Hào hiệp với trái tim dũng cảm

Cái tên Nguyễn Văn Minh Tiến - “hiệp sĩ đường phố” có lẽ đã quá quen với bạn đọc, bởi lâu nay thông tin về anh gần như “thường trực” trên các trang báo. Nhưng không hẳn nhiều người đã biết về những góc khuất của cuộc đời anh quanh chuyện 20 năm ở nhà thuê.

Ông Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Eximbank - trao tiền cho “hiệp sĩ” Minh Tiến.

Ở nhà thuê… kinh niên

Năm 2005, nơi đầu tiên tôi gặp Nguyễn Văn Minh Tiến và viết bài về chàng “hiệp sĩ” có biệt tài bắt cướp là tại một căn nhà nhỏ hẹp mà vợ chồng anh thuê trên đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM. Khi anh đã kể hết mọi chuyện săn bắt cướp trên đường phố Sài Gòn kịch tính như trong phim ảnh là những phút giây yên ắng đến lạ thường.

Tiến dẫn tôi đi xem từng ngóc ngách căn nhà chật chội gần 40m2 và nhỏ nhẹ than thở: “Anh thấy đấy, tới bây giờ, em vẫn chưa lo cho vợ con được một chốn nương thân. Từ ngày vợ chồng em lấy nhau đến nay đã gần 8 năm, con em nay đã 6 tuổi, nhưng vẫn... kinh niên kiếp ở thuê. Ước gì có ngày, em có được căn nhà nhỏ, sẽ đỡ phải mất hai - ba triệu đồng mỗi tháng tiền thuê nhà; số tiền đó em sẽ đổ thêm xăng... đi bắt cướp”.

Lúc đó tôi rất ái ngại vì nơi ở của vợ chồng Minh Tiến. Căn nhà nhỏ xíu, lúc nào cũng bốc mùi ẩm ướt; kề chỗ ngủ là vũng nước vừa dột từ nóc mái tôn xuống sau cơn mưa đêm qua. Tiến cho biết: “Mỗi khi trời mưa, trên thì dột, dưới thì ngập; vợ chồng em trắng đêm không ngủ được”.

Vậy mà Tiến và vợ con đã sống trong căn nhà nhỏ hẹp ấy rất nhiều năm tháng. Thỉnh thoảng, Tiến điện thoại cho tôi rủ rỉ tâm sự, “tháng này kẹt quá anh ơi. Bà chủ đòi tiền nhà quá trời, chưa đủ tiền nộp, em lại... né mấy ngày, kiếm cớ gửi vợ con về ngoại; hôm nào trả tiền nhà xong, em rước vợ con về”.


“Hiệp sĩ” Minh Tiến trong một lần bắt cướp (bên trái).

Tiến kể: “Ai cũng nói em khùng điên, lo chuyện bao đồng. Chuyện bắt cướp đã có công an, mắc mớ gì lao vào... Cái quan trọng là kiếm cái nhà nhỏ, căn hộ chung cư cũng được, để vợ con chấm dứt cảnh ở thuê, ở đậu. Làm thằng đàn ông, không lo được cho vợ con chỗ ở, nhục lắm. Nhưng biết nói sao đây?

Cái chuyện bắt cướp ăn vào máu thịt rồi, có dạo em đã tuyên bố rửa tay gác kiếm, cô Thảo (tức bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - PV) xuống tận nhà trọ động viên, khuyên em tiếp tục bắt cướp. Nhưng giá như em dẹp được nỗi lo nhà cửa, chỗ ở thì khỏe biết mấy, lúc đó tha hồ bắt cướp, không phải nghĩ ngợi gì”.

Ba chìm, bảy nổi… “giấc mơ nhà”

Dường như có lúc, giấc mơ có được một căn nhà sắp trở thành hiện thực, “hiệp sĩ” Minh Tiến cứ ngỡ mình sắp chạm vào, nhưng rồi lại... thất vọng. Đó là khoảng thời gian năm 2008, qua đánh động của báo chí, Phó Chủ tịch UBND TPHCM lúc đó là ông Nguyễn Thành Tài đã ra văn bản gửi Công an TPHCM, UBND quận Tân Phú... xem xét giải quyết chỗ ở cho “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến.

Trớ trêu thay, cơ quan này đẩy cho cơ quan kia, cuối cùng về UBND quận Tân Phú. Nơi đây trả lời rằng, không còn quỹ nhà ở; vả lại, trường hợp “hiệp sĩ đường phố” không biết xếp vào “thành phần gì” để được ưu tiên cấp nhà, bán nhà hay cho thuê nhà; chưa luật nào, quy định nào của Nhà nước quy định về trường hợp “hiệp sĩ” nên... bó tay!


Năm 2009, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo thăm và tặng quà “hiệp sĩ” Minh Tiến ngay tại nhà thuê. Ảnh: C.H

Một ngày nọ, khi chủ nhà không còn muốn cho vợ chồng “hiệp sĩ” ở thuê nhà mình nữa, Minh Tiến buộc phải dắt díu vợ con đi kiếm căn nhà khác để thuê, giã từ quận Tân Phú mà gia đình anh vốn gắn bó bao năm. Căn nhà thứ hai mà vợ chồng Tiến thuê trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, còn nhỏ hơn căn nhà trước đó.

