SAIGON, Việt Nam (UCAN 17-7-2008) -- Vào các ngày thứ sáu, anh Micae Nguyễn Bá Lộc cố gắng di chuyển chiếc xe lăn vào trong nhà thờ Chí Hoà để nghe các nhân chứng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của họ về lòng Thương Xót Chúa.
“Những câu chuyện của các chứng nhân khiến tôi không thể bỏ được buổi đọc kinh lòng Thương Xót Chúa vào chiều thứ sáu được”, anh Lộc, bị liệt đôi chân từ lúc nhỏ, cho biết.
Thường có khoảng 1.000 người đến nhà thờ này ở thành phố Saigon, cách Hà Nội 1.710 km về phía nam, tham dự các buổi chia sẻ dài hai giờ đồng hồ vào các chiều thứ sáu. Nhà thờ chỉ chứa được 800 người, vì thế nhiều người phải đứng bên ngoài.
“Giờ đây tôi cảm thấy vui hơn vì biết rằng Chúa luôn yêu thương và che chở những ai bệnh tật như tôi”, anh Lộc, 46 tuổi, nói với UCA News hôm 20-6. Anh Lộc, tham dự các giờ kinh lòng thương xót Chúa từ năm 2006, kể trước đây anh chán nản và muốn tự tử.
“Câu chuyện của các chứng nhân đã thay đổi cuộc sống của tôi”, anh Lộc lưu ý. Anh dẫn câu chuyện một người khuyết tật nghèo kể việc anh ta được một người lạ cho tiền điều trị tại bệnh viện sau khi cầu nguyện cùng Chúa.
Anh Lộc, sống nhờ gia đình, cho biết anh thường mất 15.000 đồng để đi xích lô đến nhà thờ tham dự các buổi đọc kinh. Tuy nhiên, hiện nay một số nhà hảo tâm biết được hoàn cảnh khó khăn của anh đã cho tiền anh đi xích lô.
Bên ngoài nhà thờ, bà Maria Nguyễn Thị Hải giang hai tay đọc kinh lòng thương xót Chúa. Người phụ nữ bị bại liệt không thể đưa xe máy ba bánh vào trong nhà thờ được.
Bà Hải, 52 tuổi, nói với UCA News rằng bà thường xuyên tham dự các buổi đọc kinh lòng thường xót Chúa tại nhà thờ và nghe những câu chuyện của các nhân chứng, nhờ đó “tôi biết cậy trông vào lòng Thương Xót Chúa”.
Bà kể trước đây bà đi bằng xe lăn nên đi lại khó khăn. Giống như anh Lộc, bà được một người sùng kính lòng Thương Xót Chúa tặng bà chiếc xe máy ba bánh. Bà bán vé số và kiếm được 30.000 đồng một ngày.
Linh mục Giuse Trần Đình Long, 52 tuổi, tổ chức các buổi đọc kinh lòng Thương Xót Chúa từ tháng 3, phát biểu với UCA News giáo dân đến đọc kinh lòng Thương Xót Chúa, chia sẻ các câu truyện làm chứng về lòng Thương Xót Chúa và tham dự Thánh lễ. Việc tôn kính lòng Thương Xót Chúa phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây, ngài nói thêm.
Cầu nguyện kính lòng Thương Xót Chúa bắt đầu ở Việt Nam sau năm 2000, khi Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tuyên bố Chúa nhật sau lễ Phục sinh là “Chúa nhật kính lòng Thương Xót Chúa” hàng năm. Cha Long, thuộc dòng Thánh Thể, là thành viên ban tổ chức lễ kính lòng Thương Xót Chúa trong tổng giáo phận hôm 30-3 năm nay, thu hút 10.000 người tham dự.
Việc kính lòng Thương Xót Chúa bắt đầu vào những năm 1930, dựa trên nhật ký nữ tu Mary Faustina Kowalska (1905-1938) để lại tại tu viện Đức Mẹ Thương Xót ở Ba Lan. Đức Thánh cha Gioan Phaolô đã phong thánh cho nữ tu người Ba Lan này ngày 30-4-2000. Những thị kiến mà nữ tu ghi lại về luyện ngục và các thông điệp về lòng Thương Xót Chúa là nền tảng của kinh lòng Thương Xót Chúa.
Tuy nhiên, theo cha Long, “chính các chứng nhân đã thu hút ngày càng nhiều người tham gia đọc kinh lòng Thương Xót Chúa”. Ngài mời các nhân chứng đến làm chứng vì “những chứng nhân dễ khiến người ta xúc động và dễ đánh động lòng người hơn là những bài giảng của các cha ở toà giảng”, ngài nhận xét.
Ngày nay người ta rất cần lòng Thương Xót Chúa vì cuộc sống của họ đầy rẫy đau khổ. Người nghèo gặp nhiều bệnh tật hay thiếu các nhu cầu cơ bản, trong khi người giàu có thì nghiện ma tuý hay phạm tội ngoại tình, ngài nói.
Anh Nguyễn Thành Luân, một Phật tử, nói với UCA News: “Tôi tin vào lòng Thương Xót Chúa qua câu chuyện của các nhân chứng, mặc dù tôi không biết Chúa là ai”.
Anh Luân, 36 tuổi, kể bác sĩ khuyên vợ anh phá thai do sợ bị biến chứng vì vợ anh bị bệnh sởi. Anh mời một số nhóm cầu nguyện về nhà anh đọc kinh lòng Thương Xót Chúa. “Chúng tôi rất vui mừng khi vợ tôi sinh đứa bé khoẻ mạnh hồi tháng 4”, anh Luân nói, và hứa sẽ làm chứng về lòng Thương Xót Chúa.
Anh cho biết anh treo một tượng ảnh lòng Thương Xót Chúa trong nhà và đọc kinh lòng Thương Xót Chúa mỗi ngày.
Một bệnh nhân AIDS nói với UCA News rằng chính câu chuyện của các nhân chứng, chứ không phải bác sĩ, đã mang lại cho anh sức mạnh tinh thần và hy vọng. Sau khi nghe câu chuyện của một nhân chứng đã cai nghiện ma tuý, anh tham gia nhóm cầu nguyện lòng Thương Xót Chúa. “Tôi biết mình sẽ chết vì AIDS, nhưng tôi không sợ vì Chúa cứu chữa tâm hồn tôi”, anh nói.
Bookmarks