V. ĂN CHAY ÐỐI VỚI LUÂN LÝ


Bất câu nước nào, dân tộc nào, ai ai cũng biết rằng rượu thịt là hai vật hằng đi cặp nhau. Nhiều kẻ ghiền rượu là tại nơi ưa thịt mà ra. Họ thường nói rằng thịt béo mà chẳng rượu ngon ăn không thú. Than ôi! Hai vật độc ấy mà đi cặp với nhau thì còn chi hại bằng? Rượu thịt không những làm cho con người bịnh hoạn, mà lại làm cho tánh tình trở nên nóng nảy, dữ dằn mà lọt vào đường tội lỗi.

Muốn cho tánh tình thuần hậu, ta phải ăn chay, vì thảo mộc có chất ôn hòa. Thử xem một con thú ăn cỏ với một con thú ăn thịt thì đủ biết rằng thú ăn cỏ thuờng là hiền hơn thú ăn thịt.

Vả lại ăn chay là phương nhắc mình giữ việc nhơn lành. Ngày nào ăn chay tức là ngày đó mình biết dập lửa lòng, biết tránh điều tội lỗi. Miệng mình ăn chay, lòng mình tưởng chay (*1), mà hễ lòng chay thì kềm chế được thất tình, lục dục. Một tháng ăn đặng sáu ngày chay là giữ đặng sáu ngày lành, mười ngày chay là giữ đặng mười ngày lành, mà hễ giữ đặng trường trai, thì còn chi quí bằng? Kẻ ăn chay là biết hồi tâm hướng thiện, đặng vậy thì tánh tình hòa hưỡn, cư xử khiêm cung, ăn ngay ở thật, lửa giận biết dằn, lòng hay nhẫn nhịn, gặp việc phải thường chẳng bỏ qua.

Biết hồi tâm hướng thiện, không đành vì no dạ mà hại mạng con sanh vật là nhơn.

Tánh tình hòa hưỡn, cư xử khiêm cung là lễ.

Ăn ngay ở thật là tín.

Lửa giận biết dằn, lòng hay nhẫn nhịn là trí.

Gặp việc phải chẳng bỏ qua là nghĩa.

Thế thì ăn chay có ảnh hưởng cho luân lý là dường nào? Một người ăn chay là một người biết hồi tâm hướng thiện, hai người ăn chay là hai người biết hồi tâm hướng thiện, v.v … Cả nước được vậy, chẳng những nền luân lý vững vàng, mà tinh thần con người, tức là hồn nước sẽ vì đó mà nhắc cao lên mãi.

Ngày nào đặng đông người ăn chay, thì mấy cái thảm trạng "vợ khóc con than" nơi gia đình sẽ dần dần giảm bớt, mấy tấn bi kịch "gây gổ chém đâm" mà xưa nay từng xảy ra nơi hàng rượu thịt tất phải một ngày một dứt.

Ước ao sao kẻ làm cha mẹ chớ nên lầm tưởng như xưa nay rằng ăn thịt là bổ vì nó có máu (lẽ nầy đã giải rành nơi thiên trước, không cần nhắc lại làm chi), rồi tập lần trẻ con tiện dụng đồ chay. Làm như thế, không những là giữ gìn cho trẻ con ít hay bịnh hoạn, mà còn dưỡng dục tinh thần chúng nó trở nên tráng kiện, tánh xu hướng về việc nhơn lành. Một nhà làm như vậy, hai nhà làm vậy, ba nhà theo vậy…, không những là nơi gia đình êm ấm, mà còn thuận theo lẽ Trời như quan lương y G. Durville đã giải rành nơi thiên thứ nhứt vậy.

Vả lại, ăn chay lấy làm tiết kiệm cho mình, vì đồ chay rẻ hơn đồ mặn. Một ngày ăn chay tức là một ngày tiện tặn, có tiện tặn rồi mới dư tiền mà tiêu dùng về việc ích lợi khác. Ðức cần kiệm phải tập mới nên, mà tập ăn chay tức là tập cần kiệm vậy.

Có người mỗi lần quải giỗ, thường ngả heo bò cúng tế. Cứ mỗi năm quải giỗ đôi ba lần như vậy, thì tốn biết bao nhiêu tiền của? Nếu cúng chay thì lợi biết bao! Làm như vậy không phải sợ tốn (có lòng cúng tế ông bà mà còn sợ tốn nỗi gì), song tốn mà tốn cho thái quá, tốn mà hại mạng con sanh vật, há không phải là điều nên chế bỏ hay sao?

_______________________________________

(*1) Có kẻ ăn chay một là vì bắt chước, hai là cầu tiếng khen rằng mình ăn chay, chớ kỳ trung lại chẳng để lòng tưởng chay, ăn chay như thế chẳng những là không bổ ích về luân lý mà lại làm một trò cười cho thiên hạ.