7 - SÁM TRUYỀN MINH TẢ

Tòa Thánh Tây Ninh đạo Cao Đài đã thể hình Bạch Ngọc Kinh tại thế để thờ Đức Thượng Đế tức là Chúa Trời mà Sám truyền Ky Tô Giáo đã minh tả bên trong có 24 vị Trưởng Lão (đó là Thập Nhị Thời Quân và Thập Nhị Bảo Quân),vòng thành có 12 cửa. Nhưng ngôi đền thể hình con linh vật dưới nách có nhiều tròng đó là số Thiên Nhãn giáp vòng ngôi đền với hình Long Mã, mà Cao Đài đã tượng thể tòa Bạch Ngọc Kinh với chơn pháp khi vô chầu lễ từ phẩm Nhơn Thần đổ xuống vào hai bên lỗ tai nam tả nữ hữu với bổn phận để nghe và nhắc nhở cho nhau chưa đủ quyền lập đàn thuyết đạo. Còn từ phẩm Thiên Thần đổ lên vào ngay cửa giữa tức là miệng dầu nam hay nữ với điều kiện có sứ mạng thuyết đàn giáo hóa, mỗi vị Thiên Thần là một cái loa của Hội Thánh để truyền đạt lời của Chúa Trời. Theo triết lý Phật, phẩm đi vào lỗ tai chia ra có 3 hạng Tín đồ hàng Thinh văn, chức việc phụ hàng Duyên Giác, Bàn Trị Sự hàng La Hán, còn vào cửa miệng thể hiện sự giáo hóa Lễ sanh hàng Bồ Tát sơ Tâm, Giáo hữu hàng Bồ Tát Thâm hạnh, còn Giáo sư đến Đầu sư là hàng đại Bồ Tát với sứ mạng đội mão Bát Quái, nhưng khi Hoán Đàn số ít Chánh Trị Sự với Giáo Nhi được lịnh đi nối tiếp phẩm Thiên Thần ở pháp dục tấn.

Ngôi Tòa Thánh vòng quanh nách đền có 23 Khuôn Thiên- Nhãn đắp 2 mặt nằm trong khung hình tam giác tức là 46, trước Hiệp Thiên Đài một, trên Cung Đạo một, nơi quả Càn Khôn một, với Thánh Tượng Thờ bên trong Thông Thiên Đài một, tức 50 Thiên Nhãn tượng lý số ngũ của Khung Hồng Phạm Ngũ Hành bao quanh cửu trù mà ngôi đền đạo Trời đã thể hiện Tòa Thánh hình Long Mã.

Ngôi đền có tứ tướng tượng ngũ hình là Long Mã, ngũ hình sinh tứ tướng là Long, Lân, Qui, Phụng đã thể hiện, chúng ta nhìn hai lầu chuông trống là cặp gạt rồng, chỗ Đức Di Lạc ngự là ngù lân, đá cẩn nền giáp vòng thể hình là Qui, tầng ô ngói mái đền phơi bày như chim sè cánh là Phụng. Cái dụng của ngôi Đền là hình Long Mã nằm, cửa Tịnh Tâm Đài là cái miệng, 2 cột rồng 4 cột hoa sen đứng chõi bao lơn là hàm răng, cái lưỡi dựng lên bên trong là phong chữ Khí, bên ngoài Tam Thánh ký hòa ước, ba Cổ Pháp trước bảng Đại Đạo là sóng mũi, Thiên Nhãn Kế trên là tam tinh, 2 chữ Nhân Nghĩa là đôi mắt, 2 cái vòm ở lầu chuông trống cửa để vào đền là lỗ tai, với 4 cửa có Kim Mao Hẫu là chơn, hình Long Mã nhỏ ở nóc địa cầu là phụ Hà Đồ, chỗ đại bửu tòa của Tam Thế Phật trên Bát Quái là cái đuôi.

Trở lại mặt tiền ngôi đền nơi bao lơn Tòa Thánh tiêu biểu những tấm gương bất hủ có đủ hạng người từ vua chí thứ dân, bên hữu cánh đền nhìn qua Hạ Võ là nhân, Ngu Thuấn là hiếu, Toại Hữu là công, Phạm Lãi là trung, Lữ Vọng là thời, Bá Nha là nghĩa, Hứa Do là trí, Mãi Thần là chí. Những sự tích có đủ hạng người Sĩ Nông Công Thương, Canh Tiều Ngư Mục đây là Tứ Thú. Phần đầu là Tứ Dân, đạo trời biểu tượng tinh thần hòa hợp cuộc sống của nhơn loại, đặc biệt có hai tích nếu tả nhìn qua hữu Mãi Thần nhứt sĩ, bằng bên hữu xem qua tả Hạ Võ nhứt nông, còn Toại Hữu là công, Phạm Lãi là thương, với Tứ Thú về lao công không phải ở tài nghệ tiêu khiển Cầm Kỳ Thi Họa, Canh là Ngu Thuấn, Tiều là Tử Kỳ, Ngư là Lữ Vọng, Mục là Sào Phủ.

