2. CHA CỦA SỰ SỐNG LÀ ĐẠO CỦA VẠN LINH
2.1. Chí Linh và Vạn Linh
2.1.1. Ngôi Thái Cực và Lưỡng Nghi
2.1.2. Đại Ngã Chí Tôn và Mẹ Tạo Hóa
2.2. Thiên Cơ
2.3. Biến Bát Quái thành Tứ Tượng
2.4. Đông Tây tương hiệp và Bắc Nam tương hiệp
2.5. Tiên Thiên Bát Quái tại Ngai Đàu Sư Chưởng Pháp Giáo Tông

Mỗi sinh linh đều có Thái Cực tính của mình. Khi sinh linh ấy học các kinh nghiệm đổi thay của ngày đêm tối sáng trong chu kỳ thời gian, đó là đời. Nếu sinh linh ấy đặt mình trong thế nhất quán với cái nhìn của Đấng sáng tạo vũ trụ, đó là Đạo.

2.1. CHÍ LINH VÀ VẠN LINH

Tương quan giữa vạn linh với nhau là đời. Tương quan giữa vạn linh với Chí Linh là Đạo. Nói khác đi, Đấng Chí Linh là Đạo của vạn linh. Khi vạn linh dù thuộc các cấp độ hoặc xã hội, hoặc hành tinh, hoặc ngân hà…cùng thống nhất nhau hướng về Chí Linh mà quên mất các tiểu dị của mình thì đó là Đạo. Nơi nào có sự sống là có Đấng Chí Linh, Cha của sự sống ấy. Do vậy Đấng Chí Linh và Đạo có ở mọi nơi có cái sống.

2.1.1. Ngôi Thái CỰC VÀ LƯỠNG NGHI

Thái Cực là chỗ Trung cung bất cấu bất nhiễm bất tăng bất giảm của vũ trụ, giống như trục của bánh xe hay tâm của cái compas, lời xưa gọi đó là Thiên quân. Ngôi Thái Cực của Thượng Đế là không gian vô hình xuyên thấu và là phần cơ bản kiến tạo cho mọi tầng trời, mọi ý tưởng và mọi nguyên tử vật chất.

Ngôi Lưỡng Nghi sinh hóa và dưỡng dục quần nhi trong cõi Vô Cực như toàn thể các điểm của vành bánh xe. Từ khi có tên gọi riêng, một điểm sống nhỏ nhít lần hồi được có bản ngã. Bản ngã ấy được xây dựng thêm lên thành các cá thể lần hồi có thêm phần độc lập; đó là sự tạo lập hình thể vật chất có một phần không gian tâm tình trí thức riêng.

Không gian hữu hình của mỗi thân thể cá nhân cũng như các hành tinh định tinh. Không gian tâm linh trí thức cũng như bầu trời nâng đỡ các hành tinh và định tinh ấy. Gọi chung không gian nhẹ nhàng và vật chất tinh cầu thô nặng đó là trời đất, ấy đều là hai tượng của ngôi Lưỡng Nghi.

2.1.2. ĐẠi Ngã Chí Tôn và MẸ TẠo Hóa

Chí Tôn là Đại Ngã Dương tính chủ sự nhất quán nhưng tâng tiu lẽ sống riêng đang trỗi phát. Phật Mẫu là Đại Ngã Âm tính chủ sự dưỡng dục hình hài nhưng chắt chiu tâm thức qui nguyên.

Trước đền thờ Chí Tôn là trụ phướn long lân thuộc quyền Chấn Đoài thiêng liêng hữu hình âm dương nhưng trụ phướn lại vuông, mang tính âm. Trước đền thờ Phật Mẫu là trụ phướn Qui Phụng thuộc quyền Khảm Ly nam nữ âm dương nhưng không mất đi qui pháp tròn của phép thiên quân (cái compas vẽ hình tròn đều đặn).

Hai Đại Ngã ấy là Cha và Mẹ, không phải nói hai ngôi Thái Cực Lưỡng Nghi. Bầu trời không phải là ông trời, con mắt thấy không phải là sự thấy. Có mắt để thấy như là Thiên, có cái để thấy như là Địa, có cái thấy như là ông Trời. Tư tưởng, tình cảm của mình tuy cao hơn thân thể vật chất nhưng chưa có tính của Chí Tôn, nó chỉ mới là công trình của Phật Mẫu. Chính cái sáng làm chứng nhân cho cái học cái biết của mình là công trình của Chí Tôn. Mẹ xây dựng Đài tâm thức, Cha xây dựng Cao tính tự chủ.

Các pháp linh hoạt mà từng đứa trong vạn linh do Mẹ sinh ra ứng tâm hướng về Đấng Cha Chí Linh ngự ngôi Thái Cực như các nan xe khác nhau nối liền trục xe và vành xe vậy. Mỗi điểm trên vành bánh xe đều cách trục bánh xe một khoảng như nhau dù đường về theo các nan bánh xe khác nhau.

Các pháp của vạn linh dùng để về với Đấng Cha chung tuy có thể khác nhau ít nhiều nhưng đều bình đẳng cùng nhau.

Hoặc lập đời tại chỗ có cá tính vạn thù của từng điểm trên vành xe hình chất hoặc tạo Đạo về chỗ tâm linh đại hòa điệu vũ trụ của trung tâm Thái Cực đều thuộc quyền năng Phật Mẫu phụng thừa Thiên ý mà nên.

Do tinh thần nhất quán của Cha nên bình đẳng với các dị biệt, do thánh chất trọng nhiên của Mẹ nên không có rào cản nào bế nghẽn tiến hóa.