Tình yêu thương lứa đôi được xuất hiện và thúc đẩy bởi luyến ái. Như đã nói ở trên, luyến ái có nguồn gốc từ bản năng hưởng thụ sâu thẳm của con người nên nó rất mạnh và ích kỷ. Chính vì thế tình cảm với người mình yêu bao giờ cũng mạnh hơn tình cảm đối với gia đình là vậy. Nhiều người dành hết yêu thương, sự quan tâm chăm sóc cho người yêu mà đối với người thân trong gia đình thì rất dửng dưng, bình thường. Tình cảm gia đình không có sự thúc đẩy mạnh mẽ được như tình yêu , vì trong tình yêu có ham muốn thúc đẩy, nói cách khác xuất phát từ sự vị kỷ sâu thẳm đòi hỏi sự hưởng thụ, đòi hỏi cảm giác hạnh phúc của con người đã làm cho con người luôn hướng đến nó. Và đây chính là nguyên nhân của đau khổ. Khi con người hướng đến cảm giác hạnh phúc, người ta mong muốn yêu và được yêu để có hạnh phúc. Và như thế, sẽ xuất hiện quá trình từ khao khát đến kiếm tìm hạnh phúc. Đâu biết rằng, chính quá trình tìm kiếm hạnh phúc một cách vị kỷ sẽ tạo nên đau khổ.

Sự khổ đau xuất hiện trong tình yêu thể hiện dưới dạng 2 khía cạnh:


1. Đau khổ trong quá trình tìm kiếm, chinh phục để có được một tình yêu
2. Khi có được tình yêu rồi, tưởng là có được hạnh phúc con người vẫn tiếp tục đau khổ.

Quá trình tìm kiếm tình yêu là quá trình hướng tới hạnh phúc, chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc ở phía trước và chúng ta khổ sở để tìm mọi cách để nắm lấy nó. Khi ngoại cảnh tác động, dưới dạng hoặc có đối tượng khác giới xuất hiện làm nảy sinh luyến ái, hoặc có một cặp đối tượng tình yêu làm xuất hiện sự phân biệt so sánh và nảy sinh hiệu ứng cô đơn. Lúc này trong lòng chủ thể, luyến ái bắt đầu nảy nở, tự nó vẽ và dựng lên một sự khao khát tình cảm. Và hình ảnh về hạnh phúc được luyến ái dựng lên rất thơ mộng ngọt ngào: Từ nụ cười, ánh mắt, một cái nghiêng đầu, cách ăn mặc, từ cách đi đừng, cá tính, sự trẻ con, hay đàng hoàng chững chạc… tất cả tổng hợp lại và chịu sự chi phối của luyến ái. Con người lập tức thấy đó là thiên đường hạnh phúc, từ trong bản năng sâu thẳm, sự tham ái liên tục thúc đẩy khiến cho con người khao khát liên tục và từ đó nảy sinh cảm giác nhớ nhung, giận hờn và đau khổ. Khi luyến ái không được đáp lại, nó vẫn sẽ tồn tại và ứ đọng, tiếp tục sinh sôi nảy nở vì không có chỗ để giải phóng. Chính vì thế, với những mối tình đơn phương, tình cảm của người chinh phục luôn luôn dạt dào, nồng nàn và sẽ theo suốt những tháng năm lâu dài sau đó. Chính những luyến ái không có chỗ giải phóng này đành lưu giữ lại trong ký ức vẫn với một niềm ước mong sâu thẳm, và thêm vào đó, trong ký ước được đánh dấu, đăng ký về một ấn tượng ngọt ngào về đối tượng khách thể được chinh phục kia.

Như vậy, trong khía cạnh thứ nhất này, luyến ái không được đáp lại, tức phần bản năng thụ hưởng không được đáp ứng. Con người vật vã đau khổ và các thi nhân, nhạc sĩ có đất dụng võ để cho ra đời những thi phẩm, những bài hát não tình hay u hoài tha thiết.


Quá trình thứ hai là khi có được tình yêu rồi, tức là luyến ái được đáp ứng. Hai người nảy sinh tình yêu rồi và chìm trong một không gian mà họ bắt đầu nghĩ đó là hạnh phúc. Nhưng bản chất của bản năng thụ hưởng là tính liên tục và tính đổi mới. Tính liên tục thì rất rõ ràng rồi, vì nếu không sẽ trở nên trống trải, hụt hẫng. Tính đổi mới thì dở ở một điểm là luôn cần phải có những tần số thay đổi đi chút ít để đảm bảo không có sự nhàm chán hay mệt mỏi. Tuy nhiên vì luyến ái là nhu cầu của cả 2 bên, nên phía nào cũng muốn bên kia phải đáp ứng nhu cầu vị kỷ của mình. Tức là phải yêu thương, phải hiểu, phải quan tâm, phải chăm sóc, phải duy trì thường xuyên.. Trong đó, nhu cầu hiểu là yếu tố mãnh liệt nhất. Khả năng hiểu cũng là khả năng mang lại hạnh phúc cho đối tượng kia, vì làm từ đó sẽ làm thỏa mãn mọi nhu cầu của đối tượng. Ngay tại những điểm này, nếu tính luyến ái được xác lập có tần số và tuổi thọ không dài( xem phần 1), lập tức sẽ nảy sinh sự rạn vỡ và gây ra đau khổ. Đến đây, khả năng hiểu và chấp nhận những điểm xấu của đối phương rất quan trọng, nếu thực hiện được con người sẽ bước vào một cảnh giới mới hoàn toàn: Tình yêu thương thực sự.