Giảng tiếp câu Thánh ngôn:
QUỐC ĐẠO KIM TRIÊU THÀNH ĐẠI ĐẠO,
NAM PHONG THỬ NHỰT BIẾN NHƠN PHONG.
Tại Ðền Thánh, thời Tý mồng 5 tháng 5 Mậu Tý (dl. 11-06-1948)
Hôm nay Bần Ðạo giảng tiếp câu Thánh ngôn của Ðức Chí Tôn "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong". Bữa trước Bần Ðạo đã giải rõ đại công của nền nhơn luân phong hóa của ta. Nay ta sưu tầm căn nguyên của Nam phong coi do đâu mà sản xuất. Bần Ðạo đã giảng là cốt yếu muốn thực hành phong hóa nhà Nam, phải do nơi Nho tông mà làm căn bản.
Thời kỳ nầy Chí Tôn đến, lấy Nho tông để chuyển thế và thi thố cho cả toàn cầu vạn quốc một triết lý tối tân, đặng chỉnh đốn sửa đương những tệ tục tồi phong của nhơn loại mà đem vào Thánh chất của con người. Ðức Chí Tôn đã tìm định đến đặng sửa đương. Vậy ta nên tìm hiểu Nho tông là thể nào? Ðã cho ta vật gì? Có đủ phương tiện mà chuyển thế đặng chăng? Trước hết ta phải biết trong tay ta có khí cụ gì rồi mới có đủ can đảm xông pha ra chiến trường quyết thắng, tìm xem coi nhơn loại đang thiếu thốn điều gì và xem coi nhơn loại đang tìm kiếm vật gì, mà vật ấy chúng ta có hay không?
Nói đến Nho tông, thì chẳng còn gì phải biện thuyết nữa, vì đã có chẳng biết bao nhiêu là Hiền môn, Thánh tích để lại từ thử. Kể từ ngày Ðức Khổng Phu Tử giáng thế đã hai ngàn năm trăm (2.500) năm, nếu ta suy xét cao xa hơn nữa thì ta thấy Ðạo Nho phát sanh từ vua Phục Hi là tối cổ hơn hết. Ta không thể tìm đâu xa hơn nữa, duy biết rằng Ðức Khổng Phu Tử học Nho của ông Châu Công, đặng chỉnh đốn lại Ðạo Nho, khi Ngài đến tại thế nầy vậy.
Ðạo Nho đã làm được những gì? Ta thấy Ðạo Nho của chúng ta có Hội Thánh mà Hội Thánh ấy bí ẩn khéo léo lạ lùng duy có một người có thể kiến thiết quốc phong của một nước mà thôi, chớ không đủ năng lực chuyển cả tâm lý toàn cầu được. Vì sự khuyết điểm ấy, Ðức Chí Tôn mới đến lập Hội Thánh, đền thờ của Ngài kêu là Cao Ðài, danh từ đó chỉ rõ đền thờ cao trọng của Ngài tại thế nầy, tiếng Pháp gọi là Haute Église (nghĩa là đức tin cao trọng).
Hỏi Hội Thánh của Ðạo Khổng lập quốc thế nào? Ta thấy Hội Thánh của Ðạo Khổng trong gia đình làm gia pháp biến sanh ra phong hóa gia nghiêm đó vậy. Người chưởng quản gia đình tức là giáo sư, Hội Thánh của Ðạo Khổng tức là ông cha, nên thiên hạ thường kêu là chủ gia.
Trong hương đảng có Hội Thánh của hương đảng, theo cổ tục thì ông Hương Chủ là chủ của Hội Thánh hương đảng, còn chức Hương Cả và Ðại Hương Cả là người ta mới bày ra sau đây mà thôi. Trong hương lân ngày xưa, chức Hương Chủ là lớn hơn hết vậy. Khởi đầu trong gia đình, rồi mới tới hương lân, rồi mới ra đến quốc gia, người chủ của quốc gia ấy là nhà Vua. Ông cha ta trong gia đình, ông Hương Chủ trong hương thôn, ông Vua trong nước, cả ba người ấy giữ ba giềng mối đạo, phụng thờ ba Tôn giáo. Tổng số ba Tôn giáo ấy lại là Nho tông.
