Thực hư về thầy bói trước năm 1975 ở Sài Gòn (kỳ 2)
Thứ Bảy, 13/10/2012 --- cập nhật 08:20 GMT+7
Cứ tạm gọi bói toán là một nghề thì trước năm 1975 ở miền Nam, đội ngũ thầy bói hành nghề này rất đông đảo. Từ thầy bói gốc me, góc chợ, lăng, miếu, đình, chùa, khách sạn…cho tới thầy bói cao cấp được sự tín nhiệm của chính khách, người đứng đầu chính phủ VNCH lúc bấy giờ mà lời lời phán ra có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Những ông bà thầy bói nức tiếng Sài Gòn
Nếu nhắc tới đội ngũ thầy bói nổi tiếng của Sài Gòn trước năm 1975 mà không đề cập tới những bà thầy bói cũng rất nổi tiếng thời đó là một thiếu sót lớn.
Trước hết là bà thầy bói Anna Phán người Bắc, đã nổi tiếng về tài bói toán ở Hà nội trước khi di cư vào năm năm 1954. Bà thầy này lấy chồng Pháp nên mới có tên nửa Việt Việt nửa Tây là Anna Phán. Sau khi di cư vào Nam, bà thầy Anna Phán tiếp tục hành nghề và cũng rất nổi tiếng, được các mệnh phụ phu nhân thời đó tin sái cổ, và rất có ảnh hưởng tới những nhân vật chính trị, thông qua các bà mệnh phu nhân này khi về thỏ thẻ lại với chồng. Nhưng bà thấy Anna Phán chỉ hành nghề vài năm rồi tự “nghỉ hưu” theo lời khuyên của con cháu vì thấy bà tuổi cao sức yếu. Vả lại, gia sản bà thấy cũng đã đủ đầy, “lộc thánh” ăn chừng ấy thôi.
Madame Claire không phải là biệt danh, mà là một cái tên Tây chính thống của một phụ nữ có hai dòng máu Pháp – Việt. Thời thiếu nữ, Madame Claire rất đẹp, ăn chơi cũng nức tiếng Sài Gòn và là nhân tình của rất nhiều vương tôn, công tử thời đó, mà Công tử Bạc Liêu là một trong những kẻ si tình đã từng tặng cho Madame Claire những món trang sức đắt giá để mong lọt mắt xanh của người đẹp. Nhưng Madame Claire không chỉ nổi tiếng về sắc đẹp, giỏi ăn chơi, nhiều trai bao mà còn nổi tiếng về bói bài. Khi hết thời xuân sắc, Madame Claire đã sống nhờ vào nghề này và tiếp tục cuộc đời vương giả. Tất nhiên thân chủ của bài thầy Madame Claire cũng thuộc giới thượng lưu.
Ảnh minh họa - Internet
Nhưng trên cơ cả Anna Phán và Madame Claire có lẽ là bà thầy Nguyệt Hồ nức tiếng Sài Gòn, hành nghề ở đường Đinh Công Tráng, phường Tân Định, quận 1. Khoảng cuối năm 1974, bà thầy Nguyệt Hồ đã 43 tuổi mà nhan sắc còn mơn mởn, nghe đâu lúc còn con gái bà thầy từng dự thi sắc đẹp và đoạt danh hiệu hoa khôi do báo Đời Mới tổ chức. Bà thầy Nguyệt Hồ không chỉ bói bài, xem chỉ tay, đoán số mạng mà còn kiêm luôn cả việc tư vấn, gỡ rối tơ lòng cho những chị em gặp rắc rối về tình duyên, gia đạo, ghen tuông, chơi hụi, làm ăn buôn bán…
Nếu như những bà thầy bói chỉ hành nghề thuần túy, thì những ông thầy bói ngoài việc hành nghề kiếm sống còn có tham vọng lớn hơn là muốn trở thành người thân cận của các chính khách, hay nguyên thủ quốc gia trên cương vị “mưu sĩ”, gọi cho nhẹ nhàng hơn là “quân sư” để tìm cơ hội làm giàu nhanh hoặc bước lên nấc thang danh vọng. Trong số những ông thầy bói dạng này phải kể đến Maitre Khánh Sơn, thường tự xưng là Giáo sư, có lẽ vì đã tốt nghiệp và có bằng sư phạm tại Hà Nội, nhưng không hiểu sao đã dạy ở trường nào chưa. Thầy Khánh Sơn rất nổi tiếng và hành nghề từ những năm 40 – 45 ở Hà Nội trước khi di cư vào Nam.
Có một giai thoại về Maitre Khánh Sơn như thầy đã đưa ra câu sấm rằng: “Bao giờ 27 tháng 3/ Lửa thiêng đốt cháy tám gà trên mây”.
Câu sấm này được giải thích là tám gà tức bát kê, còn trên mây là…máy bay(?!). Vào ngày 27/3 sẽ có chiếc máy bay chở ông Pasquier (Toàn quyền người Pháp) phiên âm tiếng Việt là Bát – Kê, mà “bát kê” chính là…8 gà cùng 8 tùy tùng bay về Pháp và bị bốc cháy. Không ngờ câu sấm này lại linh nghiệm vì chiếc máy bay chở ông Pasquier cháy thật nhưng chỉ có một mình ông ta chết thôi, vì 8 viên tùy tùng định theo ông ta đã nghe lời thầy Khánh Sơn khuyên can nên ở lại và…thoát chết. Từ đó, thầy Khánh Sơn nổi danh như cồn, vào Sài Gòn tiếp tục hành nghề và hốt bạc. Và cũng nhờ câu sấm nói trên mà sau này thầy Khánh Sơn trở thành người tín nhiệm để đoán vận mạng của cựu hoàng Bảo Đại, cựu hoàng Sihanouk và nhiều chính khách Sài Gòn khác.
