HUYỀN CƠ

Tiếp theo


THỜI KỲ THÀNH TỰU CỦA HUYỀN CƠ

Ông Minh Chánh đặng trước cái thơ này đề năm 1916, sau nhờ có vị pháp sư Tàu chỉ bảo thêm, mới nhứt định tập luyện theo cách nói trên, nhiều năm công lao khó nhọc mới là đặng thành tựu.

Kỳ thành tựu thứ nhứt, có nhiều vị trí thức theo Tây học, ít tín ngưỡng đến dự đàn. Đây nói thành tựu thứ nhứt là vì trước khi đặng kết quả, biết mấy lần đã hỏng rồi, mặc dầu người chủ đàn làm đủ các phép nói trên.

Khi lập đàn, có nhiều người dự đàn đứng xung quanh cầu nguyện. Còn ở giữa cái đàn thì treo một cái bao thơ trên xà nhà thiệt cao, đừng ai rờ mó tay tới được. Trong bao thơ đó, có để sẵn một tờ giấy trắng trên đó dán hai lá bùa nói trên và mỗi người dự đàn đều ký tên vào đó, làm chắc là tờ giấy ấy không ai lên thay đổi được.

Ai muốn hỏi điều chi thì phải thành tâm tưởng mạnh vào câu mình muốn hỏi, chớ không nên nói ra lời. Mỗi người chỉ đặng hỏi một câu, không nên tưởng nhiều việc, để tránh khỏi sự lộn xộn.

Chừng 10 hay 15 phút sau, ông Minh Chánh mới bắt ghế lên lấy cái bao thơ xuống. Khi ông mở bao thơ ra, thì thấy trên giấy đầy chữ viết. Trước ghi câu hỏi, rồi sau có một bài thơ của Thần Tiên trả lời cho mỗi câu hỏi ấy. Nét chữ rất sắc bén, tinh xảo, viết bằng một chất xám xám, tựa như một cục than hay là một cây viết chì Comté (viết chì lớn và đậm).

Ai ai cũng lấy làm ngạc nhiên, cho đó là một việc xưa nay chưa từng có và là một cái bằng chứng thiệt có Thần Tiên trong cõi vô hình, không còn ngờ vực gì nữa. Mỗi người đặng lời Thần Tiên dạy bảo, thì đều phấn khởi vui mừng, lòng thêm tín ngưỡng thập bội.

Một đàn thứ nhứt, một đàn thứ nhì, kế đàn thứ ba lại xảy ra một chuyện lạ như sau đây:

Khi ông Âu Minh Chánh bắt ghế lên bàn đàn, vói lấy cái bao thơ, vừa mói tay tới thì bị điển giựt rất mạnh, dường như mất hồn. Ông xuống nghỉ một chút để đọc thêm kinh cầu nguyện. Rồi ông cũng cố gắng đứng lên lấy bao thơ và mở ra xem, thì thấy có ba bài thơ trả lời, mà bài thơ sau rốt, chỉ có một câu đầu và một chữ đầu câu thứ hai. Kế đó, là một đường viết chì kéo dài xuống, để chấm dứt.

Có người dự đàn phỏng đoán rằng: Đó là Thần Tiên viết chưa rồi, mà vì ông Minh Chánh vội gấp lấy bao thơ, nên Thần Tiên không cho trọn đủ được.

Cách tiếp điển trực tiếp của Thần Tiên bằng huyền cơ như nói trên chẳng phải lạ. Bên Tàu đã có từ xưa, bên Pháp và bên Huê Kỳ cũng có nữa. Người Pháp gọi cách viết đó là: "Médiums pneumato-graphes" cũng gọi là "Ecriture directe" (coi cuốn "Le livre des Médiums" par Allan Kardec, chương 12).


Có người đã đem các việc cầu đàn Huyền Cơ nói trên mà đăng trên mặt báo "Echo Annamite" (Tiếng dội của người An Nam), viết bằng tiếng Pháp lối năm 1922-1923. Nhưng tác giả các bài báo đó không có nói rõ người nào lập đàn và lập tại đâu.

TÌNH CẢNH BẮT BUỘC PHẢI DÙNG THẦN CƠ

Sau quả Thần Tiên cũng nhìn nhận ông Minh Chánh đã vội gấp lấy bao thơ như nói trên và khuyên không nên dùng thường huyền cơ. Vì điển Thần Tiên giáng bút theo huyền cơ rất mạnh, nếu sau này ai còn phạm lỗi như thế nữa, thì có thể bỏ mạng được. Cho nên từ đó, Thần Tiên dạy phải dùng thần cơ nghĩa là dùng đồng tử và cơ loan mà viết theo lối thường.

(Báo Đại Chúng, số 242 và 243, năm 1963)

Ngài cố Minh Thiện (Minh Lý Thánh Hội)