Hỏi: Xin cha giải thích cho chúng con về thắc mắc này. Trong đoạn Phúc âm Gioan 4: 5-42 có viết: ".Chúa Giêsu đến một thành Sykha thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse. Ở đó có giếng nước của Giacóp. Chúa Giêsu gặp một người đàn bà xứ Samaria tại giếng Giacóp". Vậy phần đất này là nơi Giacóp đã ở, nơi Ðất Hứa (.) Hơn nữa, người đàn bà Samaria còn nói với Chúa Giêsu : "Tôi biết Ðấng Messisa mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự". Vậy thì tại sao họ (người Samaria) lại thuộc dân ngoại?
Anna Phương - Great Mills, MD
Ðáp: Tại sao người xứ Samaria lại (bị coi) là ‘dân ngoại’? Ðọc lại Kinh thánh và lịch sử dân Do thái, ta biết, vào khoảng năm 1000 B.C. (trước Chúa giáng sinh), vua David đã thiết lập vương quốc Israel bao gồm các chi tộc Do thái sinh sống miền bắc và miền nam Ðất Hứa. Ông đặt Giêrusalem làm thủ đô chính trị và tôn giáo qua việc đưa Hòm Bia Thánh về đó. Dĩ nhiên, quốc giáo của Israel thời ấy là Do thái giáo. Ðạo này chủ trương tôn thờ Thiên chúa Ðộc Nhất, theo tinh thần của giao ước nguyên thủy giữa Maisen và Thiên Chúa Giavê trên núi Sinai.
Sau Ðavít, vua Salomon nối ngôi và tiếp tục sự nghiệp của cha. Salomon là người nổi tiếng về sự khôn ngoan. Về việc nước, ông tổ chức hành chánh và phát triển kinh tế cách thành công.
Tiếc thay, trong vinh quang tràn trề, Salomon đã sớm rơi vào cái bẫy của quyền lực và sắc dục. Thay vì bảo tồn vai trò của một minh quân, Salomon đã dần trở nên ông hoàng quan liêu, độc tài, hà khắc, bất công với dân chúng. Ông có khoảng 700 vợ và 300 cung phi phục dịch cho mình, trong số đó có khá nhiều người ngoại giáo đã du nhập đạo bụt thần vào vương quốc. Salomon đã lãng quên sứ mạng đại diện cho Dân Chúa Giavê trước mặt lân bang. Do đó, sau khi Salomon qua đời, vương quốc Israel huy hoàng đã rạn nứt và sẽ mau chóng sụp đổ.
Quả vậy, vào khoảng năm 933 B.C., khi Roboam là con vua Salomon vừa lên ngôi, hành xử của ông đã làm cho Israel bị phân ly làm hai. Miền nam trở thành nước Juda, với thủ phủ là Giêrusalem. Miền bắc là nước Israel, đặt thủ phủ tại Samaria. Sự chia rẽ chính trị này kéo theo sự ly khai tôn giáo, sa đọa về luân lý, xã hội, và sau cùng sẽ dẫn đến hậu quả nước mất, nhà tan, qua 3 lần lưu đầy Babylon.
Suốt thời gian nam bắc phân ly, các vua nước Juda thì thuộc dòng dõi Ðavít; vì thế vua và dân còn được coi là hậu duệ Dân Chúa, mong hưởng lời Chúa hứa. Trong khi đó, các vua phương bắc không nằm trong dòng tộc Ðavít. Họ phủ nhận trách nhiệm đại diện cho Dân Chúa.
Tình trạng tâm linh của miền bắc thật bi đát. Trước khi mất nước và đi lưu đày Babylon, các vua chúa miền bắc lại tiếp tục lầm lỗi lớn đã xảy ra trước đó. Họ kết hôn với người ngoại giáo. Họ lãng quên giao ước với Giavê, và cho phép du nhập các tôn giáo lạ và tôn thờ các ngẫu tượng. Ví dụ, vua Giêrêboam, một quân chức phản loạn hoàng triều Roboam, đã cho đúc thờ tượng bò vàng và thờ ở Dan và Bêtel. Thủ đô Samaria, cũng nằm trong phần Ðất Hứa, bị biến thành nơi của những tín ngưỡng tạp lai.
Về phần dân chúng miền bắc, khi sống chung đụng tự do với các dân ngoại lân bang, họ dần dà tin thờ các tà thần Baan, Astactê, v.v. Và điều này còn trở nên trầm trọng hơn sau cuộc lưu đày. Khi trở về từ Babylon, người Do thái tại Samaria bị đồng hóa trong dòng máu, văn hóa, truyền thống tôn giáo của người Assyria. Họ đã trở nên một sắc dân mới. Vì thế, người Do thái chính thống ở miền nam luôn coi người Samaria là ‘dân ngoại’, và thường nhìn họ với sự khinh miệt, phân biệt.
Tóm lại, tuy cũng là con cái Abraham, Isac, Giacóp, và nguyên gốc cũng là đoàn dân mà Chúa đã đưa vào Ðất Hứa, người Samaria đã bị kể là ‘dân ngoại’ vì sự ly khai chính trị, sự tha hóa chủng tộc, và lối sống nghịch lại giao ước với Giavê.
Lm Trần Quốc Bảo
báo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Bookmarks