1. Đại lão HT. Hư Vân tiếp nối mạch nguồn năm phái Thiền
Vào mùa hè năm giáp tuất, có các trưởng lão và cư sĩ từ núi Quy Sơn đến gặp Ngài ở tại chùa Nam Hoa, như trưởng lão Nam Ngạc Bảo Sanh, thủ tọa Cửu Thành Liễu Chiếu, cư sĩ Tế Khoan Huệ ở thành Trường Sa, v.v... Họ là những vị tuổi cao lạp lớn, được chư sơn trưởng lão cung kính tín nhiệm. Vì thấy tông môn không có người thừa kế, tổ đình xiêu sụp, hoang tàn, họ đồng quyết định, đến thỉnh mời Ngài qua núi Quy Sơn để trùng tu tự viện, cùng kế thừa và phục hồi tông Quy Ngưỡng, hầu mong mạch pháp năm tông phái của Thiền tông được nối tiếp dài lâu. Vì thật khó từ chối, nên Ngài phải nhận lời. Tra cứu kỹ càng, nhận biết tông này do tổ Linh Hựu khai sáng, rồi truyền đến đời thứ tư, thiền sư Tư Phúc Như Bảo. Từ đó, tận hết hai mươi chữ truyền tông Quy Ngưỡng. Cuối cùng là chữ “Diệu”, rồi không còn chữ nào tiếp dòng truyền. Song, theo sử sách thì dòng Quy Ngưỡng vẫn còn truyền đến hai ngài Tam Ngư Chí Khiêm và Hưng Dương Từ Đạt thuộc đời Tống, thì ngừng. Có thuyết nói rằng hai ngài là anh em, đồng thừa kế mạch phái từ thiền sư Báo Từ Đức Thiều, làm tổ thứ sáu của dòng Quy Ngưỡng. Có thuyết nói rằng thiền sư Chí Khiêm làm vị tổ thứ sáu, còn thiền sư Từ Đạt thì làm tổ thứ bảy. Hệ phái Quy Ngưỡng truyền thừa rất ít. Vì vậy, sau này không có chỗ căn cứ để kiểm nghiệm. Song, Ngài ghép nối pháp danh của thiền sư Từ Đạt với mình để trích diễn ra năm mươi chữ truyền tông phái, hầu mong hậu hiền tiếp nối không đứt đoạn. Kệ viết:
“Từ đức tuyên diễn đạo đại hưng
Giới đỉnh hình biến ngũ phân tân
Huệ diễm di bố châu sa giới
Hương vân phổ ấm xán cổ kim
Từ bi tế thế nguyện vô tận
Quang siêu nhật nguyệt lãng thái thanh
Chấn khai điểm hoa hoằng quy thượng
Viên tướng tâm đăng vĩnh xương minh”.
Dịch:
“Từ đức tuyên diễn hưng đại đạo
Hương giới tràn đầy khắp năm phần
Đuốc huệ chiếu soi khắp pháp giới
Mây hương bao trùm sáng cổ kim
Từ bi cứu thế nguyện vô tận
Sáng hơn nhật nguyệt trong xanh thẳm
Cầm hoa chấn khai, hoằng Quy Ngưỡng
Đuốc tâm tròn đầy mãi sáng soi”.
Lại nữa, khi ở chùa Nam Hoa, Ngài biết chốn tổ đình dòng Vân Môn, hương khói vô định, tức có lúc nối tiếp có lúc ngừng. Vì vậy, Ngài quyết tâm khôi phục lại dòng thiền Vân Môn. Kiểm lại dòng Vân Môn thì thấy rằng tông này phát khởi từ thiền sư Văn Yển, rồi truyền được mười một đời, cho đến thiền sư Kỷ Am Thâm Tịnh tại chùa Quang Hiếu, tỉnh Ôn Châu, thuộc triều Tống thì dừng. Dòng kệ từ tổ Văn Yển truyền đến đời thứ tám là Ưu Hồng Tăng, có hai mươi chữ. Sau này, không biết ai lại thêm vào hai mươi chữ truyền hệ phái. Vì vậy, cổ phái lại phân thành ba. Nay muốn kế tục hoằng truyền, nhưng Ngài lại không biết phải bắt đầu từ chữ nào. Do đó, phải dùng pháp danh của Ngài, ghép với thiền sư Thâm Tịnh, để viết ra năm mươi sáu chữ, hầu mong các bậc hiền sĩ đời sau tấn bước, truyền đăng vô tận. Kệ viết:
“Thâm diễn diệu minh diệu càn khôn
Trạm tịch hư hoài hải ấn dung
Thanh tịnh giác viên huyền trí cảnh
Huệ giám tinh chân đạo đức dung
Từ bi hỷ xả xương phổ hóa
Hoằng khai điểm hoa tích truyền đăng
Kế chấn Vân Môn quan nhất chỉ
Huệ trạch thương sanh pháp vũ long”.
