Qua khỏi 7 chiếc Ngai nầy, tức du khách đã qua khỏi 9 bậc của Cửu Trùng Đài.
Chín bậc ấy kiến trúc theo ý nghĩa Cửu Trùng Thiên hay Cửu Thiên Khai Hóa. Thánh ngôn của Đức CAO ĐÀI NGỌC ĐẾ giáng cơ dạy rằng: “THẦY có Cửu Trùng Thiên để mà lập vị cho cửu phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật. Phật Mẫu thì có Bát Cảnh Cung để mà ung đúc cho bát hồn vận chuyển”. Đó là ý nghĩa huyền vi của 9 bậc vậy.
Cung Đạo
Qua khỏi 9 bậc, du khách đến một bậc nữa là bậc thứ 10. Bậc nầy hẹp hơn các bậc kia, cũng có hai cột Rồng gọi là “Cung Đạo”.
Trên nóc cũng theo lồng căn của bậc nầy mà đúc hình bầu trời, nhưng những chi tiết khác hẳn các nóc khác. Thay vì hình ảnh những ngôi sao và 6 con rồng trong giữa khung, thì lại tượng bằng tất cả bửu pháp của các vị Đạo Tổ như Đại Ngọc Cơ của Ngọc Hoàng Thượng Đế; Thánh Thơ quyển Xuân Thu của Đức Khổng Phu Tử; cây Phất Chủ của Tiên Giáo v.v... và tượng hình Đức Cao Thượng Phẩm (có thuyết gọi là Đức Hồng Quân Lão Tổ nhưng chúng tôi nghiên cứu kỷ theo tài liệu của Hội Thánh giảng giải và thực tế được vài vị đại chức sắc cho biết thì sai). Ánh hào quang làm bằng kính pha ly, phản chiếu hình rẽ quạt một cách linh động.
Trông vào những hình ảnh tuyệt vời, hào quang sáng chói, lấp lánh ánh kim cương, du khách tưởng chừng như một cõi vô hình chói chang trước mắt...
Trước Cung Đạo nầy có bức màn đúc bằng xi măng, dạng chữ “M”. Trên bức màn nầy có tượng hình Giáo chủ Tam giáo (Nho, Đạo, Thích) Tam Trấn và Ngũ Chi Đại Đạo như sau:
Hình LÃO TỬ - hình THÍCH CA – hình KHỔNG TỬ.
Đó là ba vị Giáo chủ Tam giáo (Đạo Tiên, Đạo Phật, Đạo Nho).
Kế hàng dưới:
Hình QUAN ÂM – hình LÝ THÁI BẠCH – hình QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN.
Đó là Tam Trấn Oai nghiêm trong nền ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ.
Dưới hình Lý Thái Bạch có:
Hình Chúa JÉSUS CRHIST – hình KHƯƠNG THÁI CÔNG.
Kể từ Đức Thích Ca trở xuống đó là Ngũ Chi Đại Đạo. Sự tượng trưng như sau:
Phật Thích Ca tượng trưng PHẬT ĐẠO.
Lý Thái Bạch tượng trưng TIÊN ĐẠO.
Chúa Jésus Crhist tượng trưng THÁNH ĐẠO.
Khương Thái Công tượng trưng THẦN ĐẠO.
Và ngôi GiáoTông dưới tượng trưng NHƠN ĐẠO.
Đó tức là Ngũ Chi Đại Đạo vậy.
Như đã nói trên, Cung Đạo nầy nằm ở bậc giữa, tức lồng căn giữa của Tòa Thánh. Còn hai lồng căn hai bên tả và hữu, ngang với tấm màn giữa chữ M ấy cũng có hai tấm màn hai bên. Những tấm màn nầy cũng có tượng hình các bậc Tiên Thánh như sau:
a) Bức màn bên tả đủ các hình Bát Tiên.
1- Lý Thiết Quả; 2- Hà Tiên Cô; 3- Tào Quốc Cựu; 4- Lâm Thể Hòa; 5- Hàn Tương Tử; 6- Hớn Chung Ly; 7- Lữ Đồng Tân; 8- Trương Quả Lão.
b) Bức màn bên hữu có đủ hình Thất Thánh.
1- Vương Tiễn; 2- Na Tra; 3- Vi Hộ; 4- Lý Tịnh; 5- Kim Tra; 6- Lôi Chấn Tử; 7- Mộc Tra.
