kết quả từ 1 tới 20 trên 70

Ðề tài: Các Nhà Ngoại Cảm đi Tìm Mộ

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #31

    Mặc định

    Hành trình 20 năm tìm mộ mẹ của Thượng tướng Nguyễn Thế Trị (Kỳ 1)

    8:29 sáng | Tháng Năm 25, 2012

    - Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, vị tướng trận mạc nổi tiếng, nhà khoa học quân sự ưu tú của QĐND Việt Nam đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện lạ lùng về hành trình đi tìm mộ mẹ của ông, kéo dài trong suốt 20 năm, nhờ cậy tới 15-16 nhà ngoại cảm, nhà tâm linh và nhà khoa học. Để tìm được mộ mẹ, ông đã di chuyển khoảng 7.000km và ông cho rằng, đó là câu chuyện ấn tượng nhất trong cả một “rừng sự kiện” của đời mình.


    Tuổi thơ mất mẹ





    Sĩ quan lục quân Nguyễn Thế Trị (1961-1964)



    Thượng tướng Nguyễn Thế Trị sinh đầu năm 1940 ở làng Cổ Phục, Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương, một nơi nghèo khó quanh năm chỉ có mấy chân ruộng lúa xen ít thửa trồng màu. Bố mẹ tướng Trị sinh được 3 người con, ông là con thứ. Cả gia đình hồi ấy chỉ còn 11 thước vườn để ở, nguồn sống chính là làm nghề cấy rẽ và làm hàng xáo để mưu sinh. Tuổi thơ của anh em ông tuy khó khăn thiếu thốn đủ bề, song đó là những tháng ngày hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Ông và anh trai được bố mẹ cho đi học cùng một lớp, luôn được khen là sáng dạ. Tuy là em, nhưng cậu bé Trị có vóc dáng nhỉnh hơn, khỏe mạnh, nghịch ngợm và thường hay lý sự hơn anh. Bố mẹ ông thường hay nhận xét vui, thằng Trị nhà này có đôi mắt xếch, không rèn từ bây giờ sau này lớn lên không khéo thành tướng cướp! Biệt hiệu “Trị tướng cướp” nhiều năm sau vẫn được bạn bè cùng trang lứa với ông nhắc lại như một kỷ niệm nhỏ lúc thiếu thời.

    Ngày 12/1/1947 (tức 21 tháng Chạp năm Bính Tuất), quân Pháp mở trận càn lớn vào xã Vạn Thọ (nay là xã Kim Khê), nơi có nhiều đồng bào xã Nhật Tân (nay là xã Kim Lương) tản cư ở đó. Trận khủng bố này địch đã bắn chết 300 người dân vô tội, trong đó có 121 người dân xã Nhật Tân, gồm phần lớn người già và trẻ em. Ngày 21 tháng Chạp hàng năm trở thành ngày giỗ trận và cũng là ngày ghi dấu tội ác của kẻ thù. Trận càn quét này gia đình tướng Trị may mắn thoát chết do nhờ ông bà ngoại đưa đi tản cư sang xã khác trước đó vài ngày.

    Ngọn lửa chiến tranh lan đến từng nhà. Trẻ con thất học. Người già, phụ nữ vừa chạy loạn, vừa mưu sinh. Trai tráng trong làng đi bộ đội. Nhà cửa bị đốt phá, ruộng vườn bị bỏ hoang, bố đi đánh trận, mẹ tướng Trị dắt díu 3 người con chạy tản cư cùng với gia đình các bác, cậu, dì; lớn bé, già trẻ tổng cộng tới 30 người. Tất cả đều tuân theo sự chỉ dẫn của ông bà và các bác, các cậu. Bọn trẻ con được người lớn mua cho mỗi đứa một cái bị cói để đựng quần áo cá nhân. Bất kể đêm mưa hay ngày nắng, có lệnh là lên đường cùng cái bị cói “bất ly thân”. Khốn khổ nhất là những đêm tản cư để tránh máy bay địch. Những đêm ấy, mưa rét, đường trơn, băng qua ruộng lầy, cắt ngang luống cày vỡ, gió buốt căm căm, áo xống phong phanh, anh trai của tướng Trị bị ốm. Mẹ cho anh ngồi vào một bên thúng, thúng bên kia đựng đồ, tất tả chạy theo mọi người. Bao năm qua đi, hình ảnh mẹ gồng gánh anh chạy giặc đã hóa thạch trong tâm trí vị thượng tướng sau này.

