Tại Ðền Thánh, đêm 19 tháng 5 năm Mậu Tý (dl. 25-06-1948)
Bần Ðạo giảng tiếp về khảo cứu phong hóa nước ta đối với các dân tộc vạn quốc.
Bần Ðạo đã giảng rằng trong quốc gia xã hội chúng ta có ba quyền: Cha, Chủ, Chúa. Ba quyền ấy cầm cả chánh trị của nước nhà, có khác nhau chăng duy có nhỏ và lớn, chớ chánh kiến vốn đồng với nhau. Ba quyền ấy làm nền tảng cho phong hóa chúng ta vậy.
Hôm nay, Bần Ðạo tiếp giảng về quyền làm cha và triều chánh của ông cha, tức là gia đình liên quan thế nào đối với triều chánh của làng và triều chánh của nước.
Chúng ta thấy trong ba quyền ấy, duy có quyền chúa là trên hết, sau biến tướng đến quyền cha, quyền thầy. Ấy là đạo Tam Cang: Phụ tử, Sư đệ, Quân thần. Bần Ðạo sẽ giảng rành mạch về quyền chúa ấy sau. Bây giờ Bần Ðạo giải rõ quyền cha mà thôi.
Vả chăng chúng ta để ý cho tận tường xem coi xã hội chúng ta thấy có điều đặc sắc riêng biệt không giống với các xã hội khác, là từ khi Ðức Khổng Phu Tử hiệp ba quyền ấy làm Hội Thánh của Ngài. Ông cha tức là thầy của gia đình, ông chủ tức là ông thầy cả của làng, ông vua chúa tức là ông thầy cả của nước. Vì cớ nên hình trạng của ba quyền ấy Bần Ðạo nói rõ là lớn nhỏ khác nhau, mà chánh kiến vẫn là một. Trong gia đình nếu ta không gọi là ông Cha thì gọi là ông Chúa của gia đình, cầm đầu cái triều chánh của ông, bà vợ trong gia đình, người ta còn gọi là Nội Tướng tức là Thủ Tướng của gia đình, cả con cái là Lục Bộ Ðài Quan, tôi tớ hoặc những công nhân giúp việc trong gia đình tức nhiên là toàn dân vậy.
Ấy vậy, gia đình theo phong hóa Việt Nam ta rất trọng hệ, ông Cha của gia đình cũng như ông Chúa của nước vậy, nên xét ra đến cực điểm phong hóa của ta thì thấy tốt đẹp lạ lùng, chỉ vì ta không quan tâm đến thôi, nếu để ý ta sẽ vui hứng hạnh phúc đặc biệt, bởi không có dân tộc nào giống như chúng ta, kỳ dư nước Tàu cũng chịu một ảnh hưởng văn minh như chúng ta mà cũng không đồng một vẻ hay là giảm bớt thì có. Trọng hệ là gia đình, mà gia đình có được trọng hệ thì ông Chúa của gia đình mới trọng. Vì cớ đạo làm Cha, phong hóa chúng ta kính trọng một cách vô đối. Ðối với xã hội, tổ phụ chúng ta biết con cái lớn lên phải lập gia thất, nên mới lưu truyền món hương hỏa ấy. Lấy gia pháp làm chủ đích, gia pháp ấy biến ra gia nghiêm, mà gia nghiêm chặt chịa kềm thúc con cái chẳng có ý chi khác hơn là dụng oai quyền đó mà tạo một vị Chúa tương lai cho gia đình, nên tổ phụ chúng ta trông nom điều trọng hệ ấy mà hủy bỏ cả hành tàng phụ thuộc ở ngoài là cả sự sanh hoạt của gia đình, chỉ lo bảo thủ lấy tinh thần làm Cha tương lai cho đúng giá trị của nó.
Lạ chi đối với nòi giống của chúng ta thường nghe mọi người nói: "Phụ có từ, tử mới hiếu" mà Bần Ðạo đã nói rằng cả tánh đức của con người đứng đầu trên hết là hiếu, Bần Ðạo cũng đã giảng, đời Thượng cổ người ta đi tầm hiền chỉ do nơi hiếu, nên Vua Nghiêu chọn ông Thuấn kế vị cho Ngài là vì ông Thuấn là bậc chí hiếu, tánh đức hiếu ấy là cái năng lực căn bản của các tánh đức khác, nó là tánh đức của đạo đức tinh thần và nó đi gần tánh chất của loài người. Con người đã có hiếu thì các tánh đức tốt đẹp khác đều là phụ thuộc, bởi vì khởi đoan của tâm hiếu, không phải biến sanh một ngày, một bữa gì mà kể từ giọt sữa mẹ mà hiện ra làm căn bản môi giới cho các tánh đức khác nảy nở, mà ta đã thấy và định quyết rằng người đã làm được con hiếu thì thế nào cũng sẽ là cha từ. Mà hạng phụ từ rất tối cần, tối trọng cho xã hội vậy.
