ĐỆ NHỨT CHỦ QUYỀN CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM.
Tại Ðền Thánh, thời Tý mồng 9 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 15-07-1948)
Ðêm nay Bần Ðạo giảng tiếp về đệ nhứt chủ quyền của xã hội chúng ta. Bần Ðạo đã giảng kỳ rồi về đệ nhị chủ quyền tức là chủ quyền hương đảng, và đã giải rõ ràng cái phương pháp kiến thiết từ thử là lấy gia đình làm căn bản. Tiểu gia đình là trong một nhà liên quan với cả Tông đường gọi là họ, là tánh, trung gia đình tức là tổ chức trong hương đảng của Ðệ Nhị chủ quyền, tới Ðệ Nhứt chủ quyền làm đầu một Ðại gia đình là một nước.
Ta đã tự hiểu Thánh ý của Ðức Chí Tôn sanh ra nòi giống chúng ta, và đã tạo cả tinh thần của nòi giống chúng ta, không biết chừng dìu dắt tinh thần ấy để lập chánh kiến quốc gia, là lấy gia đình làm căn bổn. Ta thấy rõ ràng Chí Tôn muốn cho cả nhơn loại chung hiệp cùng nhau làm một đại gia đình toàn cầu thế giái sau nầy vậy, nếu (nên?)(*1) Ngài định trước cho một quốc dân của Ngài đến lấy tinh thần đạo đức làm căn bổn cho cả tinh thần đạo đức toàn nhơn loại, lấy cả quyền năng lập quốc cho nước Việt Nam, đặng làm khuôn mẫu chuẩn đích tương lai lập chánh trị toàn cầu thiên hạ mà chớ. Nếu không tự tôn, ta cũng nhận thấy rằng điều tưởng tượng ấy không lầm, bởi dầu muốn hay không, quyền năng vô hình cũng xô đuổi dục tấn các dân tộc vạn quốc phải đi đến sự chung hiệp vào đại gia đình của toàn nhơn loại mà thôi.
Ấy vậy, Bần Ðạo thuyết Ðệ Nhứt chủ quyền do Tổ phụ chúng ta tổ chức và lưu lại trong văn hiến tức là nhà vua. Ðệ Nhứt quyền là giáo sư, là ông cha của cả nước. Không lạ gì, chúng ta cũng thấy như ông cha trong tiểu gia đình kia vậy. Ðức Khổng Phu Tử nói: "Ðạo trị dân không khác đạo trị gia đình" ấy đạo của Ngài vậy. Chúng ta thấy trước khi lên cầm quyền vì một sơn hà xã tắc, một nhà đương quyền tại vị, hay đã thoái vị cũng vậy, các vì Vương Ðế thường có nói nơi cửa miệng hoặc di chúc lại, bao giờ cũng mơ ước cho có người kế vị xứng đáng làm cha mẹ của nhơn dân bá tánh, văn hiến của ta tuy đơn sơ mà thâm thúy lắm là nói ít mà làm nhiều, và sự khó khăn trọng yếu chẳng thể tưởng tượng được.
Bần Ðạo nhắc lại một lần nữa là buổi nòi giống An Nam ta đây còn kêu cha là Bố, mẹ là Cái, mà vị Ðế Vương nào lên cầm quyền được dân tặng là Bố Cái, như Bố Cái Ðại Vương, thì sự vinh hiển của triều chánh đó không luận đặng, mà sự vinh hiển của Ðế Vương đó cũng chẳng tả được đối với lòng dân. Nói ít làm nhiều. Văn hiến của ta do văn hiến của Tàu châm chế sửa chữa lại, lấy của người làm của mình. Lấy căn bản chánh gốc của người ta mà làm của cải riêng của mình với tư cách đặc biệt, tưởng không nước nào khéo léo hơn nước Việt Nam ta vậy.
