kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Đạo Đức Kinh - Lão Tử

  1. #1
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của nhaply
    Gia nhập
    Apr 2008
    Bài gởi
    1,968

    Mặc định Đạo Đức Kinh - Lão Tử

    Đạo Đức Kinh - Lão Tử
    Theo Bản dịch tiếng Anh của: Stan Rosenthal


    Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng, vô hình, đứng một mình mà không thay đổi vĩnh cửu, vân hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi nó nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên cho nó là đạo.

    Đạo trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không gọi mà vạn vật tự tới, bình thản vô tâm mà khéo mưu tính mọi việc. Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.

    Lời nói chân thật thì không hoa mỹ, lời nói hoa mĩ thì không chân thật. Người thiện thì không cần phải biện giải [vì hành vi tốt rồi], người nào phải biện giải cho mình là người "không thiện". Người biết thì không nói, người nói là người không biết.

    Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết đi thì lại khô cứng.
    Cho nên cứng mạnh là cùng loài với chết, mềm yếu là cùng loài với sống. Vì vậy binh mạnh thì không thắng, cây cứng thì bị chặt. Cứng mạnh thì phải ở dưới, mềm yếu lại được ở trên.

    Mạnh mẽ về dám làm [tức quả cảm, cương cường] thì chết, mạnh mẽ về không dám làm [tức thận trọng, nhu nhược] thì sống. Hai cái đó cùng là mạnh mẽ, mà một cái thì được lợi, một cái lại bị hại; ai mà biết được tại sao trời lại ghét cái đó [quả cảm, cương cường]?

    Người nào hứa một cách dễ dàng quá thì khó tin được, người nào cho việc gì cũng dễ làm thì sẽ gặp nhiều cái khó. Cho nên người hiểu đạo coi việc gì cũng khó mà rốt cuộc không gặp cái gì khó.Cái có từ cái không mà ra. Không có nghĩa là không có gì cả nhưng phải có cái gì thì mới có cái không có.

    Cái gì an định thì dễ nắm, giòn thì dễ vỡ, nhỏ thì dễ phân tán. Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình.

    Cây lớn một ôm, khởi sinh từ một cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi đầu từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân.
    Người ta làm việc , thường gần tới lúc thành công thì lại thất bại, vì không cẩn thận như lúc ban đầu, dè sau như trước thì không hỏng việc.

    Người hiểu đạo trị thiên hạ theo chính sách vô vi, giữ thái độ điềm đạm. Xem cái nhỏ cũng như cái lớn, cái ít như nhiều, lấy đức báo oán. Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ [vì việc khó trong thiên hạ khởi từ chỗ dễ, việc lớn khởi từ nhỏ]. Cho nên thánh nhân trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn.

    Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa, mưu trí xuất hiện rồi mới có trá ngụy, gia đình bất hòa rồi mới sinh ra hiếu từ, nước nhà rối loạn rồi mới có tôi trung.

    Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm [Luật thiên nhiên không có tình thương của con người, cứ thản nhiên, vô tâm với vạn vật, mùa xuân tươi tốt, mùa đông điêu tàn...].
    Khoảng giữa trời đất như cái ống hơi; hư không mà không kiệt, càng chuyển động hơi lại càng ra. Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh.

    Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Hiểu như vậy là sâu kín mà sáng suốt. Vì nhu nhược thắng được cương cường.

    Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi, ruỗi ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê muội, vàng bạc làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên bậc đắc đạo cầu no bụng mà ko cầu vui mắt, bỏ cái xa xỉ, đa dục mà chọn cái chất phác, vô dục. Bậc đắc đạo bận áo vải thô mà ôm ngọc quý trong lòng.

    Trời đất trường cửu. Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì không sống riêng cho mình, nên mới trường sinh được.
    Vì vậy thánh nhân [người đắc đạo] đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì thánh nhân không tự tư mà thành được việc riêng của mình ư ?

    Người quân tử gặp thời thì mặc áo gấm mà ngồi xe ngựa, không gặp thời thì mặc áo vải thô mà đi chân đất.

    Không trọng người hiền để dân không tranh, không quý của hiếm để dân không trộm cắp, không phô bày cái gì gợi ham muốn, để lòng dân không loạn.
    Chính trị của thánh nhân là làm cho dân lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, không ham muốn, không tranh giành, xương cốt thì mạnh.
    Khiến cho dân không biết, không muốn mà bọn mưu trí thì không dám hành động. Theo chính sách vô vi thì mọi việc đều trị.

