Ý NGHĨA HÌNH LONG MÃ
CHẠY TRÊN NÓC NGHINH PHONG ĐÀI
Ấy là tượgn trưng theo tích xưa, hiện nay LONG MÃ lãnh lịnh Đức CAO ĐÀI NGỌC ĐẾ mà truyền bá giáo lý Đại Đạo CAO ĐÀI trên khắp địa cầu.
Bởi cổ truyền từ buổi thiên địa sơ khai đến giờ LONG MÃ chỉ ra đời có một lần vào thời vua Phục Hy bên Trung Hoa, để dâng HÀM ẤN cho người trị dân trong ngươn Thánh Đức. Và hình Long Mã chạy, day mặt lại sau lưng ngụ ý rằng căn bản của Đạo là nguồn gốc của sự phát khởi.
Nếu phát khởi là Đạo và Đạo mãi còn nguyên thủy thì mới thành Đạo, Đạo phát khởi ư Đông, di chuyển ư Tây, phản hồi ư Đông.
Giảng đài Tòa Thánh để các Chức sắc
thuyết đạo sau khi tế lễ
Vì thế, nên tượng hình Long Mã chạy day mặt lại sau lưng tiêu biểu cho Chức sắc truyền đạo phải nhớ căn bản của Đạo. Như vậy, Đạo mới khỏi sai lạc chơn truyền và trường tồn mãi...
Hơn nữa, hình Long Mã còn có nghĩa tượng trưng cơ Âm Dương tương hiệp mới phát khởi càn khôn sanh thành vạn loại. Vì Long là Rồng thuộc Dương và Mã là Ngựa thuộc Âm... Âm Dương tương hiệp là cơ sanh hóa của muôn loài vạn vật... trong thế giới vạn hữu nầy...
Ở bậc giữa, ngay nóc NGHINH PHONG ĐÀI nầy, du khách thấy hai cột Rồng hai bên tả và hữu có xây hai cái Đài hình khuôn ốc. Đó là Giảng Đài, để Chức sắc cao cấp thuyết đạo sau khi tế lễ.
Kiến trúc Giảng Đài nầy uốn theo hình khuôn ốc có đúc hình Rồng há miệng, 6 chia đưa ra đỡ dưới Giảng Đài, ý nghĩa như sau:
- Hồi Nhị Kỳ Phổ Độ, Đức KHỔNG PHU TỬ giáng thế chấn hưng Đạo Nho ở Trung Hoa.
Khi Ngài truyền đạo đến nước của vua Phò Dư thì bị nhà vua bắt giam hai năm. Khi thả Đức KHỔNG PHU TỬ, vua Phò Dư cấm ngặt không cho đến lần thứ hai.
Sự ác độc và tàn bạo của vua Phù Dư đối với lương dân làm động lòng Trời. Vì vậy, Trời phạt nước vua Phò Dư phải chịu hạn hán và con cháu quần thần của nhà vua phải bệnh chướng trong ba năm để đền lại tội.
Lúc ấy, trong nước nhân dân vô cùng thống khổ, đói rách tang thương, bệnh hoạn lan tràn. Vua Phò Dư thấy vậy mới ra lịnh cùng quần thần và dân chúng ăn chay, nằm đất; đặt bàn hương án cầu Trời, khẩn Phật, đặng xin giải tai ách cho nhân dân.
Trời thấy thế, mới sai Đức Văn Xương Đế Quân giáng trần khuyên vua hồi tâm, hướng thiện, phục hồi chánh đạo để cứu vãn tình thế nhân dân thống khổ.
Đức Văn Xương Đế Quân mới hạ tần thấy tướng tính vua Phò Dư là Rồng Xanh. Ngài mới hóa thành một con Rồng, miệng phun sáu chia mà cỡi và đạp trên sáu chia ấy, bay đi khắp nước của vua Phò Dư.
Đức Văn Xương Đế Quân đạp 6 chia trong miệng RỒNG ngụ ý tượng trưng kiềm hãm và chế ngự Lục căn: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn, bởi:
+ Mắt vua Phò Dư không ngó điều đạo đức.
+ Miệng vua Phò Dư không nói lời nhân nghĩa.
+ Lưỡi vua Phò Dư khắc bạc, hiểm sâu.
+ Thân vua Phò Dư không hiến cho tôn giáo hay hy sinh vì đạo nghĩa.
+ Ý vua Phò Dư không nhớ đến đạo đức.
+ Tai vua Phò Dư không nghe những điều đạo đức, thiện lương mà làm việc nghĩa.
Đây là những điều vua Phò Dư làm trái với Đạo Thánh dạy nên Đức Văn Xương Đế Quân giáng trần để cảnh tỉnh vua Phò Dư; đồng thời khắc phục lục căn dấy loạn khiến nhà vua hôn mê điều trần tục, làm thống khổ nhơn sanh.
Đến trào gặp vua Phò Dư, Đức Văn Xương Đế Quân nói rằng: “Bệ hạ không cần ăn chay, nằm đất mà khẩn cầu chi hết. Muốn nước nhà hết nạn bịnh tật, đói nghèo vất vưỡng, bệ hạ phải rước Đức Khổng Phu Tử về nước mà lập đạo qui y theo, thì tai qua nạn khỏi”.
