I. ĂN CHAY
Nhiều người cứ tưởng rằng muốn có đủ sức mạnh để làm việc lao động, phải cần ăn thịt cá cho bổ dưỡng. Tưởng vậy rất sai vì nhiều nhà tu bên miền Ðại Sa Mạc (Région saharienne) chẳng bao giờ dùng đến thịt cá mà cũng làm nổi lắm việc nặng nề, như đào mương đốn cây vân vân; không những mạnh khỏe như mọi người mà lại còn sống lâu hơn nữa. Người Nhựt cũng cho thịt là một vật thực ít nên thường dùng. Các bực trứ danh bên Pháp quốc kể sau nầy đều dùng toàn vật thực thảo mộc (*1): Voltaire, Diderot, Jean Jacques Rousseau, Pascal.
Bên Bỉ quốc, Pháp quốc, và Anh quốc, hiện thời đều có lập "Hội Thảo mộc thực", được nhiều nhà bác học trứ danh dự vào.
Ông Flourens, ông Daubenton, ông Cuvier, ông Buffon đồng nhận rằng cơ thể loài người không hạp với nhục thực. Các ngài cho rằng con người lẽ phải dùng vật thực toàn là cỏ, rau cây trái mới thuận theo lẽ tự nhiên.
Tôi xin phiên dịch ra đây bài luận về lý thuyết của quan lương y G. Durville.
NGƯỜI TA KHÔNG PHẢI SANH RA ÐỂ MÀ ĂN THỊT
"Người ta ngày nay hạp dùng nhục thực là nhờ buổi trước phải lắm công trình dài dặc mới lập thành thói quen ấy; thế mà đã phải chịu lắm nỗi gay go đau đớn mới được vậy.
Thuở ban sơ, người ta không phải là loài ăn thịt; cơ thể và tạng phủ con người đều chứng rõ lẽ ấy và làm cho ta nhận biết rằng vật thực mà phù hạp với tỳ vị ta chính là cỏ rau cây trái vậy.
A. Răng của con người không phải răng để mà ăn thịt:
Ðảng thuộc phái thực nhục nói rằng con người cần phải ăn thịt vì người ta có thứ "răng chó", mà loài chó lại là loài ăn thịt.
Nói như vậy rất sai; là vì răng của loài chó cùng là các loài thực nhục thì dài; tức là để mà xé thịt; còn răng của chúng ta mà thường gọi là "răng chó" đó (canines) lại cụt, giống như răng khỉ, mà loài khỉ thì ăn trái cây.
B. Bao tử và ruột của loài người không phải dùng để ăn thịt:
Răng cấm các loài thực nhục đều nhọn nên nhai thịt không được nát, song lại nhờ bao tử dày mạnh vận động giúp vào cho nhục thực dễ bề tiêu tán. Bao tử của ta lại mỏng yếu, bởi không cần phải nặng công làm cho vật thực tiêu tán, là vì răng cấm của ta dày dẹp đủ sức nhai cho vật thực nát nhỏ rồi mới nuốt, mà răng cấm của ta lại giống như răng cấm của các loài vật ăn cây trái.
Ruột của loài thực nhục thì cụt, còn thịt thì mau tiêu. Ruột của ta lại dài hơn có mấy thước; ấy đủ chứng tỏ rằng ruột ta rất cần ích cho thực vật nào lâu tiêu (*2); mà nhà sanh lý học đều biết rằng thảo mộc thì lâu tiêu hơn thịt.
C. Phần nhục thực nào thừa ra không cần ích cho châu thân, thì cơ thể của loài ăn thịt lại có thể đổi thành chất diêm cường (ammoniaque) mà theo đường tiểu tiện. Cơ thể con người lại không được vậy. Thế thì Tạo Vật sanh người ra là không chủ ý định cho loài người ăn những vật thực nào mà chứa nhiều chất thịt".
(*1) Thảo mộc đây xin hiểu là chỉ chung hết cả loại tự nơi đất mọc lên như: Cây, trái, khoai, củ, rau, đậu, vân vân…
(*2) Xin chớ lầm tưởng rằng vật thực tiêu hóa nơi bao tử là cùng. Nó còn phải xuống đến ruột mới trọn phần tiêu tán.
Bookmarks