SGTT.VN - Tuần qua, báo “tập trung oánh lễ hội”. Có mỗi một lễ hội không bị “oánh”, là ngày thơ, nhưng tin tức dành cho nó không nhiều. Báo nào cũng đưa đúng mấy hình – mà nếu dùng nhầm hình năm ngoái thì cũng không ai nhận ra – kèm theo miêu tả không khí không mấy sôi nổi. Từ đó mới thấy, thơ mình bao năm qua không đổi. Thơ không đổi nên lễ hội thơ không đổi, chỉ ngày càng già đi, chết trong sáo ngữ.
Năm nay, cái làm cho ngày thơ trông có vẻ rộn ràng không phải là nhờ thơ, mà nhờ… hệ thống đèn lồng treo ở cửa Văn Miếu.
Đèn lồng – cũng như thơ – bao lâu nay vẫn thế, chỉ khác là vì có hình dạng vừa xinh vừa vui nên xuất hiện chỗ nào thì cứu nguy cho cái không khí tẻ nhạt của chỗ đó – những chỗ nào cần tính văn hoá, tính dân tộc, tính lễ hội… mà chưa biết làm gì cho ra mấy tính ấy, như tiền sảnh của các khách sạn lớn, các trung tâm du lịch “cổ”, các nhà hàng có tên hay tiếng “xưa”… chẳng hạn (ngay ở chỗ đã văn hoá lắm rồi, dân tộc lắm rồi như đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn – Kiếp Bạc, Hải Dương, hay là trong lòng phố cổ Hà Nội, cũng thấy người ta treo lủng lẳng đèn lồng trước cửa).
Cũng chung ý đó nên đã có năm, ở thành phố được coi là mới mẻ, hiện đại, hội nhập như Sài Gòn cũng có đèn lồng đỏ treo rợp trên cây xanh của đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi. Không đợi đến đêm, ban ngày đèn cũng rực. Dân chúng thích thú đi dạo dưới đèn, chụp ảnh về đố nhau, “tao đang ở đâu?”.
Tết mấy năm trước, có tỉnh, thành còn có cả dãy phố hè nhau treo đèn lồng. Ý chẳng biết từ đâu, nhưng mỗi nhà nghe nói đã đóng tiền cho việc mua đèn lồng và mắc đường dây cho đồng bộ. Những chiếc đèn lồng được làm bằng vải màu đỏ và có những hoa văn độc đáo có các chữ phúc, lộc, thọ viết bằng tiếng Hoa. Ai cũng sung sướng ra mặt vì sau pháo, giờ nhờ có cái đèn lồng mà… ra không khí tết.
Nhưng mà bây giờ hết rồi, cái phong trào “không nằm trong chủ trương chỉ đạo” này bị dẹp rồi, là vì tuy không vi phạm pháp luật, tuy không ảnh hưởng gì về kinh tế nhưng mà… nó là văn hoá không thuần Việt. Nhìn vào phố đèn lồng như thế, chẳng biết ta hay Tàu. Trung tâm Sài Gòn cũng đã sửa, mấy tết gần đây thôi đèn lồng, chỉ thấy hoa mai xốp và chim én nhựa lượn giữa đèn dây xanh, dây đỏ, dây vàng.
Vậy cái đèn nào là thuần Việt?
Cái gì yếu tự nó chết, cái nào mạnh (không cần hô, gọi, cầu, ép) thì nó vẫn hiên ngang đứng đó.
Đèn trắng, vàng đầy đường mừng năm mới? Đèn xanh đỏ mừng Giáng sinh? Hay đèn… cầy lúc thành phố cúp điện thường xuyên? Trong phong trào cả nước đang đi tìm những cái “quốc” (quốc hoa, quốc phục, quốc sắc…) chưa thấy nghĩ đến quốc đăng?
Cũng phải thôi. Vì thưa, có tìm cũng chẳng thấy. Việt Nam mình không có đèn lồng cũng chẳng có đèn dây. Chỉ có một cái đèn là đèn ông sư xoay tròn, lắc lư vào Trung thu, giờ đã chết tức tưởi trước cái đèn bằng nhựa, có pin chớp nháy từ Trung Quốc mang sang rồi. Giờ đòi cái gì thuần để mà đấu với hai cái kia?
Nhưng mà nói thật, cuộc đấu tranh ấy, thấy dân tình chẳng ai còn hứng thú gì nữa, vì đã đến thời này rồi (cái thời mà chúng ta ra sức kêu gọi hưởng ứng “thế giới phẳng”), cái gì yếu tự nó chết, cái nào mạnh (không cần hô, gọi, cầu, ép) thì nó vẫn hiên ngang đứng đó.
Ví như, đèn lồng, dẹp ở đâu không cần biết, nhưng mà ở Lương Nhữ Học – quận 5, Sài Gòn thì vẫn sáng rực vào mỗi dịp Trung thu. Người ta vẫn rào rào ra đó mua đèn, coi đèn, chụp hình. Nhìn vào đó, vẫn vui vẻ gọi là phố Tàu giữa Sài Gòn. Sài Gòn không mất, phố Tàu cũng không mất. Và cũng đèn lồng như thế, treo thành cả dãy phố như thế, chúng ta vẫn gọi Hội An là phố cổ của Việt Nam. Hội An không mất. Việt Nam cũng không mất. Chúng ta chẳng phải lo gì chuyện này, vì cái phố cổ này, nếu không của Việt Nam thì là của ai?
Vậy nên, suy đi tính lại rồi, hoàn toàn yên tâm được, tết đến, có thể treo các đèn Âu đèn Mỹ. Như thế còn hơn cảnh quyết không về thăm nước, rồi đến ngày tết lủi thủi một mình ăn bánh chưng mua siêu thị Tàu ở quận 13.
Ch.e
Bookmarks