III. QUYỀN HÀNH ÐẦU SƯ
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Ðầu Sư có quyền cai trị phần Ðạo và phần Ðời của chư Môn Ðệ "CHÍ TÔN".
CHÚ GIẢI: Ðây Thầy dùng chữ "phần Ðạo" và "phần Ðời" đặng định quyền hành của Ðầu Sư, thì là Ðầu Sư có trọn quyền về phần Chánh Trị của Cửu Trùng Ðài và phần luật lệ của Hiệp Thiên Ðài. Vậy thì người đặng quyền thay mặt cho Giáo Tông và Hộ Pháp trước mặt nhơn sanh. Hễ thay quyền cho Giáo Tông và Hộ Pháp, tức là người của Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài; bởi vậy buộc Ðầu Sư phải tùng quyền cả hai mà hành chánh, chẳng đặng phép tự ý riêng mình mà thi thố điều chi không có lịnh của Giáo Tông và Hộ Pháp truyền dạy.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Nó đặng quyền lập luật, song phải dâng lên cho Giáo Tông phê chuẩn.
CHÚ GIẢI: Ðầu Sư đặng quyền lập luật cho phù hạp cùng sự chánh trị của nền Ðạo, thế nào cho thuận với nhơn tình và không nghịch cùng Thánh ý; mà phàm như hễ thuận nhơn tình thì hằng nghịch với Thánh ý luôn luôn, nên chi buộc Ðầu Sư trước phải dâng lên cho Giáo Tông phê chuẩn, vì Giáo Tông là người thay quyền cho Thầy, đặng điều đình chẳng cho nhơn sanh trái Thánh ý.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Luật lệ ấy lại phải xem xét một cách nghiêm nhặt, coi phải hữu ích cho nhơn sanh chăng?
CHÚ GIẢI: Câu này đã chỉ rõ rằng: Phàm như Ðầu Sư có lập luật lệ chi, thì luật lệ ấy buộc phải cần ích cho nhơn sanh mới đặng, nên chi Thầy có dặn:
"Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài phải xem xét cho nghiêm nhặt, điều chi không thật hữu ích cho nhơn sanh thì Ðầu Sư không nên lập luật hay là phá luật".
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Giáo Tông buộc phải giao cho Chưởng Pháp xét nét trước khi phê chuẩn.
CHÚ GIẢI: Dầu cho luật lệ ấy đã thuận ý Giáo Tông đi nữa, thì Giáo Tông cũng không quyền phê chuẩn tức thì, nhưng buộc phải giao lại cho Chưởng Pháp xét nét trước đã.
Trên đã có định quyền cho Chưởng Pháp rằng: Các luật lệ chẳng đủ ba vị phê chuẩn thì luật lệ ấy không đặng phép ban hành.
Vậy thì Ðầu Sư và Giáo Tông chẳng đặng thuận tình với nhau mà trái nghịch cùng Pháp Chánh Truyền, hễ đôi bên chẳng do nơi Chưởng Pháp xét nét luật lệ thì là phạm pháp: Mà hễ phạm pháp thì dầu cho bực nào cũng khó tránh qua khỏi luật Tòa Tam Giáo.
Buộc Ðầu Sư phải tùng mạng lịnh của Giáo Tông truyền xuống mới đặng phép ban hành, nên Thầy nói:
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Chúng nó phải tuân mạng lịnh Giáo Tông, làm y như luật lệ Giáo Tông truyền dạy".
CHÚ GIẢI: Ðầu Sư chỉ có tuân mạng lịnh của Giáo Tông mà thôi, dầu cho Người, là người thay mặt cho Hiệp Thiên Ðài về phần luật lệ đi nữa, thì luật lệ ấy trước đã xét nét bởi Chưởng Pháp và phê chuẩn bởi Hiệp Thiên Ðài rồi, tức là luật lịnh của Hiệp Thiên Ðài sẵn định vào đó.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Như thảng luật lệ nào nghịch với sự sinh hoạt của nhơn sanh, thì chúng nó đặng cầu xin hủy bỏ.
CHÚ GIẢI: Chẳng nói là Tân Luật ngày nay mà thôi, nếu sau Tân Luật nầy mà trở nên Cựu Luật đi nữa, nếu nghịch với sự sanh hoạt của nhơn sanh thì Ðầu Sư cũng đặng phép nài xin hủy bỏ.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Thầy khuyên các con phải thương yêu nó giúp đỡ nó.
