VI. RƯỢU
Rượu tuy không phải là vật mặn, song đã nói rằng nó là một giống độc đi cặp với thịt, thì cũng nên đem ra bàn giải đôi lời.
Rượu vẫn là đứng đầu trong tứ đổ tường (tửu, sắc, tài, khí) lại thuộc vào hạng ngũ giái cấm (Sát sanh, Du đạo, Tà dâm, Tửu nhục, Vọng ngữ). Thế thì khoa luân lý và nhà tôn giáo thảy đều cấm rượu.
Vì rượu làm hại cho cơ thể và tinh thần, vì rượu làm hại cho xã hội và luân lý.
Vì sao mà cấm rượu?
a) Hại cho cơ thể: Có người cho rằng uống rượu đặng ăn mau tiêu, cho dẫn huyết. Lời ấy cũng phải, song sự lợi dụng chỉ có nhứt thời, mà điều di hại lại trổi hơn thập bội. Rượu vẫn là chất nóng, làm cho tạng phủ và cả cơ quan khác (organes) phải hoạt động tăng lên (excitant), hoạt động tăng lên chừng nào, cơ thể phải hao mòn, suy kém chừng nấy. Chẳng khác nào một anh hành khách, nếu cứ chẫm rãi đi hoài, tuy không mau mà ít mệt, còn như muốn gấp, cần phải chạy; mà chạy lại mau mệt mỏi, mệt mỏi rồi phải nghỉ mất ngày giờ, thành thử muốn mau mà hóa chậm.
Vả lại, cơ quan con người cần phải giữ cho thường tráng kiện, một là để bảo tồn sự sanh hoạt (entretien de la vie), hai là để mà chống cự với muôn muôn vạn vạn loại vi trùng độc hiểm mà thường bữa ta hít vào phế phủ. Chí ư cơ quan vì rượu mà kém suy, bảo sao con người không vương lấy nhiều chứng bịnh hiểm nghèo truyền nhiễm.
b) Hại về tinh thần: Nhà hóa học đều công nhận rằng rượu chứa nhiều chất độc, thế thì uống rượu chẳng khác nào dùng độc dược mà thuốc lấy tạng phủ mình, mà tạng phủ lại ăn chịu với não cân (*1), tạng phủ suy thì não cân kém, não kém thì giảm phần trí lực (intelligence), cân suy lại hại đến giác quan (les sens). Vì vậy mà kẻ uống rượu nhiều thường hay lảng trí, tay chơn tê bại, tai điếc mắt lờ.
c) Hại về xã hội: Bợm rượu không những làm lụy cho thân mình, mà còn lưu hại đến con cái là khác, vì con cái mạnh yếu là do nơi bẩm chất của mẹ cha. Sách vệ sinh Langsa có câu: "90% des idiots sont des enfants d'alcooliques". Nghĩa là: "Trong một trăm đứa xuẩn ngu, hết chín mươi đứa là con nhà bợm rượu". Suy đó thì đủ biết rằng rượu không những là hại cho cá nhơn mà lại là hại cho xã hội nữa. Nước Nam ta, người gầy vóc ốm, nếu không trừ cái "nạn rượu" đi, e khi sau rồi sẽ trở nên một hạng người "chăn chắc" nơi cõi Việt Ðông nầy mà chớ.
d) Hại về luân lý: Rượu uống vào hừng chí, hừng chí lại nhiều lời, nên tục ngữ có câu: "Rượu vào lời ra", mà hễ nhiều lời thì sao khỏi lâm vấp, sao khỏi trái tai người mà sanh cãi cọ? Cãi cọ lại mất niềm hòa khí.
Tục ngữ lại có câu: "Ðứa say như đứa dại (điên)". Hễ say rồi thì kể chi phải quấy, nhiều khi làm đến những việc can danh, phạm nghĩa.
Về khoản nầy, sở dĩ lược luận đôi lời vậy thôi, chớ tưởng lại ai ai cũng đều biết cả.
Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế kiêm viết CAO ÐÀI, ngày Rằm tháng Chạp năm Bính Dần (1927) giáng cơ tại Tòa Thánh Tây Ninh, giới tửu như vầy:
"Các con nghe vì sao mà phải giái tửu.
Thầy đã dạy rằng thân thể con người là một khối chơn linh câu kết lại, những chơn linh ấy là đều hằng sống. Phải hiểu rằng ngũ tạng, lục phủ cũng là khối sanh vật mà thành ra, nhưng phận sự chúng nó làm, thoảng hiểu biết hay là không hiểu biết đều do nơi mạng lịnh Thầy đã phán dạy.
Vậy Thầy lấy hình chất xác phàm các con mà giảng dạy. Trước Thầy nói vì cớ nào rượu làm hại cho thân thể con người về phần xác. Hình chất con người vẫn là thú, phải ăn uống mới nuôi sự sống, như rượu vào tỳ vị, nó chạy vào ngũ tạng lục phủ hết, thì trái tim con người chẳng khác nào như cái máy chánh để trữ sự sống, cũng phải bị nó thâm nhập vào làm cho sự lao động quá chừng đỗi thiên nhiên đã định, thôi thúc huyết mạch phải vận động một cách vô chừng mà làm cho sanh khí nơi phổi chẳng đủ ngày giờ nhuận huyết tinh sạch cho đặng, trược huyết ấy thối lại cùng trong thân thể, để vật chất ô trược vào trong sanh vật, mỗi khối ấy ăn nhầm phải bịnh, một ngày thêm một chút, hết cường tráng, cốt chỉ lần lần phải chết, thì thân thể các con phải bị chết theo. Nhiều kẻ phải bị chết nửa thân mình vì rượu nên ra đến đỗi.
Thầy dạy về cái hại phần hồn của các con.
Thầy nói cái Chơn thần là Nhị xác thân (*2) các con là khí chất (le sperme évaporé), nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy, nơi trung tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mõ ác, gọi tiếng chữ là Vi Hộ, nơi ấy Hộ Pháp hằng đứng mà gìn giữ Chơn linh các con, khi luyện thành Ðạo đặng hiệp một với khí, rồi khí mới đưa thấu đến Chơn thần hiệp một mà siêu phàm nhập thánh.
Vậy thì óc là nguồn cội của khí, mà óc cũng bị huyết mạch vận động vô chừng làm cho đến đỗi tán loạn đi, thì Chơn thần thế nào mà an tịnh đặng điều khiển, thân thể phải ra ngây dại, trở lại chất thú hình, mất phẩm nhơn loại, rồi còn mong chi đặng phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật. Lại nữa, buổi loạn thần ấy để cửa trống cho tà mị xung đột vào, giục các con làm việc tội tình, mà phải chịu phận luân hồi muôn kiếp.
Vậy Thầy cấm các con uống rượu, nghe à".
___________________________________________
(*1) Não là óc, cân là gân.
(*2) Nhị xác thân là cái thân thứ nhì của con người, mắt phàm khó thấy được (Périsprit). Nhị xác thân nhờ Tinh, Khí, Thần luyện thành.
Bookmarks