Sự lành dữ ở con người do lỗ miệng nên cửa đền bên tả thể hình ông Thiện, bên hữu thể hình ông Ác, ông Thiện thể hiện dưới chơn một tòa sen, còn ông Ác xuất phát dưới chơn một khối lửa, giữa ác và thiện đạo trời thể hiện cái lý âm dương, nếu kẻ ác biết giác ngộ sẽ thành, bằng có sở hành lấn áp người thiện, thì người thiện với điều kiện tự vệ tay tả cầm đao bửu pháp để sát sanh tâm đặng bảo tồn bổn thiện.

Kìa sự thể hiện 2 món báu của ông Ác, tay hữu cầm Thiết Song Phủ vốn cái rìu của thời Cổ với người tu phải nhờ ông ác dùng những nhát rìu chạm trổ mới ra thiệt tướng, tay tả cầm Lưu Tinh Chì, hai loại binh khí võ quan, ông Ác giác ngộ cũng thành thì con người biết hối lỗi lo tu hành đến phút chung qui được nhập cửa lầu Bát Quái. Phần trên Tam Bửu kết tụ, thì ba cái hành tàng của kiếp sanh rơi xuống trụ dưới chân thành khối lửa nó là Hỏa Tinh Tam muội, lửa phàm của bản thân ba cái Tham, Sân, Si, còn Tam muội Chơn Hỏa là lửa phật của Tinh Khí Thần.

Giữa ác và thiện ta khó biện biệt được bởi sắc phục y nhau, nhưng chúng ta hãy nhìn vào ông Ác khác ông Thiện ở chỗ tâm đức. Bởi ông Ác xuất phát làn từ khí hai mối ở trong khối lửa uốn quanh khỏi thân hình với màu đỏ của lửa, còn ông Thiện làn Từ Khí phát hiện cũng vậy với màu tam thanh hai chân đạp trên hai đầu mối của làn Từ Khí. Bên trên ông Ác và ông Thiện, Cao Đài đã thể hiện hai chữ Nhân Nghĩa theo triết lý đạo Trời. Nhân bất tương tranh, nghĩa bất vụ lợi. Nhân gốc lợi sanh ở trời, nghĩa gốc phúc lợi ở đất, thì tất cả người tín đồ phải đem tài lợi sanh hầu làm việc phúc lợi để giúp ích chúng sanh, bởi Nhân tức thị Tâm, Tâm tức thị Thiên thì chúng ta có đủ quyền thực thi những điều ở mặt phúc lợi, và vận dụng cái tài chỗ lợi sanh mới là Nhân Nghĩa, chớ không phải giúp người để cầu danh và tạo uy tín để thừa dịp đấu tranh cho môi trường chánh trị. Đó chưa hẳn là tình thương ở Đức Chí Tôn.

Còn mặt tiền hai lầu chuông trống biểu tượng bó hoa ba màu. Tích U Vương chiêm bao ngó thấy từ trên trời bay xuống, bèn hỏi triều thần cho là điềm lành, sẽ có đạo Tam Thanh giáng thế. Nên trước mắt ta tượng hình hai chữ T, có nghĩa là Tam Thanh, mỗi bó hoa đều nằm trong lòng chữ T. Coi như một linh thể Tam Thanh rơi vào khổ hải đặng kết thành bè từ làm phương độ rỗi chúng sanh. Tam Kỳ là cơ qui nhứt nên Thánh Thể của Đức Chí Tôn cũng tiêu biểu màu Tam Thanh như bó hoa ở lầu chuông trống. Hoa thể hiện cho Tinh, dưới hoa là lớp sóng bể trần, giữa tia chớp ánh ngần của điển lực tức là Khí, trên đầu chữ T với một cổ quả 3 màu đó là nguyên lý của Thần về hột thánh cốc, nhờ nước Khổ hải mà hột Thánh Cốc mới nảy mầm đơm hoa, chừng hương từ ái lan ra mùi trần sẽ lắng dịu. Bởi vùng Đông Á từ vua chí dân nhân tâm bất nhứt, thế đạo suy di. Nên Thích Ca giáng sanh Khai Phật giáo gọi Thái Thanh, Lão Tử giáng sanh khai Tiên giáo, gọi Thượng Thanh, Khổng Tử giáng sanh khai Thánh giáo gọi Ngọc Thanh, cả ba để biểu tượng cho Tinh Khí Thần.

