XII. TAM QUI (Les Trois Rapports)
Muốn giải rành nghĩa hai chữ tam qui, trước hết phải hiểu nghĩa ba chữ Phật, Pháp, Tăng. Có Thánh ngôn Ðức Chí Tôn dạy như vầy:
"Thầy khai Bát quái mà tác thành Càn khôn Thế giái, nên mới gọi Pháp. Pháp có mới sanh ra Càn khôn vạn vật, rồi mới có người, nên gọi là Tăng. Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Ðạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy".
Vậy thì Phật là Ðấng Tạo Hóa (Dieu), Pháp là Thế Giái (la Nature), Tăng là cả nhơn loại (l'Humanité).
1 -Qui y Phật là Tạo Hóa giao thông (Rapport avec Dieu).
2 -Qui y Pháp là Thế Giái giao thông (Rapport avec la Nature).
3 -Qui y Tăng là Nhơn loại giao thông (Rapport avec l'Humanité).
1. QUI Y PHẬT
Ðối với Ðấng Tạo Hóa ta phải hết lòng thờ phượng kính tin Ngài, vì Ngài là Ðấng gầy dựng Càn khôn, Thế giái, sanh ra nhơn loại cùng vạn vật khác. Thờ phượng Ngài là tỏ dấu biết ơn Ngài sanh chúng ta ra, kính tin Ngài vì Ngài là Ðấng tuyệt đối (l'Absolu) (*1) vô cùng biến hóa. Chẳng những bổn phận chúng ta là thờ phượng kính tin Ngài mà thôi, chúng ta lại còn phải noi theo lẽ Trời mới được (Thiên lý). Ðức háo sanh của Ðấng Tạo Hóa là thương đồng muôn loại, chở che nuôi dưỡng hết cả quần sanh, vận hành quảng đại mà không riêng, thi ân huệ mà không kể, Ðấng Tạo Hóa vẫn làm cái tiêu chuẩn pháp lý cho chúng ta, thì chúng ta phải coi theo mà bắt chước. Bắt chước Trời tức là giữ Ðạo Trời vậy.
2. QUI Y PHÁP
Vạn vật hữu sanh trên Thế giái chia ra là: thảo mộc, côn trùng, thú cầm, nhơn loại gọi là chúng sanh. Nhơn loại vẫn là bực tối linh hơn hết trong hàng chúng sanh. Cách nhơn loại giao thông sẽ bàn giải về khoản "Qui y Tăng”. Ðây xin luận về cách đối đãi với thảo mộc, thú cầm gọi là "Thế giái giao thông".
a) Ðối với thảo mộc: Gần đây có nhà bác sĩ Ấn Ðộ tên là Sir Bose mới thuyết minh rằng loài thảo mộc cũng biết cảm giác (biết đau đớn) như cầm thú và nhơn loại vậy. Nhà bác sĩ ấy đoán quả quyết rằng bộ thần kinh (bộ gân) của loài thảo mộc còn tiếp cảm mau lẹ hơn của loài người nữa. Ta thử động đến cây "mắc cở” thì nó xếp lá lại liền, mà xếp một cách rất lanh lẹ, tiếng Pháp gọi cây mắc cở là "la sensitive" nghĩa là cây biết cảm giác. Các loại thảo mộc khác cũng biết cảm giác như vậy, song sự cảm giác ấy, mắt thường ta khó thấy đặng. Ấy là một bằng cớ chứng chắc rằng loài thảo mộc đều biết cảm giác, tức là có một điểm thú hồn (âme animale).
Chúng ta dùng vật thực phần nhiều là ở nơi chất thảo mộc mà nuôi thân (*2) song luật Trời nghiêm cấm không cho vô cớ mà phá hại đến loài thảo mộc.
b) Ðối với thú cầm: Chúng ta chẳng những nương cậy nhau là nhờ có xã hội nhơn quần, mà còn phải cậy nơi sức lực của con ngoại vật nữa, như trâu cày, bò kéo, ngựa chở... Vậy nên đối với loài thú vật, chúng ta phải có một cái bổn phận riêng là:
1 - Chẳng nên đánh đập con ngoại vật vì nó cũng biết đau đớn như mình.
2 - Phải săn sóc nuôi dưỡng nó cho tử tế để đền đáp lấy công cực nhọc của chúng nó giúp đỡ ta.
3 - Chẳng nên hại mạng chúng nó vì chúng nó cũng đồng thọ một điểm linh quang của Ðấng Tạo Hóa như chúng ta vậy (xin xem lại bài luận về "Lòng bác ái").
3. QUI Y TĂNG
Qui y tăng là nhơn loại giao thông, nghĩa là bổn phận người đối với người vậy. Ðại khái bổn phận người đối với người chia ra nhiều bực là: đối với thân tộc họ hàng (ông bà, cha mẹ, bà con, chồng vợ, anh em), đối với quốc gia, xã hội cùng cả nhơn quần. Cả bổn phận ấy đều gom về một mối gọi là Nhơn Ðạo.
Tam qui vừa giải trước đó là tam qui đối với bên ngoài (extérieur) nên gọi là "Tam qui ngoại".
Ðối với bên trong, nghĩa là trong châu thân mình, lại có "Tam qui nội".
TAM QUI NỘI
Ðấng Tạo Hóa vẫn là Phật, dùng huyền diệu thiêng liêng gọi là Pháp mà phân tánh (hồn) cho nhơn loại, gọi là Tăng.
Luyện ngươn tinh cho trong sạch nhẹ nhàng đặng hiệp với ngươn khí gọi là Qui y Tăng.
Luyện Hậu Thiên Khí trở nên Tiên Thiên Chơn Khí, rồi dùng huyền diệu bí pháp đặng hiệp Khí với Thần, gọi là Qui y Pháp.
Luyện ngươn thần cho được thuần dương cho Âm Thần trở nên Dương Thần, hầu trở lại chỗ bổn nguyên là "Hư Vô chi Khí” đặng hiệp làm một với bổn nguyên Phật, gọi là Qui y Phật.
Nghĩa lý "Tam qui nội" rất xâu xa huyền bí, chỉ giải sơ lược ra đây vậy thôi. Ai thâm đạo lý rồi mới có thể thấu đáo rõ hơn được.
NGŨ GIÁI
(Xin xem Thánh Ngôn in thành quyển riêng) (1)
_____________________________________
(*1) Không vì Tiên Phật nào sánh bằng.
(*2) Có nhiều nhà tu giữ giái rất chín chắn đến đỗi ăn ròng trái cây và rau đậu mà thôi, nghĩa là giữ thể nào cho khỏi hại đến mạng sống của loài thảo mộc. Như ăn trái cây thì không hại đến mạng cây, còn ăn rau thì chỉ hái lấy ngọn mà dùng, là chủ ý để cho cây rau còn sống đặng.
(1) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.2: Bất sát sanh. Bất du đạo. Bất tà dâm. Bất ẩm tửu. Bất vọng ngữ,
HẾT
Bookmarks