    Không học thì không phải lo. Càng theo học thì mỗi ngày dục vọng, "hữu vi" càng tăng, theo đạo thì mỗi ngày dục vọng càng giảm, vô vi càng tăng.

    Ta có ba vật báu mà ta ôm giữ cẩn thận, một là lòng nhân ái, hai là tính tiết kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ. Vì nhân ái mà sinh ra dũng cảm, vì tiết kiệm mà sinh ra sung túc, rộng rãi, vì không dám đứng trước thiên hạ mà làm chủ được thiên hạ.

    Nếu không nhân ái mà mong được dũng cảm, không tiết kiệm mà mong được rộng rãi, không chịu đứng sau mà tranh đứng trước người thì tất hỏng việc. Trời muốn cứu ai thì cho người đó lòng nhân ái để tự bảo vệ, lấy lòng nhân ái mà giúp người đó.

    Người sáng suốt nghe đạo thì gắng sức mà thi hành, người bình thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ, người tăm tối nghe đạo thì cười rộ. Nếu không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa ?

    Nước là vật cực mềm mà lại thắng được vật cực cứng là đá [nước chảy đá mòn]. Nước là vật cực kì mềm mại, nó luôn tìm chỗ thấp mà tới [khiêm nhường], ngày đêm chảy không ngừng, bốc lên thì thành mưa, chảy xuống thì thành sông rạch, thấm vào lòng đất để nuôi vạn vật. Tự nó không ngừng biến đổi, lại sinh ra mọi loài. Nó không tranh với ai, lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản thì nó uốn khúc mà tránh đi, cho nên đâu nó cũng tới được.

    Vật gì bén nhọn thì dễ gẫy. Ráng giữ cho chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; con dao cố mài cho bén nhọn thì lại không bén lâu.
    Vàng ngọc đầy nhà, làm sao mà giữ nổi ? Giàu sang mà kiêu căng là tự rước họa vào thân.

    Ba mươi nan hoa cùng qui vào 1 cái bánh, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bánh mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ cái khoảng trống không ở trong mà chén bát mới dùng được. Đục cửa, cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được.
    Vậy ta tưởng cái "có" [bánh, chén bát, nhà] có lợi cho ta mà thực ra cái "không" mới làm cho cái "có" hữu ích.

    Người đời được vinh hay bị nhục thì lòng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì sinh ra rối loạn. Tại sao vinh, nhục thì lại sinh ra rối loạn ? Là vì vinh thì được tôn, nhục thì bị hèn; được thì lòng rối loạn [mừng rỡ mà!]; mất thì lòng rối loạn [rầu rĩ mà!]; cho nên mới bảo là vinh, nhục sinh ra rối loạn. Vậy phải làm sao ? Chúng ta sỡ dĩ sợ vạ lớn là vì chúng ta có cái thân. Nếu chúng ta quên cái thân mình đi, thì còn sợ gì lòng sinh ra rối loạn nữa ?!
    Cho nên kẻ nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ, thì có thể tin cậy vào kẻ đó được.

    Ai có thể đang đục mà lắng xuống để từ từ trong ra ? Ai có thể đang hư tĩnh mà phát động để lần lần sinh động lên ? Người nào giữ được đạo ấy thì không tự mãn, không cố chấp, cũng không tự ái. Vì vậy nên mới có thể bỏ cái qua cái cũ mà chấp nhận cái mới được.

    Kẻ đứng 1 chân thì không thể đứng được lâu, kẻ xoạc chân ra thì không thể đi được, kẻ tự biểu hiện mình thì không bao giờ chói lọi, kẻ tự kể công thì không có công, kẻ tự phụ thì chẳng khuyên bảo được ai, kẻ vẽ rắn thêm chân thì không trường cửu. Thái độ đó được ví như đồ ăn thừa, những ung nhọt ai ai cũng ghét.

    Ai cũng cho cái đẹp là đẹp do đó mà phát sinh ra quan niệm cái xấu; ai cũng cho cái thiện là thiện do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác. Tại sao con người thích cái đẹp mà lại không thích cái xấu ? Là vì "có" và "không" sinh ra lẫn nhau, "dễ" và "khó" tạo nên lẫn nhau, cao thấp dựa vào nhau mà tồn tại ...