Còn Nhứt Kỳ, Nhiên Đăng là Thần, Hồng Quân là Khí, Văn Xương là Tinh, theo kinh Đức Nhiên Đăng là đấng chủ tể Càn Khôn cũng một vị Tôn Sư trong thời hỗn độn, chính là Đức Hồng Quân vốn Thầy của Thái Thượng, Nguơn Thỉ và Thông Thiên Giáo Chủ. Hai danh từ đó có nghĩa là Đức Chí Tôn, Đức Nhiên Đăng hà hơi hóa mống một cột chống trời nói đến mống có đủ ba màu Tam Thanh vàng xanh đỏ, còn cột là hệ thống dọc của ngôi nhứt dương trên đó có ngọn huệ đăng chiếu 36 cõi Trời tức là Khối lửa Thái Cực. Nên Tôn Giáo Cao Đài thờ đèn Thái Cực tức thị thờ Nhiên Đăng đó vậy.

Đức Chí Tôn đã nói Nhiên Đăng Cỗ Phật thị ngã, Thích Ca Mâu Ni thị ngã, Thái Thượng Nguơn Thỉ thị ngã kiêm viết Cao Đài. Trong mỗi thời kỳ lập đạo, Tam giáo biểu tượng Tinh Khí Thần đặng thay Thân cho Đức Chí Tôn làm phương độ rỗi, Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ từ Phật đến Tiên kế Thánh là một ngôi trường chia thành ba lớp mới phù hợp trình độ tấn hóa cho cả nhơn sanh dễ bề tu học từ thượng đẳng chí hạ đẳng.

Riêng cõi Á Đông Trời cũng ban cho chúng ta có ba ngôi vua thời cỗ thể hiện chủ quyền của lý sơ nguyên về mặt Thế Đạo. Phục Hi biểu tượng cho lửa tức là Thiên Hoàng, Thần Nông biểu tương cho đất tức là Địa Hoàng, Huỳnh Đế biểu tượng cho người tức là Nhơn Hoàng, Tam Hoàng thể hiện cho đầu mối phẩm tối linh về Tinh, Khí, Thần của con người với lý Tam Tài của cơ khởi thỉ để khai nguơn định hội và tạo thế, Phục Hi là mầm móng phát huy Cơ khởi thỉ đồ vật nhờ đạt pháp Ngũ Hành, Thần Nông tìm ra lẽ sống nếm thuốc và dạy dân trồng Ngũ Cốc, Huỳnh Đế bày ra áo mão mở mang nền nhân bản cho giềng mối Ngũ Luân, nên Lôi Âm Cổ Đài, Bạch Ngọc Chung Đài đã thể hiện bó hoa ba màu vàng xanh đỏ, một triệu ứng để chứng tỏ Thanh Đạo khai lần thứ 3 mà Đức Chí Tôn đã xác định ở Câu Thi (Thanh Đạo tam khai thất ức niên). Bởi Đức Chí Tôn chủ về Thanh Đạo buổi Tam Kỳ là cơ qui nhứt gồm đủ Tam Thanh tức thị Thái Thanh, Thượng Thanh, Ngọc Thanh. Lấy Tinh Khí Thần làm hình thể Hội Thánh đặng đem cái nộ Khí Tam Thanh của Xiển giáo để trừ cái độc Khí Tam Bành của Triệt giáo, nên những cái gì của Đức Chí Tôn khi dựng lại nguơn bảo tồn sẽ đem về hiệp một với nền Đại Đạo chớ không phải Cao Đài đa Thần giáo.

