Có điều mấy màn đó chỉ là khởi động cho vui thôi, khi xung quanh đã trở nên tối mịt mùng, đóm đóm bắt đầu bay lập lòe, người cũng đông hơn và rượu cũng nồng hơn thì mấy tay người Thổ mới khiêng ra một bộ trống gồm một cái trống lớn và ba cái trống nhỏ có chạm hình những vũ nữ ở bên hông nom rất kỳ ảo. Một người đen trùi trũi, râu nhọn lưa thưa bắt đầu dùng tay đánh trống dồn dập, nhìn anh ta xuất thần giống như người đang lên đồng vậy. Những âm điệu cổ xưa vang vọng trong màn đêm đen thẫm. Lúc đó thì mấy em gái cũng đứng lên biểu diễn những vũ điệu tuyệt vời chỉ thấy ở trong cung đình, đôi bàn tay của người vũ nữ uốn cong vun vút, bước chân uyển chuyển theo từng nhịp vỗ.
Không hiểu sao Bảy Quyền lại có được dàn trống Tapon này, đây là dàn trống Vua, dàn trống ra trận của đế chế Ăngko cổ, hẳn ông ta dùng dàn trống này để chinh phục những người Thổ, khiến họ trung thành theo ông vì sợ hãi những lời nguyền của bộ tộc?
Cuộc chơi đến hơn nửa đêm mới chấm dứt, mọi người đắm chìm vào giấc ngủ với những mộng mị đầy hư ảo, để rồi sáng hôm sau bừng tỉnh trong tiếng chó sủa inh tai. Bảy Quyền chỉnh tề trong bộ đồ “Tây” từ lúc nào, ông ta chẳng có còn cái vẻ “đường Thổ” gì nữa mà trở thành một người đàn ông lịch lãm, đầy bản lĩnh với quyền uy thực sự, ngay cả đến Tư Hường cũng phải dụi mắt ba bốn lần để nhìn cho rõ.

Đó là cái chuyện đã qua lâu rồi, còn bây giờ Tám Nghĩa đã ra người thiên cổ, đã về sum họp với ông bà ở đâu đó. Y hẳn đã bị ám ảnh nhiều về cái chết, có lần y đã kể về người mẹ già, bà đã khóc mù một mắt khi nghe tin về cái chết của những đứa con, và con mắt còn lại cũng tiếp tục mù nốt khi nghe tin Tám Nghĩa ra đi. Tám Nghĩa ra đi vì lời kêu gọi xếp bút nghiên tìm đường cứu nước. “chàng trai trẻ vốn dòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo việc đao cung”
Y không bao giờ còn gặp lại người mẹ già nữa, sau này y chỉ nghe mọi người kể lại câu nói phều phào cuối cùng của người mẹ trước khi chết là câu hỏi “Thằng Tám nó về chưa ?”. Chắc hẳn trước khi chết y cũng có nhớ về người mẹ già, và còn có thể nhớ về người vợ trẻ đã bỏ mạng ở Đồng Tháp Mười…

“…Ai về ngang, ai về ngang mảnh đất mến thân
Cho gửi lời về nơi ấy tình thương nhớ, nhớ thương không nhòa,
Ai về ngang Thiên Hộ Dương những đêm trời sáng
Đến nơi ấy mái tranh ấy
Lấp lánh đôi mắt trong xanh của nàng…”

Tám Nghĩa hẳn hiểu rằng cho đến tận cuối đời y chỉ là một dân đen không hơn không kém, một thứ dân đen “trên răng dưới giái”. Đất nước này đâu phải là của y, mặc dù y đã từng hy sinh vì nó, y không phải là kẻ mơ mộng, cái luận điệu bịp bợm gì đó để đưa cái mác dân đen lên thành “nhân dân” đâu có thể lừa được Tám Nghĩa, một kẻ từng sống qua bao thời kỳ loạn lạc. Y đã từ bỏ tất cả, chẳng cần gì hết ngoài chén cơm, cái tộ cá rô kho mặn… ăn trước khi chết để khỏi trở thành con ma đói, một bộ bà ba trắng mặc trước khi chết để khỏi trở thành con ma trần truồng. Cái quan trọng là y vẫn giữ được cái đầu, cái xứ sở này có quá nhiều con ma không đầu đi lang thang rồi, Tám Nghĩa hẳn là tự hào rằng mình là một con ma có đầu hẳn hòi, một cái đầu do người mẹ rặn ra trong cơn đau vật vã…