IV. TU HÀNH

Nghe đến tiếng Tu, có người dường như sợ sệt, vì cho là một việc rất khó khăn khổ hạnh xưa nay chỉ để cho một ít người có căn phần riêng chi đó mới mong làm đặng. Cái quan niệm sai lầm như vậy làm cho nhiều người thuở nay đã có tu chút ít rồi mà tự mình không dè đến, lại còn có kẻ bao giờ đã thi thố lắm điều tội lỗi mà chẳng biết tìm phương tự hối. Nếu biết nghĩa lý chữ Tu rộng ra là dẹp hết tánh tình hư xấu, giồi lòng sửa nết để dọn mình cho trong sạch mà chuyên bề đạo đức, chớ không có điều chi buộc mình phải chịu khó khăn khổ hạnh, thì thiếu chi người dám tu, mà rồi kẻ dữ nào đã còn chút lương tâm tất có ngày cũng biết hồi tâm hướng thiện mà trở lại đường ngay nẻo thẳng.

Tu không buộc mình phải cạo đầu, mặc áo già, ở chùa tụng kinh gõ mõ mà đếm công. Quí chăng tại tâm đó thôi. Phương ngôn có câu: “Nhứt tu thị, nhị tu sơn”. Thế thì tu tại gia mà giữ tròn bổn phận, công phu còn hơn kẻ tu núi, là vì ở chốn phiền ba náo nhiệt mà đạo tâm bền vững chẳng nhiễm bợn nhơ, không khác nào hoa sen mọc chốn ô nê mà vượt lên tốt tươi trong sạch. Tu tại gia, mỗi người vừa lo được Nhơn đạo vừa lo được Thiên đạo, cũng bươn chải làm ăn như thường, song khác hơn người thường là ngoài giờ làm lụng, thay vì chơi bời vô ích, cờ bạc rượu trà, vân vân, cho tốn tiền sanh bịnh, mình lại để giờ rảnh ấy mà trau giồi đức hạnh, quan sát việc hành động mỗi ngày lại coi phải quấy thể nào, như lỡ có làm điều chi mình nghĩ ra biết là quấy, thì phải ăn năn sám hối hầu ngày sau đừng tái phạm. Trong giờ rảnh lại cần phải để lòng thanh tịnh mà di dưỡng tinh thần cùng tưởng Trời niệm Phật. Hễ thành tâm tưởng niệm, tự nhiên có Trời Phật độ cho, vì Trời Phật tại tâm chớ chẳng đâu xa.

Vẫn biết rằng tu hành còn có nhiều bực cao thượng khó khăn hơn nữa, nhưng đó là bực thượng thừa, chớ tu tại gia mà giữ cho tròn bổn phận một người cư sĩ, một bực tín đồ, tưởng lại người có lòng mộ đạo ai ai cũng tu được cả.

A. ÐIỀU CẦN ÍCH NHÃN TIỀN CỦA VIỆC TU HÀNH

Do theo sách luân lý học thuyết của các bực hiền triết Âu Châu làm ra, ta có thể đoán rằng những bực ấy thường đã nghiên cứu về luân lý một cách rất quang minh tiêm tất chẳng kém gì các bực tiên nho của ta. Thế thì văn minh Âu Châu, phần nhiều dầu cho xu hướng về vật chất, chớ cũng chú trọng về tinh thần vậy. Ngặt vì người mình hấp thọ cái văn minh ấy chỉ mới cảm cái hình thức (vật chất) mà thôi, chớ chưa thâm thúy đến chỗ tinh thần. Cho nên từ khi người Nam ta bỏ cựu theo tân mà được ảnh hưởng chút ít văn minh hình thức của Âu Châu, thì nền luân lý nước nhà xem chừng có chiều nghiêng đổ. Thành thử trong cuộc hành vi sanh hoạt, trăm ngàn hạnh phúc đều đắm đắm, đuối đuối cho mảnh hình hài xác thịt mà quên hẳn tinh thần, thậm chí có người chỉ chuyên tâm về đường vật chất mà thôi, cho rằng Thiên đường, Ðịa ngục là câu chuyện hoang đàng; thất phách, tam hồn là lời bịa đặt. Vì vậy nên hãy nghe đến việc "tụ khí ngưng thần", "trúc cơ luyện kỷ” lại nhăn mặt trề môi, cho là lối dị đoan mê hoặc. Song đó là quyền tư tưởng tự do của mọi người, chúng ta chỉ có thở than mà không nên biện bác. Thế tình đã vậy, chúng ta buộc phải giải bày cái công dụng cần ích nhãn tiền của việc tu hành cho rõ ràng đích xác, thế nào cho kẻ thiên lệch về phương vật chất cũng chẳng còn có lời chi chối cãi. Vả chăng, luật Ðạo buộc phải ăn chay giữ giái, lánh dữ theo lành. Giữ đặng vậy ắt thấy cái lợi nhãn tiền không sai. Ăn chay đã ít tốn kém, lại tiếp dưỡng thân mình tráng kiện (*1). Không tà dâm thì khỏi hao kém tinh thần, khỏi lo bịnh phong tình hoa liễu, trong gia đình khỏi xảy ra cái thảm trạng ghen tương để bỏ, ngoài xã hội lại khỏi gây thù kết oán. Không tham lam trộm cướp khỏi lo tù tội buộc ràng, không rượu thịt khỏi lo hao kém tinh thần, say sưa vất vả, không vọng ngữ, kẻ chuộng người tin, không cờ bạc khỏi lo thua kém, làm lành đòi bữa an tâm, gây dữ ghe ngày mang hại, vân vân… Ðó là lẽ cố nhiên ai ai cũng biết lựa phải giải luận dông dài.