Còn Đức Phật Mẫu chủ về Huỳnh Đạo, nên các nền Tôn Giáo cõi Á Đông thường gọi Phật Mẫu nhiều danh từ khác nhau, Hoàng Cực Lão Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Tây Vương Mẫu, còn nhân gian thờ kính cái danh là Mẹ Sanh hay Đấng Cửu Thiên Huyền Nữ cũng là Phật Mẫu. Còn Bà Nữ Oa luyện thạch bổ Thiên. Trời là (Càn tam liên) chừng tách ra với khoảng không đó là vòng (khôn lục đoạn) dương đã sanh âm chỗ cơ biến dịch của đạo pháp. Nên ám chỉ sự luyện đá thành khí ngũ sắc vá trời cho liền, liền một vạch sanh một cung. Đoạn một vạch thành một quẽ đó là cơ biến dịch Càn Khôn, với chân lý đó nói lên cái quyền Thiên Hậu của Đức Phật Mẫu tức là Trời tuy danh từ khác nhau chớ chúng ta nhìn vào tựu trung cùng một nguyên lý mà thôi, nên bài Tạo Hóa Thiên, Kinh Phật Mẫu với ý nghĩa khi dứt niệm danh hai lần, vế trên nói lên sự chiêm ngưỡng Đức Diêu Trì Kim Mẫu Tạo Hóa Huyền Thiên, vế dưới xưng tụng cái quyền Thiên Hậu Chí Tôn Đại Bi Đại Ái của Phật Mẫu cũng là Trời, hiện trên quả địa cầu này vật là cái thể của chúng sinh, còn dụng là cái linh của tạo hóa.

Chỉ có con người là vật tối linh của Đức Chí Tôn mới đủ tam hồn mà thôi, sanh hồn đến trong bào thai lúc tượng nhơn hình, còn giác hồn đến một phần ở bên trong, một phần ở bên ngoài phù trì mẹ, chừng thai sinh lọt lòng sẽ nhập vào trọn vẹn, thảng thai sinh lọt lòng rồi mà không tiếng khóc xổ lòng, ta nắm hai chơn xách lên vỗ đít ba cái, hài nhi mới ré lên lúc đó giác hồn mới vào, còn linh hồn đúng 12 tuổi mới đến cũng tùy việc làm của hai hồn kia hoặc ở hoặc đi, nếu con người đủ căn duyên lúc chung qui tam hồn tuần tự xuất phát đi một lượt, bằng nặng nghiệp quả phải trả ở sự hành xác cái linh cái giác đã đi rồi, chỉ còn sanh hồn ở lại với xác thể là phần Tăng nên sự ăn nói mất chuẩn thằng có vẻ kỳ dị. Kể như tâm trí chẳng còn. Nên Thánh Giăng còn trong bụng mẹ mà biết mừng Chúa Cứu Thế bằng sự nhảy nhót mạnh. Lúc hai Bà đang mang thai đến thăm nhau có sự chào đón của thai nhi là nhờ giác hồn, như vậy nên những vong vô danh và bào thai bị súc sảo mới đôi tháng mà biết đến sự ân oán đối với gia đình. Đức Chí Tôn có nói một giọt máu là một điểm chơn linh, nên phần tinh của bản thân là một khối sanh vật. Giữa cha và mẹ hòa chung giọt máu mới tạo ra bào thai dầu chưa tượng nhơn hình, chỉ còn bằng khí chất tất nhiên phải có tiểu hồn vật loại trong đó.

Hồn là phần vô vi để phát huy về Xiển giáo, còn bản thân là vật hữu thể kể như của Triệt giáo, nó vốn xác thú của ta sinh ra để rồi tử, tử để rồi sinh. Đó là lẽ dinh hư tiêu trưởng của trời đất (sinh sinh bất tức) nên trước mặt chúng ta có ba hiện tượng để cấu tạo cơ thể cho muôn loài, về siêu thể là khí biến ra vi thể là chất, vi thể biến ra vật thể là hình, từ Sinh đến Tử do dịch lý âm dương chuyển hóa, nếu chúng ta định thần khám phá đến chỗ u linh sẽ nhìn thấu cái nguyên lý của vạn vật.

Chớ kỳ thật ta chưa hiểu kiếp ta đâu, cũng như sâu chưa biết mình là con của bướm, cũng như bướm chưa hiểu mình là kiếp của sâu. Do sự chuyển hóa từ đầu suốt cuối, chẳng khác chi loại chuồn chuồn đẻ rơi mặt nước. Chừng nở được là giống ăn mài, mức chung kết của nó trèo lên ngọn cỏ lột lớp vỏ để có cánh mà bay chưa hay kiếp của nó là con ăn mài với định luật tất cả loài vật phải chuyển hóa, để tấn hóa căn bản của nó là Tinh, Khí, Thần. Thảng như trời đất không thần thì mất cơ an định, còn người vật không thần sẽ bị hoại, bằng tôn giáo đảng phái không thần khó tồn tại với thời gian ví như một đóa hoa phải có ba thời kỳ. Nở phô sắc đó là Tinh, nép cánh gìn hương đó là Khí, đưa nhụy kết trái đó là Thần, cùng một nguyên nhân phát xuất do định luật của trời đất.