Ta thấy lời một vị Ðế Vương để lại cho con lên truyền kế cho mình như Hớn Chiêu Liệt để lại Hậu Chúa, có câu căn dặn rằng: Nếu nhà cầm quyền nào mực thước trị dân, biết tùng theo thì thiên hạ thái bình, quốc thới dân an, Hớn Chiêu Liệt sắc Hậu Chúa viết: "Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi" (nghĩa là ông Hớn Chiêu Liệt căn dặn con truyền kế rằng: Ðừng thấy lành nhỏ gọi nhỏ mà không làm, đừng thấy ác nhỏ gọi nhỏ mà làm). Vì Ðế Vương biết rằng trong tay cầm sanh mạng quốc gia, trị cả bá tánh để lại cho con một di ngôn bất hủ. Nếu cả các Ðế Vương trên mặt địa cầu nầy, cầm sanh mạng quốc gia biết lấy câu ấy làm "trấn tâm chi bửu" cho mình, Bần Ðạo tưởng chắc, nếu thi hành cho đúng thì cả quốc dân đó hạnh phúc vô cùng.(*)
Tổ phụ chúng ta muốn trong nước ta, dân ta, tình của Vua đối với dân thế nào cho mực thước, chơn thật như cha đối với con, nếu Vua đối được với dân như cha đối với con, tức nhiên lấy tình ái làm quyền hành, công chánh làm mực thước, tưởng không quốc gia nào trên mặt địa cầu nầy hưởng được hạnh phúc hơn nữa. Ta thấy tấn tuồng ly loạn do kẻ cầm quyền định vận mạng cho nước, cho dân chỉ biết mình, không biết bá tánh. Thường nghe nói: "Thiên hạ vi gia" hại một điều tuy vậy nhà Vua ở với bá tánh như cha ở với con nên có câu "thiên hạ vi gia" vậy nhà Vua lấy thiên hạ làm nhà, thương dân như con đỏ, trái lại họ lấy thiên hạ làm tôi đòi của cải. Thay vì coi thiên hạ như nhà như con, họ lại coi thiên hạ như nô lệ, tư nghiệp của mình, tức là hiểu lầm khuôn khổ của Tiên Nho ta đã quyết định vậy.
Tổ chức thật khéo léo làm sao, chính nhà Vua cũng không thoát cái khuôn viên gia đình. Nếu ngôi Vua truyền hiền thì chẳng nói chi, từ khi các vị Ðế Vương truyền tử đến giờ gia đình vẫn ở bên cạnh họ, họ phải bảo trọng gia đình trước nhứt, bởi gia đình của họ là Ðệ Nhứt gia đình trong quốc gia. Ta thấy từ khi các quốc gia nầy chẳng chịu ảnh hưởng của Nho Tông mà lập quốc, đã trở nên suy đồi bởi nguyên căn nào, do trị gia bất nghiêm! Cho nên cổ truyền tai hại hơn hết là cái loạn trong cung tần, trong vòng hoàng tộc mà sản xuất, đã hiển nhiên như vậy không chối cãi được. Các vì Vua trị gia bất nghiêm, biểu không bại hoại sao được, mà Ðệ Nhứt gia đình thất đạo có liên quan mật thiết đến cả toàn bá tánh thất đạo.(*)
Nhà Vua cốt yếu coi bá tánh như con đỏ, coi nước nhà như đại gia đình, giữ đạo nhơn luân làm trọng hệ, đã có quyền sanh sát, mà nếu quyền ấy không chuẩn thằng, biểu sao dân trong nước không thống khổ. Khi sự thống khổ ấy dân chịu đựng nổi chẳng nói chi, thảng như quá sức không chịu nổi được nữa, sanh loạn lên thì triều chánh và cả nước nhà phải nghiêng đổ.
Sự kiến thiết quốc gia lấy gia đình làm gốc, ta không thể chối rằng không biết gia đình ấy hay là từ bỏ đạo nhơn luân, duy có theo lối vô thần thì mới chối đạo nhơn luân đặng, nếu không chối đạo nhơn luân, tức không chối đạo gia đình, mà không chối gia đình thì cũng không hề chối tương lai vận mạng của tổ quốc mình được. Ấy vậy căn bản của phong hóa Việt Nam ta do nơi đạo nhơn luân, nơi gia đình, dầu ai thuyết minh phong hóa như thế nào đi nữa nguyên căn tinh túy cũng vẫn do nơi gia đình mà thôi; cho nên gia đình, phân làm ba hạng: Hạ, trung và thượng gia đình; thượng gia đình là Quốc gia, trung gia đình là Hương đảng, hạ gia đình là Tông đường, không có chi là lạ, là khó, nhưng căn nguyên ấy ta không sửa đổi đặng bởi ba bực hạ, trung, thượng của cơ tấn hóa thế nào thì gia đình cũng thế ấy. Cả Càn Khôn có Thượng giái, Trung giái, Hạ giái, mặt luật thiên nhiên của sự tiến hóa trật tự ấy không thể tiêu hủy đặng.
Tổ chức xã hội của chúng ta khéo léo làm sao đâu, Bần Ðạo dám chắc rằng cao thượng hơn hết. Hại thay! Quốc dân ôm của báu trong tay mà không biết quí trọng, liệng rồi chạy theo ăn mót đồ bỏ của thiên hạ, lấy làm của. Ðức Chí Tôn đến đặng thức tỉnh nhơn sanh, nên mới có câu Ngài nói với nhà Vua: "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong" là thêm ý rằng: Tổ phụ chúng bây để lại cho bây một phong hóa, nó sẽ biến thành phong hóa của toàn nhơn loại vậy.
Ngài cho biết rằng chúng ta vốn có của báu, mà của báu ấy thiên hạ đang tìm kiếm đặng sống.
Source: Caodaism.org
Bookmarks