Ông cha trong nhà thì thờ Tiên Tằng Tổ Khảo của Tông Môn, ông là giáo sư, là thầy cả trong gia đình. Ông Hương Chủ thì thờ Chư Thần tức là cả Công Thần vì nước mà hy sanh tánh mạng, được nhà Vua ân tứ làm chủ hương lân, nên trong làng ta chỉ thấy có đình thờ Thần thiên thu phụng tự mà thôi, nên ông Hương Chủ là thầy Cả của làng. Nhà Vua thì thờ Ðức Chí Tôn tức là Ngọc Hoàng Thượng Ðế, ta thấy sự tế tự Ðấng Chí Tôn ấy lưu truyền từ đời thượng cổ, nên hằng niên mới có tế Nam Giao, đó là tế Ðức Chí Tôn vậy.
Từ đời lập quốc đến giờ, trong phong hóa nhà Nam không thấy lúc nào sơ thất sự phụng tự, nếu đoán chắc là nhờ âm chất của tổ tiên ta biết phụng thờ Ðức Chí Tôn, cái thâm tình ấy còn lưu truyền lại mà ngày hôm nay Ngài mới đến đặng đền bồi ân nghĩa ấy lại có lẽ. Thế thì Ngài đến vì Tổ tiên ta đã gieo mối thâm tình nồng hậu, chớ chẳng phải vì sự tình cờ mà Ngài đến nước Việt Nam nầy đâu. Trong phong hóa của ta gồm có: Phong hóa của nhà, phong hóa của làng, phong hóa của nước, tức là phong hóa chung của xã hội nhơn quần Việt Nam ta đó. Bây giờ chúng ta khảo cứu coi Nho tông đối với xã hội là gì? Tức nhiên ta thấy là luật pháp, tuy rằng 86 năm nay bị ảnh hưởng của văn minh Âu Châu, chúng ta lãng quên nền phong hóa tốt đẹp của ta mặc dầu, nhưng tự cổ chí kim chưa nước nào có đặng.
Chí Tôn đã đến, Ðạo Nho có Thất thập nhị Hiền, và Tam thiên đồ đệ, Chí Tôn lập Hội Thánh có Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền, và Tam thiên đồ đệ, rõ ràng là Hội Thánh của Ðạo Nho đó. Hiện giờ ta nhận thấy Ngài áp dụng nền chánh trị của nhà Châu đặng lập chánh trị của Ðạo, làm cho cả cơ quan yếu thiết của Ðạo Cao Ðài ra thiệt tướng, đặng đủ năng lực chuyển thế, ta không có gì mà nghi ngờ nữa cả.
Gia nghiêm của ta lập thành do phong hóa của tổ phụ để lại có những gì? Căn bản gia nghiêm hay gia pháp do nhơn luân chi Ðạo, nên lấy nhơn luân làm chuẩn đích, mà nói về nhơn luân thì mỗi người đều biết. Khởi đoan là hôn phối, việc vợ chồng đối với nhau để trọn quyền của ông chủ gia định liệu là người chồng, sau quyền chủ gia ấy lại có quyền nội trợ để cho người vợ, hai quyền ấy vô đối. Ta thấy lối 100 năm trước đây, quyền của cha bảo con chết cũng phải chết, không phải bất hiếu như ngày hôm nay của những kẻ học đòi theo lượn sóng tự do văn minh vật chất, rồi còn trở lại muốn làm chủ cha mẹ. Không, Nho pháp không cho có quyền lực ấy bao giờ. Nho pháp không chịu cho cái giọt máu, cái giọt khí huyết, do vật ấy tạo hình, lại muốn làm chủ vật ấy tạo đoan ra nó, như vậy là sái luật thiên nhiên của Chí Tôn dĩ định. Hỏi vậy cái quyền nắm đạo nhơn luân trong tay của ông cha ta quan sát theo con mắt của đời văn minh nầy thì nói là quyền áp bức có phải? Hại thay! Nếu quyền ấy không chỉnh đốn lại phong hóa của con người đem vào khuôn khổ thuần phong mỹ tục thì cả nhơn loại trên mặt địa cầu nầy sẽ chạy theo hưởng ứng với sự tự do mà đi đến địa vị con vật, là mất hết tính chất làm người đó. Tự do kết hôn, tự do định phận, không cần cha mẹ là những người đã trọn kiếp sanh lịch duyệt thế tình, mà sự lịch duyệt ấy còn vốn thiếu; nên ta hằng thấy cảnh tượng của sự tự do định phận ấy, đã làm bại hoại thân hình, tâm lý con người tại thế thể nào rồi, điều ấy không chối cãi được.(*1)