    Kẻ biết người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường. Kẻ biết thế nào là đủ là người giàu; kẻ gắng sức là người có chí. Kẻ nào ko rời bỏ những điều trên thì sẽ được lâu dài, chết mà không mất là trường thọ.

    Hồn nhiên, vô tư, vô dục như đứa trẻ mới sanh là có đức dày, ai cũng yêu quý, muốn đạt như vậy không phải là dễ. Đứa trẻ mới sinh độc trùng ko chích, mãnh thú không ăn thịt, ác điểu ko vồ. Xương yếu gân mềm mà tay nắm rất chặt, suốt ngày gào hét mà giọng ko khản, như vậy là khí cực hòa.

    Dứt thánh hiền, bỏ mưu trí dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt trí xảo bỏ lợi, không có trộm giặc.

    Ba cái đó (thánh trí, nhân nghĩa, xảo lợi) vì là cái văn vẻ bề ngoài không đủ để trị dân nên phải bỏ; khiến cho dân quy về điều này: ngoài thì mộc mạc, trong thì giữ sự giản phác, giảm tư tâm bớt dục vọng mới là tích cực.

    Dạ (giọng kính trọng) khác với ơi (giọng xem thường) bao nhiêu ? Thiện với ác khác nhau như thế nào ? Cái mọi người sợ ta không thể không không sợ. Việc học rộng lớn thay, không sao hết được.

    Mọi người hớn hở như hường bữa tiệc lớn, như mùa xuân lên đài; riêng ta điềm tĩnh, không lộ chút tình ý gì như đứa trẻ chưa biết cười, rũ rượi mà đi như không có nhà để về. Mọi người có thừa, riêng ta như thiếu thốn, lòng ta ngu muội, đần độn thay ! Mọi người đều có chỗ để dùng, riêng ta ngoan cố mà bỉ lậu. Riêng ta khác người mà quý mẹ của muôn loài (tức đạo)

    Vạn vật tuần hoàn, âm cực dương sinh, lúc sinh lúc tử, trăng tròn trăng khuyết. Vạn vật biến đổi rồi trở lại cái bản thể của nó (trở về với đạo). Từ xưa đến nay, đạo tồn tại hoài, nó sáng tạo ra vạn vật. Chúng ta do đâu biết được bản chất vạn vật ? Đó là do đạo.

    Thánh nhân ôm giữ lấy đạo làm phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải nên mới chói lọi, không tự kể công nên mới là có công, không tự phụ cho nên mới hơn người. Chỉ vì không tranh với ai nên không ai tranh với mình được.

    Người xưa bảo: "Cong (chịu khuất phục) thì sẽ được bảo toàn", đâu phải hư ngôn! Nên chân thành giữ vẹn cái đạo mà về với nó. Trong trời đất có bốn cái lớn mà người là một. Người bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên.

    Ít nói thì hợp với đạo. Cho nên gió lốc không thể thổi suốt buổi sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm nên những cái ấy? Chính là do trời đất. Trời đất còn không thể lâu được, huống hồ là con người ?

    Vì binh khí là vật bất tường (chẳng lành, gây họa), ai cũng ghét cho nên người giữ đạo không dùng binh khí. Bất đắc dĩ phải dùng đến nó, mà dùng đến thì điềm đạm là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không trị được thiên hạ.

    Việc lành thì trọng bên trái, việc dữ thì trọng bên phải. Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử.
    mậu âm (...) kỷ dương (...)

  2. #2
    Thành viên DANH DỰ - Đã đóng góp nhiều về Học thuật cho Diễn đàn Avatar của nhaply
    Gia nhập
    Apr 2008
    Bài gởi
    1,968

    Mặc định

    Tôi xin cung cấp thêm một bài viết cho các bạn trong diễn đàn giới thiệu về việc nghiên cứu Lão Tử ở phương Tây của tác giả Trần Sơn (Tổng hợp theo tài liệu nước ngoài), đăng trên Tuần báo Văn Nghệ, của Hội Nhà văn Việt Nam, số 7, ngày 14/2/2004, trang 12.