Dịch:
“Thâm diễn diệu minh, sáng càn khôn
Lặng lẽ u hoài, hình hải ấn
Thanh tịnh viên giác, kính trí treo
Huệ giám tinh chân, dung đạo đức
Từ bi hỷ xả, xướng độ khắp
Cầm hoa hoằng khai, tiếp truyền đăng
Chấn thừa Vân Môn, chỉ nhất ải
Nguồn huệ dồi dào, mưa pháp tràn”.
Mùa xuân năm Quý Dậu, thiền sư Minh Trạm từ Trường Đinh đến Nam Hoa, bảo rằng vừa sáng lập núi Bát Bảo tại Trường Đinh, chí nguyện muốn tiếp nối dòng Pháp Nhãn. Không biết lý do gì, thiền sư Minh Trạm lại khẩn thỉnh Ngài cứu vãn dòng hệ Pháp Nhãn. Đáp lời của thiền sư Minh Trạm, Ngài nói:
- Tông này xuất phát tại núi Thanh Lương ở Kim Lăng, và bị thất truyền đã lâu, nên không dễ dàng mà khôi phục lại. Kể từ đời Tống, Nguyên, tiếp nối lưu truyền. Tra trong bộ điển tịch, thiền sư Văn-ích khai mở hệ phái, truyền được bảy đời, cho đến thiền sư Tường Phù Lương Khánh thì ngưng, nên không thể kiểm duyệt hệ phái được nữa. Từ thiền sư Văn-ích truyền đến thiền sư họ Quang đời thứ sáu, có hai mươi chữ. Sau này, không biết người nào lại thêm bốn mươi chữ. Tuy có hai phái, nhưng con cháu lại ngưng truyền. Tra lại hệ phái thì thấy rằng thiền sư Văn-ích xuất sanh ra quốc sư Đức Thiều ở núi Thiên Thai cùng thiền sư Thái Khâm tại núi Thanh Lương. Điều tra hệ phái thì có hai thuyết: Một là quốc sư Đức Thiều truyền xuống cho thiền sư Luơng Khánh. Một là thiền sư Thái Khâm truyền pháp xuống thiền sư Lương Khánh. Có nơi ghi bảy đời: “Ích, Thiều, Thọ, Thắng, Nguyên, Huệ, Lương”.
Có nơi ghi: “Ích, Khâm, Tề, Chiếu, Nguyên, Huệ, Lương”.
Nay muốn tiếp nối kế thừa, thật khó mà khảo chứng. Vì vậy, phải chọn ra hệ phái từ quốc sư Đức Thiều, rồi ghép pháp danh của Ngài cùng thiền sư Lương Khánh, mà viết ra dòng chữ hệ phái, để hậu hiền mãi mãi tiếp tục tương truyền huệ đăng.
Kệ viết:
“Lương hư bổn tịch thể vô lượng
Pháp giới thông dung quảng hàm tàng
Biến ấn xum la viên tự tại
Tắc không tình khí tổng chân thường
Duy tư thắng đức chiêu nhật nguyệt
Huệ đăng phổ chiếu động âm dương
Truyền tông Pháp Nhãn đại tương nghĩa
Quang huy địa cửu cố thiên trường”.
Dịch:
“Hư không lặng lẽ, thể không cùng
Pháp giới dung thông, chứa đầy tràn
Ấn khắp xum la, tròn tự tại
Tình khí lấp không, thảy chân thường
Duy mình thắng đức, sáng nhật nguyệt
Đuốc huệ chiếu khắp, thấu âm dương
Truyền tông Pháp Nhãn, tương nghĩa lớn
Rạng ngời khắp nơi, mãi dài lâu”.