Bần Ðạo buổi ấu xuân bị ảnh hưởng của tự do, thấy sự kềm thúc của gia nghiêm lấy làm khó chịu. Khi ấy Bần Ðạo đang học Pháp Văn. Lúc về thăm ông thầy Nho, khi đến đó ông mới tường thuật tình cảnh bối rối gia đình của một vị quan viên bà con xa với Bần Ðạo. Vì vợ làm khổ tâm cho chồng là vị quan viên ấy, đến nỗi gia đình phải tan nát. Ông tường thuật câu chuyện nầy vừa xong thì lại than rằng: "Hại thay! Vì buổi trước không phải cha mẹ định hôn, mà tự do kết hôn nên ngày hôm nay mới ra dường ấy". Thừa dịp ấy Bần Ðạo mới vấn nạn ông, Bần Ðạo hỏi rằng: "Gia pháp của ta nghiêm khắc quá lẽ, đến sự chăn con như chúa ngục chăn tù, nếu không có quyền tự do thì con sẽ tối tăm ngu dốt?". Ông lại trả lời rằng: "Không, không phải gia pháp áp bức làm cho con mất tự do đâu, mà trái lại người có quyền lắm chớ, đến nỗi gia pháp định cho mẹ phải tùng con kia mà "tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử". Quyền của con còn có thể thế cho quyền cha được rồi, thì có áp bức chỗ nào đâu? Chỉ có kềm thúc tâm tình của con cho nó đừng thương ai trước khi thương vị hôn phối của nó, để cho nó đủ đầy tình ái mà thương người vợ tương lai của nó vậy thôi. Muốn định hôn cho con thì trước hết cha mẹ đã lựa chọn tâm lý của vị hôn thê coi có hòa hiệp với tâm tình của con mình không, chứ chẳng phải xem xét tánh đức mà thôi, mà cha mẹ là người lịch lãm thế tình, nên thâm hiểu cả tâm tình của đôi lứa, dầu cho đôi lứa chưa biết nhau trước mà cũng có thể chung khổ cùng nhau, đồng tâm đồng chí thương yêu nhau đặng."
Ðạo nhơn luân khởi thủy từ hôn nhơn, mà Nho phong đã định cho cha mẹ vi chủ, nếu để cho đứa con vi chủ thì chỉ có hư mà thôi, mà gia đình hư tức nhiên sẽ có ảnh hưởng tới xã hội vậy.
Ðây là Bần Ðạo duy mới nói có gia nghiêm mà thôi, vậy bây giờ chúng ta luận về tâm lý. Sự hám vọng tự do quá lẽ, mà đưa tâm lý con người đến mức khả ố, nguy hiểm không thể tả được. Ta thấy nó gieo trên mặt địa cầu nầy một triết lý vô lối là triết lý: Vô phụ, vô quân, không quê hương, không gia đình, bởi vậy ta mới thấy thế tình con sanh ra ngỗ nghịch, không tuân phụ huấn. Thảng như ngoại nhơn có hỏi đến tại sao đã lớn, đã khôn, mà không biết nghe lời phụ huấn cư xử với đời vô để vô nhơn không còn tình thương nhơn phẩm, thì chư Ðạo Hữu biết kẻ bất hiếu kia sẽ trả lời ra sao không? Nó trả lời rằng: Tôi không xin họ sanh tôi, tôi không muốn họ sanh tôi, chẳng qua là họ vì lỡ mà sanh tôi nên họ phải nuôi tôi đó thôi. Ôi! Ân đức thâm sanh thật không còn có nghĩa gì hết.
Những tục lệ ấy nếu Ðạo Cao Ðài không xuất hiện đặng chỉnh đốn lại, sợ e cả nhơn loại trên mặt địa cầu nầy sẽ thành ra ác thú.
Bookmarks