(tiếp theo) Rất tiếc tôi không biết cách nên không đưa một sơ hình ảnh và chân dung ông Dang van Dang được!Thầy QT bảo rằng dịch tiếng Hán dễ hơn-tôi thấy thật đúng!
Vè sĩ Bút Tre
TT - Nói đến thơ Bút Tre, trong dân gian hầu như ai cũng biết, cũng thuộc, thậm chí có người còn làm thơ hay hơn cả Bút Tre thật. Nhưng khi ông còn sống, đã có nhiều ý kiến, bài viết phê bình về những câu thơ “quái quỉ”, “tự nhiên chủ nghĩa”của ông và cũng từ đấy bao nhiêu câu thơ buồn cười người ta đều gán cho ông - vè sĩ Bút Tre.
Chúng tôi về xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) - quê hương của vè sĩ Bút Tre. Hỏi thăm đường đến nhà ông Đặng Văn Đăng, người dân ở xã đều lắc đầu quầy quậy: “Ở đây không có ai tên Đặng Văn Đăng cả”. Hóa ra trên quê hương ông, ít ai biết tên thật của ông.
“Tớ chỉ là vè sĩ”
Theo anh Đặng Thành Phiến( con trai của vè sĩ Đặng Văn Đăng - tên thật của nhà thơ Bút Tre)trước Cách mạng Tháng Tám 1945, gia đình anh vốn là gia đình nho học. Thân sinh của ông Đặng Văn Đăng là người hay chữ trong làng, tuy nhà nghèo nhưng ông bà cố gắng tằn tiện nuôi ông Đăng ăn học đến bậc tú tài.
Trước năm 1945, Đặng Văn Đăng làm nghề dạy học và viết báo, ông đã từng có truyện dài kỳ
đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, báo Đông Pháp ký bút danh Lục Y Lang. Ông rất giỏi Anh văn, Pháp văn, am hiểu triết học, chính trị, kinh tế học và văn thơ. Đặng Văn Đăng đã từng đỗ tú tài Pháp.
Ở làng quê Đồng Lương hồi ấy có anh giáo biết nói tiếng Pháp là uy tín lắm. Thêm nữa, anh còn biết viết báo thì lại càng sang trọng. Thế nhưng, theo các cụ già trong làng còn sống kể lại, anh Đăng rất xuề xòa trong cách ăn mặc, nói năng. Khi trưởng thành, Đặng Văn Đăng lấy vợ là một cô gái kém nhan sắc nhất làng.
Sau ngày giành chính quyền 19-8-1945, Đặng Văn Đăng thôi dạy học và chuyển sang làm thư ký UBND cách mạng lâm thời xã Đồng Lương. Tháng 9-1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản VN và thoát ly công tác, đi làm báo Khu giải phóng (khu 10) rồi là cán bộ ban tuyên huấn khu 10, sau đó chuyển về làm cán bộ ban tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Thọ.
Ông Trần Ngọc Liu - 85 tuổi, nguyên trưởng Ty Thông tin Phú Thọ, hiện cư trú tại số 2 Láng Thượng, quận Ba Đình (Hà Nội) - cho hay thoạt đầu khi ông Đăng hay ứng khẩu thành thơ biến âm, mọi người nghe ông nói rồi cũng quên chứ không ai nhớ được, nghĩ đến ông Đăng họ buồn cười vì duyên ăn nói mà thôi. Mãi đến năm 1962, về làm trưởng Ty Thông tin Phú Thọ, ông mới chính thức sáng tác những bài thơ kiểu ngồ ngộ và ký tên Bút Tre, và từ đấy thơ Bút Tre mới được nhiều người biết đến và nhân rộng.
Ông Vũ Kim Biên - người biên soạn cuốn Địa chí xã Đồng Lương, có thời gian sống khá lâu bên vè sĩ Bút Tre để cùng sưu tầm tư liệu viết cuốn sách này - cho hay bút danh Bút Tre bắt đầu được nhiều người biết đến năm 1963 với các tác phẩm Phú Thọ quê ta, Rừng cọ đồi chè.