    LÃO TỬ - MỘT TRONG NHỮNG NHÀ TRIẾT HỌC ĐƯỢC NGƯỜI PHƯƠNG TÂY THÍCH THÚ NHẤT

    Gần đây, nhân đọc cuốn sách nổi tiếng Tây phương Đạo giáo nghiên cứu biên niên sử của nhà Hán học Pháp đương đại quá cố Suoan (dịch theo âm tiếng Trung Quốc) (Trung Hoa thư cục xuất bản, 2002), bất giác nghĩ đến một chuyện vui xảy ra ở Mỹ năm xưa. Tại một cửa hàng văn hoá liên hoàn "Tây phương ngộ kiến Đông phương" thuộc một thành phố lớn ở Mỹ, tôi bắt gặp một ông lão đang say sưa đọc cuốn Đạo Đức Kinh, tôi bèn bước đến cung kính hỏi vài câu, và được ông trả lời: "Đây là kinh điển của Trung Quốc, cũng là kinh điển của chúng tôi. Những điều có trong kinh điển luôn có ích". Kỳ thực, việc nghiên cứu tìm hiểu Trung Quốc của phương Tây đã có từ lâu rồi. Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại thế kỷ IV trước Công nguyên, các thầy thuốc cung đình Ba Tư và các nhà địa lý học Hy Lạp, La Mã đã có những ghi chép về Trung Quốc. Cuộc Tây chinh của Thành Cát Tư Hãn và cuộc Đông chinh thập tự quân của Giáo đình La Mã, khách quan mà nó, đã tạo nên cuộc giao lưu văn hoá Đông Tây. Chuyến du lịch đến Trung Quốc của Macro Polo, ngày nay đã trở thành giai thoại. Những người như nhà triết học Đức thế kỷ XVII Leibniz, nhà tư tưởng Khai Sáng Pháp thế kỷ XVIII Voltaire, Montesquieu... đều ca ngợi hết lời sự uyên bác của văn hoá Trung Quốc, và đã tự giác hấp thu nguồn tư tưởng trong đó.

    Ngoài Thánh Kinh, Đạo Đức Kinh là tác phẩm có lượng phát hành bằng tiếng nước ngoài lớn nhất

    Lão Tử là một trong những nhà triết học được người phương Tây thích nhất. Từ thế kỷ XVI, người phương Tây đã dịch cuốn Đạo Đức Kinh sang các tiếng Latin, Pháp, Đức, Anh... Theo thống kê của các học giả phương Tây, từ năm 1816 đến nay, các bản tiếng Tây của Đạo Đức Kinh đã có trên 250 loại, hiện giờ hầu như mỗi năm lại có từ một đến hai bản dịch mới ra mắt. Theo thống kê của Tổ chức khoa học giáo dục Liên Hiệp Quốc, các danh tác văn hoá thế giới được dịch sang tiếng nước ngoài có lượng phát hành nhiều nhất, ngoài cuốn Kinh Thánh ra chỉ có Đạo Đức Kinh. Nguyên Tổng thống Mỹ Reagan trong báo cáo trước Quốc hội đã từng dẫn câu nói của Lão Tử: "Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên" (cai trị một nước lớn có vẻ như nấu con cá nhỏ)*.

    Năm 1992, trong tình trạng đã có khá nhiều bản dịch tiếng Anh, vậy mà một bản dịch tiếng Anh mới Đạo Đức Kinh, bản 5720 chữ, đã gây tranh cấp bản quyền của 8 nhà làm sách Mỹ, cuối cùng công ty Habo đã chi tới 13 vạn USD để có trong tay quyền xuất bản, lập kỷ lục cao nhất về phí bản quyền tại Mỹ.

    Hiện giờ bản dịch Đạo Đức Kinh gây ảnh hưởng nhất tại phương Tây là bản tiếng Anh của nhà Hán học Anh đương đại Waley, có tiêu đề Đạo và sức mạnh của nó. Điều thú vị là, người phương Tây ban đầu dịch ba chữ Đạo Đức Kinh lần lượt là "Con đường" (The-way), "Đức tính" (virtue) và "Kinh điển" (classic). Mãi đến thập kỷ 90 thế kỷ XX, vẫn có người phân Đạo Đức Kinh thành "Đạo Kinh" và "Đức Kinh". Song hiện giờ cách dịch tên thông thường là dịch âm tiếng Hán "Dao De Jing" hoặc "Dao Te Ching".