Hậu vận đoán không nổi của chiêm tinh gia nổi tiếng
Chiêm tinh gia Huỳnh Liên nổi tiếng không thua gì Maitre Khánh Sơn, vừa hành nghề bói toán, thầy Huỳnh Liên còn phụ trách mục “tướng số” trên những tờ báo lá cải ở Sài Gòn nên thân chủ của thầy rất đông. Ngoài việc lấy số, giải hạn cho khách hàng bình thường, chiêm tinh gia Huỳnh Liên còn là “quân sư” của nhiều chính khách, tướng tá, mệnh phụ phu nhân, tiếng nói của thày rất có ảnh hưởng đối với những nhân vật quyền thế lúc bấy giờ nên tài lộc vô như nước. Thầy Huỳnh Lien có nhiều tài sản, của chìm, của nổi và tất nhiên cũng có nhiều vợ lớn, vợ bé…Nhưng vào phút cuối đời cũng chính vì thế mà chết một cách lãng xẹt.
Thời điểm đó là đầu tháng 10/1982, thầy Huỳnh Liên về ở với bà vợ bé trong trang trại mà ông đã mua từ trước thuộc làng Vĩnh Phú, Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, trong khi bà vợ lớn vẫn ở ngôi biệt thự trên đường Phan Thanh Giản (giờ là Điện Biên Phủ) Sài Gòn. Một hôm đường dây điện thoại trên tầng bị hỏng, thầy Huỳnh Liên bảo bà vợ bé về gọi 2 đứa cháu của bà lên sửa. Khi 2 đứa cháu lên không thấy bà vợ nhỏ theo về, ông thắc mắc thì được giải thích bà còn ở lại Sài Gòn chơi, về sau. 2 anh thợ xem xét khắp nơi, vào ga ra ngắm nghía chiếc ô tô của ông Huỳnh Liên lâu năm không di chuyển, rồi lên lầu sửa đường dây điện thoại, trong lúc chị giúp việc được lệnh ông chủ làm gà đãi khách. Khi chị giúp việc nghe có tiếng động khả nghi trên lầu, vội chạy lên thì tá hỏa trước cảnh tượng hãi hùng: Ông Huỳnh Liên bị 2 người cháu đè xiết cổ bằng sợi dây điện thoại nên vội kêu cứu.
2 tên giết người sợ hãi bỏ chạy. Khi Công an đến nơi thì ông Huỳnh Liên đã chết. Kẻ giết người không kịp lấy tài sản, tiền, vàng, đồ đạc quý giá trong nhà vẫn còn nguyên. Dư luận nghi ngờ đây là một vụ dàn cảnh giết người cướp tài sản không thanh của bà vợ nhỏ ông Huỳnh Liên, vì tuy sống với bà nhưng chìa khóa tủ cất tiền, vàng, ông không giao chính thức mà lúc nào cũng kè kè bên mình. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng rõ ràng, chiêm tinh ga Huỳnh Lien nức tiếng một thời đã chết, có thể ông đã đoán số mệnh và “giải hạn” cho nhiều người nhưng số mệnh cuối đời của chính mình thì “chiêm tinh gia” vẫn không đoán và “giải” được kiếp nạn hại thân.
Trong giới thầy bói Sài Gòn thời đó lại có thêm một người tự xưng là “Giáo sư” nữa. Đó là thầy Minh Nguyệt. Ông này có văn phòng làm việc tài đường Đề Thám, quận 1 và có trong tay cả chục ngàn thân chủ, chưa kể đến khách vãng lai. Thân chủ của thầy Minh Nguyệt hầu hết là phụ nữ, trong số đó, có nhiều phụ nữ lấy chồng là lính Mỹ. Đặc điểm của thầy Minh Nguyệt là giọng nói rè rè, vui vui giống y như giọng của kịch sĩ Tùng Lâm nổi tiếng một thời ở Sài Gòn. Ngoài ra thầy Minh Nguyệt cũng tỏ vẻ am tường võ nghệ, mặc dù không ai biết về mặt võ thầy Minh Nguyệt nội lức thâm hậu thế nào.
3 ông thầy bói: Khánh Sơn, Huỳnh Liên, Minh Nguyệt vào đầu năm 1972 (Nhâm Tý) đã được mời lên đài truyền hình chế độ cũ bàn và luận về vận mệnh đất nước, cả 3 ông đều cố hết sức, hết lời tô vẽ lên một tương lai tươi sáng cho chế độ Nguyễn Văn Thiệu trước nguy cơ thất trận và sụp đổ bằng “Mùa hè đỏ lửa”. 3 ông thầy bói đại tài này không ông nào đoán được rằng ngày 30/4/1975 sẽ là ngày cáo chung của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Một thầy bói cũng khá nổi tiếng khác là Gia Cát Hồng, ông này tên thật là Phạm Bảo, người Bắc. Không biết trước năm 1954 làm gì ngoài Bắc, nhưng khi di vào Nam bỗng dưng làm “thầy”. “Thầy” Gia Cát Hồng mở văn phòng tại đường Trần Quốc Toản, quận 10, không chỉ xem bói là còn kiêm thêm việc bốc thuốc chữa bách bệnh, trong đó có bệnh ngứa, kinh phong và một loại phong khác là…phong tình. Sở sĩ “thầy” lấy tên là Gia Cát Hồng, ý nói mình là truyền nhân của Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, một người thần cơ diệu toán có thể nói “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.
(còn nữa)
Theo Pháp Luật và Cuộc Sống
Bookmarks