PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC TRONG HƯƠNG THÔN VIỆT NAM.


Tại Ðền Thánh, thời Tý mồng 5 tháng 6 năm Mậu Tý (dl. 11-07-1948)


Kỳ trước, Bần Ðạo đã giảng về đạo của vị chủ quyền xã hội chúng ta là ông chủ, nay tiếp thuyết về phương pháp tổ chức xã hội ta trong hương thôn là thế nào và ai cầm quyền ấy.(*)

Ta đã thấy Nho Ðạo ta lấy gia đình làm căn bản, bước từ tiểu gia đình là gia tộc lên đại gia đình là quốc gia, lại thấy sự khéo léo trong gia đình là phương pháp thực hành. Các phần tử trong gia tộc hiệp lại thành Tông đường, một gia tộc nào đủ nhơn nghĩa đạo đức thì Tông đường đó, để mắt nong nả cho có đủ phương pháp thi thố cả sở năng của mình, bởi chỉ trông cậy nơi mình làm cho gia đình đứng đợt được với thiên hạ một cách vinh diệu, mà hễ Tông đường được vinh diệu, tức nhiên người đại diện cho Tông đường ấy khi ra thay mặt cho Tông đường, đã đào luyện trí thức tinh thần, sở năng, sở kiến, đặng thay thế Tông đường cho xứng đáng trước luật quan phép nước. Trong hoàn cảnh kiến thiết xã hội là vậy. Làm đầu Tông đường được, tức nhiên trong hương đảng đã để dành địa vị cho danh thể cao trọng ấy rồi, thanh niên thì vào hàng thành đinh, niên kỷ cao trưởng thì vào hàng kỳ lão, lãnh kiến thiết hương đảng, không bỏ một ai. Tuy vậy, Ban Hội Tề có đông đảo mặc dầu, nhưng Bần Ðạo đã nói rằng Hội Tề bất quá là triều chính của Ðệ Nhị chủ quyền là ông Hương Chủ trong hương đảng vậy thôi.

Ấy vậy, trong hương thôn có mặt nào đứng đợt làm đầu hương thôn, mặt ấy không lẽ triều chính không biết đặng, nên danh nghĩa trong hương đảng liên quan mật thiết với triều đình, mà hễ có liên quan tức nhiên là địa vị triều đình sẽ dành để cho người cầm quyền hương đảng đó vậy.

Tổ chức xã hội chúng ta đi từ tiểu gia đình lên đại gia đình là quốc gia, vì cớ nên Tiên Nho chúng ta, dầu cho Ðệ Tam quyền là ông Cha trong gia đình, mà có tội đem ra giữa triều chánh buộc tội là trị đạo bất nghiêm, còn Ðệ Nhị chủ quyền lại là trị dân không nghiêm cũng gọi là trị đạo bất nghiêm. Hình phạt nặng nề sẽ định án cho hai chủ quyền Ðệ Nhị và Ðệ Tam đó không phương chối cãi.

Cái đạo, nói tiếng đạo, mà người cầm quyền trị đạo phải thật hành được đạo, đã không dễ, thì cầm quyền trị đạo lại càng không dễ nữa. Phải làm thế nào thi thố cho dân sự trong bổn thôn thấy tâm Thánh của mình là thay thế Ðức Khổng Phu Tử làm cha mẹ dân, mà chẳng vậy thôi, còn cầm quyền làm thầy trong bổn thôn nữa mà chớ.

Tổ chức xã hội quốc gia chúng ta không mắc mỏ mà thật sự thì khó đáo để. Thuở mà nòi giống nầy còn kêu cha là bố và mẹ là cái, kẻ nào đạt được vị Bố Cái hương đảng, tức là cha mẹ của hương đảng, ấy là lời ban thưởng, tặng khen lớn lao lắm vậy, tức nhiên Ðệ Nhị chủ quyền là quyền của vị Bố Cái hương đảng là vinh diệu hơn hết.

Ấy vậy, Ðệ Nhị chủ quyền làm cha, làm thầy hương thôn, ta suy xét tưởng tượng xem phận sự ấy trọng yếu như thế nào? Coi dân như con đỏ, làng như cha mẹ dân thay thế cho triều đình, mà muốn nên phận cha mẹ dân thì vị chủ quyền đó không tư tâm, tư kỷ, hễ tư tâm tư kỷ tức bốc lột dân, trộm cướp của dân, hiếp bức dân. Ta thấy phương pháp đương nhiên, hiện giờ còn giữ khuôn khổ ấy, chỉ hại một điều là hương đảng đương nhiên xu hướng tân thời đã hết làm cha mẹ dân, dở thói tham quan ô lại, làm cục bướu làm mụt ghẻ tâm lý của dân. Vì cớ nên giá trị của Ðệ Nhị chủ quyền không còn năng lực nữa, mà nếu không còn năng lực tức là hết cầm quyền chuyển tâm lý được, biểu thế nào ngăn cản được dân xu hướng theo văn minh mới, mà nhứt là nòi giống Việt Nam nầy hay nghinh tân yểm cựu lắm. Nếu không đủ biệt tài cầm cái khối báu do Chí Tôn để lại mà trau giồi làm cho có giá trị cứ do theo điều mới mẻ ấy thì chỉ có làm cha làm chủ bướng vậy thôi, nên cần phải biết sửa đương lại thì xã hội này sẽ đứng đầu hơn hết. Tại mình làm chủ mà không biết của báu, khinh miệt nên thiên hạ mới khinh miệt nó. Ấy vậy đương thời bây giờ thiên hạ không còn làm cha mẹ, bố cái hương đảng nữa, nên cái vinh diệu của Tiên Nho ta lưu lại đã bị bại hoại thành hình tướng dị hợm lắm rồi.