Tuy nhiên, người ta biết nhiều về ông không phải qua những tập thơ ông được xuất bản mà qua những bài thơ ứng khẩu kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”. Do ông hay nói thẳng nói thật nên ngôn ngữ ông dùng ít chất tinh tế, quên cả luật thơ, thậm chí cả về ngữ pháp, tự tiện chia đôi các từ phức. Người ta mến tặng và gọi ông là nhà thơ, những lúc như vậy ông bao giờ cũng khiêm tốn: “Tôi chỉ là vè sĩ mà thôi”
Nhà xuất bản miệng
Các văn nghệ sĩ Phú Thọ hôm nay như nhà văn Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Hữu Nhàn, họa sĩ Ngô Quang Nam... đều thừa nhận Bút Tre - Đặng Văn Đăng là một trong những người đi tiên phong làm cho đời sống văn hóa văn nghệ Phú Thọ phong phú và nổi tiếng đến hôm nay.
Mới năm đầu nhậm chức trưởng Ty Văn hóa, ông Đặng Văn Đăng đã cho “tinh giản” nhiều vị trong ban lãnh đạo các đơn vị văn hóa như chiếu bóng, phát hành sách của Ty Thông tin. Theo ông Nguyễn Kính Mời, nguyên phó giám đốc Sở VH-TT Phú Thọ thập niên 1980: “Ông Đăng rút lại còn rất ít cán bộ làm việc ở ty, đưa xuống hết cơ sở. Ông hô hào, động viên chúng tôi bám cơ sở mạnh vào, cứ viết thoải mái đi, phải thật gần dân mới viết được hay chứ cứ loanh quanh ở tỉnh thì làm hay sao được!”. Hầu hết các phòng ban của ty đều không có phó trưởng phòng. Ông bảo: “Cứ lấy công việc là trên hết, cứ gì phải là ông nọ bà kia mới làm nên chuyện!”.
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, thường trực Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, kể: “Các ấn phẩm của Ty Văn hóa hồi ấy như trăm hoa đua nở, các văn nghệ sĩ Phú Thọ, các cộng tác viên thỏa sức vung bút”. Anh em vung bút, trưởng ty cũng không kém, chỉ ba năm đầu sau khi nhậm chức ông Đặng Văn Đăng cho ra ba tập thơ Phú Thọ lớn lên, Rừng cọ đồi chè, Sông Lô, sông Chảy ký tên Bút Tre, đấy là chưa kể ông còn đi “xuất bản miệng” bao nhiêu lần những bài thơ ứng khẩu.
Ông Nguyễn Kính Mời cho biết chính vì viết lách thoải mái như vậy nên các cộng tác viên khắp hai tỉnh trung du Vĩnh Phúc, Phú Thọ lúc bấy giờ đua nhau viết cho tờ Văn Nghệ Phú Thọ. Ông Đăng đưa ra tiêu chí “hay thì dùng” nên sự cạnh tranh giữa các tác giả, tác phẩm rất quyết liệt, các cộng tác viên như nhà thơ Vũ Đình Minh, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi... lúc ấy làm giáo viên dạy học ở Vĩnh Phúc đã là cộng tác viên “ruột” cho tờ báo này. Tờ báo rất có uy tín vì ngoài việc biểu dương người tốt việc tốt, đăng những bài thơ, truyện ngắn, kịch... còn hăng say đả phá tiêu cực, chính vì điều này mà ông Đăng không được một số lãnh đạo tỉnh thiện cảm.
Họa sĩ Ngô Quang Nam kể rằng ngày ấy có lần Đoàn ca múa nhạc Phú Thọ cần một cây đàn piano để biểu diễn. Trưởng ty Bút Tre làm công văn đề nghị UBND tỉnh cấp ngân sách mua đàn. Dạo ấy, tỉnh đang có phong trào đưa cây sắn lên đồi để phủ xanh đồi núi trọc, vị lãnh đạo tỉnh phụ trách văn xã lúc ấy xem công văn, có nói với ông Đăng: “Các anh vẽ chuyện, đất Phú Thọ này chỉ có sắn, cần tập trung vào sắn!”.
