TẠI SAO GHẾ THỜ PHẢI HÌNH BÁT GIÁC?


- Ấy là do nơi Âm Dương tương hiệp tức LƯỠNG NGHI; rồi LƯỠNG NGHI sanh TỨ TƯỢNG; TỨ TƯỢNG biến BÁT QUÁI; BÁT QUÁI biến hóa vô cùng mới sanh ra CÀN KHÔN VŨ TRỤ và muôn loài, vạn vật... Lập ĐỀN THỜ hình BÁT QUÁI tượng trưng cơ huyền vi hóa dục, sanh thành vạn loại; đồng thời cũng là nơi qui tựu các đẳng chơn hồn vạn loại vậy.

Còn những lẽ cao siêu theo bí pháp chơn truyền, chúng tôi không được phép để cập.

Tại sao thờ QUẢ CÀN KHÔN có vẽ CON MẮT?

- Ý nghĩa sự thờ phượng nầy phù hợp mọi lãnh vực và tiêu biểu đại cương thể thức nền ĐẠI ĐẠO, chúng tôi xin sơ lược sau đây:

Thờ QUẢ CÀN KHÔN, ý nghĩa tượng trưng sự thống nhứt các tôn giáo nhơn loại về cùng một mối đạo.

Bởi vậy, mới có sự qui Tam giáo, hiệp Ngũ chi v.v...

Con mắt vẽ trên QUẢ CÀN KHÔN, tức là THIÊN NHÃN.

Thờ THIÊN NHÃN tượng trưng thờ THƯỢNG ĐẾ.

- Tại sao vậy?

- Vì theo Thánh ngôn Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ giáng cơ dạy thì:

“NHÃN thị chủ TÂM.
“Lưỡng QUANG chủ TỂ.
“THẦN thị THIÊN.
“THIÊN giã, NGÃ dã.

Nghĩa là:

“MẮT làm chủ TÂM LINH con người.
“Hai yến sáng trong mắt là THẦN.
“THẦN là TRỜI.
“TRỜI là TA vậy.

Như vậy, thờ con mắt tượng trưng thờ TRỜI. Vả lại, TRỜI là đấng TẠO HÓA,một bậc vô cùng CHÍ THƯỢNG, sắc sắc, không không... mà lại giáng cơ lập Đạo, chứ không giáng phàm như hai kỳ trước, thì hình thể cũng khó mà biết được.

Hơn nữa, thờ con mắt lại là mục đích để phổ thông nền Đạo. Vì ai cũng có thể hiểu được theo ý nghĩa trên.

Cũng có bài Thánh giáo của Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ cắt nghĩa về sự thờ THIÊN NHÃN ấy phù hợp với bí pháp luyện đạo như sau:

“Thần là khiếm khuyết của cơ MẦU NHIỆM từ ngày Đạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Độ nầy, duy THẦY cho THẦN hiệp TINH KHÍ đặng hiệp đủ TAM BỬU là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.

“Các con nhớ nói vì cớ nào thờ con mắt THẦY cho chư đạo hữu nghe...”


Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật từ ngày bị bế Đạo, luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song THIÊN ĐÌNH mỗi phen đánh tản THẦN không cho hiệp cùng TINH KHÍ.

“THẦY đến đặng hườn nguyên chơn thần cho các con đặng đắc ĐẠO. Con hiểu THẦN cư tại NHÃN bố trí cho chư đạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội TIÊN PHẬT do yếu nhiệm là tại đó. Thầy khuyên các con mỗi phen nói Đạo, hằng nhớ đến danh THẦY”.

