Thời buổi bây giờ những người đàn bà phải bươn chải làm ăn như đàn ông có vẻ hơi bị nhiều, họ là những “business woman” của thời đại mới. Công việc tạo cho họ cái phong cách tự tin và đĩnh đạc, nhưng không phải ai cũng giữ được cái nữ tính thiên phú. Thoáng nhìn cũng có thể nhận biết hai người mới vào không phải tầm thường, một người mặc cái đầm màu đỏ, cái áo khoác ngoài cũng màu đỏ, nom rực rỡ như đóa hoa Hải Đường, người kia lại mặc nguyên bộ đồ màu đen, cổ choàng một cái khăn trắng tạo nên một sự tương phản rất đặc biệt.
Sự xuất hiện của hai người này tạo cho căn phòng có vẻ trở nên trang trọng. Sáu Đá vội đánh nốt cơ cuối cùng, khi hai mệnh phụ này xuất hiện thì tay “chủ mỏ” đâu còn quan tâm đến ván đấu và ĐHC nữa, y tỏ vẻ khá săn đón hai người đàn bà này.
Bọn họ vội rủ nhau đi, kéo theo cả Mười Trí, ở cái xứ sở này làm ăn lớn thì tất phải mafia, chẳng có doanh nghiệp nào dám vỗ ngực xưng tên là mình trong sạch, tất cả bọn họ đều biết nhau quá rõ. Điều này cũng phải thôi, sống trong môi trường nước mặn thì cá bắt buộc phải là loài cá nước mặn. Hiển nhiên bọn Mười Trí đang cần huy động nhiều tỷ để củng cố thêm thực lực và để thâu gom các khu mỏ. Mối duyên giữa Quyền lực và Tiền bạc là một cần thiết hàng đầu của những thương vụ lớn.
ĐHC thong thả rửa tay ở cái bồn rửa cổ điển tuyệt đẹp, tấm gương được chiếu đèn sáng ngời ngời, dòng chữ “pour l’amour de moi” được trang trọng khắc theo kiểu chữ gothic, mạ vàng óng ánh – chủ nhân nơi này tỏ ra tinh tế trong từng chi tiết kiến trúc nhỏ, những nhà tư bản mặc áo khoác đỏ này bắt đầu tập tành thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao, bắt đầu đặt bàn chân nông dân sần sùi, thô ráp vào tấm thảm của sự quý phái.
Khoảng hơn mười giờ thì Mười Trí quay lại, y nói “bọn ngoài Bắc bị “chèo” theo dữ quá nên đổi địa điểm gặp ở Tây Ninh, bây giờ ta phải xuống đó trước, đến nơi thì bọn nó sẽ hẹn cụ thể sau”. Việc hẹn đi tới đi lui này làm Tư Hường có vẻ bực dọc, nhưng đã lỡ hứa giúp rồi thì cũng không bỏ được. Y tuy tài thật đấy nhưng trong thương trường thì cũng chỉ là con gà con so với con diều hâu Mười Trí.
Xe khởi hành ngay trong đêm cao nguyên giá lạnh và sao trời lấp lánh. Đường xuống dốc thật quanh co, một bên là vách núi sừng sững, một bên là vực núi sâu hun hút, băng đèo giờ này thật nguy hiểm nhưng thời gian đòi hỏi phải như vậy. Đến Tây Ninh thì mới hơn tám giờ, xe tạm ghé vào một quán ven đường để ăn sáng, nơi đây có một món ăn khá nổi tiếng là “bánh canh trảng bàng”, là món bánh canh giò heo ăn với nước mắm nhỉ có thêm chanh, ớt…
Ngày xửa ngày xưa, cái vùng đất “Pare aux éléphants” này chỉ có rừng rậm và thú dữ, những trảng bàng lác mênh mông, thủ phủ của một vương quốc đã bị tiêu diệt là Thủy Chân Lạp, bây giờ thì nơi đây đã trở thành những đường phố sầm uất, Thánh địa của đạo Cao Đài. Đó là một tôn giáo dung nạp nhiều nguồn tư tưởng với ý định tối cao là “hòa đồng tôn giáo”. Đối với con người, chấp nhận một cái gì đó giống mình thì quả là một điều dễ dàng, chấp nhận một cái gì khác hẳn mình thì mới là điều vô cùng khó, đúng ra chính điều đó mới thực sự gọi là “Sự Chấp Nhận”. Vì thế cuối cùng thì “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” cũng bị chia rẽ không kém gì các tôn giáo khác. Ai là người đam mê cầu cơ thì cũng biết Đạo Cao Đài được khai sinh bởi Cơ Bút và giảng truyền chân đạo, những kinh điển, nghi thức cúng kiến, những áng thi văn dạy Đạo được lưu truyền qua nhiều thế hệ, từ đông sang tây cũng đều qua Cơ Bút. Tòa Thánh Tây Ninh là một nơi rộng mênh mông, tôn nghiêm và ít người lạ lảng vảng ,ngay cả đám hình sự cũng ít bén mảng nên bọn bán đồ cổ quyết định dùng nơi đây để làm chỗ gặp mặt.
Bọn giang hồ đất Bắc này rất nguy hiểm, nhất là đám nhỏ tuổi, sẵn sàng “nổ” vì bất cứ chuyện gì. Nhiều thằng miệng búng ra sữa nhưng tuyên bố xanh rờn “Đời dân chơi không cần sai hay đúng, chỉ cần biết dùng...súng là Ok”