Ấy vậy, trong gia đình phải có phụ từ, mà tại sao cha phải từ? Phương ngôn nói: "Cha hiền sanh con thảo", lại có câu: "Hiếu thuận huờn sanh hiếu thuận tử, ngỗ nghịch huờn sanh ngỗ nghịch nhi", sách xưa truyện cũ ta thấy còn lưu lại nhiều thành tích rất quí hóa. Ðứa bé thơ kia học ai trước hết? Học cha mẹ nó. Trí óc non nớt của nó chưa có hình trạng gì, bởi lúc sơ sanh không có điều gì ô trược dính vào chung quanh nó, hỏi nó trông vào ai, dòm ai. Dòm cha bắt chước cha, dòm mẹ bắt chước mẹ, dòm anh em bắt chước anh em. Trong gia đình nếu có gương cha lành, thì sự ấy huyền bí thay! Nó sẽ bắt chước như vậy, dầu buổi sơ sanh, đứa con chưa biết nghe, hiểu thấu đáo cho thấu lý, nhiều khi cha mẹ dạy nó không tuân, Bần Ðạo vẫn quả quyết rằng cái phụ giáo và mẫu giáo đó không mất, dầu đứa con có lơ lảng không nghe đi nữa, chớ rồi nó cũng hằng để vào tâm cái huyền diệu vô đoán ấy, chúng ta không thể tưởng tượng được, khi cha mẹ khuất rồi, đứa con sẽ tiềm tàng cái giáo hóa buổi sơ sanh ấy làm căn gốc trong bản tâm của nó.
Làm người cha hiền không biết làm mất tự do của con, trái lại còn trọng nữa, trong xã hội chúng ta như vậy đó. Ðừng thấy hình trạng giáo hóa bề ngoài lấy nghiêm trị làm căn bản mà gọi rằng đối với nòi giống chúng ta cha mẹ áp chế con làm mất tự do của nó. Không phải như vậy đâu! Có lẽ vì nhìn thấy Tông đường hư hoại, nên cha mới nghiêm trị con, đặng bảo thủ tương lai của Tông đường, chớ chẳng phải cố làm cho mất quyền tự do của con.
Bần Ðạo giảng tích này cho cả thảy nghe mà suy gẫm, thì thấy nòi giống chúng ta vốn trọng sự tự do của con cái mà trọng một cách khéo léo.
Ðời Tiền Lê có ông Thừa Tướng đầu triều không có con. Hai ông bà thường đến chùa này miễu kia cầu tự. "Nhơn hữu thiện niệm, thiên tất tùng chi", nên bà vợ hạ sanh được một đứa con trai. Quan Thừa Tướng đã niên cao kỷ trưởng mà có một đứa con trai thì nỗi mừng vui đó không thể luận được. Người Nam mình hay ví trứng mỏng cũng không ví bằng cậu công tử đó nữa. Từ khi nhỏ đến lớn, trong gia đình đối với cậu thì ai cũng là tôi đòi nô lệ hết. Hai ông bà cưng đáo để, lớn lên rồi hễ thấy cưng lại thêm nhỏng nhẻo, rồi du côn, rồi hoang đàng chi địa vô giáo dục. Tấn tuồng xảy ra như vậy mà quan Thừa Tướng và phu nhân cũng không dám động tới, vì quá cưng thì còn ai dám động tới cậu nữa đâu, cậu muốn lên trời hay xuống đất gì cũng được.
Ðến tuổi đi học, cho vào trường thì không ai chịu nổi, con các quan bị cậu đánh luôn, ngày nào cũng có mắng vốn. Thấy tình trạng như vậy, biết con mình bị cưng quá không ai động tới được. Ðến khi trưởng thành 17, 18 tuổi, ôi thôi thanh lâu, tửu quán, trà đình, cờ bạc, không món nào mà cậu không có, ngoài ra còn du côn, du đảng, ai thấy gia đình ấy mà không nói rằng do căn trước tạo nhiều quả nên nay phải thống khổ tinh thần như vậy. Nhưng ông bà cũng vẫn cưng không động gì tới cậu công tử cả, ông chỉ buồn than nói với ông bạn là quan Hình Bộ Thượng Thơ rằng:"Tôi có một đứa con mà con cầu, con khẩn nên nay mới ra cớ đổi", thì ông bạn nói: "Thưa quan Thừa Tướng, nếu Ngài giao quyền trọn vẹn cho tôi đem lịnh lang về ở với tôi đặng tôi giáo hóa thử coi". Quan Thừa Tướng đã hết phương rồi, nên giao cho ông bạn dạy dỗ cũng không được gì hết, cậu công tử vẫn còn buông lung điếm đàng hơn nữa, nên ông định dùng oai quyền mà trị, mới cho quan Thừa Tướng hay: "Tôi phải dụng quyền đối với lịnh lang mà đối với Ngài nữa, việc làm của tôi thế là nhẹ thể Ngài, nếu Ngài vui lòng như vậy, tôi mới sửa lịnh lang đặng". Quan Thừa Tướng chịu: "Bạn làm sao giúp tôi được thì làm, vì tôi cùng đường hết kế rồi". Quan Hình Bộ Thượng Thơ thả cho cậu công tử ra ngoài đánh lộn, giựt của, làm đủ thứ, rồi bắt bỏ tù, lên án như các tội nhơn khác vậy. Vô khám cậu bị đánh khảo tra tấn chịu không thấu, thông tin về nhà cho Thừa Tướng hay. Ngài làm như tuồng cha đau lòng vì con, ra chịu tội trước triều đình, rồi Ngài và quan Hình Bộ Thượng Thơ đến người nầy người nọ xin tha thứ, đi tới đâu dắt công tử theo tới đó, cậu thấy khổ trạng như vậy nên lương tâm tự hối, biết tội mình làm để lụy đến cha dường ấy.
