IV- GƯƠNG LỢI THA CỦA ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA
Không phải nói nhiều, ai cũng đã biết Đức Thích Ca Mâu Ni thị hiện xuống cảnh ta-bà này là vì lòng lợi-tha rộng lớn muốn cứu độ chúng sanh. Ngài đã lìa bỏ gia đình, ngôi báu danh vọng, cũng vì muốn làm lợi ích cho chúng sanh. Ngài thuyết pháp trong suốt 49 năm cũng chỉ vì muốn cho tất cả mọi người đều được thành Phật như mình,. Suốt đời, Ngài chỉ đeo đuổi một mục đích cao cả là tự giác, giác tha, tự độ, độ tha, tự lợi, lợi-tha. Từ ý nghĩ, lời nói, đến việc làm, Ngài đều hướng về mục đích ấy. Ngài không từ bỏ một việc làm, một cử chỉ nhỏ nhặt nào, nếu nó có thể đem lại lợi ích cho chung quanh. Ngài đã xâu kim cho một người già, giả giận dữ để đuổi một con nai xa nơi nguy hiểm; dạy cách cày bừa có hậu quả cho một người làm ruộng. Khi Ngài đã già yếu mà vẫn không ngừng đi thuyết pháp độ sanh. Các đệ tử khuyên Ngài hãy tịnh dưỡng, nhưng Ngài gạt đi và nói một câu đầy ý nghĩa :
- Các người đừng khuyên ta như thế, ngày nào ta còn tại thế thì ngày ấy phải không vô ích.
V- NGƯỜI PHẬT TỬ PHẢI DƯỠNG TÁNH LỢI THA NHƯ THẾ NÀO TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
Mỗi chúng sanh đã có Phật – tánh, thì tất nhiên cũng đã có tánh lợi-tha, là một khía cạnh của tánh Phật.
Chúng ta hãy noi gương lợi-tha của Phật Thích Ca để nuôi dưỡng tánh lợi-tha của ta. Đừng bao giờ từ chối một việc lợi-tha nào, dù nhỏ bao nhiêu. Lượm một hòn đá giữa đường, quăng một cành gai vào bụi, đều là những công việc đáng làm cả. Nói một lời dịu dàng, hòa hảo, an vui vỗ về người lo sợ, buồn phiền, với một vài câu phấn khởi đó là những việc lợi-tha không nên bỏ. Chỉ bày cho người chung quanh những điều hay lẽ phải; hướng dẫn họ đi dần dần vào trong Đạo, làm cho họ hiểu rõ giá-trị của giáo-lý Phật Đà mà dốc lòng tu tập; đó là những việc làm lợi ích mà người Phật tử không thể lơ là được.
Từ những việc làm lợi ích tầm thường ấy, chúng ta tập tiến dần lên đường lợi-tha làm những việc ích lợi quan trọng hơn. Nếu chúng ta giàu tiền của, chúng ta hãy bỏ ra để giúp việc mở trường học, nhà thương, dưỡng đường, ký-nhi-viện, ấu-trĩ-viện, dưỡng-lão-viện, làm đường sá, cầu cống, đo sông ngòi... Nếu không có tiền của, chúng ta hãy làm những nội thí như đi dạy lớp bình dân, góp một số giờ vào các dưỡng đường, ký nhi, ấu trĩ hay dưỡng lão viện. Nếu chúng ta trí thông minh hơn người, có ý chí mạnh mẽ, thì quyết tâm học tập để trở thành những nhà trí thức lành mạnh, có tâm hồn xây dựng, những nhà bác-học, triết-gia nhất tâm phụng sự cho đời.
Với một chí nguyện lớn hơn nữa, chúng ta quyết tâm tự giác để giác tha, tự độ để độ tha. Làm được như thế, nuôi dưỡng tánh lợi-tha đến trình độ viên-mãn, ấy là chúng ta thành Phật.
Bookmarks