VII. LÒNG BÁC ÁI
Trên mặt địa cầu nầy, nhơn loại phần nhiều cũng bởi cái lòng vị kỷ mà gây ra lắm điều bạo ngược. Kẻ tham trộm là bởi quí trọng của mình mà không quí trọng của thiên hạ, vì vậy nên tính lấy của người đặng bổ thêm của mình, yếu sức thì gạt lường trộm cắp, mạnh thế lại ép đè cướp giựt, có khi còn hại đến mạng người. Ăn thịt một con sanh vật là lấy huyết nhục nó để bồi bổ cho huyết nhục mình, tức là quí trọng sanh mạng mình mà không quí trọng sanh mạng nó vậy. Như hai đàng chiến đấu, bên nào cũng đem hết sức lực để tiêu diệt bên kia, thì đàng nào cũng quí trọng mạng mình mà không quí trọng sanh mạng bên nghịch. Cái lòng vị kỷ gia hại cho nhơn quần xã hội cốt yếu là vì thế.
Nay muốn tảo trừ các điều hại ấy, cần nhứt phải làm thế nào cho thiên hạ ai ai cũng có cái lòng bác ái. Bác ái là gì? Bác là rộng, ái là thương. Lòng bác ái tức là lòng thương rộng ra. Ta chẳng những thương ông bà, cha mẹ, vợ con cùng là thân tộc họ hàng, mà ta còn phải thương rộng ra cho đến cả nhơn loại, chẳng luận nước nào, dân tộc nào. Ta chẳng những thương cả nhơn loại, mà ta còn phải thương rộng ra cho tới cả loài sanh vật khác nữa.
1. TẠI SAO TA PHẢI THƯƠNG CẢ NHƠN LOẠI?
Trên mặt địa cầu nầy, nhơn loại sở dĩ chia ra nhiều nòi, nhiều giống là cũng tại nơi phong thổ, khí hậu mỗi xứ mỗi khác. Cũng bởi xứ nầy nóng nực, xứ kia lạnh lẽo, xứ nọ ấm áp nên mới có ra các sắc nhơn dân đen, trắng, vàng, vân vân. Song đó bất quá là khác nhau về hình thể bề ngoài, chớ về tinh thần thiêng liêng thì ai ai cũng đồng thọ nơi Ðấng Tạo Hóa một điểm linh quang (hồn) nhờ đó mà sanh hoạt, mà tri giác. Ðức Chí Tôn có dạy: "Thầy phân Thái cực ra Lưỡng nghi, Lưỡng nghi phân Tứ tượng. Tứ tượng biến Bát quái, Bát quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn khôn Thế giái. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm, gọi là chúng sanh.
Các con đủ hiểu rằng chi chi hữu sanh cũng do bởi Chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống, ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống. Vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận".
Lòng háo sanh của Ðức Chí Tôn đã là không cùng tận, chúng ta đây há không biết thuận theo thiên lý mà thương yêu cả nhơn loại như anh em một cha hay sao? Giữ được lòng bác ái như vậy, ắt khỏi phạm luật trời, tức là giữ Ðạo Trời, tức là biết thờ Trời vậy. Tiên Nho có câu: "Tồn tâm sở dĩ sự Thiên" là vậy đó.
2. TẠI SAO TA PHẢI THƯƠNG CẢ SANH VẬT?
Sanh vật vẫn là một phần trong chúng sanh, mà thương chúng sanh tất nhiên có thương cả sanh vật trong đấy. Cầm thú tuy không biết nói, chớ cũng biết đau đớn, thương yêu, tình nghĩa như mình. Kiếp này nó là con sanh vật, biết đâu kiếp sau nó không tấn hóa làm con người? Kiếp này ta làm được con người, biết đâu kiếp trước ta không phải là con sanh vật? Thế thì người và vật cũng đồng một loại, mà đồng loại phải thương nhau, vậy mới gọi là bác ái. Vì lòng bác ái nên nhà tôn giáo trọng việc phóng sanh mà cấm sát sanh. Cũng vì lòng bác ái mà các nhà luân lý xưa nay thảy đều khuyên đời không nên đánh đập, hủy hoại đến con ngoại vật. Bên nước Pháp có luật ngăn cấm việc tàn nhẫn ấy rất nghiêm. (Loi de Gramont).
Mình thương yêu người ắt được người thương yêu lại, mình giúp đỡ người ắt được người giúp đỡ lại, mình quí trọng người ắt được người quí trọng lại. Cứ bác ái xây vần như vậy, thì thế nào xã hội không được hòa bình, nhơn loại không được lắm điều hạnh phúc? Nhưng lòng người tỉ như mạch suối, nếu nước mạch chảy ra hoài mà trời không mưa xuống cho suối được nước thêm, e cho một ngày kia, suối ắt phải khô phải cạn. Lòng bác ái con người cũng cần phải có trời mưa xuống cho tươi nhuận, thấm đầm mới khỏi lo khô cạn. Mưa ấy tức là đạo đức vậy. Hễ người đủ đạo đức rồi, thì lòng bác ái chẳng hề xao lãng.
Tóm lại, nhơn loại biết thương lẫn nhau là nhờ có lòng bác ái. Lòng bác ái được bền vững là nhờ có đạo đức. Ðạo đức lại do nơi chí thành, chí thành lại là nền móng của tôn giáo vậy.
Bookmarks