Phát hiện nơi “giáng trần” đầu tiên của Thánh mẫu Liễu Hạnh


(TT&VH) - Ngày 21/11, UBND huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học: Di tích lịch sử văn hóa phủ Quảng Cung - thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định - một trong 3 nơi thờ phụng ghi dấu các lần giáng sinh của Thánh mẫu Liễu Hạnh - vị thần lạ lùng nhất trong các nữ thần Việt Nam vừa hiện thực, vừa huyền ảo.

Tại hội thảo, trên cơ sở các thư tịch cổ các nhà khoa học khẳng định di tích này chính là nơi ghi dấu cuộc giáng sinh đầu tiên của Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Người phụ nữ trong bộ tứ uy linh lừng lẫy

Cách đây 100 năm, Giá Sơn Kiều Oánh Mậu (1854 - 1912) đã viết: “Bà là Phật, là Nho, Tiên, Thánh. Bà là tất cả!”. Trong Tứ Bất tử, bà duy nhất là phụ nữ trong bộ tứ uy linh lừng lẫy trong thần điện Việt. Sinh sau đẻ muộn hơn cả nhưng sự giáng sinh của bà khiến cho cả Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không thần thông biến hiện, uy linh lừng lẫy cũng phải bật ra khỏi danh sách Tứ Bất tử (Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Thánh mẫu Liễu Hạnh).



Tượng Thánh mẫu Liễu Hạnh bằng đồng tạc năm 1770, do vợ chồng Lạng Giang Phạm Đại nhân hưng công, đặt tại hậu cung phủ Quảng Cung (phủ Nấp)


Bà ra đời sau muộn, nhưng cung điện phủ đệ của bà mọc “như nấm” khắp nơi. Nào là phủ Dày ghi dấu bà giáng sinh, là đền Bắc Lệ xứ Lạng ghi dấu với họ Phùng, nào là phủ Tây Hồ ngao du ngày tháng cùng các đạo cô. Nào là đền Sòng Sơn, Phố Cát ở Thạch Thành xứ Thanh ghi chiến công lừng lẫy của bà. Nào chùa Hương một mình bà một biệt điện trang nghiêm.

Riêng phủ Quảng Cung (còn gọi là phủ Nấp, phủ Quảng Nạp), một nơi mà theo thánh tích chính là nơi giáng sinh đầu tiên của Thánh mẫu Liễu Hạnh thì lại ít người biết đến. Mặc dù câu đối ở phủ Dày có nhắc đến phủ Quảng Cung, thôn Vỉ Nhuế, huyện Ý Yên, Nam Định rằng (tạm dịch): Ba kiếp giáng trần, ở Vỉ Nhuế, ở Vân Cát, ở Nga Sơn, Sòng (Sơn) - Lạng (Sơn) - Tây Hồ, hơn năm trăm năm ngời sử sách. Các triều phong tặng, là Đế nữ, là Đại vương, là Thánh mẫu, là Thánh - Thần - Tiên Phật, ngàn năm vạn thuở rạng non sông.

Văn bản về sự giáng sinh của Thánh Mẫu

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 15 bản báo cáo của các nhà khoa học. Đặc biệt, với sự phát hiện văn bản Cát Thiên tam thế thực lục (nghĩa là bản thực lục về ba lần hiển thế của Thánh mẫu Liễu Hạnh - vị thần được thờ ở phủ Vân Cát, Thiên Bản) được khắc in vào tháng 2 năm Quý Sửu (1913), niên hiệu Duy Tân ngay tại phủ Quảng Nạp, thôn Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Cuốn sách Hán - Nôm này gồm 97 trang được các nhà nghiên cứu Hán - Nôm khẳng định: “Về mặt văn bản học, không có gì phải nghi ngờ về niên đại của văn bản này”.

Cuốn sách có sự tham gia viết tựa, tán, bạt, đề từ của các nhân vật đương thời (tức là thời gian khắc in cuốn sách) như: Đốc học Bắc Ninh Trần Xuân Thiều, Tiến sĩ Đốc học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính, Phó bảng Đốc học trí sĩ Đặng Quỹ, Đông La Đỗ Huy Liệu, Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển. Trong sách còn có các lời thơ, tựa, tán, phê là những lời giáng bút của Đức thánh Trần, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và các vị Đệ nhất vị Tiên Hương Thánh mẫu, Mai Hoa công chúa, Quế Hoa công chúa, Đào Hoa công chúa, Trần Đại vương và Lam Hồng tiên ông.

Đặc biệt trong văn bản có phần Cát Thiên tam thế thực lục viết bằng chữ Hán kể lại lai lịch và lần giáng sinh thứ nhất của Liễu Hạnh tại thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên. Và sau đó là bản diễn Nôm ra thơ lục bát Cát Thiên tam thế thực lục quốc âm giúp cho những người không biết chữ cũng có thể học thuộc sự tích Thánh Mẫu.

Từ việc tìm thấy văn bản in Cát Thiên tam thế thực lục, các học giả đề nghị tiếp tục tìm bản gỗ ván khắc tại phủ Dày, phủ Tiên Hương và phủ Nạp để bảo quản như một văn vật rất có giá trị về Thánh mẫu Liễu Hạnh. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện được, vì cũng tại đây đã tìm thấy văn bản Hán - Nôm cho biết, Thánh mẫu Liễu Hạnh đã giáng bút chỉ cho phép in 99 bản, rồi chẻ các ván khắc ra đốt đi lấy tro than đưa về thờ trong các bát hương ở khắp các nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh.

GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Hội thảo sẽ mở ra một thời kỳ mới trong việc nhận diện về Đạo Mẫu ở Việt Nam nói chung và về Thánh mẫu Liễu Hạnh nói riêng. Nếu như trước đây, giới nghiên cứu cũng đành phải bó tay trong việc nắm bắt bản lai diện mục của Liễu Hạnh thì từ nay vấn đề này hẳn sẽ có được những kết quả rất khả quan”.



TS Nguyễn Xuân Diện