    Tìm kiếm phương thuốc hay để cứu vãn cơn khủng hoảng văn minh phương Tây


    Nhà triết học Đức thế kỷ XVII Leibniz là nhà triết học phương Tây khá sớm chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Tử. Trong những năm truyền giáo tại Trung Quốc, ông đã tìm hiểu tư tưởng triết học và văn hoá Trung Quốc, từng có ý đồ dịch Đạo Đức Kinh. Ông đã dựa vào học thuyết âm dương của Lão Tử đề xuất tư tưởng đếm nhị phân, đó là mô hình ban đầu của lôgíc số lý hiện đại.

    Trong triết học hiện đại, người chịu ảnh hưởng của tư tưởng Đạo gia là Schopenhauer và Heidegger. Triết học duy ý chí và thái độ sống bi quan chủ nghĩa của Schopenhauer đã tìm được điểm tựa tinh thần từ Lão Tử.

    Heidegger càng được coi là người hấp thu nguồn tư tưởng trực tiếp nhất từ Đạo Đức Kinh. Mùa xuân năm 1946, Heidegger 57 tuổi cùng với học giả Đài Loan Tiểu Sư Nghị dịch chung một phần của Đạo Đức Kinh. Được biết trong thư phòng của Heidegger có treo bức thư pháp do chính Tiêu Sư Nghị viết: "Thục năng trọc dĩ chỉ, tĩnh chi từ thanh? Thục năng an dĩ cửu, động chi từ sinh?" (Ai có thể làm được cái đục yên tĩnh lắng xuống dần thành trong? Ai có thể làm cho cái yên tĩnh kéo dài, dần trở nên động?". Câu này trích trong Đạo Đức Kinh, chương 15. Khi có bạn hữu sang phương Đông, Heidegger đã gửi kèm bức thư bản dịch chương 17 Đạo Đức Kinh của ông để bày tỏ tình ly biệt.

    Điều đáng chú ý là, các nhà triết học phương Tây đọc tư tưởng Lão Tử, đều muốn từ đó tìm kiếm phương thuốc hay để có thể cứu vãn cơn khủng hoảng văn minh phương Tây. Và quả thực họ đã phát hiện sự lý giải hài hoà mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, thái độ trung dung trong đối nhân xử thế và phương pháp tu hành bồi dưỡng đức hạnh trong Đạo Đức Kinh, chúng có tác dụng rất tích cực trong việc bù đắp thất lạc tinh thần và ý chí cường quyền trong văn minh phương Tây. Những quan niệm tương đối chủ nghĩa, như vô trung tâm, vô cơ sở, xem nhẹ lý trí, coi trọng việc đào luyện... do chủ nghĩa hậu hiện đại đề xướng, đều được xem là có sự gợi ý từ tư tưởng Đạo gia. Dù Rorty của Mỹ hay Derrida của Pháp, họ đều thể hiện rõ ý niệm triết học của mình có chỗ kỳ diệu như tư tưởng truyền thống Trung Quốc, tuy cách làm khác nhau.

    Đạo Đức Kinh - "Pháp bảo" của người phương Tây


    Đối với người phương Tây nói chung, Đạo Đức Kinh là "Pháp bảo" giúp họ có thể "thoả mãn nhu cầu riêng". Báo Hoàn cầu thời báo ngày 2 tháng 4 năm 2003 từng đưa tin, một công ty của Anh do muốn đẩy mạnh kinh doanh hài hoà với quan hệ nội bộ, đã tiếp nhận ý tưởng từ Đạo Đức Kinh, đề xuất ý niệm công ty dĩ nhân vi bản, thu hút tài năng bằng văn hoá xí nghiệp, chỉ trong khoảng thời gian ngắn vài năm, đã tạo nên kỳ tích tăng lợi nhuận lên 200%, được cả giới truyền thông Anh đưa tin.


    Theo nguồn tin nước ngoài, ngôi sao điện ảnh Hollwood - Stone thậm chí đã nhờ có tư tưởng trong Đạo Đức Kinh mà thoát khỏi bóng đen ly hôn, khôi phục lại niềm tin vào cuộc sống.


