Cuối năm 1998, Khánh trắng đã bị xử tử hình và đồng bọn của hắn cũng đã bị pháp luật trừng trị, nhưng cho đến ngày hôm nay, vụ án này vẫn còn tính thời sự
Khoảng cuối năm 1995, một đồng nghiệp ở chương trình Công đoàn (Đài Truyền hình Việt Nam) rủ chúng tôi đi viết bài ca ngợi công tác làm từ thiện của "nghiệp đoàn" bốc xếp chợ Đồng Xuân do Dương Văn Khánh (tức Khánh “trắng”) làm Chủ tịch. Hồi ấy, việc làm từ thiện của các đơn vị, cá nhân còn hiếm lắm nên việc làm thiện của "nghiệp đoàn" này nổi như cồn. Khánh hẹn chúng tôi đến đoạn giữa phố Nguyễn Thiệp, sát gầm cầu Long Biên. Đây vừa là nhà ở của Khánh vừa là đại bản doanh của "nghiệp đoàn".
Đứng đợi ở trước cửa độ mươi phút, thấy Khánh cùng 3 vệ sĩ ngồi chỗm trệ trên chiếc xe Jeep, mui trần đỗ xịch trước cửa, nhanh nhẹn bước xuống, bắt tay từng người trong đoàn nhà báo chúng tôi. Thoáng nhìn, nom y cũng không đến nỗi nào, thậm chí trông có vẻ nho nhã, thư sinh, riêng bộ ria mép theo kiểu tướng ngụỵ Nguyễn Cao Kỳ đã rất ấn tượng. Giọng nhỏ nhẹ, Khánh giới thiệu hệ thống "nghiệp đoàn” của y có hơn 500 người, nhiệm vụ chính là bốc xếp, vận chuyển hàng hoá cho bà con buôn bán ở chợ Đồng Xuân (lúc đầu, năm 91, "nghiệp đoàn” này chỉ có vài chục người với mấy chiếc xích lô, sau đó số người xin vào làm đông quá nên Khánh "khoá sổ"). "Chủ tịch" Khánh bảo: "Ngoài nhiệm vụ trên, chúng tôi còn làm công tác uống nước, nhớ nguồn, chăm sóc các gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có hoàn cảnh neo đơn...". Nhìn xung quanh tường nhà, chúng tôi thấy treo la liệt giấy khen, bằng khen của các ngành, các cấp của thành phố. Một trợ lý của Khánh (chúng tôi không nhớ tên) khoe "thủ trưởng" của mình: "Anh Khánh sắp được "trên" giới thiệu là ra ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân thành phố khoá tới đấy! ". Rồi Khánh dẫn chúng tôi đi thị sát...
Sau này, chương trình truyền hình Công đoàn cùng nhiều báo bạn đã đưa nhiều phóng sự, tin, bài về "nghiệp đoàn" của Khánh trắng như một điển hình tiên tiến. Riêng chúng tôi, do bận nhiều việc khác nên chưa kịp có bài viết về "nghiệp đoàn" của y, thì vào giữa năm sau, năm 1996, Khánh trắng cùng hơn 20 đồng bọn bị bắt về nhiều tội danh (vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập ở một bài viết khác). Ở bài viết này, chỉ xin được nhắc lại vài câu chuyện không bình thường trong vụ án Khánh trắng. Tuy cuối năm 1998, Khánh trắng đã bị xử tử hình và đồng bọn của hắn cũng đã bị pháp luật trừng trị, nhưng cho đến ngày hôm nay, vụ án này vẫn còn tính thời sự.
Câu chuyện thứ nhất:
Hôm ấy, điều tra viên công an Hà Nội Nguyễn Ngọc Minh đến một quán rượu. Sau khi “nốc” cũng kha khá, viên sỹ quan cảnh sát này móc ở túi áo ra một tờ giấy có đóng dấu đỏ chót, vuốt đi, vuốt lại với giọng khàn khàn đọc to "Quyết định đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can" cho Đào Công Huy (bị can trong một vụ án hình sự) nghe.