Tôi đã tận mắt chứng kiến chốn nương thân của “hiệp sĩ đường phố Sài Gòn” nổi tiếng này. Căn nhà hình tam giác, chỉ rộng 20m2, vô 3 - 4 khúc cua hun hút trong một con hẻm nhỏ. Vẫn mùi ẩm mốc hôi hám, đồ đạc ngồn ngộn; bằng khen, giấy khen, huy chương, huy hiệu... có được từ hàng trăm vụ bắt cướp không còn chỗ trưng bày, Minh Tiến chất thành đống nơi góc nhà tăm tối...

Tháng 6.2011, tôi viết bài ghi chép “Ba điều ước của “hiệp sĩ” bắt cướp”, phản ánh một góc tâm tư, ước mong có được căn nhà của Minh Tiến. Thật may mắn, sau đó, thêm một lần nữa, UBND TPHCM ra tiếp văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng, Quỹ Phát triển nhà... giải quyết cho Nguyễn Văn Minh Tiến một căn nhà xã hội ở quận 12.

Lần này, có vẻ “giấc mơ nhà” của Minh Tiến sẽ trở thành hiện thực, khi Hội đồng xét duyệt cho thuê, cho mua nhà xã hội thuộc sở hữu nhà nước chính thức ra quyết định sẽ cho “hiệp sĩ” thuê mua căn nhà 3.02, tầng 4, chung cư Đông Hưng Thuận 2.

Thật vậy, sau các lần gặp gỡ, tiếp xúc, “hiệp sĩ” đã biết cụ thể căn nhà mà anh mơ ước suốt hơn 10 năm qua, có giá 680 triệu đồng. Nếu muốn vào ở ngay, anh phải nộp cọc trước 120 triệu đồng; số tiền còn lại, Tiến phải trả dần hằng tháng trong 15 năm...

Tuy nhiên, “giấc mơ nhà” của “hiệp sĩ đường phố” vẫn chưa hết... ba chìm, bảy nổi do loay hoay suốt 2 tháng trời, Tiến không kiếm đâu ra 120 triệu đồng để “đặt cọc”.

Cái kết có hậu của chuyện cổ tích thời nay

Ngày 11.9, Báo Lao Động đăng bài “Vỡ mộng giấc mơ... nhà” (phản ánh “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến do không có 120 triệu đồng “đặt cọc” mua nhà, nguy cơ bị cơ quan chức năng rút lại quyết định cho mua nhà). Và bài báo thực sự đã gây chấn động cộng đồng mạng.

Sau khi báo đăng, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) - thông qua Báo Lao Động, cam kết sẽ hỗ trợ “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến số tiền “đặt cọc” 120 triệu đồng.

Ngay sau khi được tôi báo tin này, “hiệp sĩ” Minh Tiến đã xúc động: “Vậy là chấm dứt 20 năm ở thuê, chấm dứt 20 năm em day dứt về căn nhà cho tổ ấm của mình”. Đó là một kết thúc có hậu của câu chuyện cổ tích thời nay. Nhưng vẫn chưa hết.

Câu chuyện cổ tích, điều ước về căn nhà của “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến tiếp tục được dư luận quan tâm, chia sẻ, khi trên báo Dân Trí, chỉ trong buổi sáng 12.9, đã có trên 500 comment gửi về góp ý xung quanh “giấc mơ nhà” của Minh Tiến...

Ngày 13.9, nhóm cộng đồng tài chính F319, ngay lập tức tổ chức quyên góp, gây quỹ giúp “hiệp sĩ” Minh Tiến thêm tiền mua nhà trên mạng Internet...

Sáng ngày 14.9, Nguyễn Văn Minh Tiến mừng rỡ thông báo: “Nhiều người dân, độc giả đọc báo theo lời kêu gọi của F319 đã gửi trực tiếp vào tài khoản ATM của em được 16 triệu đồng. Anh em F319 nhắn tin đã quyên góp được khoảng 40 triệu đồng nữa, sắp tới sẽ gửi cho em.

Trước đó, độc giả báo Dân Trí cũng gửi giúp em một số tiền để mua nhà... Xin cảm ơn tất cả những tấm lòng gần xa! Em sẽ dùng các khoản tiền này để mua căn hộ”. Niềm hạnh phúc của “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến lan cả sang tôi.

Dân gian vẫn nói “an cư mới lạc nghiệp”; với “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến, có thể nói rằng, kể từ hôm nay, Tiến và vợ con chấm dứt cảnh ở thuê suốt 20 năm; cũng có nghĩa, Tiến đã “an cư” để mà yên tâm, phấn chấn trên “con ngựa sắt” tiếp tục... bắt cướp, góp phần mang lại cuộc sống yên lành cho nhiều người dân trên đường phố Sài Gòn.

Theo Cao Hùng
Lao động