CHÚ GIẢI: Thầy nhủ lời khuyên cả Hội Thánh đôi bên để mắt vào trách nhậm nặng nề của Ðầu Sư mà thương yêu và giúp đỡ Người cho tròn phận sự.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Thầy dặn các con, như có điều chi cần yếu thì khá nài xin nơi nó.
CHÚ GIẢI: Thầy dặn cả chư Môn Ðệ của Thầy, ấy là toàn cả chúng sanh, như có điều chi cần yếu thì khá nài xin nơi Ðầu Sư; vì Người thay quyền cho Ðạo trọn vẹn nơi thế nầy.
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Ba chi tuy khác, chớ quyền lực như nhau.
CHÚ GIẢI: Ba chi của Ðạo là: Nho, Lão, Thích; ba chi tuy khác mà quyền lực vẫn so đồng, bởi tùng theo Tân Luật. Ấy là một thành ba mà ba cũng như một.
Ba vị Ðầu Sư không ai lớn, không ai nhỏ, Hay(1) quyền vốn đồng quyền, Luật Lệ nào của Giáo Tông truyền xuống hay là của nhơn sanh dâng lên mà đã có Chưởng Pháp và Hiệp Thiên Ðài phê chuẩn, thì dầu cho một người trong ba mà chịu vâng mạng thì Luật Lệ ấy cũng phải buộc ban hành. Hay..(1) Trừ ra khi nào ba người đồng không thể tuân mạng lịnh đặng, thì luật lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông; buộc Giáo Tông phải truyền xuống cho Chưởng Pháp xét nét lại nữa, Hay...(1) vì vậy mà Thầy nói:
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: "Như luật lệ nào Giáo Tông đã truyền dạy mà cả ba đều ký tên không tuân mạng, thì luật lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông, Giáo Tông truyền lịnh cho Chưởng Pháp xét nét lại nữa".
CHÚ GIẢI: Thầy đã nhứt định rằng: Nếu cả ba đồng ký tên không vâng mạng đặng, thì Thầy đã chắc chắn rằng luật lệ ấy quả nghịch với nhơn sanh; mà cần yếu hơn hết thì phải quyết định thế nào cho sự nghịch với nhơn sanh ấy cho có cớ hiển nhiên thì Ðầu Sư mới đặng phép nghịch mạng bề trên, cầu nài bác luật. Thảng có một người trong ba mà tuân mạng lịnh đặng thì cũng chưa quyết đoán rằng luật lệ ấy đã nghịch hẳn với nhơn sanh, mà hễ nếu chưa nghịch hẳn cùng nhơn sanh thì buộc phải ban hành.
Quyền hành ấy, nghiêm khắc nầy, nghĩ ra cũng quá đáng; vì Thánh ý muốn cho cả ba phải hiệp một mà thôi. Hay...(1).
PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Chúng nó có ba cái ấn riêng nhau; mỗi tờ giấy chi chi phải có ấn mới thi hành, nghe à!
CHÚ GIẢI: Ba ấn ấy là: Thái, Thượng, Ngọc; mỗi tờ giấy chi hễ định thi hành thì buộc phải có đủ ba ấn Ðầu Sư mới đặng.
Trước khi Ðầu Sư lãnh quyền chấp chánh buộc người phải lập minh thệ nơi Tòa Thánh, hằng giữ dạ vô tư hành đạo, y như Chức Sắc Hiệp Thiên Ðài đã lập thệ.
QUYỀN THỐNG NHỨT: Khi minh thệ rồi, Ðầu Sư đặng cầm quyền luôn cả và Chánh Trị cùng Luật Lệ.
Nhờ quyền lớn lao này; Ðầu Sư sẽ có đủ thệ lực mà ngăn ngừa tà quyền hại Ðạo. Thảng gặp cơn nguy biến mà ba Chánh Phối Sư không đủ sức chống ngăn, thì Ðầu Sư đặng dùng quyền thống nhứt ấy mà điều khiển Hội Thánh. Cả Chức Sắc Cửu Trùng Ðài và Hiệp Thiên Ðài phải phục mạng, dầu cho Giáo Tông và Hộ Pháp cũng phải vậy. Hay...(1).
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Ấy là lời khen của Ðức Lý Giáo Tông.
Bookmarks