8.- Đức Hộ Pháp Thuyết Đạo - Ðêm 14 tháng 12 năm Canh Dần ( 1950 )

Trấn pháp nơi Trí Huệ Cung



Ngày mai nầy Trấn Pháp Thiên Hỉ Ðộng Trí Huệ Cung. Bần Ðạo lấy làm mừng đã làm tròn phận sự đặc biệt của Bần Ðạo. Từ thử đến giờ Bần Ðạo đã nhiều phen giảng giải về hình thể Ðức Chí Tôn.

Bần Ðạo đã gánh vác về thể pháp Cửu Trùng Ðài, tạo nghiệp cho Ðạo là làm giùm cho thiên hạ chớ không phải phận sự của Bần Ðạo. Ngày nay là ngày vui mừng của Bần Ðạo hơn hết là Bần Ðạo còn sức khỏe đầy đủ cầm Bí Pháp của Ðức Chí Tôn đã giao phó, ấy là phận sự đặc biệt của Bần Ðạo đó vậy.

Hộ Pháp đến kỳ Long Hoa nầy cốt để rước cửu nhị ức nguyên nhân là bạn chí thân của Người đã bị đọa lạc nơi hồng trần không phương giải thoát, muốn rước các bạn chí thân của Bần Ðạo, Ðức Chí Tôn buộc phải lấy Pháp Giới tận độ chúng sanh.

Hôm nay là ngày mở cửa Thiêng Liêng và đưa nơi tay các Ðấng nguyên nhân ấy là một quyền năng đặng tự giải thoát lấy mình, hai món Bí Pháp ấy là :

1./ Long Tu Phiến của Ðức Cao Thượng Phẩm để lại.
2./ Kim Tiên của Bần Ðạo. Hiệp với ba vòng Vô Vi, tức nhiên là Diệu Quang Tam Giáo hay là hình trạng càn khôn vũ trụ, mà đó cũng là tượng ảnh Huệ Quang Khiếu của chúng ta đó vậy.


KIM TIÊN là gì ? Là tượng hình ảnh điển lực điều khiển càn khôn vũ trụ mà chính nơi đó là điển lực tức nhiên là sanh lực đó vậy. Với nó mới có thể mở Ðệ Bát Khiếu, trong thân thể con người có Thất Khiếu và còn có một khiếu vô hình là Huệ Quang Khiếu, vì nó (Kim Tiên) là điển lực, nên nó mở khiếu ấy mới được.

Nói rõ con người có ngũ quan hữu tướng và lục quang vô hình mà phải nhờ cây Kim Tiên ấy mới có đủ quyền hành mở lục quang của mình đặng.

LONG TU PHIẾN có thể vận chuyển càn khôn vũ trụ, do nguơn khí đào độn sanh ra đó vậy. Nó có quyền đào độn nguơn khí, thâu hoạch nguơn khí để trong sanh lực.

Con người nắm được điều ấy là kẻ đắc Pháp, nhờ nó mới có thể luyện TINH hóa KHÍ, luyện KHÍ hóa THẦN được.

Ấy là Bí Pháp trấn tại Thiên Hỉ Ðộng Trí Huệ Cung. Toàn thể ngó thấy không có gì hết, mà trong đó có quyền Pháp vô biên, vô giới. Giải thoát đặng cùng chăng là do bao nhiêu đó.
Thuyết Ðạo QIII / tr117