    Đương nhiên, đa phần người phương Tây cho rằng, Đạo Đức Kinh đã đem đến cho họ một cách sống tự nhiên, cũng giống như Kinh Thánh đã kiến lập cho con người một quy phạm hành vi. Nhà Hán học, nhà triết học Anh đương đại J. J. Clarke trong cuốn sách mới nhất của minh Tây phương nhân đích Đạo - Đạo gia tư tưởng đích Tây phương hoá (2000), đã từng phổ cập tư tưởng Đạo giáo ở phương Tây, đã quy kết nó thành ba sự thay đổi trong phương thức tư duy: Muốn có một cuộc sống ngày càng tốt đẹp, thì phải giải thoát khỏi mọi sự trói buộc của tín niệm giáo điều trong tôn giáo truyền thống; Thông qua việc khắc phục thân tâm nhị nguyên luận để vươn tới một cuộc sống thân tâm hoàn chỉnh; Cần phải nhìn nhận các loại trào lưu tư tưởng bằng con mắt cởi mở hơn.


    Gần đây nhất, Nhà xuất bản Prato Belgrad đã phát hành cuốn Đạo Đức Kinh bằng tiếng Serbia. Cuốn sách vừa bán ra thị trường liền được độc giả đón nhận nồng nhiệt, 2000 bản đã bán hết veo, điều hiếm thấy đối với một cuốn sách triết học nước ngoài. Dịch giả là Ladoaf, 44 tuổi, hiện là giáo sư khoa Trung văn Học viện ngôn ngữ Đại học Belgrad, chủ yếu dạy tiếng Hán, nghiên cứu và phiên dịch. Khi được hỏi về quá trình phiên dịch cuốn Đạo Đức Kinh của Lão Tử, ông nói: "Người Serbia vốn không lạ lắm với Lão Tử. Tờ Thời báo New York của Mỹ đã từng xếp Lão Tử đứng đầu 10 đại tác gia cổ đại thế giới, nhiều người Serbia từ lâu muốn tìm hiểu Lão Tử và Đạo Đức Kinh. Nam Tư cũ đã từng mấy lần xuất bản Đạo Đức Kinh, song đều là dịch qua các bản Anh văn hay là Đức văn. Lần này tôi dịch trực tiếp từ tiếng Hán, như vậy độc giả của Serbia sẽ có điều kiện lý giải nội hàm của Đạo Đức Kinh một cách chuẩn xác hơn".


    Ông nói tiếp: "Tôi đã bỏ ra mười mấy năm để nghiên cứu Đạo Đức Kinh, đọc nhiều loại thư tịch nghiên cứu Đạo Đức Kinh thời cổ và cận đại Trung Quốc, cũng đọc các bản Đạo Đức Kinh dịch qua tiếng Anh và tiếng Đức, song để dịch một cách chuẩn xác từ nguyên bản tiếng Hán, tôi đã phải bỏ ra cực nhiều tâm huyết. Bản Đạo Đức Kinh bằng tiếng Serbia lần này là bản thảo dịch lần thứ 5 của tôi. Khi được hỏi về cách nhìn nhận của các học giả châu Âu đối với Đạo Đức Kinh, dịch giả bỗng nghiêm sắc mặt, nói: Người Châu Âu thường cho rằng, Lão Tử không có tư duy lôgíc. Một số học giả nghiên cứu triết học phương Tây của học viện Xã hội học Serbia cũng cho rằng, các quốc gia phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ... chỉ có tư tưởng chứ không có triết học thực sự. Song tôi lại cho rằng, trong tư tưởng cổ đại Trung Quốc không chỉ có triết học, mà tư duy lôgíc triết học cũng khá mạnh. Nội dung tư tưởng triết học trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử cực kỳ phong phú, chủ yếu bao gồm "Đạo", "Đức", "Hữu" và "Vô". Ngoài ra, "Anh nhi" (trẻ thơ) và "Thuỷ" (nước) cũng là nội dung quan trọng của tư tưởng triết học Đạo Đức Kinh. Năm 1992, tôi đề xuất quan niệm này, tôi nghĩ điều này sẽ có tác dụng gợi ý nhất định với việc nghiên cứu tư tưởng triết học trong Đạo Đức Kinh của các học giả Trung Quốc. Dịch giả kể lại, "khi học trung học, tôi đã đọc Đạo Đức Kinh dịch từ tiếng Đức, hiểu được rằng cái "Đạo" mà Lão Tử nói tới không phải là Thượng đế, cũng không phải là thần trong đạo Cơ đốc, vậy rốt cục "Đạo" là cái gì. Sau này đọc một số sách của Khổng Tử, Mạnh Tử và Tuân Tử, vẫn không hiểu. Điều bí ẩn của "Đạo" luôn canh cánh trong tôi, thế là ước muốn tìm hiểu rõ Đạo Đức Kinh đã trở thành một trong những mục đích tôi học Trung văn.