Nhà luân lý, nhà giáo dục đều nhắc nhở hằng ngày, chẳng lựa chi đến nhà tôn giáo. Song le, nhà luân lý chẳng qua là chuyên về lý thuyết (théorie), nghĩa là chỉ bày cách thức phải làm, làm sao gọi là lành, là dữ, là phải, là quấy cho hoàn toàn nhơn cách ở đời, tức là định cái phương châm cho nhà giáo dục noi theo đó mà hóa dân, chớ sao bằng nhà tôn giáo là người đứng ra thiệt hành cái phương châm ấy để làm tiêu chuẩn, làm gương sống (exemple vivant) cho mọi người bắt chước. Muốn tỉ thí cho dễ hiểu hơn, thì nhà luân lý chẳng khác nào người vẽ họa đồ nhà (architecte), nhà giáo dục ví như anh thầu khoán (entrepreneur) do họa đồ mà chỉ vẽ cho dân thợ làm theo, còn nhà tôn giáo chính là dân thợ (ouvriers) đứng ra cất nhà vậy. Luân lý học, giáo dục học là lý thuyết, tôn giáo tức là thiệt hành (pratique). Tóm lại, đối với nền đạo đức, nhà tôn giáo vẫn có cái công hiệu trổi hơn nhà luân lý, nhà giáo dục bội phần.

Trước kia đã cho rằng nhà tôn giáo là một cái gương sống cho mọi người bắt chước, vậy tưởng cũng nên bàn giải coi nền tôn giáo hiện kim tức là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ vì đâu mà có cái ảnh hưởng rất long trọng ấy cho gia đình đức dục và cho xã hội đức dục.

1. ẢNH HƯỞNG CHO GIA ÐÌNH ÐỨC DỤC.

Vả, gia đình là nơi bắt đầu đào tạo nhơn cách. Trẻ con ví như hột giống, gia đình là vuông đất để gieo giống xuống, đức dục là phân tốt nhờ đó mà hột giống nảy nứt ra cây tươi, nhánh tốt. Mà ai là người đứng ra vun quén cho cây nhánh tốt tươi? Tức là kẻ làm cha mẹ trong gia đình đó vậy. Song kẻ ấy phần nhiều là không đủ tư cách nhà đức dục, tuy cũng có người hoàn toàn phẩm hạnh, học thức cao sâu, song lại bị gia đạo buộc ràng, bôn xu theo thế sự mà lập chước sanh nhai, cho đủ cơm ngày hai buổi theo cái thời đợi gạo châu củi quế nầy, không mấy người là rảnh rang để chăm nom un đúc tánh tình con trẻ, thành ra cái "đèn đức dục" nơi gia đình bảo sao không hết dầu mà sắp tắt? Ðương hồi ngọn đèn ấy bựt lên lần chót hầu sắp sửa tắt đi, may đâu lại có người đem dầu đến châm thêm, đoạn khêu cao ngọn lên cho sáng tỏ. Dầu ấy ở đâu? Người châm dầu, khêu ngọn ấy là ai? Dầu ấy tức là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, người ấy tức là chư Chức Sắc đã lãnh cái trách nhậm phổ thông nền Ðạo vậy.

Như vợ chồng có Ðạo mà giữ cho đúng đắn, thì đối với nhau vẫn có hai cái tình mật thiết, một là vì tình đồng tịch, đồng sàng, hai là vì chỗ đồng thuyền đồng đạo. Rồi hai đàng làm mô phạm lẫn cho nhau trong đường đạo, chồng có ý phui pha, sẵn có vợ nhắc chừng, vợ có dạ lãng xao, sẵn có chồng kềm thúc. Cái lạc thú trong gia đình nhơn đó mà được vững vàng miên viễn.

Phàm con cái đều là bắt chước theo cha mẹ trong việc cử chỉ hành vi. Cha mẹ đã có ít nhiều đạo đức, đã biết tu tâm dưỡng tánh, lẽ nào con cái không nhờ đó mà cảm hóa theo? Ấy vậy, hễ cha mẹ có đạo mà giữ cho chính chắn, thì tức là "gương sống" để cho trẻ con bắt chước vậy. Phương chi, mỗi lần cúng kiếng, toàn là tụng niệm kinh lành, lần lần nhựt nhu, nguyệt nhiễm, bảo sao con cái không cảm lấy điều lành mà trở nên lương thiện?

Lại nữa, người giữ Ðạo chính chắn trong nhà không bao giờ có những pho truyện phong tình hoa nguyệt, có chăng là chỉ có sách đạo, kinh lành vậy thôi, trẻ con đã khỏi cái nạn "dâm thơ dục quấy" mà lại còn được cảm giác lấy lời hay lẽ phải, ý tốt, gương lành. Tôn giáo có ảnh hưởng cho gia đình giáo dục cốt yếu là vì thế.

2. ẢNH HƯỞNG CHO XÃ HỘI GIÁO DỤC.

Thử xem trong một nhà trường kia, khi chưa tới giờ học, trừ ra một vài trò siêng năng biết lo ôn bài đọc sách, còn bao nhiêu thì là chơi bời, giỡn trửng nào là đánh nhà, bắn đạn, nào là rượt bắt lẫn nhau, nói năng cười cợt, không lo chi đến việc học hành, mà hễ nghe trống học giống lên, cả thảy đều bỏ hết việc chơi, im lìm lẳng lặng, xúm nhau sắp hàng, lớp nào theo lớp nấy đặng có vô mà học. Quí hóa thay mấy hồi trống lịnh! Chỉ có ít tiếng "thùng thùng …” mà đủ nhắc nhở cho cả học sanh biết lo tròn bổn phận.

Bây giờ ta lại xem qua cái "nhà trường xã hội". Trừ ra có một ít người đạo đức chuyên việc tu thân, còn bao nhiêu thì là đua chen theo đường sanh kế, nào là trục lợi đồ danh, nào là giành giựt lẫn nhau mạnh hơn yếu sút, không mấy ai nghĩ đến tiền căn cựu vị phòng lo việc tu hành. Nếu có tiếng trống chi để cảnh tỉnh lòng người, tưởng lại chẳng mấy ai mà không biết hồi tâm hướng thiện. Tiếng trống ấy tức là tiếng trống Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ vậy. Mới gióng lên vừa đặng bốn năm mà công hiệu rất nên to tát, cảm hóa ngót một triệu con người biết truy hối mà lo bề đạo đức. Số một triệu người ấy (*2) vừa làm mô phạm lẫn nhau vừa treo lên một cái gương sống để soi chung cho xã hội. Nhờ cái ảnh hưởng ấy mà xã hội Việt Nam sau nầy sẽ đằm thắm trong đường đạo đức.

B. TU HÀNH VẪN CÓ CÁI CÔNG HIỆU PHỦ ỦY LÒNG NGƯỜI

Một người kia, thuở nay chỉ có bo bo mưu lợi cho mình mà thi thố lắm tội ác: quanh năm cứ vụ tất đồng tiền, chỉ biết có mình mà không biết thiên hạ, chỉ riêng cầu hạnh phúc cho gia đình mình mà không đoái hoài đến xã hội. Trong cơn khoảng vắng canh tàn, là buổi tâm hồn được thảnh thơi, thơ thới, giá như người ấy biết hồi đầu suy nghĩ, xét đến từng cách mình đã thủ lợi, từng chước mình đã gạt người, thì có lẽ cũng lai láng tấm lòng truy hối. Ðó là lúc lương tâm bắt đầu trách cứ, vì vậy mà lo lo, ngại ngại, trên đầu sợ Thần minh, ngoài thẹn với thiên hạ, trong hổ với lương tâm. Nếu không phương pháp chi để phủ ủy cho tâm hồn an tịnh, thì bao nhiêu sự nghiệp tự mình đã gầy dựng ra, tưởng bất quá cũng là một món để làm cho trái tai, gai mắt vậy. Cái phương pháp huyền diệu ấy phải tìm đâu mà đặng? Tức là trong việc tu hành vậy. Có quyết chí tu hành là biết cải hóa tự tân (*3) bòn chen âm chất, tuy chưa ắt chuộc hết tội tình nghiệt ác buổi xưa, nhưng một ngày hành thiện là một ngày vui dạ an lòng, rồi tâm hồn cũng nhờ đó mà lần lần an ổn. Vả chăng tu hành là thuận theo thiên lý, mà xa đường nhơn dục, thì ác tâm lại hóa ra thiện tâm, tâm đã thiện niệm rồi, thần trí mới được an tịnh thảnh thơi mà đặt mình ra khỏi vòng thống khổ của lương tâm đã bấy lâu cắn rứt.

Một người khác thuở nay đã đem hết tài trí quyết lo cho vận mạng nước nhà, đã hiến trọn tấm thân hữu dụng cho xã hội đồng bào, nhưng gặp nhiều cảnh ngộ khó khăn trắc trở, trái ngược với tâm chí mình, thêm nỗi thế tình khe khắc, nay thị, mai phi, làm cho một đấng ưu thế, mẫn thời bỗng nhưng lại hóa ra người chán đời thất chí.

Lại một người nữa thuở nay đã phấn chí đua chen trong đường sanh kế, đã dụng hết tâm huyết để kinh dinh sự nghiệp với đời, song vì số phận chẳng may, khiến gặp nhiều tai biến bất kỳ mà phải ra thân suy sụp, làm cho một kẻ có chí lo lắng làm ăn bỗng nhưng lại hóa ra người thất vọng. Người thất vọng, kẻ chán đời! Ðối với kiếp sống thừa, thôi còn biết chi là phong thú? Nếu không có phương chi để phủ ủy lòng người trong cảnh ngộ khổ cùng như thế, e lắm khi họ cũng tính quấy làm liều. Cái phương pháp quí hóa ấy phải tìm đâu mà đặng? Tức là trong việc tu hành vậy. Vì tôn giáo vẫn có cái năng lực cảm hóa lòng người rất nên thần hiệu: nhờ biết đạo, con người mới rõ tại sao mình phải lao đao, lận đận, tại sao cõi đời là cõi tạm, cuộc danh lợi là cuộc phù vân, đặng cũng không mừng, mà mất cũng không nên tiếc. Nhờ vậy người khuẩn bức mới phủi được cả điều xót xa phiền não, tự đặt mình ra ngoài vòng bi khổ, thì tự nhiên tâm hồn được khuây khỏa an ổn.

Tóm lại, tôn giáo ví như giọt nước rưới mát cả thảo mộc, côn trùng, thú cầm, nhơn loại. Ðối với kẻ biết hồi tâm tự hối, đối với người thất chí chán đời, lao đao lận đận, tôn giáo vẫn có cái phương phủ ủy rất nên hiệu nghiệm vậy.

_________________________________

(*1) Trong một bài vắn tắt như vầy, tác giả không thể luận việc ăn chay cho được đích xác e ra khỏi phạm vi đi chăng? Vậy xin xem qua quyển sách "ĂN CHAY” thì rõ.
(*2) Trừ ra mấy người giả dối, mượn danh Ðạo để tính việc chẳng lành. Ðó bất quá là một vài con sâu mọt trong Ðạo mà không sớm thì muộn cũng bại lộ chơn hình cho thiên hạ ngó thấy. Vậy xin ai chớ vội thấy một ít người quấy đó mà cho cả người trong Ðạo là quấy hết.
(*3) Chừa lỗi cũ mà sửa mình lại cho trong sạch.