    Suốt mấy năm liền, gia đình tướng Trị chạy giặc, chuyển chỗ ở nhiều nơi song chưa bao giờ bị bao vây sát sạt. Đó là nhờ ông ngoại tỉnh táo, có kinh nghiệm, nắm được quy luật của giặc. Ông rút ra, trước khi đánh chiếm xã nào, vùng nào, Pháp đều cho máy bay thám thính từ 1 đến 3 ngày. Chỉ ngay ngày đầu, thấy máy bay do thám, ông ngoại đã lệnh cho cả nhà đi nơi khác, tránh xa vùng nguy hiểm.

    Chiến tranh! Chiến tranh! Cái chết ập tới không phải chỉ bởi súng đạn của kẻ thù mà cả từ cuộc sống phiêu bạt, trong đói cơm, rách áo. Khắc nghiệt trong hoàn cảnh đói khổ, thiếu thốn thuốc men đã cướp đi của tướng Trị ba người thân yêu nhất. Em gái ông vì cảm lạnh, thiếu thuốc kháng sinh nên đã ra đi. Năm 1948 là năm gian khó của mọi vùng quê, bất hạnh lớn lại ập đến. Mẹ sinh em gái thứ tư, do không được kiêng khem, đói khát nên bà mắc chứng hậu sản. Không bao lâu, bà mất. Đó là ngày 29 tháng 8 năm Mậu Tý. Tướng Trị còn nhớ, trước lúc lâm chung, bà đã gọi hai con vào dặn dò trong dòng nước mắt: “Sau khi mẹ mất, thằng Sử (con cả) ở với ông bà ngoại, thằng Trị ở với bá”. Bà mất khi mới ngoài 30 tuổi, còn tướng Trị lúc đó mới có 8 tuổi đầu! Người em gái kế sau ông cũng mất sau đó vài tháng.
    Với hai anh em, mất mát đó là quá lớn. Hình ảnh mẹ lam lũ, chịu thương chịu khó, có miếng ngon thì nhường cho chồng con, việc nặng nhọc thì dành lấy cho mình, cuộc đời ngắn ngủi của bà là những kỷ niệm đau buồn nhất. Sau này tướng Trị được bà ngoại kể lại một kỷ niệm làm ông càng thương mẹ nhiều hơn. Đó là vào khoảng đầu năm 1946, mùa đông rét buốt thấu xương mà mẹ chỉ phong phanh manh áo vải nên da thịt cứ tím tái lại. Thương con gái, bà ngoại cho mẹ một tấm vải để về may áo mặc thêm cho ấm. Nhưng “đắm đuối vì con”, mẹ lại dùng mảnh vải ấy để nhường hai con may áo trước.

    Tướng Trị kể với chúng tôi rằng, cho đến tận bây giờ, khi đã đi khắp mọi miền quê của đất nước, gặp nhiều người mẹ tần tảo xứ Bắc, xứ Nam, nhưng đôi khi chiều về, lúc chạng vạng tối, lòng ông vẫn nao nao nhớ về mẹ. Ông thấy hình bóng mẹ y nguyên như trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm: “Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong/ Dăm miếng cau khô, mấy lọ phẩm hồng/ Vài xếp giấy dầm hoen sương sớm”… Hình ảnh bà khắc sâu trong tim những đứa con, không chỉ trong cuộc trường chinh ly hương chạy loạn những ngày xa xôi ấy. Khi là Tư lệnh Quân khu 3, ông cùng các lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo thực hiện việc tạc tượng “Bà mẹ Sông Hồng”, đặt trang trọng trong sân Bộ Tư lệnh Quân khu. Bà mẹ Sông Hồng là hiện thân của đức hy sinh, lòng bao dung và nghị lực lớn lao, là hình bóng trong tim, từ người lính cho tới cấp chỉ huy thuộc hàng cao cấp nhất trong quân đội.