Về nhà ông rước thầy cho đi học thêm nữa, vì cậu đã biết ăn năn, sợ cha mẹ và chịu ở nhà không dám phóng túng chơi bời nữa. Nhưng, trong gia đình cũng không chiều được cậu chỉ kiêng có cha mẹ thôi, ngoài ra không kể ai cả, nổi giận là cậu đánh đập liền. Ông mới tính một phương thế, lấy cớ là con nhà trâm anh, bắt cậu để móng tay, từ đó cậu ít đi ra ngoài chơi bời, mà cũng hết đánh thiên hạ nữa, là vì cũng bị lật móng tay hai ba lần gì đó, nên hoảng mà thuần nết lại. Ðến khi triều đình mở khoa mục, cậu nhờ trí thông minh sáng suốt lạ thường lại học giỏi nên được chấm đậu Trạng Nguyên. Nhà vua và cả mọi người biết tánh đức của cậu trước như vậy mà nay được như vầy thì ai cũng mừng, trong gia đình còn mừng hơn nữa. Thiết lễ Tân quan, khi vị Tân quan vào bái lễ Từ đường, rồi trở ra hội yến với các quan, quan Thừa Tướng mới kêu con lại nói: "Ngày nay con đã vinh hiển rồi sẽ ra làm quan thì móng tay con không để làm chi nữa, con đưa đây cho cha", ông cắt tử tế, đem vào bàn thờ Từ đường, lấy giấy đỏ gói lại, bao ở ngoài một lớp hàng đỏ nữa, đề bốn chữ "Trấn tâm chi bửu" nghĩa là của báu để trấn tâm, ông đưa lại cho con và dạy rằng: "Từ đây trở đi hoặc sau nầy con có kế chí cha làm đến đầu triều, vật trấn tâm chi bửu này cũng không nên rời con". Thì y như vậy, từ đó về sau, cậu con trai thăng quan tiến chức, kế được chí cha làm đến đầu triều, mà cái gói trấn tâm chi bửu tức là móng tay đó vẫn còn luôn.
Bần Ðạo dám cả gan nói rằng: Nhờ cái phụ giáo như vậy, mà triều chánh Việt Nam ta mới bền bĩ, và chắc chắn rằng người đó là kẻ đem viên đá đầu tiên xây nền độc lập từ trước đến giờ, nhờ cái tinh thần đó mà chúng ta đạt được tinh thần độc lập ngày nay.
Phụ giáo rất cao kỳ quý hóa. Nếu xét tường tận như vậy thì ta chưa đáng phận làm chúa gia đình. Trước khi tạo gia đình, cần suy gẫm coi ta có xứng đáng làm chúa làm nội tướng chăng rồi sẽ tạo, cả khuôn khổ tốt đẹp nòi giống chúng ta đã xao lãng, nào giục tấn, nào cấp tiến, nào văn minh, nào duy tân đáo để thôi. Tấn tuồng duy tân vật chất đưa đến tồi phong bại tục, hiện giờ là hoàn thuốc quá độc hại vậy.
Phong hóa tốt đẹp bị bôi dơ, hỏi vậy chúng ta ngày nay đây, ai dẫn đạo tinh thần mà đã biết như vậy thì nên bỏ hay là phải cố thủ? Phải bảo thủ cái thể chất toàn hảo ấy là điều Chí Tôn mong muốn hơn hết. Ngài không nỡ nói ra, mà Ngài trông cho chúng ta biết phục hồi cái phong hóa của Tổ phụ lưu lại, đặng tạo một văn hóa tương lai cho toàn thể mặt địa cầu nầy vậy.
Nếu Ngài nói ra thì nòi giống Việt Nam sẽ nói là Ngài thủ cựu hay là muốn phá hoại sự tự do của loài người và đời văn minh vật chất này không thể không chỉ trích Chí Tôn với lời lẽ ấy, nên Ngài không nói đó vậy.
Bookmarks