Đại lão hòa thượng Hư Vân xuất gia tại núi Cổ Sơn. Từ đời Minh đến thời cận đại, hai tông Lâm Tế và Tào Động được tiếp nối tương truyền tại núi Cổ Sơn. Hòa thượng Diệu Liên dĩ nhiên là vị tiếp thừa hai tông Lâm Tế và Tào Động. Hòa thượng Diệu Liên truyền mạch pháp của hai tông này lại cho ngài Hư Vân.
Do đó, ngài Hư Vân làm vị tổ dòng Lâm Tế, đời thứ bốn mươi ba, và tổ dòng Tào Động, đời thứ bốn mươi bảy.
Dòng Quy Ngưỡng gần mấy trăm năm, không ai kế thừa. Do hòa thượng Bảo Sanh cùng chư sơn trưởng lão khẩn thỉnh, ngài Hư Vân làm vị tổ thứ tám, tính từ tổ khai sơn Quy Sơn Linh Hựu. Sau này, đại lão hòa thượng Hư Vân truyền lại cho đệ tử đắc pháp là ngài Độ Luân Tuyên Hóa (1918-1995), vị khai sơn chùa Vạn Phật Thánh Thành ở MỸ Quốc.
Dòng Pháp Nhãn đã bị thất truyền rất lâu. Do hòa thượng Thanh Trì và thiền sư Minh Trạm ở núi Bát Bảo khẩn thỉnh, ngài Hư Vân tiếp nối mạch pháp của thiền sư Lương Khánh, tức làm tổ sư dòng Pháp Nhãn, đời thứ tám.
Dòng Vân Môn cũng bị thất truyền đã lâu. Từ tổ khai sơn Văn Yển, truyền đến đời thứ mười một là thiền sư Kỷ Am Thâm Tịnh. Vì muốn trùng hưng mạch phái Vân Môn, ngài Hư Vân tiếp thừa tông phái, làm tổ thứ mười hai, sau thiền sư Kỷ Am Thâm Tịnh.
2. Nhân duyên của quyển Tăng Đính Phật Tổ Đạo Ảnh
Truy cứu từ đời Minh, bốn quyển Phật Tổ Đạo Ảnh do hai thầy Chân Tịch và Vân Phúc phát tâm sưu tập tất cả hình ảnh, pháp tướng, kệ cú của chư thánh tăng Ấn Độ và Trung Quốc, gồm có hai trăm bốn mươi tôn tượng, được lưu trữ tại tự viện núi Ngưu Thủ. Sau này, đại sư Hám Sơn tuyển chọn truyện tán; ngài Tử Bá khắc bản lưu truyền. Đời Thanh, niên hiệu Sùng Trinh, hòa thượng Vĩnh Giác tại chùa Dõng Tuyền, núi Cổ Sơn lại sưu tập thêm hơn một trăm ba mươi pháp tướng và kệ cú của chư Tổ Sư, rồi khắc bản lưu truyền, nhưng lâu ngày lại bị lạc mất hết. Niên hiệu Khang Hy, năm thứ tư, thầy Vi Lâm gom nhóm và bổ khuyết lại. Tất cả được một trăm hai mươi hai tôn tượng và kệ cú. Sau này được khắc in, gọi là bản Phật Tổ Đạo Ảnh.
Thời cận đại, khi trụ trì tại chùa Dõng Tuyền, ngài Hư Vân phát hiện bản trân bảo này. Nhận thấy bản Phật Tổ Đạo Ảnh rất có giá trị về lịch sử Thiền tông, nên Ngài trùng tân chỉnh lý. Ngài lại đi khắp nơi sưu tập các tư liệu về tông phái của chư Tổ Sư, thánh tăng Ấn Độ và Trung Quốc. Cộng chung với bản cũ và tư liệu sưu tập, tất cả hơn ba trăm ba mươi vị Tổ Sư. Do đó, Ngài thêm truyện kệ cú tán, rồi xuất bản thành bốn quyển, được gọi là Tăng Đính Phật Tổ Đạo Ảnh Truyện Tán.
Hiện nay, bốn quyển này được cố hòa thượng Tuyên Hóa, đệ tử truyền tâm ấn của đại lão hòa thượng Hư Vân, xuất bản tại chùa Vạn Phật Thánh Thành.
-ooOoo-