Nói xong, Đức Văn Xương và Rồng biến mất. Bấy giờ, vua Phò Dư mới ăn năn hối ngộ, sai người tìm Đức Khổng Phu Tử về nước mà lập bàn hương án thọ giáo. Rồi chính nhà vua truyền bá đạo lý trong nước và khuyên dân chúng phải hết lòng tu hành theo lời Thánh dạy. Nhờ vậy, mà trong nước tai ương và bịnh tật hết dần, nhiểu nhương không còn. Cảnh đời thanh bình an vui trở lại.
Thuở xưa, Đức Văn Xương Đế Quân đạp trên 6 chia Rồng mà khuyên vua Phò Dư trở lại đường Thánh đức.
Cửa lên hai bên vách Tòa Thánh
có hai con “Kim Mao Hẩu”
Ngày nay, cả nhơn sanh đua chen trên con đường tranh danh, đoạt lợi, khuynh hướng theo văn minh vật chất thực tại; khát vọng những mùi tục lụy phù du, làm xã hội loài người quay cuồng đảo lộn.
Vì vậy, Đức Chí Tôn không nỡ để nhơn tình lầm lạc để rồi tận diệt một cách vô lý, mới sai Hộ Pháp cùng chư Chức sắc Thiên phong xuống đạp 6 chia ấy mà diệt lục dục đặng kêu gọi nhơn sanh hồi tâm, hướng thiện mà đưa nhau về đường đạo đức để chúng sanh thoát vòng trầm luân, thống khổ, tội lỗi ngục hình.
Đó là ý nghĩa đúc Rồng há miệng phun 6 chia đỡ dưới Giảng Đài vậy.
Ngang Giảng Đài nầy, du khách thấy hai bên hông vách Tòa Thánh, mỗi bên đều có 6 cửa ra, vào.
Các bậc lên của mỗi cửa nầy hình thức kiến trúc như bậc thang lầu, song hai bên có hai con thú giống như con sư tử. Đó là tượng hình hai con Kim Mao Hẩu.
Đi qua khỏi Giảng Đài hai cửa hông Tòa Thánh, du khách sẽ hoa mắt lên khi nhìn các Ngai trước Bửu điện thờ CHÍ TÔN.
Bảy chiếc Ngai
Hình thức những chiếc Ngai nầy sơn mạ vàng, chạm trổ hình Long, Lân, Phụng nhấp nhóa muôn vàn thể thức chói chang lấp lánh...
Trước những chiếc Ngai nầy, có bức bình phong chạm hình Rồng mạ vàng điểm vài chấm thật linh động... Hai bên bức bình phong và bảy chiếc Ngai ấy có hai hàng lọng tàn để thờ cùng hai hàng lỗ bộ bửu pháp hình tượng như những cổ khí: đao, kiếm, chĩa v.v... ngày xưa vậy.
Bảy chiếc Ngai nầy theo thứ tự như sau:
1) Ngai Giáo Tông (Chiếc Ngai dùng để Giáo Tông ngự khi tế lễ Chí Tôn).
2) Ngai Thái Chưởng Pháp.
3) Ngai Thượng Chưởng Pháp.
4) Ngai Ngọc Chưởng Pháp.
(Ba chiếc Ngai dùng để 3 vị Chưởng Pháp thuộc ba phái Thái, Thượng và Ngọc ngự mỗi khi chầu lễ Chí Tôn).
5) Ngai Thái Đầu Sư.
6) Ngai Thượng Đầu Sư.
7) Ngai Ngọc Đầu Sư.
(Ba chiếc Ngai dùng để 3 vị Đầu Sư ba phái ngự mỗi khi chầu lễ Chí Tôn).
Hình thức kiến trúc bảy chiếc Ngai nầy:
- Thánh giáo Đức CAO ĐÀI NGỌC ĐẾ giáng cơ ngày 2 thàng 8 năm Bính Dần dạy rằng:
“KIỆT! (Tên của một vị chức sắc hồi mới khai đạo) con phải giúp thợ trong việc lập Thánh Thất. Thầy giao cho con phải săn sóc, mướn thợ làm bảy cái Ngai: 1 cái trọng hơn cho Giáo Tông, 3 cái cho 3 vị Chưởng Pháp, 3 cái cho 3 vị Đầu Sư, nhứt là cái Ngai của Giáo Tông phải làm cho kỷ lưỡng, chạm trổ tứ linh, nhưng chỗ hai tay dựa phải chạm hai con Rồng, của Chưởng Pháp chạm hai con Phụng, của Đầu Sư chạm hai con Lân.
Như vậy, thể thức kiến trúc 7 cái Ngai nầy theo Thánh ý của Chí Tôn. Sự linh hoạt thể hiện một cách tuyệt vời, nhìn đến du khách sẽ cảm tưởng chừng như đứng trước trào vua thời cổ kính, xa xưa...
http://www-personal.usyd.edu.au/~cda...cthuatTTTN.htm
Bookmarks