Nghe xong, Huy ôm chầm lấy Minh, hết lời cảm ơn viên sỹ quan này, vì đã làm cho Huy và đồng bọn "hồi sinh". Tất nhiên, Huy không quên biếu ngay cho Minh một chiếc áo da trị giá 300 USD và hơn 2 triệu đồng để sáng mai viên sỹ quan này còn kịp đi nộp thuế trước bạ chiếc xe máy láng cóng vừa mua. Và Huy cũng không quên gửi kèm 2.000 USD để Minh... tiêu vặt. Chính cái sự "cảm ơn" này của Huy đã đưa Nguyễn Ngọc Minh ra trước vành móng ngựa, với 2 tội danh: "Làm sai lệch hồ sơ vụ án" và "Nhận hối lộ”. Chả là trước đấy, Đào Công Huy và 4 đối tượng khác đã ép 3 nữ tiếp viên và cháu Kim L (con của một nữ tiếp viên ở khách sạn Lạng Sơn, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) phải qua đêm với chúng. Khi vụ việc vỡ lở, Huy sợ bị xử lý về tội "Hiếp dâm trẻ em" (vì cháu Kim L là người vị thành niên) nên gia đình y đã nhờ Khánh trắng "can thiệp". Khánh trắng cười khểnh (tất nhiên là sau khi đã nhét tiền vào túi), bảo: "Chuyện nhỏ, cứ vô tư đi, anh sẽ giải quyết". Ngay lập tức, Khánh trắng cùng các vệ sĩ lên xe Jeep đến khách sạn, bảo với chủ khách sạn và mẹ con cháu Kim L rằng "biết điều thì im mồm, nếu không ngày mai chúng tao sẽ cho tất cả chúng mày lên bàn thờ ngồi mà ngắm hoa quả". Nghe vậy, mọi người kinh sợ, ngay tắp lự làm đơn bãi nại cho Huy. Tuy vậy, công an Hà Nội vẫn quyết định khởi tố vụ án và điều tra viên Nguyễn Ngọc Minh được giao thụ lý. Biết chuyện này, Khánh trắng bảo với Huy đến "làm việc" với Nguyễn Ngọc Minh và đã được Minh "giúp" bằng cách làm sai lệch hồ sơ vụ án... Và sau đó, Huy đã "thưởng công" cho Minh như đã nói ở trên. Không hiểu do vô tình hay kiểm tra không kỹ mà sau này cơ quan điều tra công an TP. Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra đối với bị can Đào Công Huy và đồng bọn.
Câu chuyện thứ hai:
Sau khi giao ban, các cảnh sát khu vực lại toả xuống địa bàn để làm nhiệm vụ. Nhưng sáng ấy (ngày 22/5/1996), sỹ quan Đoàn Ngọc Anh (cảnh sát khu vực công an phường Kim Mã) lại không xuống phố 326 và phố Sơn Tây (nơi Đoàn Ngọc Anh phụ trách) mà tới thẳng 71E Kim Mã để... đòi nợ ông Vũ Thanh Mạnh. Tại đây, gặp đúng lúc Khánh trắng và đàn em đang hội quân, chuẩn bị siết nợ ông Mạnh. Thay vì ngăn cản hành động vi phạm pháp luật sắp xảy ra thì Đoàn Ngọc Anh vội lao về nhà riêng, trút bỏ bộ sắc phục cảnh sát, khoác bộ thường phục (như vậy vẫn còn "tỉnh đòn" chán), rồi vội quay lại nhà Vũ Thanh Mạnh, để tranh thủ đòi nợ riêng. Sỹ quan cảnh sát Đoàn Ngọc Anh bảo với "chủ tịch nghiệp đoàn" Khánh trắng: "Lấy hết đồ đạc ở khách sạn này về, thì lão Mạnh còn gì để trả nợ cho tôi?". Thấy Khánh trắng đang còn ngần ngừ, Đoàn Ngọc Anh "bồi" tiếp: "Vậy thì số tài sản thu được này, chúng ta coi như của chung. Sau này đem hoá giá để trả nợ cho các thân chủ". Khánh trắng liền "ok". Tuy Khánh đã đồng ý như vậy, nhưng do cảm thấy vẫn chưa yên tâm, nên viên sỹ quan này vội đi cùng, áp tải... số tài sản vừa siết nợ về "tổng kho" của Khánh “trắng” để... thanh lý.
Cũng là đòi nợ nhưng sỹ quan cảnh sát Nguyễn Tiến Dũng, công an phường Kim Mã (dù không cho ông Mạnh - chủ khách sạn - vay trực tiếp mà là vợ Dũng cho vay số tiền là 5.100 USD) lại thay bộ cảnh phục ngay tại trụ sở công an phường. Sau khi khoác lên người bộ quần áo thường phục, Dũng liền phóng vèo xuống 71E Kim Mã để đòi. Khi ông Mạnh bảo không có tiền "tươi" ngay, thì Nguyễn Tiến Dũng, cũng như Đoàn Ngọc Anh, đã giúp cho Khánh “trắng” và đàn em siết nợ. Hậu quả là sau này, cả 2 viên sỹ quan công an đều phải lĩnh án về tội "Cướp tài sản công dân".
Câu chuyện thứ ba:
Thật ra, chủ nhân chính trong ngôi nhà 71E Kim Mã khi Khánh đến siết nợ là của ông Phạm Hải Long, không còn là nhà của ông Vũ Thanh Mạnh. Ông Long đã mua lại ngôi nhà này trước khi Khánh trắng đến siết nợ. Biết là vậy nhưng Khánh trắng và đồng bọn vẫn tìm đến. Ông Long trình bày mỏi cả mồm nhưng Khánh không nghe mà còn... doạ đánh. Ông này sợ quá chạy về nhà cũ lấy giấy tờ sở hữu rồi chạy lên công an quận Ba Đình kêu cứu. Hôm ấy, ông Long gặp đúng một viên sỹ quan ở đội an ninh tên là Phương đang ngồi ở phòng trực ban. Vị này đưa ông Long sang gặp một sĩ quan cảnh sát khác để giải quyết. Nhưng thật phũ phàng, vị sỹ quan này bảo: "Sao ông lại vượt cấp thế, cứ về công an phường báo, gửi đơn trực tiếp hay qua đường bưu điện đều được nhé. Nếu phường không giải quyết được thì lên đây chúng tôi mới giải quyết". Thật là hết chỗ nói! Sau này, ở phiên toà xử Khánh trắng và đồng bọn, chúng tôi tới dự, thấy có người khẩn khoản yêu cầu xem xét tư cách vị sỹ quan nọ nhưng buồn thay, toà lại không đả động gì đến yêu cầu chính đáng này!
Câu chuyện thứ tư:
Dù đã đi dự nhiều phiên toà nhưng chúng tôi chưa thấy phiên tòa nào lại vắng mặt nhiều nhân chứng, người có quyền lợi liên quan như ở phiên tòa xử Khánh “trắng” và đồng bọn. Có thể vì họ sợ liên lụy với "tập đoàn" tội phạm khét tiếng này chăng? Không hiểu, có phải vì vậy mà ông Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân khi ấy đã phải dùng lý do "dự lễ khai giảng năm học mới" để không đến dự toà hay vì ông đã "trót" trao quá nhiều bằng, giấy khen cho Khánh trắng nên sợ?. Ngay cả lãnh đạo cục thuế Hà Nội và 2 chi cục thuế các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm... cũng đều vắng có mặt trong những ngày xử đầu tiên. Chỉ đến ngày cuối cùng của phiên toà, khi buộc phải có mặt thì đại diện của 2 chi cục này mới đến dự. Nhưng khi được toà mời phát biểu thì những vị này lại không "dám" nhờ toà buộc Khánh trắng và "nghiệp đoàn" của y phải nộp lại số tiền thuế đã trốn (thu lợi tới 5, 57 tỷ đồng trong 4 năm mà Khánh chỉ khai với cơ quan thuế doanh thu gần 744 triệu đồng)!!!
- Bố của Khánh “trắng” có 3 đời vợ, mẹ của y cũng có 3 đời chồng. Vì vậy anh em nhà Khánh trắng có đến 3 dòng họ khác nhau. Bản thân Khánh “trắng” có 5 tiền án, tiền sự. Khởi đầu sự nghiệp là công nhân, sau Khánh bỏ việc, chuyển sang đạp xích lô, chở hàng thuê ở gầm cầu Long Biên. Khi đã "phất lên", Khánh cùng đàn em, "mặt đầy tiền án, trán đầy tiền sự" như Đức “chính uỷ”, Thành “săm”, Sơn “lùn”... định thành lập "nghiệp đoàn" bốc xếp.
- Liên tục từ năm 1991 đến tháng 5/1996, Khánh “trắng” và "tập đoàn" tội phạm của y đã gây ra hàng loạt vụ giết người, hiếp dâm, đâm thuê, chém mướn, trốn thuế trên địa bàn Hà Nội. Sau này, Khánh “trắng” và đồng bọn đã phải ra hầu toà về 4 tội: "Cướp tài sản công dân; "Giết người; "Che giấu tội phạm và Trốn thuế".
Bookmarks