Vị chủ quyền hương đảng của nhà Nho ta, tuy là tư tưởng tinh thần rất đơn sơ, nhưng nói ít mà làm nhiều, nên vị Hương Chủ hồi cựu trào lãnh làm chủ hương đảng thì triều đình phái một vị quan đến phong quyền cho và thường nói: "Triều chánh cầu xin một điều là vị Hương Chủ làm sao cho xứng đáng phận sự cha mẹ của dân".

Trước ta đã thấy quyền làm cha mẹ trong gia đình khó khăn thế nào rồi, thì vị Hương Chủ lên làm cha mẹ dân trong một làng, lời xưa thường gọi là bá tánh là vì bởi nhiều Tông đường hiệp lại mới thành một làng. Nên việc làm cha mẹ dân trong một làng không phải dễ, dân đói phải lo, dân rách phải lo, dân khổ phải lo, một tên dân đau khổ thì ông chủ quyền phải ở bên mình như cha ở bên mình con vậy, cha nâng đỡ danh thể làm cho con nên thế nào, thì ông chủ quyền của hương thôn cũng phải làm nên cho dân thế ấy. Nghĩa là tâm lý của ông cha cầm quyền gia đình trị con thế nào, thì ông chủ cầm quyền hương lân trị dân cũng như cha trị con vậy.

Nếu từ trước đến giờ còn giữ được khuôn khổ tổ chức của tổ phụ để lại, thì Bần Ðạo tưởng chẳng hề thấy sự tồi phong đương nhiên, và cầm chắc sự thống khổ loạn lạc chẳng hề có đặng. Ngày hôm nay, phong hóa quốc gia xã hội ta không còn nguyên hình tướng nữa, đã thay đổi ra thô tục gớm ghiếc quá chừng.

Ðức Lý Giáo Tông lập Bàn Trị Sự, Ngài lập chức Chánh Trị Sự và Phó Trị Sự, rồi Ngài lại biểu Bần Ðạo lập chức Thông Sự. Ngài nói Phó Trị Sự là Giáo Tông em, mà nơi làng có Giáo Tông em thì tức nhiên phải có Hộ Pháp em là Thông Sự nữa chớ. Nếu sự tổ chức hương lân chưa phải cần yếu thì Ðức Lý đã không làm như vậy. Ngài đặt chức Chánh Trị Sự tức là ông Chủ, Ðệ Nhị quyền trong thôn lân về phần Ðạo, hỏi vậy mơ vọng của Ðức Lý để Chánh Trị Sự làm gì? Ðức Lý có ý đem qui cũ Ðạo vào Ðệ Nhị chủ quyền, đặng phục hồi lại y như trước. Ngài quyết định hơn nữa là để vị Chức Sắc ấy nắm quyền Hội Thánh tức là vào Thánh Thể của Ðức Chí Tôn, nghĩa là dự định đặng lên Lễ Sanh, rồi lên Giáo Hữu, tức là vào hàng Thánh Thể đó vậy. Muốn chỉnh đốn xã hội lại, nên luôn dịp để một khuôn khổ trị Ðạo cho dân sanh tỉnh giác, biết vật báu ấy mà gìn giữ, tô điểm, làm cho xã hội thôn lân thêm xinh lịch. Ý muốn là vậy, mà thử hỏi Bàn Trị Sự toàn thể quốc gia ta ngày kia có đủ năng lực và đủ tinh thần đạo đức để chỉnh đốn xã hội ta trong hương thôn, lần lần sửa lại theo tổ chức tối cổ của quốc gia xã hội ta trước được không?

Bần Ðạo dám chắc rằng Ðạo Cao Ðài làm đặng, và nhờ bàn tay của toàn thể quốc dân Việt Nam ta đó. Việc làm bất luận lâu hay mau, miễn đạt được thì thôi, Bần Ðạo sợ e một điều là đầu óc hình thể ta thấy trước mắt, thay vì chỉnh đốn đi ngược trở lại khuôn cũ, rồi lại còn xu hướng theo tổ chức xã hội, làm diệt vong phong hóa; thay vì cứu sống lại cái gia tài, lại làm tiêu cả sự tốt đẹp thọ hưởng đã bốn ngàn (4.000) năm nay còn noi lại. Bần Ðạo mơ ước một điều là toàn con cái của Ðức Chí Tôn trong hương thôn tức là Bàn Trị Sự, biết phận sự trọng yếu của mình để đủ tinh thần làm vừa theo Thánh ý của Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Chí Tôn. Bần Ðạo mong mỏi cả thảy đem cái quý của Tổ phụ chúng ta lưu lại chỉnh đốn cho đẹp cho xinh đủ oai quyền năng lực, đặng ngày kia đem cho toàn các sắc dân khác đồ theo. Ðương buổi này thiên hạ đương thống khổ tâm hồn, nếu họ thấy chánh sách của ta đạt được, họ sẽ lấy và đồ theo mà lấy trong tay Cao Ðài họ không thẹn mặt.

Cả thảy nam nữ nhớ lời căn dặn, đặng khi thái bình trở lại, lo chỉnh đốn Bàn Trị Sự trong hương thôn, để làm nền móng tổ chức quốc gia ta sống lại đẹp đẽ mỹ mãn và cường liệt, mà quốc gia ta có đẹp đẽ mỹ mãn cường liệt thì nhờ nơi hương đảng tạo ra; nếu mấy người tạo ra thô bỉ thì sự kiến thiết cũng thô bỉ, hễ mấy người tạo ra đẹp đẽ thì sự kiến thiết đẹp đẽ, mạnh mẽ vì bởi khởi đầu đào tạo bằng hột giống mạnh, thì cây lên mạnh, bằng hột giống yếu thì cây sẽ lên yếu.