    Mẹ phù hộ một đời trận mạc

    Tháng 5/1958, miền Bắc thực hiện đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên. Như một lẽ đương nhiên, ông gia nhập quân đội. Khi đó ông 18 tuổi. Ngay sau ngày nhập ngũ, ông hành quân về đơn vị, đó là Sư đoàn 316 đóng quân ở huyện Tam Nông, Phú Thọ. Tiếp đấy là những cuộc trường chinh vạn dặm. Ông không thể tưởng tượng được cuộc đời mình lại gắn với núi rừng nhiều như thế. Ban đầu là rừng núi Tây Bắc, rồi suốt dải rừng núi Tây Nguyên, rừng miền Đông Nam Bộ, sau này khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tháng 2/1979, ông lại được điều động về mạn núi rừng Đông Bắc tham gia phòng thủ.





    Có câu thơ mộc mạc thời chiến khác mà đến bây giờ ông vẫn nhớ rằng: “Nếu một mai mình không trở về/ Cậu có nhớ lối về nhà mình không cậu/ Dậu mồng tơi có bướm vàng đến đậu/ Mẹ mình thường ở đó nhìn ra…” Tướng Trị nói với chúng tôi rằng, mẹ đã phù hộ ông cả một đời trận mạc.

    Sau ngày Thống nhất, nhiều người lính trở về hậu phương, hình ảnh quen thuộc là một anh chiến sĩ vai khoác balô, trên lưng có con búp bê, hồn nhiên bước trên hè phố ra tàu về Bắc. Hơn mười năm biền biệt xa quê hương, xa vợ con đi chiến trường, bố mẹ đều đã mất cả, nay đất nước thanh bình, mong ước trở về quê, thăm lại nơi bước chân ra đi, thăm lại “đường xưa lối cũ” bừng sống dậy. Ngày ra Bắc, ông không đi theo đường quân vận mà đi xe đò. Hãng xe đò Phi Long có những lái xe kỳ cựu, kinh nghiệm chạy đường trường rất tốt. Họ thay nhau lái suốt ngày đêm, ngược Đường số 1, với tốc độ rất cao. Đêm dài miền Trung trôi đi trong giấc ngủ chập chờn. “Đã qua sông Hiền Lương”, câu ai đó nói trên xe, bình thản mà khơi gợi bao cảm xúc. Những ký ức vụn vặt, chắp vá trên xe đò lại bị đánh thức bởi một cơn gió sớm từ biển thổi vào. Gió tươi mát rượi làm tâm hồn sảng khoái. Vươn cổ nhìn ra ngoài, ông thảng thốt nhận ra một chiếc vó bè treo trong sương sớm, một bóng người nhỏ thó đang rướn lên kéo vó, vẻ nhọc nhằn. Đất Bắc nghèo khó đây rồi! Ông bất giác kêu lên thành tiếng, lòng xốn xang một niềm vui khó tả, chen lẫn một nỗi buồn se sắt. Nhìn những cánh đồng qua ô cửa, chiếc đòn gánh vẫn trĩu vai người phụ nữ thôn quê. Dáng lưng còng của người phụ nữ nông dân vẫn thế, khiến ông da diết nhớ mẹ. Ông kín đáo chùi nước mắt, nhìn sang, hai người lính vào Nam ngồi ghế bên, nay trở về cũng thẫn thờ nhìn ra con đường đang vùn vụt chạy lùi lại sau lưng.

    Mẹ hiện về báo mộng

    Cuộc sống của gia đình Thượng tướng Nguyễn Thế Trị dường như đảo lộn khi mẹ hiện về trong một giấc mơ. Một đêm năm 1989, vợ ông – người bạn đời ông cưới từ trước khi vào Nam chiến đấu, nằm mơ thấy một người phụ nữ đến đứng ở đầu giường và nói: “Mẹ về thăm vợ chồng các con đây”. Tướng Trị hỏi chi tiết về gương mặt và vóc dáng và dù vợ ông không hề biết mặt mẹ chồng, nhưng qua lời kể ông vẫn có thể mường tượng được người phụ nữ trong mơ đúng là mẹ của mình.

