Trích Thuyết Đạo Quyển Hai của Đức Hộ Pháp.
http://caodaism.org/60/6002/tdhp2.htm
Tại Ðền Thánh, đêm mồng 1 tháng 4 năm Mậu Tý (1948)
Bữa nay Bần Ðạo giảng một vấn đề trọng yếu nhưng chẳng giảng một bữa mà đủ, nên cần phải tiếp tục nhiều lần Bần Ðạo mới giảng dứt. Sau một buổi lễ cúng rồi, thì giờ lên giảng đài rất ít, Bần Ðạo phải thúc nhặt lại là vì mỗi lần hành lễ rồi cả thảy đều mệt. Bần Ðạo sẽ liệu phương sắp đặt lại là giảng trước giờ hành lễ. Theo trong bài thi của Ðức Chí Tôn gởi cho Hoàng Ðế Bảo Ðại có hai câu yếu trọng cho nền Thánh giáo Chí Tôn hơn hết là hai câu nầy:
"Quốc Ðạo kim triêu thành Ðại Ðạo
Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong"
Hai câu nầy chúng ta hiểu rằng, Ðức Chí Tôn muốn nói với Ngài Bảo Ðại nền Quốc Ðạo của Người, ngày nay đã thành Ðại Ðạo, trong chữ Ðại Ðạo bao trùm cả đức tin loài người, câu thứ nhì "Nam phong thử nhựt biến Nhơn phong" chữ phong không phải là gió, nó có nghĩa lý lắm! Phong đây là phong tục, Chí Tôn muốn nói phong tục nước nhà của Người sẽ làm nền phong hóa của loài người, hai câu ấy chúng ta nên đoán xét, suy gẫm coi Ðức Chí Tôn vì thương mà quá lời không? Thảng như Tôn giáo nào kích bác họ sẽ nói Chí Tôn tự tôn, tự trọng, hay là họ có đức tin hơn nữa họ có thể họ bàn luận rằng:
Chí Tôn vì quá thương mà nói. Vậy chúng ta thử coi nền Quốc Ðạo của chúng ta sẽ trở nên nền Tôn giáo của toàn cầu chăng? Và phong hóa chúng ta có thể thay thế cho cả nhơn loại trên mặt địa cầu nầy chăng? Chúng ta nên quan sát, suy gẫm rồi tưởng tượng coi có thể đặng vậy không? Có thể được và Bần Ðạo tin quả quyết rằng nó phải như vậy đó. Tội nghiệp thay! Một sắc dân đã từng bị nước Trung Hoa khắc phục, tuy chịu trong hoàng đồ, chúng ta có một lịch sử trong 4.000 năm tranh đấu, vẫn tự do, độc lập không chịu tùng mạng lịnh của Trung Hoa. Nước chúng ta như cái vải áo, còn Trung Hoa như cái áo, chúng ta không có lý lẽ gì từ chối tinh thần một sắc dân anh dũng ấy, nó phải nương cái năng lực nơi chỗ nào? Ấy là nương tinh thần Ðạo giáo nước nhà của nó, chúng ta phải chịu ảnh hưởng trọng hệ hơn hết của hai nền Tôn giáo Trung Hoa thọ giáo Ấn Ðộ dạy chúng ta tu cho được chí thiện, chí nhơn, Phật giáo bên Ấn Ðộ dạy chúng ta tự tu đặng đạt đại từ đại bi. Hai cái khối tinh thần hiệp nhau lại làm một nền Tôn giáo, để được bảo trọng tinh thần quốc túy của mình.
Chí Tôn đã nói cùng người Pháp: Từ thử một sắc dân ấy chỉ biết nô lệ chưa biết vi chủ, vì vậy mà Ta đến bồi thường sự bất công ấy, Ðạo giáo đã dạy chúng ta chí thiện chí nhơn, đại từ đại bi, tinh thần đó vậy, hỏi vậy ngày nay chúng ta phải tùng hay chăng? Tôi dám chắc giọt Cam Lồ ấy, tinh thần loài người đã khao khát, để bảo tồn sanh mạng, bằng chẳng vậy thì nhơn loại phải tự diệt mà chớ.
Tại sao tự diệt? Chúng ta thấy trường hổn độn một nền văn minh gồm có tinh thần duy vật mạnh mẽ mà chớ, cái chánh sách của loài người chạy theo duy vật đương nhiên thì mặt địa cầu này chưa hòa bình vì họ chỉ biết tranh sống với duy vật, chớ chưa sống với tinh thần chí thành, cái quyền năng của Ðạo giáo Gia Tô mạnh mẽ dường nào mà ngày nay phải thoái bộ trước năng lực của toàn cầu, còn Ðạo giáo mà đến thay thế đặng cái năng lực ấy, rồi đây cũng chưa chắc quyết thắng tấn tuồng tương lai, mà vật chất sẽ dẫn đến con đường tử lộ không phương cứu chữa, duy có Ðức Chí Tôn đến cứu loài người mà thôi.
May thay! Trong nòi giống tổ phụ chúng ta để lại một tủ thuốc, tủ thuốc ấy ngày nay lấy ra làm món thuốc cứu cả tinh thần nhơn loại trong hoàn cầu này và trong tủ thuốc thiêng liêng đó để làm vị cứu sanh, tức nhiên là cái phương cứu khổ chẳng khi nào sai chạy. Nhưng vì chẳng đủ năng lực để cứu thế, đem hoàn thuốc hằng sống ấy bảo tồn sanh mạng loài người.
http://caodaism.org/60/6002/tdhp2.htm
Bookmarks