Nên đôi lầu chuông trống thể hiện ba món báu với triết lý tôn giáo Cao Đài, dưới thì giỏ Hoa Lam của Phật Quan Âm cấp cho đệ tử buổi Tam Kỳ là Bà Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh, còn bầu linh gậy sắt của Lý Thiết Quả buổi Tam Kỳ lại là anh cả Đức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt. Giỏ Hoa Lam tiêu biểu phần Tinh về linh thể Vũ Trụ của cơ chuyển hóa, bầu linh thuộc hỏa, gậy sắt thuộc thủy đó là tam bửu, hoa là Tinh, thủy là Khí, hỏa là Thần. Đạo Trời thể hiện Tinh Khí Thần cho ngôi tiếng nổ và ngôi tiếng vang.

Còn đôi cửa bên hông khoảng giữa Cửu Trùng Đài bên Tả ngôi đền tượng thể hai con Kim Mao Hẫu cái ở bên nam phái, còn cửa phía bên nữ thì hai con Kim Mao Hẫu đực với lý đạo trong âm có dương, nhưng bốn cửa có tám con Kim Mao Hẫu đều ở lý âm dương, riêng biệt của mỗi cửa, hễ trụ búp sen phía tả thì Mao Hẫu gác chơn hữu ở trên đó, còn ở bên hữu thì gác chân tả cả tám con đều như vậy, chỉ có một trụ búp sen bên hông Bát Quái mé phái nữ trụ bên tả thấp hơn trụ bên hữu tám phân cũng là nguyên nhân của đạo pháp, còn 2 cửa bên hông Bát Quái đều bốn con đực hết, cửa chẳng có ngõ vào bên trong coi như cửa của Thiên Thần xuống thế, có 9 cấp, mỗi cấp 2 tấc rưỡi cũng là 7. Bảy lần 9 là 63 cũng 9 ở pháp định vị.

Lúc Đức Hộ Pháp còn tại tiền đã dạy thể hiện bí pháp này trong mỗi kỳ đàn, Đức Ngài cho một phần Lễ sanh nam nữ được lên bên trong tầng hành lang lầu đặng chầu lễ, khi mãn đàn không được trở lại Hiệp Thiên Đài như hiện nay là do vị Quyền Ngọc Chánh Phối Sư ra lệnh bế môn chặn cơ truyền giáo nên Thiên Thần phải trở về Trời đó là việc xãy ra từ thời Ngô Triều đàn áp Đạo.

Chớ trước kia Đức Hộ Pháp chủ quyền Đạo nên Hội Thánh nhứt luật khi hành lễ xong bãi đàn phẩm Lễ Sanh, tuần tự lại đường thang khu ốc phía sau Bát Quái để xuống, nam bên tả nữ bên hữu, chừng ra đến sân xem như Thiên Thần xuống trần gian. Công giáo nhờ Thiên Thần gần 2.000 năm Đạo Thánh vững bền, nay Trời mở Tam Kỳ Lễ sanh với phẩm là Thiên Thần mà Đức Chí Tôn đã định vị ở lý âm dương có nam lẫn nữ để dìu dẫn chúng sanh lo lập công, phải đi trong con đường Cửu Phẩm Thần Tiên mới về được cùng Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu dầu Thập Nhị Đẳng cấp thiêng liêng lúc chung qui cũng phải vượt Cửu Thiên Khai Hóa.

Còn Kim Mao Hẫu ở cõi thiên giữ cửa Bạch Ngọc Kinh đó là con linh vật chực rước những người hoàn tất ba món nợ sẽ chở vào triều kiến Đức Chí Tôn, nếu chúng ta trả chưa xong thì nó chẳng cho vào, nợ thứ nhứt ta là phẩm tối linh biết đem thân để phụng sự cho vạn linh sẽ trả được món nợ về điểm linh của Đức Thượng Đế, nợ thứ hai trong kiếp sanh ta dùng những vật hữu sanh của Đấng Háo Sanh. Nếu khéo tu hành luyện nó chuyển thành đệ nhị Pháp Thân mới trả được món nợ Chơn Thần cho Đức Phật Mẫu. Nợ thứ ba chúng ta có bản thân, phải có nhân duyên, đó là Thập nhị công nghệ mối liên hệ giữa cuộc sống tức là cái ơn của xã hội. Nếu trong ba mà không trọn coi như đắc tội cùng Vạn Linh với Chí Linh.