Thuở tạo lập Tòa Thánh xong, Đức Hộ Pháp không biết phải để Thất Hiền (7 ông Hiền) hay Thất Thánh, bèn cầu Đức Thái Bạch chỉ giáo.
Lý Thái Bạch giáng cơ dạy:
“Đáng lẽ để Thất Hiền: 1- Kế Khan; 2- Nguyễn Tính; 3- Sơn Đào; 4- Hương Lữ; 5- Lưu Linh; 6- Nguyễn Bình; 7- Vương Nhan. Vì khi trời đất chưa mở mang, khí Hư vô còn hỗn độn, kịp kỳ ÂM DƯƠNG đã định khai khán LƯỠNG NGHI: khí nhẹ nổi lên làm TRỜI, khí nặng chìm xuống thành ĐẤT; rồi từ đó mới biến sanh ra trên mặt địa cầu có CHÍ TÔN, PHẬT MẪU; rồi tới 96 ức Nguyên Nhân xuống tại thế. Trong khi bình địa lấy chi mà sống, thì có 7 ông Hiền: Ông đào sông, Ông xây núi, Ông bắt cầu, Ông lấp đường, Ông lập rừng, Ông trồng hoa quả. Bảy ông ấy tạo cơ nghiệp hoàn đồ trên mặt Thế. Nhờ vậy 96 ức Nguyên Nhân xuống mặt Thế mới tồn tại đến ngày nay. Đáng lẽ để 7 Ông Hiền ấy nối đời Bàn Cổ sơ khai, nhưng lâu quá phải để 7 Ông Thánh” (như đã nói trên).
“Ý nghĩa để Ông Thánh”:
Bởi vì 7 Ông Thánh đứng trong đời mạt Trụ, hưng Châu. Trong lúc lập bảng Phong Thần, 7 ông nầy đầy đủ công nghiệp tâm đức; vượt khỏi bảng Phong Thần vào trường Phong Thánh; cả nhơn sanh ngày nay gắng làm sao cho đầy đủ công nghiệp tâm đức để vượt khỏi trường Phong Thánh, bước vào địa vị tối cao để chẳng uổng kiếp sanh của chúng ta trong vòng CHÍ TÔN hoằng khai Đại Đạo, mới không hổ mặt với các bậc tiền bối.
Đó là ý nghĩa tượng hình Thất Thánh trên bức màn bên hữu vậy. (Chúng tôi trịêt để tôn trọng sự tín ngưỡng cơ bút của tôn giáo Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nên giảng giải lược thuật đi đúng tinh thần tài liệu của Hội Thánh, không hề vẽ vời, sửa cãi, thêm bớt...)
TẠI SAO TRONG “CUNG ĐẠO” THỜ
NHỮNG BỬU PHÁP VÀ NHẤT LÀ CÂY ĐẠI NGỌC CƠ
Bởi các tôn giáo ngày trước nhờ XUÂN THU, PHẤT CHỦ, BÁT DU mà Thần, Thánh, Tiên, Phật thông đồng đến cả nhơn loại giáo đạo, tạo đời, dạy điều chánh thiện.
Đạo CAO ĐÀI ngày hôm nay nhờ ĐẠI NGỌC CƠ Và các ĐẤNG THIÊNG LIÊNG giáng cơ khai sáng nền đạo, truyền khắp năm châu, dìu dắt nhơn sanh trở về con đường chánh thiện. Đó là ý nghĩa sự thờ những bửu pháp vậy.
Bửu điện thờ Đức Chí Tôn
Qua khỏi CUNG ĐẠO, du khách sẽ nhìn thấy một bàn thờ có để quả Càn Khôn vẽ “CON MẮT” và tượng hình những con RỒNG sơn màu sắc cũng chói chang, rực rỡ. Hương trầm phảng phất ngạt ngào, làm cho tâm hồn du khách khoan khoái vui tươi...
Giờ đây, du khách sẽ quan tâm đến phương thức thờ phượng tôn kính nầy... Thật là một nền tôn giáo có thể thức thờ phượng kỳ diệu, huyền bí, ý nghĩa uyên thâm.
Từ CUNG ĐẠO bước thêm một bực nữa, có một cái đài xây bằng đá mài, hình BÁT GIÁC. Đặc biệt cái đài nầy xây lên 12 bậc.
Ý NGHĨA 12 BẬC ẤY:
- 12 bậc nầy tượng trưng cho THẬP NHỊ KHAI THIÊN. Con số 12 là con số riêng của Trời Đất.
Bookmarks