    Năm 1984, Ladosad tốt nghiệp khoa Hán học Học viện ngôn ngữ đại học Belgrrad, năm 1985-1986 thực tập Hán ngữ tại Học viện ngôn ngữ Bắc Kinh, 1986-1988, thực tập triết học cổ đại Trung Quốc tại khoa triết học đại học Nam Kinh, và cũng tại đây ông làm quen và cưới một cô gái Trung Quốc có tên là Kim Hiểu Lôi. Đến nay, ông đã viết các luận văn học thuật liên quan đến Đạo Đức Kinh như Luận Lão Tử đích Đạo, Lão Tử vũ trụ quan đích tham khảo và Luận Lão Tử đích vũ trụ quan... Ngoài phiên dịch Đạo Đức Kinh và viết một số luận văn triết học ra, ông còn phiên dịch nhiều tác phẩm tiếng Trung Quốc.


    Ở Việt Nam trước đây đã có các bản dịch Đạo Đức Kinh của Thu Giang, Nguyễn Hiến Lê (có thể còn các bản dịch khác mà chúng tôi chưa biết đến - ND), gần đây có bản dịch của Giáp Văn Cường và mới nhất là bản dịch của Phan Ngọc, đăng trên Văn học nước ngoài, số 2-1998.


    Còn các bản dịch các tác phẩm có liên quan đến Lão Tử, được biết trước đây có các cuốn của Hầu Ngoại Lư - Triệu Kỷ Bân - Đỗ Quốc Tường: Bàn về tư tưởng cổ đại Trung Quốc (Chu Thiên và Lê Vũ Lang dịch), Hiển học Khổng Mặc (Hà Văn Đại dịch), Tư tưởng Lão Trang (chưa rõ người dịch), Học thuyết Tư Tử - Mạnh Tử (Lê Vũ Lang dịch), và cuốn Lão Tử và Đạo Đức Kinh của Dương Hưng Thuận (Lê Vũ Lang dịch)... (Chưa kể các tác phẩm xuất bản tại miền Nam trước năm 1975).


    Gần đây có 5 cuốn của học giả Pháp Francois Julien: Bàn về tính hiệu quả (G.S Hoàng Ngọc Hiến dịch), Xác lập cơ sở của đạo đức (G.S Hoàng Ngọc Hiến dịch), Triết học phương Tây và minh triết phương Đông (Nguyên Ngọc dịch), Bàn về cái nhạt (Anna dịch), Bàn về chữ Thời (Kiên Giang, Đinh Nhất dịch). Được biết G.S Hoàng Ngọc Hiến đang dự định dành nhiều thời gian để đi sâu nghiên cứu Lão Tử, nhà triết học Trung Quốc cổ đại vốn rất quen mà cũng rất lạ với người Việt Nam. Hy vọng một ngày gần đây, bạn đọc Việt Nam không chỉ được đọc các bản dịch bàn về Lão Tử mà còn được đọc các chuyên luận nghiên cứu về Lão Tử do chính các học giả Việt Nam viết.

    * Những đoạn trích trong Đạo Đức Kinh đều theo bản dịch Đạo Đức Kinh của GS. Phan Ngọc đăng trên “Văn học nước ngoài” số 2-1998.
    Trần Sơn (Tổng hợp theo tài liệu nước ngoài)
    Last edited by nhaply; 19-12-2011 at 02:12 PM.
    mậu âm (...) kỷ dương (...)

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. [Đạo Gia] Lão Tử Đạo Đức Kinh
    By huangtaoist in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 52
    Bài mới gởi: 05-07-2013, 02:40 PM
  2. Bí ẩn về Lão Tử và Đạo Đức Kinh
    By Bin571 in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 27-08-2011, 12:37 AM
  3. Lão Tử tưởng nhĩ chú
    By nhaply in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 29-06-2011, 05:26 PM
  4. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 26-06-2011, 11:42 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •