Quản,

Tả có THƯỢNG SANH,
Hữu có THƯỢNG PHẨM.

Thầy lại chọn Thập Nhị Thời quân, chia ra làm ba:

Phần của HỘ PHÁP Chưởng Quản CHI PHÁP;

Lo bảo vệ Luật Ðời và Luật Ðạo, chẳng cho ai qua Luật mà Hiệp Thiên Ðài chẳng biết. THƯỢNG PHẨM thì quyền về phần Ðạo: Lo về phần Ðạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất đều xem sóc chư môn đệ Thầy, bênh vực chẳng cho ai phạm luật đến khổ khắc cho đặng.

THƯỢNG SANH thì Chưởng Quản CHI THẾ lo về phần Ðời.

Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành Ðạo. Thầy cho các con biết trước rằng, hễ trọng quyền thì ắt có trọng phạt".

Từ đây về mặt hữu hình ba vị Chưởng Quản tối cao của Hội Thánh Hiệp Thiên Ðài không còn nữa, sau khi Ðức THƯỢNG SANH Qui Thiên, và Ðạo CAO ÐÀI mất thêm một bậc vĩ nhân nữa.

Từ khi trở về tái thủ phận sự nơi Tòa Thánh, Ðức THƯỢNG SANH đã tìm đủ mọi phương pháp để đem lại sự điều hòa trong cửa Ðạo cho toàn Ðạo được hưởng thái bình hạnh phúc.

Những tưởng Ðức Ngài đến với sứ mạng Thiêng Liêng để hoàn thành cơ nghiệp Ðạo, thì chắc là Ðức Ngài phải được sống lâu với Bổn Ðạo để bảo tồn đại nghiệp Ðạo đến cùng.

Nào ngờ đâu! Ta muốn vậy mà Trời chưa cho vậy.

Than ôi! Thiên số nan đào! Tuy sự mất còn là định mệnh, nhưng đối với kiếp sanh của con người sao khỏi đau lòng lúc tử biệt sanh ly.

Kính thưa quý vị!

Chúng ta đã từng khóc nhiều rồi cho số kiếp ngắn ngủi của nhiều bậc Tiền bối chúng ta. Tuy nhiên chúng ta cứ khóc đi cho đến cạn khô giọt lệ, rồi cũng phải nghĩ lại Ðạo nghiệp, nước nhà mà tự trấn tỉnh lấy tâm hồn, để tìm phương bảo tồn đại nghiệp Ðạo và tiếp tục sứ mạng Thiêng Liêng của chúng ta, vì sứ mạng ấy dầu lớn dầu nhỏ, dầu quan trọng hay không cũng là sứ mạng do Ðức CHÍ TÔN cùng các Ðấng Thiêng Liêng giao phó cho chúng ta, phải tùy khả năng mình mà làm cho hoàn thành.

Ðã đành rằng chúng ta phải thương tiếc một Ðấng lãnh đạo anh minh như Ðức THƯỢNG SANH, nhưng thương tiếc bao nhiêu thì phải noi gương của Ðức Ngài bấy nhiêu để gặt hái được một phần công quả nào hữu ích cho Ðạo và cho chúng sanh nhờ. Ðó là sự đền đáp công ơn của bậc tiền bối chúng ta đã dầy công xây dựng, lưu lại một sự nghiệp vĩ đại cho chúng ta thừa hưởng. Chớ không lẽ ngồi khóc hoài để nhìn sự sụp đổ trước mặt chúng ta sao?

Vậy chúng ta hãy đứng lên! Và đồng tâm hiệp lực, tiếp tục xây đắp nền Ðạo cao thêm mãi để khỏi phụ ơn của tiền nhân chúng ta.

Trước khi dứt lời, tôi xin thành tâm cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho toàn thể quý vị và quý quyến, tôi xin nghiêng mình trước Liên Ðài của Ðức THƯỢNG SANH, và thành tâm cầu nguyện cho Anh linh Ðức Ngài được cao thăng, sau nữa xin chơn thành phân ưu cùng tang quyến./.

Nay kính.

HIẾN PHÁP H. T. Ð.