Bẵng đi một thời gian sau, chuyện đề nghị mua đàn cũng đi vào lãng quên. Bỗng một hôm, có vị lãnh đạo trung ương lên thăm Phú Thọ, Văn phòng Tỉnh ủy yêu cầu Ty Văn hóa phải mang đàn piano sang nhà khách để phục vụ. Nhân viên Văn phòng Tỉnh ủy cầm công văn sang đưa cho ông Đăng, vè sĩ cười rồi bảo anh nhân viên cầm công văn về vì Ty Văn hóa “chỉ có sắn chứ không có piano”! Anh nhân viên nghiêm sắc mặt nói rằng đây là yêu cầu của Tỉnh ủy chứ không phải chuyện đùa. Vè sĩ cũng nghiêm sắc mặt nói lại: “Tôi cũng không đùa, anh về nói lại với các anh lãnh đạo bên ấy rằng “văn hóa chỉ có sắn thôi”!
Họa sĩ Ngô Quang Nam kể có lần nhà báo Phan Lự (Phú Thọ), lúc ấy là bí thư chi đoàn thanh niên lao động của Ty Thông tin, đến gặp trưởng ty Bút Tre - Đặng Văn Đăng báo cáo công tác Đoàn. Trong khi anh báo cáo thì thấy trưởng ty cứ cắm cúi viết trên bàn. Thấy ông Đăng có vẻ bận rộn, Phan Lự xin phép rút lui thì thấy ông Đăng bảo: “Cậu đọc Tam Quốc chưa?”. “Dạ, Tam Quốc thì có liên quan gì đến công việc của em?”. “Cậu không thấy trong đó có nhân vật Phượng Sồ à, ông ta miệng xử kiện, tai nghe trình bày, tay phê đơn, mắt đọc sách, làm bốn việc một lúc, tớ lại không làm nổi hai việc một lúc sao. Để tớ nói lại cho cậu những điều mới nghe cậu báo cáo nhé!”. Ông Đăng nói vanh vách một hồi những điều Phan Lự vừa trình bày, làm Phan Lự phục lăn.
Thêm nữa, những câu thơ ứng khẩu của vè sĩ sau khi bị dân gian “nhại đi” đã biến đổi không ngờ. Họa sĩ Ngô Quang Nam kể một dịp vè sĩ tập hợp tự vệ Ty Văn hóa để động viên tinh thần chiến đấu, ông có ứng khẩu: “Giặc Mỹ leo thang đến Phú Tho (Phú Thọ)/ Napan đốt cháy cả rừng co (cọ)/ Sẵn sàng chiến đấu chị em bắn/ Rớt trước ty mình một dù đo (dù đỏ)”. Nhưng khi truyền khẩu thì lại là “Chị em du kích tài thay/ Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình”![/I]
Thế nên mới có chuyện một nhà thơ nổi tiếng ở Hà Nội lên chơi, sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh liền cho mời vè sĩ Bút Tre sang đàm đạo thơ phú. Sau khi nghe Bút Tre đọc thơ, nhà thơ Hà Nội gật gù: “Anh tập hợp những bài thơ của anh để tôi đem về Hà Nội nhờ anh Xuân Diệu sửa cho”. Vè sĩ trả lời: “Anh Xuân Diệu làm thơ bác học. Tôi làm vè dân gian, Xuân Diệu chữa thế nào được!”.
Ông Nhàn hiện vẫn còn lưu giữ rất nhiều ấn phẩm của Bút Tre được xuất bản. Ông đưa cho tôi xem và thách đố: “Tôi đố cậu tìm được câu thơ nào của Bút Tre nói về sự tục tĩu. Thơ của ông chỉ có cười mà thôi”. Ông Nhàn còn lưu giữ một cuốn sổ tay ghi chép công tác của vè sĩ Bút Tre, trong đó xen kẽ những ghi chép các buổi họp hành được ghi bằng… tiếng Pháp, xen lẫn thơ được viết bằng tiếng Việt, chữ của vè sĩ rất xấu. Đó là những câu thơ mà vè sĩ một thời làm hai việc, ba việc trong cùng một lúc.
Một Bút Tre thành vạn Bút Tre các làng
Ông Nguyễn Kính Mời - nguyên cán bộ Ty Văn hóa Phú Thọ, sau làm phó giám đốc Sở VH-TT Phú Thọ, hiện đã nghỉ hưu ở phố Thái Hà (Hà Nội) - kể: “Thời gian ấy, Bút Tre hơi buồn nhưng trước mặt mọi người ông vẫn vui vẻ, lạc quan vì tính ông thế!”. Cuộc sống của ông vẫn không bị xáo trộn gì, trưa đến anh em trong cơ quan vẫn cùng ông đùa tếu táo tại nhà ăn của cơ quan.
