Lên đồng - văn hóa hay dị đoan?
Cập nhật lúc 28 AM, 23/02/2011

Cứ vào dịp lễ hội, hình thức lên đồng hay còn gọi là hầu đồng lại diễn ra một cách rôm rả. Tuy nhiên, theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, cần phải phổ biến rộng rãi vấn đề lên đồng tới công chúng để mọi người hiểu rõ hơn để tránh tình trạng lợi dụng để thu lợi bất chính.

Lên đồng là hình thức tín ngưỡng dân gian, rất phổ biến ở Việt Nam, châu Á và nhiều nước trên thế giới. Một số nước đã ghi nhận giá trị của hình thức tín ngưỡng dân gian này là di sản văn hóa phi vật thể như Kut ở Hàn Quốc, Shaman ở Indonesia và Shaman ở Mông Cổ. Lên đồng của Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử, đã được nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế nghiên cứu, giới thiệu và bảo tồn.

Bảo tàng sống của văn hóa Việt

“Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu”, TS Frank Proschan, nói.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng dân gian, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia và là nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, thì việc lên đồng hiện nay rất phổ biến ở Việt Nam và ngày càng phát triển mạnh. Lên đồng là bảo tàng sống của văn hóa Việt. Hình thức diễn xướng của lên đồng tích hợp những giá trị văn hóa rất lớn. Đây không phải là một tín ngưỡng độc lập mà là một nghi lễ của Đạo Mẫu của Việt Nam”.


Một buổi lên đồng.
Cũng theo vị GS này, lên đồng còn được xem là thứ hiện sinh. Đạo Mẫu và lên đồng thể hiện quan điểm về nhân sinh quan gắn với dân tộc. Đây là thứ tín ngưỡng thể hiện chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Tất cả các vị thần trong đạo Mẫu đều được lịch sử hóa. Đặc biệt, lên đồng còn có giá trị tri thức và là một hình thức chữa bệnh.

Có thể khẳng định, lên đồng ở Việt Nam là một di sản văn hóa phi vật thể rất đặc biệt. Theo GS Thịnh, trước đây đã có nhiều bạn bè quốc tế khuyên ông đưa lên đồng trình UNESCO và chắc chắn sẽ được công nhận, vì sự lôi cuốn của nó không kém những cái được công nhận thậm chí còn hơn. “Mặc dù vậy, tôi cho rằng chưa nên đưa lên đồng trình UNESCO, vì sự đồng thuận trong xã hội chưa nhiều. Mọi người hiểu về hầu đồng chưa rõ và còn bị lợi dụng nhiều và làm biến dạng. Phải khi nào người dân đồng thuận, quốc tế đồng thuận mới tốt được”, GS Thịnh cho biết.

Lên đồng có thể chữa được bệnh?

Hiện nay, bên cạnh hình thức lên theo đúng truyền thống, vẫn còn không ít những người lợi dụng hình thức này để thu lời bất chính. Không những thế, nhiều người khẳng định lên đồng có thể chữa được bệnh. Về vấn đề này, GS Thịnh khẳng định là đúng. Bởi chính ông đã có những nghiên cứu và thống kê. “Những trường hợp tôi đã thống kê, những người có căn số thường điên loạn, ốm đau không có chỗ nào chữa khỏi và sau khi lên đồng 100% đã khỏi. Tôi đã viết hẳn một chương trong cuốn sách Lên đồng để chứng minh điều đó hoàn toàn đúng, không có gì mê tín dị đoan. Tôi gọi lên đồng là cách họ tái hòa nhập với cộng đồng như một con người trong cộng đồng. Cấm lên đồng là một sai lầm”, GS Thịnh, cho biết.

Tuy nhiên, theo GS Thịnh, trong nghi lễ lên đồng, có người tốn rất nhiều tiền nhưng cũng có người tốn rất ít. Có những người lên đồng một buổi chỉ mất vài triệu đồng thôi nhưng có những người mất hàng trăm triệu đồng. Đó là quyền của mỗi người. Cái quan trọng là vận động sao cho người tham gia lên đồng có ý thức để không phung phí.

“Còn trong chuyện lợi dụng lên đồng để làm giàu, chúng ta cần uốn nắn, hạn chế. Chẳng hạn, có một bà đi buôn, đến hầu đồng có thể sẵn sàng bỏ ra 10 triệu để phát lộc, nhưng ngày mai tới mua hàng bà ấy lại tính toán từng xu, đó là tính cách của mỗi người”, ông Thịnh cho biết thêm.







Mạnh Trung