Buổi Tam Kỳ gọi đó là Thập nhị nhơn duyên mà kiếp người đã thọ ân với 12 nghề. Sĩ Nông Công Thương, Ngư Tiều Canh Mục, Nho Y Lý Bốc. còn triết lý bên phật dạy từ vô minh đến bệnh tử gọi Thập Nhị nhân duyên vốn cái nghiệp của bản thân.

Với giáo lý Cao Đài ai có bản thân phải có nhân duyên cùng Thập nhị công nghệ, đó là cái ơn của xã hội đã cung ứng vào cuộc sống cá nhân ta tức là "Vạn thù qui nhứt bổn" thì người tu phải nặng ơn xã hội trên đường hành giả trọn tâm đức cầu rỗi cho cả chúng sanh thoát ly khổ hải coi như "Nhứt bổn tán vạn thù".

Còn trên nóc Bát Quái Đài có tượng hình Tam Thế Phật tiêu biểu tam hồn của Đức Chí Tôn nên Phật có ba màu vàng, xanh, đỏ, với sự thể hiện chúng ta thấy rõ ở bên trên đền thờ Đức Chí Tôn. Linh hồn màu vàng, giác hồn màu xanh, sanh hồn màu đỏ, đã chứng tỏ ở con người cũng thế Thượng Đế cũng là chúng ta. Nhưng chúng ta cũng là Thượng Đế, với con người ở thế sanh hồn của bản thân, giác hồn của trí thức, linh hồn của tâm thần, Tam Hồn của Chí Tôn thường tại trong chúng sanh nên gọi cái danh là Tam Thế Chí Tôn. Ba vị phật CHRISTNA màu xanh chánh bắc, Phật CIVA màu đỏ chánh nam, Phật BRAHMA màu vàng chánh tây, xoay theo chiều chưởng giải, màu vàng của Thần Sáng tạo tức thần hòa bình, màu xanh của Thần hủy diệt tức thần hóa sinh, màu đỏ của thần phá hoại, ngược lại Thần bảo tồn, Nhứt Thế Chí Tôn là Phật, Nhị Thế Chí Tôn là Pháp, Tam Thế Chí Tôn là Tăng, theo chiều chưởng giải ngôi Tăng có Pháp, còn cơ thu liễm ngôi Pháp có Tăng, nên vạn vật tùng phép thu liễm ví như cây cỏ bỏ dòi quấn ngọn cũng theo chiều thuận với định luật. Phật BRAHMA cỡi con thiên nga day chánh tây đó là vị Thần Sáng Tạo mở đường đưa sanh chúng về cung Đoài tức Cung Đạo chỗ trụ nguơn thần, tay hữu bắt ấn khai nguơn, một ngón chỉ thiên biểu tượng lý Thái Cực, hai ngón cụng đầu với hình Châu Kỳ thể hiện Vô Cực tương hòa có nghĩa là "Thái Cực nhi Vô Cực", tay tả nắm bửu châu đưa trước ngực tức thị ấn pháp trấn linh thể Càn Khôn, cũng là trấn điểm linh ở bản tâm của nhơn loại đó là vị hiện thân của Đức Chí Tôn.

Phật CHRISTNA mình trần day chánh bắc, chơn đạp trên đầu rắn dữ tức thần hủy diệt dục tình không phải giết mệnh, ngược lại thần hóa sinh Tiên Phật, nên những tư tưởng quấy ở con người dấy lên sẽ bị ngự trị phần ai nộ ố dục của nhơn sanh để giữ còn cái nguơn linh ở Thượng Đế, phật CHRISTNA cũng đứng trên Thất Đầu Xà như Hộ Pháp để trừ 4 cái nộc độc trong bản thân nhơn loại. Nhìn vào thực tại đấng đó cũng là hiện thân của Hộ Pháp, nhưng thổi ống tiêu để thức tỉnh quần linh, day miệng ống đưa sinh khí vào cung Chấn chánh đông tức là cung pháp nơi tụ nguơn thần.