Bà Bùi Thị Ngà, nguyên thư ký đánh máy chữ cho Bút Tre suốt những năm vè sĩ làm trưởng ty, cho hay những ngày sóng gió ấy Bút Tre vẫn miệt mài chỉ đạo anh em khai quật các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh để khẳng định các nền văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên...
Riêng về viết lách, ông chăm viết nhiều hơn, có bận chuyển sang viết nghiên cứu. Vè sĩ vẫn làm thơ như mọi ngày, có ngày đến ba bài thơ đưa cho bà Ngà đánh máy, có một bài thơ ở thời kỳ sóng gió ấy làm bà Ngà nhớ nhất, trong đó có những câu:
Bút Tre văn nghệ không thừa nhận
Thêm bao bịa đặt cá nhân xuyên (xuyên tạc)
Nỗi oan trái đâu cần ai rửa
Ánh trăng vằng vặc góc trời riêng.
Bút Tre cũng có lần tâm sự với nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, họa sĩ Ngô Quang Nam là những người thân nhất hay cận kề bên ông: “Oan tớ hơn oan Thị Kính!”. Và cũng kể từ những ngày sóng gió ấy, vè sĩ không gửi thơ đi in nữa.Nhưng khi ấy trong dân gian, thơ kiểu Bút Tre đã được người ta ứng khẩu đọc tràn cung mây. Bữa ăn ở hội nghị nào của Phú Thọ hay bên mâm rượu vui bạn bè, tiễn bộ đội lên đường đánh Mỹ..., mọi người đều ứng khẩu đọc thơ kiểu Bút Tre. Chính vè sĩ cũng ngây người nhiều bận khi người ta gặp ông thường khoe là... thuộc thơ ông, nhưng khổ một nỗi đó không phải do ông ứng khẩu. Những câu như:
“Anh đi công tác Pờ Lây/ Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra/ Còn em em vẫn ở nhà/ Cửa (nhà) mình em mở người ra kẻ vào”; “Thi đua ta quyết thi đua/ Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu/ Hàng đầu rồi tiến đi đâu/ Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”... Vè sĩ cười chảy nước mắt!Bị oan nhưng Bút Tre tự hào rằng những lối thơ của mình đã được dân gian thừa nhận. Ông cảm hứng viết lời khai từ của tập Tia lửa làng quê:
Trăm năm ở một làng vè
Nghìn câu lục bát mấy đề vè hôm
Khi khuya sáng, lúc hoàng hôn
Bà con kể lại, xóm thôn vọng lời
Bút Tre nối bước những ai
Một dòng thơ, mở đường quai kể vè
Năm năm dân dã lắng nghe
Năm 1968, thêm một bước ngoặt trong đời ông: tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú, ông được cấp trên phân công làm phó Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phú và giữ cương vị này đến năm 1973 thì nghỉ hưu. Theo lời kể lại của anh em văn nghệ sĩ Phú Thọ, Bút Tre vẫn không ngừng viết nhưng không gửi in ở đâu. Ông làm việc một cách lặng lẽ cho đến khi qua đời tại quê nhà vào năm 1987 ở tuổi 76.
Một đời thanh bạch
TT - “Cả đời công tác của cha tôi đến khi về hưu vẫn ở trong gian nhà lá, đi lại bằng chiếc xe đạp không có chắn bùn. Trước khi mất, gia tài mà cụ để lại cho con cháu là một chiếc xe đạp và một chiếc radio cũ” - ngồi bên mộ người cha Bút Tre - Đặng Văn Đăng, anh Đặng Thành Phiến - con trai thứ hai của Bút Tre, kể lại chuyện gia đình.