    Tháng 8-1948, mẹ tướng Trị mất tại thôn La Tỉnh, xã Chí Minh, huyện Tứ Kỳ (nay là thị trấn Tứ Kỳ, Hải Dương). Năm 1951, Pháp bình định xong Đồng bằng Bắc Bộ, thị trấn Tứ Kỳ trở thành vùng tạm chiếm, khu chôn cất mẹ ông bị Pháp san gạt làm trại lính. Năm 1954, Miền Bắc được giải phóng, nhưng Hải Phòng và huyện Kim Thành là khu vực tập kết 300 ngày để Pháp dồn quân chuyển vào Nam. Trong thời gian này, ông ngoại của tướng Trị đã tổ chức một đoàn sang Tứ Kỳ tìm mộ con gái, nhưng chuyến đi ấy không có kết quả gì. Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, cũng là năm huyện Tứ Kỳ triển khai xây dựng bệnh viện huyện, trên mảnh đất có xương cốt của mẹ ông. Địa phương có thông báo, gia đình nào có phần mộ đều phải đến nhận và di chuyển, nhưng thông tin đó không đến được với gia đình tướng Trị, nên một số mộ vô thừa nhận được di chuyển ra nghĩa trang của xã.

    Sau khi vợ mơ thấy mẹ, tướng Trị tổ chức ngay một đoàn gồm cả bên nội, bên ngoại về lại Tứ Kỳ để tìm nơi chôn cất. Khi tới thị trấn, cả đoàn tìm vào nhà cụ Kiệu Trụ, một người cao tuổi để hỏi chuyện và được gặp con trai cụ là ông Triều, người vui vẻ nhiệt tình giúp đỡ gia đình, đưa cả đoàn ra thăm khu bệnh viện, sau đó ra thăm khu nghĩa trang của xã, nơi có những phần mộ được di dời. Chuyến đi đó chỉ gợi lại những kỷ niệm đau buồn, chứ không có bất cứ cơ sở gì để có thể tìm được mộ.

    Trong lúc gia đình đi Tứ Kỳ, ở Kiến An, Hải Phòng, cô Cần – một người “có năng lực khác thường” sang nhà chơi và phán rằng: “Bác trai và gia đình hôm nay đi không kết quả gì. Mộ bà nằm bên trong Bệnh viện Tứ Kỳ với các đặc điểm sau: – Bên phải mộ là đường mòn, sau đường là nhà 2 tầng; – Bên trái là ao, cuối ao có nhà bỏ không; – Đầu mộ nhìn ra, có cây um tùm; – Sau mộ là cây 2 chạc, từ cây 2 chạc nhìn ra cây um tùm đoạn giữa có gò đất, trên gò có cây xanh, gai như gai cây mỏ quạ, đó là phần mộ của bà. Ngày mai phải đi nữa, phải đi qua hai cây cầu lớn mới tới và trên xe chỉ được chở 4 người”.

    Thượng tướng Nguyễn Thế Trị là một trong những cán bộ ưu tú của quân đội . Trưởng thành từ chiến sĩ đến cán bộ Sư đoàn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó tư lệnh về Chính trị, Tư lệnh Quân khu 3, Giám đốc Học viện Quốc phòng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX… Dù ở cương vị nào, quân sự hay chính trị, đơn vị chiến đấu hay nhà trường, đồng chí luôn là một cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, quyết đoán trong chiến đấu; đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong xây dựng đơn vị và trong huấn luyện, đào tạo cán bộ” – (Đại tướng Nguyễn Quyết – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch HĐNN, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhận xét).

    (Xem tiếp kỳ sau)
    Ghi chép của Nguyễn Huy Minh
    Last edited by Bin571; 27-05-2012 at 11:23 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 4 users browsing this thread. (0 members and 4 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •