Chương ba: Đời người và Cuộc đời
Đời người là cuộc chạy đua với tử thần mà ta đâu biết khi nào sẽ chết. Quán tưởng về tư duy và cái chết sẽ làm thay đổi mục tiêu và giúp chúng ta buông bỏ hết thói quen dục vọng thường tình. Nếu chúng ta luôn luôn nhớ rằng hiện tại là khoảnh khắc cuối cùng của đời mình, thì chúng ta sẽ nỗ lực làm thiện, tu tập để không uổng phí hay dùng sai cơ hội làm người quý báu của mình. Và trong cuộc đời ngắn ngủi này, biết bao bạn bè, kẻ thù của ta đã đi, duy chỉ còn lại nghiệp xấu ác, hay nghiệp tốt đẹp (mà ta đã tạo ra với họ) là còn ở lại với ta, đang đe dọa ta mà thôi. Ta phải hiểu và ý thức rằng ta chỉ là 1 kẻ du khách trên cuộc đời này nên ta đừng để cho vô minh, ngu dốt, tham dục dẫn dắt ta mà tạo nghiệp ác.
Trong kinh A-Hàm, Phật dạy: "Vì nghiệp đời trước mà chúng ta sanh ra trên cõi đời này và nghiệp bắt đầu từ sự tham muốn, và ái dục do tham muốn tạo ra. Sở dĩ chúng sanh có những thú hướng mê muội sai khiến chúng sanh là vì chúng sanh bị vô minh tăm tối làm cho sai lầm trong chỗ nhận thức, chỗ phán xét và đánh giá sự vật ở đời".
Nghiệp tham dục và vô minh là cội rễ của sự sống chết và tái sinh luân hồi bất tận. Đoạn diệt những rễ ấy làm cho sự tái sinh phải diệt. Chỉ có các vị A la hán mới thật sự giác ngộ và thấu triệt tiến trình "sanh ra" và "diệt đi" một "hữu thể" hay "người" và chấm dứt tiến trình sanh tử đó bằng sự nỗ lực tâm linh trí tuệ, còn con người ở thế gian phần nhiều rượt đuổi nhau trên lộ trình đến giàu sang phú quý. Đó là nguyên nhân làm cho phật tánh lu mờ.
Người ta ở đời có hai điều thiếu thốn:
- Thiếu thốn về vật chất:
Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà cửa trống trước rách sau, khổ sở về xác thân,... dễ tạo nghiệp xấu ác. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều thứ 6 ghi rằng: "Đệ lục giác tri, bần khổ đa oán,hoạch hết ác duyên, Bồ tát bố thí, đẳng niệm oán thân, bất niệm cựu ác, bất tằng ác nhân". Nghĩa là nghèo khổ hay oán hận thường kết ngang duyên ác, Bồ tát hành bố thí, bình đẳng với oán thân, không nhớ đến lối cũ, không ghét bỏ người ác.- Thiếu thốn về tinh thần:
Người tham lam, gian xảo, kiêu căng,... tạo đủ tội ác, không những có hại cho mình, nhiều khi còn nguy hiểm đến bà con và nhiều người đời sau nữa. Thế nên thiếu thốn về phần tinh thần quan trọng hơn thiếu thốn về vật chất.
Con người chỉ biết ăn ngủ và sống thì đời sống ấy chẳng khác gì với đời sống các loài vật, vì các loài động vật khác cũng có sự sống và biết ham ăn thích ngủ như thế. Cho nên, để đánh giá con người cần phải dựa vào cách sống của người ấy. Một cách sống thích hợp với địa vị con người là sống hợp với lý tánh, lương tâm, đạo lý, lẽ phải, chế ngự được các thú tánh phát sanh bởi bản năng cộng thông với các loài khác.
Trong bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang số 37, bài "Trường đạo lý" ghi rằng: "Học đạo lý là học cái lẽ sống, con đường bước lên mà đối với cổ nhân xưa đã được, cho nên tu là tiến hóa từ ác lên thiện".
Có ba hạng
"Từ ác đến thiện
Từ thiện đến tu
Từ tu đến thành đạo"
Nghĩa là đối với chúng sanh nhiều kiếp tới kiếp thiện, nhiều kiếp thiện mới tới kiếp tu và nhiều kiếp tu mới thành đạo
"Cỏ với cây là một loài lớp dưới
Người với thú là chung 1 lớp
Trời với Phật là dạng lớp trên
Thú, cỏ, cây là vô minh hành ác
Người, Trời, Phật là hữu minh hành thiện
Giữa Người và Thú cái ranh ngăn thiện - ác
Lớp trên Người, Trời, Phật là có biết đạo đức
Lớp dưới Thú, Cỏ, Cây là chưa biết, chưa có đạo đức hoặc đang có đạo đức ít hơn
Bởi Người, Trời, Phật là lớp có học, có dạy bằng đạo đức. Nên con Người đã biết lẽ phải phải rất nhiều"
Cái dốt nát cơ bản của con người là cái dốt nát về lý vô thường, cứ mãi vui chơi nơi cát bụi, rồi ngã ra chết hoàn toàn không biết gì về mình. Cam phận sống trong sự ngu dốt đó, không bao giờ biết thắc mắc về cuộc đời, sống không nghĩ ngợi gì cả. Sống để làm gì? Từ đâu sanh ra, cuộc đời này có ý nghĩa gì không? Ý nghĩa đó là gì? Bởi sống quá vô tư trong dục lạc nên sinh ra vô minh lầm lỗi. Sống ở đời người ta hơn nhau là hơn ở cái đầu biết suy nghĩ chín chắn.
Chuyện cổ Ấn Độ có câu chuyện cầu hôn bằng cái chết. Có 1 thái tử con vua xứ Ba Bum đi hành hương đến miền sơn cước để lễ bái một vị thần. Trên đường đi, thái tử nhìn thấy 1 thiếu nữ tuyệt đẹp của 1 bộ tộc đang cỡi ngựa du ngoạn gần miếu sơn thần. Thái tử đem lòng thương yêu thiếu nữ ấy vô cùng. Thái tử vào miếu lễ thần là khấn vái thần linh là nếu tôi cầu hôn được thiếu nữ kia thì tôi sẽ chặt đầu tôi để dâng ngài. Không biết có phải do lời cầu nguyện kia linh thiêng hay không, sau đó thái tử cầu hôn và cưới được thiếu nữ miền sơn cước, con một vị tù trưởng. Đám cưới diễn ra linh đình và 1 năm hạnh phúc trôi qua. Một hôm thái tử được tin bố mẹ vợ mời sang chơi. Hai vợ chồng sắp xếp lên đường và có cận thần bà la môn già cùng đoàn tùy tùng theo. Khi đi qua miếu sơn thần, thái tử nhớ lại lời nguyện xưa. Ngài là người rất trọng chữ tín: "Dù cho thịt nát xương tan, nhưng lời đã hứa quyết làm mới thôi". Nghĩ xong, thái tử rút gươm cắt đầu mình dâng cúng thần linh.
Người cận thần bà la môn già suy nghĩ: "Cùng đi có 2 chủ tớ, nay chủ chết rồi, nếu ta trở về triều đình khó mà giải bày với đức vua và triều đình, khó tránh sự nghi kỵ của triều đình là ta giết thái tử. Thôi tốt nhất ta cũng chặt đầu mình để tế thần như thái tử". Nghĩ xong, vị cận thần chặt đầu mình để tế thần.
Người vợ thái tử nhìn vậy thấy đau đớn, thương chồng vô cùng. Để tỏ lòng chung thủy và là vợ hiền đức theo đúng lễ giáo Bà la môn, cô cũng quyết định chết theo chồng, cũng định cầm gươm của chồng để cắt đầu mình. Lúc đó có tiếng nói vọng ra từ sau tượng thần: "Hỡi cô gái nhỏ kia, hãy chắp những xác chết này lại, đầu nào vào thân nấy rồi niệm đức thánh A Ra Ma (đó là thần Vishnu_ thần bảo vệ loài người) thì những người chết kia được sống dậy".
Nghe vậy, người vợ vô cùng mừng rỡ, nhưng vì luống cuống đã lấy đầu mình gắn vào thân xác lão Bà la môn còn đầu lão Bà la môn thì lắp vào thân chồng mình. Bỗng nhiên người chết động đậy rồi đứng thẳng dậy trước mặt người đàn bà. Thế rồi một cuộc cãi vã diễn ra giữa thân và đầu thái tử. Đầu và thân giành vợ không dứt.
Vậy đầu được vợ hay thân được vợ? Ai có quyền lấy cô vợ đó? Tất nhiên đầu thắng, thân phải thua vì trí khôn nằm trong đầu. Sự hiểu biết nằm ở đầu và chỉ huy sai khiến cả thân thể.
Tu cũng vậy! Tu phải có cái đầu, tu bằng cái đầu để nhận thức về cuộc đời, về đạo lý, về nhân quả tội phước. Thấy được cái si mê, cố chấp, bảo thủ của mình mà tu sữa để đùng tạo nhơn, tránh khỏi nghiệp quả. Tất cả đều vô thường không đem theo cái gì.
Trong cuộc sống của con người, sự rỗng tuếch, không có mục đích là cái đáng sợ hơn cả. Họ cứ sống trôi nổi trong đời, như giẻ rách trôi trên sông. Họ không biết được làm người là quý báu vô cùng.
Tóm là, người ta là cái gì ở trên trái đất này? Sinh ra, chết đi, ấy là đời người. Cuộc đời theo lời Phật dạy theo kinh Pháp cú. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi có mục đích để sống. Mục đích này không phải sống để hơn thua, tranh giành danh lợi, tham cầu ăn uống, ngủ nghĩ, tình ái si mê. Sống để rồi tự mình làm nô lệ cho tham lam, ham muốn thấp hèn, không vượt thoát được tầm ảnh hưởng trói buộc của tham dục để rồi nó siết chặc cuộc đời vào vòng luân hồi bằng sức mạnh gọng kìm của nó.
Người ngu si là người sống và đi trên đường đời mà không biết mình đi đâu. Sống trên đời con người phải có mục đích cao thượng và quyết tâm đạt được mục đích đó.
Triết lý sống đức Phật dạy trong Kinh pháp cú được diễn tả như sau:
"Như chim trên trời cao
Không lưu lại dấu tích,
sao tìm ra manh mối
Cát thời gian vô thường?
Nhắc nhở chuyện sanh tử;
Tổ ấm tự gọi đời,
Dù có vẻ vững chắc
Nhưng vẫn là bong bóng
Do nghiệp hữu tác thành;
Hãy gấp rút thoát ra,
Nhọc nhằn vô nghĩa này;
Dục lậu tham muốn mãi
Dưỡng nuôi kiếp luân hồi
Bất tận là vô định
Hãy như chim tự tại."
Trong sa mạc mênh mông, chẳng có người sáng suốt nào lại đi lấy 1 đụm cát làm tiêu điểm cố định để hướng dẫn các đoàn lữ hành vượt qua sa mạc cả. Những đụm cát luôn luôn thay đổi, chỗ là ngọn đồi hôm nay có thể mai là lòng chảo lớn. Cuộc đời con người cũng thế, do nghiệp lực tác thành và đầy rẫy đau khổ. Nó như 1 vết tích, một san ga tạm thời, rồi sẽ bị xóa nhòa. Phiền não và nghiệp (lậu hoặc) tạo nên thế giới con người với bản chất vô thường, vô ngã và hữu vi. Nó là cho sự tái sanh, sống chết mãi mãi, đó gọi là cuộc đời
T.T Thích Giác Tây
Trích từ tạp chí Đuốc sen quyển 10
Bookmarks