Gia tài của ông trưởng ty
Anh Phiến kể rằng trước khi về hưu, ông Đăng cho chở một thuyền sách về nhà. Hôm có người làng về nhắn bảo mẹ anh chuẩn bị một xe cải tiến ra bến đò để chở đồ đạc của “quan” Đăng hồi hương mang từ tỉnh về, bà cùng các con tất tả đi mượn một chiếc xe cải tiến kéo ra bờ sông chờ đợi. Thuyền cập bến, ông Đăng hối hả gọi vợ con lên khuân vác. “Toàn sách là sách với chiếc xe đạp sắm được từ ngày đi công tác, cùng chiếc đài bán dẫn mà cha tôi hay đeo bên hông để nghe thời sự” - anh Phiến kể. Bà Thảo, vợ Bút Tre, ngơ ngác: “Có còn gì nữa không?”. Ông Đăng cười: “Ối, thế là nhiều lắm rồi, còn một ít sách nữa nhưng tôi cho mấy cậu ở cơ quan, sợ mang về nhiều nhà mình chật không có chỗ để!”. Nhưng những sách đó trong làng không ai đọc được vì toàn là sách tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Anh Phiến cho hay cha anh thích đọc sách bằng nguyên bản tiếng nước ngoài vì ông muốn tự dịch. Gian nhà lá của nguyên trưởng ty văn hóa vẫn như tự thuở nào ông xa nhà đi công tác: mái lá, tường đất, cửa ra vào là một tấm liếp. “Từ hôm cha tôi về nghỉ hưu, trong nhà vui hẳn lên vì có tiếng radio” - anh Phiến kể.
Gian nhà lá của Bút Tre hầu như ngày nào cũng đông khách đến chơi, đàm luận về thơ ca hò vè cũng như mọi chuyện bức xúc của nông thôn thời ấy. Mỗi lần nghe những chuyện như vậy, ông Đăng lại cặm cụi suy nghĩ viết những lá thư đầy tâm huyết gửi lên các cấp lãnh đạo để giúp bà con đỡ vất vả.Cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ, nguyên bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, đã gửi cho họa sĩ Ngô Quang Nam đôi dòng cảm nhớ về Bút Tre nhân dịp ông Nam hoàn thành cuốn Bút Tre và giai thoại. Ông Ngọ nhớ lại: “Ngày tôi làm bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú, tôi thường được Bút Tre gửi cho những bài thơ và những tập nghiên cứu của ông. Lúc đó ông đã nghỉ hưu nhưng đầu óc vẫn luôn quan tâm đến hoạt động của cấp ủy. Đọc những điều ông trăn trở, tôi cứ suy nghĩ về một đồng chí cán bộ lãnh đạo ngành văn hóa nhưng rất tâm huyết, quan tâm đến đời sống người dân. Sống ở vùng trung du, Bút Tre quan tâm tới vấn đề đất đồi, đất rừng, vườn. Ông khuyến khích việc trồng cây công nghiệp ở quê hương, phê phán chính sách thu mua, phàn nàn về tình trạng đất trống đồi trọc, chê việc đưa máy cày lên đồi... Đều đặn tháng nào cũng nhận được ý kiến của ông và có lần chúng tôi đã trao đổi những suy nghĩ ông nêu ra, trong đó có vấn đề văn hóa Hùng Vương”.Anh Phiến cho hay cha anh lúc nào cũng lo việc thiên hạ nhưng rất vụng việc nhà. Bà Thảo cũng có lúc sốt ruột vì ông không biết làm việc nhà, “cho đến khi hưu rồi vẫn đi lo chuyện thiên hạ”. Những lúc bà vợ cáu giận là Bút Tre lỉnh mất, ông đi xuống các thôn làng nghe chuyện nông dân. “Lúc nào mẹ tôi nguôi giận thì cha tôi mới về!”- anh Phiến nói. Bút Tre chỉ biết làm bếp duy nhất một món là “xúp sắn” theo kiểu Tây, sắn được nghiền ra rồi quấy thành hồ, cho gia vị tương hành vào rồi nấu chín là xong.
[B]Bút Tre đã lan ra cả nước rồi [B]
Theo nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, khi còn sống vè sĩ Bút Tre đã tiên đoán:
Bản chất dân gian ham nghệ thuật/ Tự nhiên xã hội hẳn trường tồn/ Có ngôn ngữ hẳn ca vè có/ Sàng lọc truyền ngôn với nước non. Năm 1987, Bút Tre rời bỏ cuộc đời về với tổ tiên. Họa sĩ Ngô Quang Nam kể lại lúc ấy chưa có thông tin nhanh như bây giờ nhưng tin Bút Tre mất lan truyền nhanh lắm, bạn bè văn nghệ sĩ khắp nơi vượt sông Thao đến Đồng Lương để đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Bà con nông dân khắp vùng lân cận cũng kéo đến thắp nhang cho Bút Tre.