Ống tiêu có bảy lỗ tượng cho tổ khiếu thất tình, nếu con người khéo tu nó sinh thất bửu cũng thể hiện cho thất khiếu sanh quang, nhưng đắc pháp rồi thần khí phục hồi mở được cửu khiếu nhờ kết tụ tam diệu sẽ chiếu ngần ánh xá lợi. Nên Thích Lão định danh là Mâu Ni Bửu Châu hoặc Thử Mễ Huyền Châu hay Cửu Khúc Minh Châu. Phật CIVA da đỏ mình trần đứng day chánh nam, tay tả chống nạnh thể hình tam giác ở lý tam tài Thiên, Địa, Nhân, tay hữu chống gươm với phép định địa, chơn phải đạp trên đầu Giao Long để trừ cái dữ phô bày nơi mặt thế làm khổ chúng sanh, dầu mọi vật thể đúng chu kỳ với định luật bị đào thải trở lại vật chất. Lẽ tất nhiên phần đó phải có sanh hồn, như thế Thần Phá Hoại tức Thần Bảo Tồn là vậy. Thần CiVa có bộ nhủ hoa là hiện thân của Phật Mẫu, nhưng phật Mẫu chính Đức Nguơn Thỉ với hạnh huỳnh kỳ.

Buổi Hạ Nguơn Trời mở Tam Kỳ, Phật Mẫu lãnh lịnh nơi Đức Chí Tôn lập Hội Bàn Đào tại thế với bí pháp đầy ân huệ kêu cả con cái của Mẹ hướng về lẽ hằng sống để đoạt cơ giải thoát, là Hội Yến Diêu Trì Cung chỗ thể hiện Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt. Nên cúng phẩm Hội Yến chỉ có ba: Hoa là thể Tinh, rượu là thể Khí, Trà là thể Thần.

Phật Christna là tiền thân của Jésus Christ và Hộ Pháp, căn cứ lời thi của Đức Lý "Nhị kiếp Tây âu cầm máy tạo", đó là Chúa Jésus, còn kiếp thứ ba ở câu "Hữu duyên Đông Á nắm thiên thơ", đó là Đức Hộ Pháp, Giáùo chủ đạo Cao Đài buổi Tam Kỳ, hai chân đứng trọn trên Thất Đầu Xà và ngự ngay chữ Khí, nên phép lạ của Chúa Cứu Thế lần đầu tiên làm cho nước thành rượu ở chơn pháp đó cũng là Khí, thì cái nguyên lý đồng nhất ở Chúa Cứu Thế vàøø Đức Hộ Pháp chỉ có một mà thôi.

Trong buổi Tam Kỳ hiện thân Đức Ngài là Phật ngự ngay chữ Khí hẳn nhiên chủ về pháp. Đưa mắt nhìn thẳng chánh đông chỗ ánh thái dương giọi xuống cũng là nơi Thái Thượng Đức Ông có sứ mạng độ đời trong mỗi thời kỳ lập giáo, nên đạo Tiên với nguyên lý ở bước khởi thỉ Đạo Cao Đài. Vầng tử khí ấy pháp diệu Lão Tử đông lai, cơ quảng truyền ở ải Hàm Cốc với ông Doãn Hĩ, sự thành tựu ở Lưu sa Tây Độ cũng như ánh hồng quang của Chí Tôn hiện Thiên Nhãn nơi Đảo Dương Đông với ông Ngô Minh Chiêu, cơ quảng truyền tại phố Hàng dừa với Cao Thượng Phẩm, sự thành tựu ở Thánh Địa Tây Ninh.

Tại sao ông Ngô Minh Chiêu không nhìn nhận cơ quảng truyền của Đức Chí Tôn. Dầu rằng môn đệ đầu tiên được thấy Thiên Nhãn kể là người có đại công, nhưng ông không lãnh chức Giáo Tông của Đại Đạo để phổ thông nền Chánh giáo tận độ quần linh, với lý do đó nên Đức Lý mới kiêm phẩm Giáo Tông của Đại Đạo vào ngày 29-10 năm Bính Dần.