SỰ KIẾN TRÚC QUẢ CÀN KHÔN


Thể thức kiến trúc quả Càn Khôn theo Thánh giáo của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng cơ dạy ngày 2 tháng 8 năn Bính Dần như sau:

“BÍNH! (tên của một vị đại Chức sắc buổi khai đạo). Thầy giao cho con làm một trái Càn Khôn; con hiểu nghĩa gì không? – Một trái đất tròn quây, hiểu không? Bề kính tâm là 3 thước; 3 tấc nghe con. Lớn quá! Mà phải vậy mới đặng vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy, mà sơn màu xanh da trời CUNG BẮC ĐẨU và các VÌ TINH TÚ vẽ lên quả Càn Khôn ấy. THẦY kể TAM THẬP LỤC THIÊN, TỨ ĐẠI BỘ CHÂU ở không không trên không khí, tức là không phải TINH TÚ. Tính lại có 3.072 ngôi sao. Con phải biểu vẽ lên đó cho đủ. Con dở sách Thiên văn Tây ra coi mà bắt chước. Tại NGÔI BẮC ĐẨU con phải vẽ 2 bánh lái và SAO BẮC ĐẨU cho rõ ràng. Trên vì sao BẮC ĐẨU vẽ CON MẮT THẦY, hiểu chăng? Đáng lẽ trái đất ấy phải bằng chai, đúc trong một ngọn đèn đốt cho nó thường sáng; ấy là lời cầu nguyện quí báu cho cả nhơn laọi trong Càn Khôn Thế Giái đó, nhưng mà làm chẳng kịp thì tùy tiện.

TẠI SAO QUẢ CÀN KHÔN ĐỂ TRÊN NÓC BÁT QUÁI?


Bởi NHỨT KHÍ HƯ VÔ biến thành LƯỠNG NGHI. LƯỠNG NGHI lập ra TỨ TƯỢNG, có TỨ TƯỢNG rồi mới sanh BÁT QUÁI. Vì thế, Quả Càn Khôn pphải để trên nóc BÁT QUÁI.

Dưới quả Càn Khôn là những khuôn LINH VỊ viết bằng HÁN TỰ, sơn son, thếp vàng, thờ các vì giáo chủ thời Nhị Kỳ Phổ Độ.

Ngoài ra, phía trước hai bên tả và hữu còn để cặp Hạc đứng trên lưng Qui.

Hình ảnh đôi Hạc nghiêm trang, ngay cổ cao vút, hai mắt đen huyền, lấp lánh nhỡn quang như mơ màng phiêu diêu cõi Phật, khiến du khách chạnh niềm tư tưởng vu vơ với cõi Trần gió bụi...

Cũng như đôi Hạc ấy, phía sau quanh quả Càn Khôn có tượng hình những Rồng sơn trắng, tiêu biểu BẠCH DƯƠNG đại hội ở thời kỳ hạ ngươn gần mãn nầy.

Ngoài ra, phía trước quả Càn Khôn, trên bàn BÁT QUÁI còn đặt những dụng cụ để cúng, tế v.v...

Dưới Bát Quái Đài, ở nền gạch có một cái hầm sâu thẳm.

Du khách có thể nương ánh đèn đi thong thả... Cái hầm nầy gọi là “HẦM TÀNG BỬU KHÁNH”.

Bởi mục đích căn bản của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là qui hiệp các Tôn giáo hiện hữu, thực tiễn Giáo lý làm phương thức thích ứng áp dụng trào lưu tiến hóa của nhơn loại một cách hợp thời mà cảm hóa nhơn loại đặng độ rỗi trên đường thiện lương Thánh Đức...

Vì vậy, nên mỗi chi tiết hay hệ thống tổ chức trong các cơ quan cũng như sự kiến trúc Tòa Thánh cũng đều phát huy từ căn bản các Tôn giáo xưa nay mà làm hiện thân; ý nghĩa đại cương của mỗi Tôn giáo.

Ngày xưa, đền thờ nào cũng có Hầm Tàng Bửu Khánh cả. Nước ý thì đền thờ La Mã. Nước Pháp thì có đền thờ Reims.

Những hầm này dùng để chứa tiền của, ngọc ngà, châu báu của các vị hảo tâm đến viếng đền thờ cúng hiến, đặng phòng khi nhân gian gặp nạn đao binh, đói khổ mới khai ra bố thí tương trợ lúc lâm nguy.

Nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ngày nay, đặc biệt quan tâm đến đời sống nhân gian, mục đích cứu khốn, phò nguy, những cơn thống khổ; tương trợ đồng bào trong lúc đau thương... Nên mới xây cất có đủ thể thức làm phương tiện phục vụ sinh tồn nhân loại... Đó là mục đích xây cất “Hầm Tàng Bửu Khánh” vậy.