Anh Phiến kể trước lúc cha anh ra đi, ông có gọi anh đến bảo rằng: “Cha sinh ra được ba người con, anh con đã hi sinh vì đất nước, chị gái con theo chồng làm ruộng. Nhà ta cha thấy không ai theo được nghiệp cha. Tất cả pho sách mà cha để lại, con đem thuyền chở đi hiến tặng thư viện tỉnh. Còn những bài thơ vè của cha, cứ để lại sau này ai đến xin thì cho, con đừng giữ làm gì. Vì thơ vè như cha làm, dân gian ai thích cũng làm được”. Nói xong, ông rút dưới gối đưa cho anh Phiến tờ di chúc viết bằng thơ.
Hơn mười năm sau, họa sĩ Ngô Quang Nam, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn cùng nhiều văn nghệ sĩ khác trên đất Phú Thọ đã đi sưu tầm những giai thoại về Bút Tre tập hợp in thành sách. Nhưng khi đưa đi xuất bản lại gặp vấn đề. Tại Phú Thọ, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn bị “đánh lên, đánh xuống” vì ký giấy phép xuất bản tập sách sưu tập thơ Bút Tre và Bút Tre dân gian", có thời ông Nhàn còn bị trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ gọi lên kiểm điểm vì “tội nói xấu phụ nữ”. Ông Nhàn hỏi lại: “Nói xấu chỗ nào?”. Bà trưởng ban nói: “Cái câu “Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình” chả là nói xấu chị em à?”. “Cái câu ấy là dân gian nói đấy thôi”. “Dân gian là ai? Anh phải trả lời rõ, nếu không sẽ bị cấm viết báo”.
Ông Nhàn sang gặp bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Trần Văn Đăng trình bày. Ông Đăng cười xòa, rồi điện thoại sang Ban tuyên giáo Tỉnh ủy thôi “truy xét” buồn cười ấy, ông bảo: “Bút Tre đã lan ra cả nước rồi, đấy là thơ cười VN cũng như truyện cười tiếu lâm VN, có gì mà phải truy xét ai viết với ai nói!”.
Nhà thơ Kim Dũng, biên tập viên báo Văn Nghệ Đất Tổ, cho biết trên đất Phú Thọ hôm nay có nhiều người tự nhận mình là hậu duệ của Bút Tre như ông Đặng Trần Luật - nguyên chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, ông Phạm Ngọc Chân - nguyên giám đốc Sở Giao thông - vận tải, còn sáng tác hẳn tập thơ Hậu Bút Tre.
Ông Dũng cũng cho biết những sách viết về Bút Tre được bán chạy nhất ở Phú Thọ. Tập Thơ và giai thoại về Bút Tre của họa sĩ Ngô Quang Nam được Hội Văn học - nghệ thuật Phú Thọ tái bản đến lần sáu đã hết veo trong dịp lễ hội đền Hùng năm ngoái và đang chuẩn bị tái bản lần bảy. Đó là chưa kể đến hằng ngày, hằng giờ trên khắp đất nước và những vùng có nói tiếng Việt, thơ kiểu Bút Tre ứng khẩu vẫn đều đặn được “xuất bản miệng” đem lại tiếng cười vui vẻ và trong trẻo.
Cả đời thanh bạch, cả đời theo đuổi sáng tác thơ ca hò vè để đưa vào dân gian một trường phái mới, tạm gọi nôm na là “thơ cười” VN sánh cùng với truyện cười dân gian VN, cho thấy công lao vè sĩ Bút Tre không phải là nhỏ.
