2.5. TIÊN THIÊN BÁT QUÁI TẠI NGAI ĐẦU SƯ CHƯỞNG PHÁP GIÁO TÔNG
Tiên Thiên Bát Quái ghi nhận ảnh hưởng của mặt trời và hướng Đông Tây Nam Bắc của Bát Quái này là dựa theo vị trí tương đối với Nhị Thập Bát Tú. Thiên Văn cổ của Trung Quốc ghi nhận một tổng số 28 chòm sao ở bốn phương, mỗi phương bảy chòm. Mỗi chòm đều có tính Ngũ Hành riêng và chi phối mỗi ngày trong tuần lễ theo Tây lịch:.
Ta để ý thấy có chu kỳ Mộc, Kim, Thổ, Nhật, Nguyệt, Hỏa, Thủy trong tên của Nhị Thập Bát Tú. Đó là chu kỳ Jeudi, Vendredi, Samedi, Dimanche, Lundi, Mardi, Mercredi (Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật, Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư) và cũng là chu kỳ Chấn, Đoài, Trung Cung (hiệp Cấn Tốn), Càn, Khôn, Ly, Khảm.
Do sự quay quanh trục và sự di chuyển theo quỹ đạo mà vị trí tương đối của Địa Cầu so với Nhị Thập Bát Tú có đổi thay, khiến cho tương tác Ngũ Hành Hậu Thiên có chuyển đổi theo giờ, ngày, tháng, năm.
Do sự quay theo quỹ đạo của toàn hệ mặt trời mà Tiên Thiên Bát Quái đổi hướng. Sự đổi hướng này rất chậm.
Mặt trời của chúng ta cách trung tâm của con đường sữa (ngân hà của mình) một khoảng từ 24.000 đến 26.000 năm ánh sáng. Nhìn từ cực Bắc của vũ trụ, nó quay quanh giáp một vòng của trung tâm Ngân Hà này trong khoảng từ 225–250 triệu năm..
Do quyền lực Chí Tôn mà có sự dịch chuyển thẳng của các Đại Ngã. Quyền lực Đại Ngã ngày nay đến dạy chúng ta khéo phối hợp Tiên Thiên và Hậu Thiên để thoát khỏi các chu kỳ tuần hoàn.
Chúng ta đã thấy hình ảnh của Bát Quái Tiên Thiên trên mão áo tiểu phục Giáo Tông. Hình ảnh Long Lân Qui Phụng thay cho Thanh Long Bạch Hổ Huyền Võ Chu Tước của Bát Quái Tiên Thiên này cũng được thấy trên bảy chiếc ngai để tại bậc thứ chín của Cửu Trùng Đài.
Ngai Đầu Sư có một Qui, hai Phụng và một Long sau lưng, hai Lân làm tay vịn. Ngai Chưởng Pháp có hai Long, một Lân và một Qui sau lưng, hai Phụng làm tay vịn. Ngai Giáo Tông có một Qui, một Phụng sau lưng và hai cặp Long Lân làm tay vịn.
Long Lân là trục Chấn Đoài (Đông Tây), Qui Phụng là trục Khảm Ly (Nam Bắc). Đường ra thì Qui 1, Phụng 2, Long 3, Lân 4; đường về phải dò dấu phăn ngược lại: Lân 4, Long 3, Phụng 2, Qui 1. Tất cả đều là các số Tiên Thiên âm dương.
Tiên Thiên là Dương Quang. Do cơ hội Trời Người hiệp một mà có Dương Quang ấy.
ĐẠO là sự CỘNG HIỆP,
TÂM là sự CỘNG THÔNG.
QUI nơi tịnh CHẤT SINH.
NGUYÊN ở thời CHƠN ĐỊNH.
Cộng thông và cộng hiệp cho tới khi nào có tịnh chất sinh thì Chơn Định hiển lộ. Nơi tịnh chất sinh là nơi có lực Tiên Thiên. Đó là người hoặc nơi có trấn thần.
Trấn thần và trấn pháp có khác nhau.
Trấn thần là đưa lực lượng tối thượng đến nơi nào đó để nhơn sanh có chỗ qui ngưỡng mà tu hành. Còn trấn pháp là sự sắp đặt các vị trí đồ hình theo một pháp nào đó hầu tạo kết quả tuy bất khả lượng nhưng mạnh mẽ. Đó là dùng các mãnh lực trong ngũ hành mà tạo ra.
Bởi vậy có khi người ta cần đi đến chỗ hoặc người nào đó. Thí dụ như khi có người bệnh đến với Đức Hộ Pháp, Ngài bảo: “Về đi không sao đâu”. Thế là hết bệnh…
Chơn định là có tâm ý hành động tách ly khỏi các chu kỳ ngắn hạn để qui nguyên vào cái chơn thật của mình không bị các giới luật, lý giải so sánh, ngay cả pháp môn tu hành cũng không phải là điều kiện tuyệt đối mà vấn đề là sự CHƠN của TÂM đã THIỀN nên HIỆP.
Hậu Thiên là Âm Quang, Bát Quái Hậu Thiên là qui luật có tính chu kỳ ngắn hạn. Các chu kỳ ngắn hạn của những bạn hành tinh và vệ tinh đối tác trong sự sản sinh vật chất / phi vật chất khiến trục quay của quả đất không thẳng góc với mặt phẳng quỹ đạo. Mỗi cuối chu kỳ là một lần chuyển đổi, ngơ ngác không kịp kỳ phải lắm nỗi đau thương.
Cái thật của mình ở đâu tâm tự nhiên của mình hướng đến đó. Cái thật của thể xác Hậu Thiên hay dời đổi thì trong chỗ Hậu Thiên sâu xa, nhiều người biết như vậy. Cái thật của tâm ý Tiên Thiên thì trong chỗ ổn định cao vời. Là khách trần lẽ ra ta phải siêng tìm học để bắn sao cho trúng mục tiêu trên cao, câu sao cho được vật quý dưới sâu, chúng ta nong nả tìm học để có Phật, có Pháp vượt khỏi các chu kỳ tuần hoàn mà để bước lên đường dịch chuyển thẳng.
Đạo cao thâm, Đạo cao thâm,
Cao bất cao, thâm bất thâm.
Cao khả xạ, hề thâm khả điếu,
Cao thâm vạn sự tại nhơn tâm.Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 1(Đạo cao sâu, Đạo cao sâu. Cao mà không cao, sâu mà không sâu. Ôi, cao cũng bắn đến được, sâu cũng câu lẻn được. Vạn sự cao sâu do nhơn tâm mà thôi).
Phật là Thần, Pháp là Tinh Khí. Chúng ta lần dò xem phải hiệp Tiên Hậu Thiên thế nào để có được Tinh Khí Thần cần thiết.
__________________________________________________ _________________
[1] Như sự chuyển trục của địa cầu làm thay đổi Bát Quái Hậu Thiên..
[2] Như sự khai mở một kỳ phổ độ ban hành những pháp-quyền-lý-giáo mới để nâng cao cái sống và cái linh lên một tầm mức khác trước.
[3] Con đường phía trước Trí Huệ Cung có tên là Pháp Luân Lộ còn con đường sau lưng là Thanh Tịnh Lộ.
[4] Xin xem bài Phật Tánh trong phần Phụ Lục.
[5] Từng có lời nhắc nhở rằng không hề có khai khiếu nếu chẳng có khai tâm.
Bookmarks