2- ĐẠO DỤNG ÂM THINH
Đạo "Dụng Âm Thinh" thể hiện cái Linh lực của Trời Đất đối cùng vạn vật. Khi cúng đàn, khởi trống dứt rồi mới khởi chuông. Sự thực hành lễ cúng đàn tiêu biểu cho pháp giới tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ. Khởi đầu đánh ba tiếng trống (Lôi Âm Cổ), và ba tiếng chuông (Bạch Ngọc Chung), thể hiện nguyên lý Tam Thiên : Thượng Thiên là Phật, Trung Thiên là Pháp, Hạ Thiên là Tăng. Kế tiếp đánh và kệ bốn dùi Khai Chung Cổ. Bốn dùi trống, ngôi tiếng nổ, là tứ dương; bốn tiếng chuông, ngôi tiếng vang, là tứ âm. Xong điểm nhẹ mỗi mỗi đều sáu, thể hiện con số khai nguơn của hai ngôi Đạo và Pháp, rồi đánh lên ba hồi. Mỗi hồi mười hai chập, mỗi chập là mười hai dùi. Vậy, mỗi hồi là 144 dùi, ba chữ số cộng lại là chín. Ba hồi là con số cửu của cung "Càn", ngôi dương thể hiện cho Tam Thập Lục Thiên. Mỗi hồi 144 dùi, ba hồi là 144x3=432 dùi, cộng ba chữ số lại cũng là 9, đó là con số của pháp định vị Càn Khôn. Chung Cổ mỗi chập đánh 12 dùi, trong đó đánh 9 dùi, tiếng điểm 10 làm 1 thành nhồi 3 là 12; 12 là số khai thiên, trong đó 3 là số khởi thỉ, 9 là số định vị.
Với lý đạo tiếng nổ là ngôi dương ở bên âm, còn tiếng vang là ngôi âm ở bên dương, thì lẽ đương nhiên trong âm phải có dương, nên chuông cũng đánh 3 hồi 12 chập thể hiện ngôi tiếng nổ ở bên âm triệt cả Tam Thập Lục Thiên, ngôi tiếng vang ở bên dương làm cho thức tỉnh Tam Thập Lục Động. Dứt lợi 3 dùi, để giục tỉnh Tam Hồn của chúng sanh đặng vận hành pháp giới tâm linh trụ cả tinh thần nơi đàn nội để cung nghinh Thượng Đế.
Trong nhạc phải có lễ, trong lễ phải có nhạc. Nhạc là cơ điều hòa, lễ là pháp trật tự, cũng như trong luật phải có pháp, trong pháp phải có luật, tiếng nổ Thái Cực ở Chí Tôn là ngôi luật điều hòa trong Càn Khôn, còn tiếng vang của ngôi Vô Cực ở Phật Mẫu là pháp trật tự trong Vũ Trụ, khác nào tất cả nhạc khí thể hiện luật điều hòa, còn sanh phách là pháp trật tự.
Chung kim sanh thủy, chày mộc sanh hỏa, còn trống văm bằng cây, mặt bằng đồng có đủ cả lý âm dương, những vật dầu kim thạch thảo mộc, thú cầm đều do tay người chế nhạc tạo thành bát âm của vạn loại. Khi hiến lễ cũng hòa rập các món nhạc khí với chơn lý của Thượng Đế tận độ chúng sanh trong buổi Tam Kỳ mà đạo Trời thể hiện.
Mỗi khi Lễ cúng đàn, khởi trống rồi mới khởi chuông. Kế tiếp khởi nhạc. Sự biểu tượng chứng tỏ vạn vật xuất phát do ngôi tiếng nổ và ngôi tiếng vang của hai đấng tạo đoan, nên bát âm của vạn vật dấy lên để chiêm ngưỡng. Còn bên Công Giáo, khi hành Lễ chỉ giựt chuông mà thôi. Dầu Chúa Cứu Thế là con một của Chúa Trời, nhưng thuộc ngôi hai, bởi chuông thể hiện cho tiếng vang để thức tỉnh chúng sanh. Chúa cùng một nguơn linh phần giác hồn của Đức Chí Tôn, vì đó mà Chúa Cứu Thế với Đức Hộ Pháp biết được Đưc Chí Tôn, mới cho nhơn loại biết rằng Đức Đại Từ Phụ của chúng ta trên cõi hằng sống là Đấng Vi Chủ phần linh hồn. Đến như Đức Thích Ca cũng để lời phỏng ngôn mà thôi. Bởi Đức Thích Ca là Giáo Chủ cõi ta bà, còn Đức Di Đà Giáo Chủ Tây phương Cực Lạc, Đức Địa Tạng Giáo Chủ cõi u minh. Phật vì chúng sinh lập cơ tận độ các tội hồn còn ở Phong Đô, nhưng buổi Nhị Kỳ Thập Điện Minh Vương nắm luật Thiên điều như vị quan tòa để mà buộc tội. Nay là buổi Tam Kỳ với cơ đại ân xá của Đức Chí Tôn , thì 10 vị đó trở thành Thập Điện Từ Vương tức là Trạng Sư của tội hồn. Ngôi Đền Thánh, Tòa ngự của Đức Chí Tôn hiệp Ngũ Chi qui Tam giáo, có thờ Đức Thích Ca nhưng kinh xưng tụng Đức Nhiên Đăng, cũng như bên nhà Thiền tăng đồ thờ Thích Ca mà niệm Di Đà, xưng tụng Đức Nhiên Đăng là xưng tụng cái đức khai nguyên, vị Phật đầu tiên ven đường mở ngõ dọn nền. Còn thờ Đức Thích Ca là thờ cái công lập nên ngôi nhà Phật Giáo, đó là cái lý hữu thỉ hữu chung mới là trung đạo sẽ thành Đại Đạo; về Tiên Giáo Tâm Kinh xiển dương oai linh Thái Thượng, 2/3 niệm danh cũng Thái Thượng, nhưng cúng đàn ngày sinh của Lão Tử, cũng như thờ Đức Quan Âm Thị Kính, mà cúng đàn ngày của Đức Quan Âm Diệu Thiện; về Thánh Giáo Tâm Kinh xưng tụng Đức Văn Xương cũng vậy nhưng niệm danh Khổng Thánh là vị hưng Nho. Cúng đàn cũng ngày của Khổng Thánh. Đây là ba Tôn giáo buổi Nhị Kỳ vị Giáo Chủ cõi ta bà làm cái lý trung hoà, nên Đức Thích Ca thuyết kinh Di Đà, vị Phật buổi Nhứt Kỳ, đắc lịnh phổ truyền giáo pháp. Đến Tam Kỳ Đức Thích Ca còn thuyết Di Lạc Chơn Kinh đó là lễ bàn giao cơ tận độ chúng sinh cho Cao Đài ở thời kỳ Đức Di Lạc. Bởi Sơ hội Long Hoa Đức Nhiên Đăng Chưởng giáo Thanh Vương Đại Hội, Nhị hội Long Hoa Đức Di Đà Chưởng Giáo Hồng Vương Đại Hội, Tam hội Long Hoa Đức Di Lạc Chưởng Giáo Bạch Vương Đại Hội; Đức Di Lạc vị cỗ Phật thứ ba đứng ra cứu đời, vâng mệnh trời đến để lập lại thời Thượng Nguơn Thánh Đức.
Bookmarks