Vì tại Tòa Thánh Tây Ninh thiếu ngôi anh cả của nhơn sanh ở mặt hữu hình, thành thử Cửu Trùng Đài không chỗ trụ đức tin, nên sau Đức Chí Tôn cùng Đức Lý giáng cơ tại Cung Đạo dạy tấn phong Đầu Sư Thượng Trung Nhựt là quyền Giáo Tông đặng điều đình nền Chánh giáo lo cơ phổ hóa chúng sanh. Kỳ ba đạo xuất ư đông nên nóc Nghinh Phong Đài Tòa Thánh tượng hình Long Mã đứng trên quả địa cầu day chánh tây nhưng ngoái đầu qua đông ở lý "Châu nhi phục thỉ" của cơ tuần huờn đến buổi Hạ Nguơn biểu tượng cho nền chơn đạo xuất ư đông, do sự hồi quang của trời đất mà nguơn khí ký tế cùng nguơn thần. Mỗi lần phản chiếu thần lại xuất ư đông tức là Đạo. Nhưng Đạo khai do cung Pháp của trời đất là chánh đông rồi mới truyền sang tây, vì trái đất xây từ tây qua đông. Với Chân lý đạo vốn đi ngược, nhơn sanh biết tùng giáo sẽ được trở về nguồn, bằng thả xuôi sẽ lùi ra bể cả. Nên con người khi tỉnh ngộ muốn tầm đạo để đoạt đạo phải đi ngược, khác hơn thế tình, mà đạo Trời đã tượng thể với hình Thái Tử Sĩ Đạt Ta phế cả ngai vàng vượt hoàng cung đi tầm đạo, vừa cưỡi ngựa vừa che tay nhìn ngay chánh Tây hướng Đoài tức là Đạo. Với chân lý đó có nghĩa là muốn cầu đạo phải đi ngược mới trở về nguồn, cũng như Lão Tử từ phương đông đi về cửa ải Hàm Cốc là vậy. Khi chúng ta bước vào Đền Thánh ngẩn nhìn lên ngạïch cửa Tịnh Tâm Đài chánh giữa vầng mây có một bàn tay phải nắm Cán Cân tức thị của Đấng Tạo Hóa, tiêu biểu với chúng sanh mọi sự thực hành là công bình. Còn đòn cân nằm trên quả đất tất nhiên nó tròn tiêu biểu sự bác ái đối cùng vạn loại, kế trên có ngôi Bắc Đẩu thể hình ở trời là chủ tể. Thất Tinh phát xuất thất diệu sự phổ chiếu để quan sát chúng sanh mọi việc dữ lành cũng như các vị Thiên Thần Ky Tô Giáo vậy. Ngôi của trời có Thất Tinh, Ngôi ở người có thất tình nó biến sinh Thiện và Ác nên đạo trời tượng thể để trước mắt nhơn sanh một cây cân lớn của tạo hóa kể như "Nhứt toán họa phước lập phân". Chúng sanh hằng gọi Đức Thượng Đế là đấng Hồng Quân, hai chữ Hồng Quân có nghĩa là "cân lớn". Chớ đấng toàn năng đó chẳng có hình ảnh bao giờ, nếu có là do những sắc dân nhìn vào sự phân tánh của Trời giáng sinh đến với người vì thương đời, được nhơn sanh ái mộ dựng lên một thần tượng để tâm chiêm ngưỡng thành ra tư tưởng bất đồng về quan điểm ý thức hệ, vì đó mà buổi Hạ Nguơn trời mở đạo kỳ ba dạy thờ Thiên Nhãn là Thần Thiên lương của nhơn loại để qui nhứt tín ngưỡng ở Thượng Đế bác ái và công bình.

Đức Chí Tôn là Đấng nắm giềng Đại La đến lập đạo kỳ ba lại khiêm xưng cùng chúng ta Người cũng là Cha vừa là Thầy tìm phương dìu độ cả con cái với cơ đại ân xá, phần tượng lý hữu hình ngôi đền thờ Thần Thiên Lương của nhơn loại chánh yếu có 3 Đài, phần thể pháp có 3 Hội Thánh chịu ảnh hưởng ở mặt huyền linh từ tinh thần đến thể xác, lúc chung qui cũng như lúc sống ở nơi cửa đạo. Phần quả hoan cô độc được an ủi và nuôi nấng chu đáo tiêu biểu chủ quyền cứu rỗi của Đức Phật Mẫu ở nơi Hội Thánh Phước Thiện, người thế vào đạo rồi được sự dìu dẫn và chăm sóc dạy dỗ lo lập công chủ quyền độ rỗi của Đức Giáo Tông ở nơi Hội Thánh Cửu Trùng Đài. Nơi đạo gọi là Chơn Thần để giữ mực cầm cân kềm bước người tu đi đúng chơn truyền đặng thể hiện cái chủ quyển cầu rỗi của Đức Hộ Pháp với phép thông công ở nơi Hội Thánh Hiệp Thiên Đài.Người đạo khi qui vị linh hồn được giải quả và độ thăng với cơ siêu rỗi do Bát Quái Đài chủ quyền là Đức Chí Tôn. Trong hàng môn đệ người tu giữ đúng luật lệ sẽ đoạt cơ giải thoát.