Trích dẫn Nguyên văn bởi HSN2010 Xem Bài Gởi
các sư sãi đua nhau xây chùa cho to, đúc tượng cho lớn, sắm đồ cho đẹp. hình như lúc sinh tiền Đức Phật chỉ dạy tu thoát khổ, không dạy các tăng ni phải suốt ngày xây tượng đúc chuông thì phải. Tốn tiền của bá tánh quá, phải chăng lấy tiền này đi xây nhà tình nghĩa thì có ý nghĩa hơn nhiều. Từ nam chí bắc đâu đâu cũng quyên góp xây chùa chiền mới. Kinh Bát Nhã Kim Cang có nói, đại loại là: "...kẻ nào dùng âm thanh và hình tướng cầu ta, kẻ đó là tà đạo, quyết không gặp đc Như Lai...". Phật đã chỉ rõ như vậy mà chúng ta còn lầm lẫn trên đường tu, một bên là tu (sửa) bản thân và một bên là việc cúng tiền để xây chùa đúc tượng
Vấn đề bạn phân tích có những điểm hợp lý. Xây chùa to mới có chỗ để cho đông đảo các phật tử đến nghe giảng pháp. To về diện tích nhưng nên giản dị. Câu trích dẫn của bạn trong Kinh Bát Nhã cần phải hiểu rõ ý nghĩa không dễ dẫn đến hiểu nhầm.
Tôi xin trích một phần rất nhỏ trong TÂY PHƯƠNG YẾU QUYẾT THÍCH NGHI THÔNG QUY của Đại sư Khuy Cơ soạn, Nguyên Trang dịch, Thích Nguyên Chơn hiệu đính

Kinh ghi: “Nếu dùng sắc để thấy ta, dùng âm thanh cầu ta thì người đó hành theo tà đạo, không thể thấy Đức Như Lai”.
Hỏi: Kinh Kim Cang nói dùng hình sắc và âm thanh cầu Phật là tà đạo. Vậy, các kinh A-Di-Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ v.v…chỉ dạy quán thân tướng Phật và niệm danh hiệu Phật. Như thế, không lìa âm thanh và sắc tướng mà cầu Phật, tại sao không rơi vào tà đạo? Nếu quay về đường chánh thì Tịnh Độ là nơi đáng nương tựa nhất mà kinh lại cho là tà đạo, dẫu có muốn thực hành cũng sợ rơi vào cảnh giới ma. Hai đường chánh - tà khó quyết, đúng sai xin được giải bày?
Đáp: Đức Đại Sư thuyết giáo có rất nhiều môn, mỗi môn đều xứng hợp với thời và cơ, nhưng bình đẳng không sai khác. Những điều được dạy trong kinh Kim Cang Bát-Nhã riêng thành một môn, những nghĩa trong kinh A-Di-Đà và kinh Quán Vô Lượng Thọ v.v…lại là một lý. Vì sao? Vì tất cả chư Phật đều có ba thân. Pháp Thân vốn không hình thể, chẳng phải âm thanh, sắc tướng. Nếu dùng âm thanh và sắc tướng để nắm bắt thì đó là tà đạo. Vì rằng, hàng Nhị Thừa và tiểu Bồ-tát nghe nói ba thân không khác, liền cho là đều có âm thanh và sắc tướng. Chỉ thấy sắc tướng của Hóa Thân bèn chấp Pháp Thân cũng như vậy, nên mới ở nơi tướng Hóa Thân mà cầu thấy Pháp Thân. Bởi vì lý vi diệu mầu nhiệm, vĩnh viễn bặt dứt âm thanh và sắc tướng, lại dùng âm thanh và sắc tướng để cầu thấy, cho nên nói tà đạo.
Các kinh A-Di-Đà và Quán Vô Lượng Thọ v.v…khuyên niệm danh hiệu Phật, quán tướng hảo cầu sinh về Tịnh Độ, chỉ vì phàm phu nghiệp chướng nặng nề mà Pháp Thân sâu kín, Pháp thể khó duyên. Hơn nữa, dạy môn Niệm Phật, quán tướng, lễ tán là để đoạn trừ nghiệp chướng, phát sinh phước thiện, nguyện hạnh giúp cho nhau, cầu sinh Tịnh Độ, mong gặp Hóa Phật để làm duyên lành bất thoái. Cho nên, những bậc tiền bối thông đạt đều nương vào giáo môn này, quán tướng hảo, niệm danh hiệu cầu thấy Hóa Thân Phật, mong rằng đến khi lâm chung được đích thân Ngài đến tiếp dẫn, cảm đến đức hóa chủ A-Di-Đà, rủ lòng thương đến đón rước, nghiệp báo dứt sạch, ngồi trên hoa sen, liền sinh về nước ấy. Kinh trước nói về tâm, kinh sau nói cảnh, lý khế hợp không trái nhau. Vậy niệm danh hiệu, quán thân tướng đều không phải tà đạo. Lẽ nào cứ chấp chặt một pháp, không thấu tỏ ý Phật, tạo ra dị thuyết rối ren, khiến người khác phải nghi ngờ. Xét rõ ngọn nguồn ấy thì đủ phân biệt được đúng - sai, không còn do dự. Hãy chuyên tâm nơi Tịnh nghiệp, chớ sinh loạn tưởng, lại đọa ba đường, khổ đau hành hạ, ăn năn làm sao kịp nữa!