Cuối cùng thì cũng trở về mảnh đất ngàn đời, có khác là lần này lại có thêm một cái bọc giấy nữa. Bốn con người lại cùng ngồi vào cái bàn gỗ đơn sơ, Tư Hường thong thả mở cái bọc, có lẽ y đã đoán biết bên trong đó là cái gì.
Đó là một cái đầu, chính là cái đầu của pho tượng, hẳn là Tám Nghĩa muốn nhắc Năm Lành rằng ông ta vẫn còn thiếu nợ một cái đầu trên cổ, có điều y đâu có ngờ là ông ta chưa bao giờ mở cái bọc, không bao giờ mở cái bọc giấy đó.
Trong mớ giấy nhàu nát hiện ra một gương mặt tròn bầu, một gương mặt đàn bà tuyệt đẹp với đôi môi dầy gợi cảm, không phải là gương mặt vuông vuông của vũ nữ Apsara mà là một gương mặt khác hẳn – Một gương mặt của Phù Nam cổ.
Khi cái đầu được gắn lên thì vũ nữ đã hiện hình trong ánh nắng vàng hắt hiu của buổi chiều tà, cái ánh nắng lung linh dường như đã làm cho Vũ nữ Phù Nam sống lại… Tất cả, tất cả giờ đây chỉ còn là những đền tháp rệu rã, những pho tượng mất đầu, những chân tường sụp đổ, những bụi cỏ gai ngập tràn, xơ xác, hoang vu. Vương quốc đã sụp đổ, dân tộc đã tuyệt diệt, chỉ còn để lại cái điệu múa cổ trên những pho tượng nhỏ bé. Trong cái buổi chiều hôm ấy dường như tất cả cùng bị ảo giác, một dân tộc đang hồi sinh trở lại… Những kinh thành tráng lệ, những đền đài nguy nga lộng lẫy, những con đường ngựa xe tấp nập, những buổi lễ hiến tế uy nghi và rùng rợn… như hiển hiện ra trước mắt.
Rồi bỗng nhiên tất cả như ngập chìm trong biển lửa, ngập chìm trong những xác người. Những cuộc chém giết tàn bạo đã có từ ngàn xưa rồi, đó là vì trong con người luôn tồn tại cái bản năng hoang dại của loài động vật, cái bản năng cắn xé của sự sinh tồn. Chính vì thế có thể nói các tên độc tài không hề đào tạo ra các đao phủ, họ chỉ làm một việc đơn giản là trao cho chúng một lá cờ và một thanh mã tấu, để cho chúng tự phất lên và tha hồ đập phá, chém giết. Chiến tranh dường như là nguyên lý của sự sinh tồn, và máu luôn không ngừng chảy, máu phun lên từ những pho tượng cụt đầu, máu chảy thành sông, thành suối, thật là một ảo ảnh khủng khiếp trong tiếng kêu gào đòi nợ của những linh hồn…
Vũ nữ đã bắt đầu nhảy múa, đã bắt đầu uốn éo, hai chân dang rộng ra và lắc lư theo một nhịp điệu dồn dập, hai bên hông lúc thì nâng lên lúc thì hạ xuống, bụng lúc thì ưỡn ra trước lúc thì thót lại, hai tay dập dờn như sóng lượn, hiển nhiên đây không phải là vũ điệu của đế chế Ăngko rồi, một vũ điệu hoàn toàn khác.
Cái Vũ điệu tối cổ có sự khêu gợi đặc biệt, đánh thức cái bản năng gốc hoang dại, đánh thức cái hoài niệm anh hùng trong tiềm thức sâu thẳm của người đàn ông… Và Ba Cao cũng đã đứng lên rồi, y luôn mang trong người một hoài niệm tình yêu cháy bỏng, có thể vì thế mà y bị ma nhập trước nhất. Chắc là y đang nhớ về cô vợ vũ nữ, cái cô vợ đã bỏ y vĩnh viễn để theo một kẻ nào đó. Mặt Ba Cao đỏ rực, hai con mắt của y còn rực đỏ hơn thế, cái thân hình gày gò của y bắt đầu giựt giựt, chắc y nhìn thấy máu chảy hay sao mà bắt đầu rống lên, không phải y khóc mà là hát, một thứ giọng hát nghèn nghẹn của một dân tộc đau khổ và mất mát:
“…Ôi, bao năm rồi cách biệt…
anh ra đi vì đất Việt !
Thì dù xa xôi em nhớ rằng đừng tủi sầu,
Làng quê êm ấm đón anh về mình cùng nhau…“…/.