Tác giả: ĐỖ HỮU LỰC
Một số thơ,vè trong dân gian ảnh hưởng lối thơ Bút Tre:
Chăn nuôi mấy cậu gầy nhom
Làm cho lợn nái sòn sòn đẻ sai
Con rể làm tận Hòn Gai
Đem biếu bố vợ một chai rượu chành (chanh)
Bố mừng, bố cảm ơn anh
Bố đem nhắm với tiết canh lợn xề
Mới nhấp cứ thấy tê tê
Chua chua, chát chát no nề chân răng
Nhăn nhăn bố mới bảo rằng
Sao không thêm ớt để ăn với bùn (bún)
Hôm qua học tập chính tri (chính trị)
Cán bộ ngồi ỳ, chẳng chịu phát biêu (phát biểu)
Cơm ăn chẳng được bao nhiêu
Đảng uỷ lại bắt phát biêu cả b… (cả buổi)
Hoan hô đồng chí Trần Hoàn
Lên làm Bộ trưởng chiếu toàn phim hay
'Tiếng chim trong bụi mận gai'
lại thêm' Bạch tuộc' tuần hai tối liền
Hoan hô anh Rađuxu
Đầu tóc bù xù mà đá rất hay!
Hoan hô đồng chí Haghi
Cách ba mươi mét mà ghi được bàn!
Hoan hô anh Mêôla
Anh vào hợp lý anh ra hợp tình!
Anh đi công tác bản Muờng
Tè xong một cái lên đường về quê
Quê Hương thi sĩ Phú Thò
Chè xanh , cọ biếc , mập to trái chuồi ( chuối)
Lòng còn nhớ mãi cái buôi ( buổi)
Đầu làm phân bắc, chăn nuồi đàn bo
Cu Ba lông mượt giống to
Cách màng văn hoá đất tô lại càng...
Hôm qua em đến đồi Lê
Nin ngồi đợi mãi, đành về lại ky
Túc xá buồn, em xem Nhi
Cu-lin diễn để vơi đi nỗi buồn
Hôm nay giải phóng Sài Gòn
Bà con phấn khởi chạy bon ra đường
Có cô Ã ngủ trên giường
Vội vàng tỉnh dậy, bị thương vào tày
Ô tô cấp kíu đến ngay
à đưa vào bệnh viện ba ngày thì khoi...
Hôm nay mồng Tám tháng Ba
Chị em phụ nữ đi ra đi vào
Anh em nam giới mời chào
Chị em phụ nữ đi vào đi ra
Hiện đại như ở nước Nga
Chị em phụ nữ hết ra thì vào
Lạc hậu như ở nước Lào
Chị em phụ nữ hết vào lại ra
Xa xa ở tận Cu Ba
Chị em phụ nữ vừa ra lại vào
Gần gần như ở Hàng Đào
Chị em phụ nữ vừa “vào” đã... “ra”.
Việc gì phải tận nước Nga
Việc gì “tám” chuyện Cuba với Lào
Hãy đến bất cứ nhà nào
Chị em không việc cũng vào cũng ra
Thật là ngứa mắt chúng ta
Nhưng thôi cứ để họ ra họ vào
Không thì “cửa sắt” họ rào
Anh em đố có dám “vào” dám “ra”.
Có 2 anh chị đi chơi
Bỗng đâu hòn đá nó rơi vào đầu
Gọi bác sĩ thì còn lâu
Sẵn đây tôi có hộp dầu con hô
Lại thêm 1 ít thuốc bô
Tôi hoà 2 thứ tôi đô vào mồm
Tình hình là rất tình hình
Cho nên ta phải đi trình cấp trên
Cấp trên có tính hay quên
Cho nên ta phải nắm thêm tình hình
Bác Hồ người ở nước ta
Đánh “”đùng”! một cái người ra nước ngoài
Bác Hồ người ở nước ngoài
Đánh “đoàng”! một cái người nhoài về ta(nói về tài biến hóa của cụ Hồ)
Trên cành con khỉ đánh đu
Ở dưới thằng Mỹ mút c… cụ Hồ
Hoan hô cụ giáo Hoang Xuân
Nhị ta qua suối tụt quần cưỡi trâu.
Nhớ nhung về thị xã Phan
Thiết tha mơ tưởng cô hàng nước măm (mắm)
“Trông xa cứ tưởng cô nàng.
Đến khi giáp mặt lại càng cô ta”
“Ruồi là một giống hiểm nguy,
Bốn chân của nó rất vi trùng nhiều”
Thơ tay anh viết thật bay
Bướm em trông đợi cả ngày cả đêm.
Con mèo đánh đổ cái bô
Sau đây liên khúc đít-cô (disco) bắt đầu.
Bookmarks